TTCT - Có một truyện cổ dân gian Nhật Bản như thế này: ngày xưa, ở làng nọ có tục lệ những người già không còn sức lao động, lại hay ốm đau sẽ được con cái địu lên núi bỏ lại để bớt gánh nặng. Cho đến một hôm, khi người cha đang đan chiếc sọt để địu bà nội lên núi bỏ lại thì đứa con nhìn thấy và nói: “Cha ơi, sau khi bỏ bà, cha nhớ mang cái sọt về để sau này con có cái dùng...”. Ảnh: Trọng Tùng Tinh thần bô lãoViện dưỡng lão cao cấp có cái tên gợi nhiều suy nghĩ - Diên Hồng. Hơn bảy thế kỷ trước, năm 1284, khi 60 vạn quân Nguyên Mông xâm lược bờ cõi Đại Việt, vua Trần vời các bô lão cả nước đến điện Diên Hồng để hỏi ý: “Nên hòa hay nên đánh?”. Các bô lão (mà khi đó tuổi thọ trung bình rất thấp, ngũ thập đã “tri thiên mệnh” rồi) sướng rơn, đồng thanh hô: “Đánh!”.Năm 2018, cái tên Diên Hồng lại được ai đó mang đặt cho một viện dưỡng lão, nơi mà những bô lão thế kỷ 21 đóng bỉm, chậm rãi quan sát thế giới từ trong phòng máy lạnh.Ảnh: Trọng Tùng Ở Diên Hồng dưỡng lão viện không có những cảnh bê bối như người ta thường thấy, hay có thể tưởng tượng ra về một trung tâm bảo trợ xã hội thiếu thốn. Để được lưu trú tại đây, ít nhất phải đóng 6 triệu đồng/tháng. Còn nếu muốn có một căn phòng nhỏ riêng biệt thì đóng 9 triệu đồng. Đó mới là tiền ăn ở.Điều dưỡng viên chăm sóc, bất cứ hạng mục nào phát sinh (từ khám chữa bệnh tới hộp bánh quy ăn vặt) đều tính tiền riêng. Bởi thế, đây là nơi của những người khá giả - bản thân họ hoặc con cái họ - an cư những ngày cuối đời. Cho nên cái buồn, nếu có, rất nguyên chất, không thể đổ tại hoàn cảnh khốn khó nào.“Nó tống mẹ vào đây con ạ!” - bà Sơn (1) sẽ nói ngay câu đấy khi bất kỳ ai hỏi bà về con cái. Chỉ có con gái độc nhất đã đi làm dâu nhà người nên khi chồng mất cách đây mấy năm, bà Sơn bỗng trở nên hoàn toàn cô độc.Dẫu đã thuê người giúp việc nhưng sau một cơn tai biến mạch máu não nghiêm trọng của mẹ, con gái bà Sơn quyết định đưa mẹ vào viện dưỡng lão. Bà Sơn công khai bày tỏ với mọi người sự bất mãn với hành động của con. Nhưng mỗi cuối tuần, khi con gái bà đưa cả gia đình vào thăm, bà Sơn lại vui vẻ hồ hởi như bình thường. Có lẽ sự phàn nàn chỉ là vì thể diện, còn thực tâm bà Sơn hiểu đó là một quyết định đúng và tốt cho bà.Mỗi tháng, con gái bà Sơn đóng viện phí cho mẹ hơn 7 triệu đồng, chưa kể tiền thuốc thang và đồ bổ dưỡng. Với số tiền đó, bà Sơn có điều dưỡng viên nâng giấc 24/24 giờ - rất cần thiết với những người có tiền sử tai biến. Rõ ràng câu chuyện ở đây không chỉ là tiền. Nhưng dẫu sao, cứ mỗi lần gia đình con gái vừa quay đi, bà Sơn lại sụt sùi. Vì nỗi vào đây bà không thắp hương được cho ông.Hầu hết bô lão trong Viện dưỡng lão Diên Hồng đều có chung tâm thế như bà Sơn. Họ không chấp nhận một giải pháp hưu trí chưa mấy phổ biến ở một quốc gia lễ giáo như Việt Nam là “bị tống vào viện”. Nhưng mặt khác, họ không giơ nắm đấm lên trời hô lớn mà làm gì vì chính họ cũng sợ sẽ làm đứt những nuột lạt cuối cùng với con cái.Ảnh: Trọng Tùng Ký gửi thị thànhSự hiếu thuận bây giờ là những cuộc ký gửi dài. Hàng triệu gia đình nông thôn bòn nhặt mọi thứ có được để con em đỗ đại học, ra trường kiếm việc làm và trụ lại các đô thị. Họ gọi đó là “thoát ly”. Thực ra, đó không khác một ký gửi không đảm bảo khi mà người ta gửi đi thứ quý giá nhất, không bao giờ muốn mất vĩnh viễn, nhưng cũng mong manh biết rằng từ đó đã không còn là thuộc về mình. Đại đa số cuộc thoát ly như thế chỉ để chục năm sau, những đứa con gãi đầu gãi tai khi bố mẹ lên thăm vì căn chung cư mua trả góp quá nhỏ để chứa nổi hai gia đình.