Tình yêu của ông tôi

NGUYỄN THỊ HẠNH WEIGL 16/04/2011 23:04 GMT+7

TTCT - Không có mối tình nào đẹp hơn mối tình của ông bà nội tôi. Hay phải nói đúng hơn, không có tình yêu nào đẹp và trọn vẹn hơn tình yêu ông nội dành cho bà nội tôi.

LTS: Câu chuyện cuộc sống trên TTCT số này giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Thị Hạnh Weigl, con gái nuôi của nhà thơ cựu binh Mỹ Bruce Weigl (tác giả: Sau mưa thôi nã đạn đã dịch sang tiếng Việt), về một tình yêu “vô điều kiện, trọn vẹn và thanh khiết” nhất.

Phóng to
Ông bà Al và Zora Weigl cùng Hạnh - Ảnh tác giả cung cấp

1. Ông tôi năm nay 83 tuổi. Dáng ông cao như chiều cao của bố tôi - nhà thơ Bruce Weigl. Dù đã bạc mấy năm nay, tóc ông vẫn khỏe, quăn như những làn sóng khi gió chiều hôn mạnh lên mặt nước sông Erie của bang Ohio.

“Nhìn vào ông tôi, tôi đã thay đổi quan niệm, có cách nhìn khác hơn và tin tưởng hơn về những tình yêu cổ tích”

Sau bao nhiêu lần tai nạn khi làm vườn và làm thợ mộc trong gara - nơi ông đã chế tạo các loại tủ, cửa, chuồng chim và cả một lâu đài búp bê tặng tôi hồi mới sang Mỹ, ông phải chống gậy và tập tễnh đi với rất nhiều khó khăn. Lâu đài búp bê bằng gỗ ông đóng tặng tôi hồi đó cao hơn cả người tôi với đầy đủ tiện nghi như thảm, nệm, bát, chén và bồn tắm do bà nội tôi tự tay làm. Đó là kỷ niệm đẹp nhất tôi nhớ về ông bà nội.

Ngày tôi mới sang Mỹ làm con nuôi, ông bà Al và Zora Weigl đã đón chào tôi với lâu đài búp bê gỗ mà tôi cảm tưởng rộng lớn hơn cả túp lều đất nơi tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam.

Gia đình cả hai bên nội ngoại ở Mỹ của tôi chỉ có mỗi tôi là út và là con gái. Tôi dám khẳng định bố mẹ tôi nhận tôi làm con nuôi không chỉ với lý do bố tôi có mối quan hệ và dĩ vãng đặc biệt với Việt Nam, mà cũng một phần do từ bấy lâu nay ông bà nội tôi hằng ao ước có một đứa cháu gái. Vì vậy hồi mới sang Mỹ, ông bà tôi cứ không thôi tặng quà bánh, búp bê đủ loại và quần áo hồng, đỏ sặc sỡ.

Đến khi tôi 17 hay 18 tuổi, các món quà đó vẫn không ngừng và không thay đổi theo thời gian hay độ tuổi, vẫn cứ búp bê hồng, đỏ; những vòng nhẫn nhựa lấp lánh của trẻ con. Tôi không bao giờ dám chê những món quà đó của ông bà. Trong ánh mắt ông và bà, tôi vẫn mãi là đứa cháu gái 8 tuổi, ngơ ngác trong vòng tay của họ khi vừa sang Mỹ.

Tôi không biết nhiều về cuộc sống thời trai trẻ của ông hay về thời thiếu nữ của bà. Nhưng qua những tập ảnh gia đình, tôi được biết hồi đó ông tôi hết sức đẹp trai và bà tôi cũng không ít người theo đuổi. Dù đã 83 tuổi, cứ ai nhìn vào gương mặt ông vẫn có thể đoán được thuở ấy ông tôi thu hút đến mức độ nào. Sau khi tham gia Chiến tranh thế giới thứ 2, ông tôi trở lại thành phố Lorain để làm việc ở xưởng thép và sau này làm nghề bán hàng. Ông kể với tôi rằng cuộc sống vất vả của ông trở nên tuyệt đẹp kể từ ngày ông gặp bà.