Ảnh: Trọng Tùng Ở thành phố, sự ký gửi lại theo chiều ngược lại. Những đứa con ở lì với bố mẹ đến khi lập gia đình và rồi sung sướng giao cháu cho ông bà chăm nom. Thanh niên nổi loạn ở ngoài đường, rồi về nhà ăn tối và thay đồ để mẹ giặt.Còn cuối tuần, ở những quán cà phê trên phố, cảnh tượng quen thuộc là cặp vợ chồng trẻ dán mặt vào màn hình điện thoại, còn ông bà hết đẩy xe lại nựng cháu. Một đạo diễn nổi tiếng mới đây đã lên báo than phiền về nghịch lý này, xảy ra với chính gia đình ông. Đạo diễn gọi đó là sự lạm dụng và ông không thấy mình phải có trách nhiệm chăm bẵm những đứa trẻ đến hai lần trong đời, mỗi lần cách nhau 30 năm.Thế hệ 8X đã vào tuổi 40 và lứa 9X cũng đã đến tuổi kết hôn. Những ông bố bà mẹ bù đắp cho con sự thiếu thốn thời bao cấp, bây giờ mới chặc lưỡi giá như... Trong hai thập kỷ, kết cấu gia đình đã thay đổi tận gốc rễ. Và sự đòi hỏi được dung dưỡng đã sinh ra một thế hệ không những lệ thuộc, mà còn coi sự hỗ trợ của bố mẹ là đương nhiên.Mở tivi lên mà xem, những bộ phim, game show truyền hình ăn khách nhất đều xoay quanh gia đình và những phiên bản éo le của hiếu nghĩa. Ở đó, người ta phì cười khi một anh chàng đã “tam thập nhi lập” xịu mặt vì bị vợ và mẹ mắng như chém chả. Cũng ở đó, người ta thấy một nàng dâu cãi sa sả mẹ chồng để bảo vệ sự độc lập của vợ chồng. Và một bộ phim dài tập đang cực kỳ ăn khách lấy nhân vật trung tâm là một bà mẹ hãnh diện hết sức về con gái cả, vì cô đã lấy được anh chồng giàu.Chữ hiếu bây giờ đơn giản là giảm bớt gánh nặng dựa dẫm. Một thanh niên sớm đi làm, ở riêng và không xin tiền bố mẹ để cưới, đó chính là tấm gương hiếu thảo điển hình. Hiếu thuận, đó là sống riêng phận mình.Ảnh: Trọng Tùng Nếu không conBà giáo Hạnh đã 90 tuổi, vào Viện dưỡng lão Diên Hồng hơn năm. Sáng ngủ dậy, điều đầu tiên bà làm là chải đầu. Đến khi mái tóc bạc cắt ngắn chấm vai đã hoàn toàn vào nếp, bà chỉn chu vuốt ve sống áo rồi mới bước xuống giường.Mọi thứ xung quanh bà đều ngăn nắp đến từng chi tiết nhỏ. Ngay cả những chiếc dép đi trong nhà mà bà “sưu tầm” của những cụ khác ở trong viện cũng được bà cọ sạch và xếp ngay ngắn trên bàn. Nhưng cái lẫn của người già vẫn hiện ra ngộ nghĩnh, nơi cuối giường, ổ bánh mì ăn dở từ bữa trước đã cứng đanh, nằm lăn lóc.Còn bà Dung, năm nay đã thọ đến 88 tuổi, vẫn rất minh mẫn và khỏe mạnh. Năm ngoái, câu chuyện của bà nổi tiếng khắp cõi mạng khi bà tiết lộ với phóng viên truyền hình rằng mình mới ly dị chồng với lý do ông không bao giờ giúp bà rửa bát (cần hiểu rộng ra là giúp việc nhà). Không có được mụn con nào, đã vậy bà Dung phải chịu sự hắt hủi từ người con riêng của chồng.Ly dị, mang phần tài sản được chia đóng cả cho Viện Diên Hồng, bà Dung được ở trong phòng riêng với điều kiện chăm sóc tốt nhất. 50 năm cuộc đời, lần đầu tiên bà biết đến cảm giác được phục vụ và rất hài lòng với điều đó. Người phụ nữ ấy không chạnh lòng khi ai đó thở dài về chữ hiếu.■(1) Tên các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi. Tags: Viện dưỡng lãoViện Diên HồngTrung tâm bảo trợ xã hội
Thủ tướng: 'Chúng ta cứ đấu thầu nhưng cuối cùng quân xanh, quân đỏ, kỷ luật liên tục' THÀNH CHUNG 23/11/2024 Thủ tướng chia sẻ hoạt động doanh nghiệp nhà nước phải theo quy luật thị trường, giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính.
Nhiều ngân hàng thu đậm trở lại từ bán chéo bảo hiểm BÌNH KHÁNH 23/11/2024 Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tốt trở lại ở mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Đây là tín hiệu tích cực trở lại đối với kênh bancassurance (bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng) sau thời gian gặp nhiều khó khăn.
Vụ 2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali: Luật sư nói về khả năng vi phạm pháp luật HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng. Việc này có vi phạm pháp luật?
Chủ tịch TP Hội An nói gì về thông tin chung chi 1,6-1,8 tỉ đồng mỗi suất xích lô, ghe du lịch? LINH TRANG 23/11/2024 Một tài khoản Facebook vừa đăng tải clip người đàn ông tự cầm điện thoại selfie ở Hội An. Trong clip người này nói "nghe được thông tin mỗi suất đạp xích lô, chèo ghe bơi có giá 1,6-1,8 tỉ đồng".