2. Thuở ấy bà hơn ông một tuổi và đã có người yêu. Trong một buổi tiệc nhảy, ông đã nhìn thấy bà ở bên kia căn phòng. Lập tức, ông quay sang nói với bạn: “Cậu thấy cô gái đó không? Cô ấy sẽ là vợ tương lai của mình”.

Và bắt đầu từ đó ông tôi thường xuyên đến thăm bà dù ban đầu bà tôi khăng khăng từ chối. Sau một thời gian dài, ông mới chinh phục được bà và cứ cuối tuần họ lại ngồi ở hành lang nhà bà trò chuyện với một ly đá chanh trên tay. Lúc đó, bố mẹ bà thường ngồi đằng sau quan sát.

Những tưởng tình yêu có thể đẹp vĩnh cửu, nhưng bà tôi đã phải vào sống trong viện an dưỡng hơn hai năm nay. Bà bị bệnh mất trí nhớ (Alzheimer) quá nặng và ông không đủ sức chăm sóc bà. Giờ đã ra trường, tôi thi thoảng vẫn đến thăm đồng thời để sửa máy vi tính cho ông. Lần nào cũng như lần nào, tôi không quên hỏi ông về mọi chuyện.

Ông rất thích kể chuyện cho tôi nghe, nhất là về tình yêu của ông bà. Và câu chuyện đó bao giờ cũng bắt đầu với buổi gặp gỡ đầu tiên của ông và bà, rằng bà tôi đã ghét ông tôi đến mức nào, rằng bà đã có người yêu, rằng ông còn quá trẻ con, hết sức khoe khoang và kiêu hãnh. Ông tôi luôn lắc đầu mỉm cười mỗi khi nhắc lại những chi tiết đó.

“Ông à, sao ông biết người đó là một nửa của mình mà không phải mối tình trong giây lát?”.

“Cháu sẽ biết ngay từ giây phút ban đầu”.

Theo ông, tình yêu của ông dành cho bà thật sự đã bắt đầu từ ánh mắt đầu tiên. Với tôi, vào thời đại này tôi đã không tin vào những tình yêu cổ tích như thế. Với tôi, tình yêu phải có tiêu chuẩn, cần thời gian, phải bù đắp, phải xây đắp, phải hi sinh. Làm sao có thể biết được đó là một nửa của mình chỉ qua một ánh nhìn?

Nhưng thời gian và hành động của ông đã minh chứng rằng trên thế giới tồn tại một thứ tình yêu thanh khiết, như của Ngạn dành cho Hà Lan trong chuyện dài Mắt biếc của Nguyễn Nhật Ánh, hay của Florentino Ariza dành cho Fermina Daza trong tiểu thuyết Tình yêu thời thổ tả (Love in the time of cholera) của nhà văn người Columbia Gabriel García Márquez.

Phải thú nhận rằng lần đầu đọc hai quyển sách đó tôi thấy bực bội, cảm thấy nó dài lê thê, không thật với tình yêu ngoài đời. Tôi cũng cảm thấy tình yêu đó có chút ít ích kỷ và lãng mạn từ phía người đàn ông. Giờ đây nhìn vào ông tôi, tôi đã thay đổi quan niệm, có cách nhìn khác hơn và tin tưởng hơn về những tình yêu cổ tích đó.

3. Vài năm trước, khi tôi đang học trên lớp, mẹ tôi gọi điện báo tin ông sẽ phải rời xa bà nội vì bệnh mất trí nhớ của bà trở nên quá nặng. Lúc đó, gia đình tôi mới hay rằng căn bệnh đã phát sinh từ hồi bà tôi 50 tuổi và ông tôi đã giấu suốt 30 năm, đến lúc bản thân ông không còn khả năng tự chăm sóc bà nữa. Nếu hôm đó không xảy ra, nếu hôm ấy bà không tỉnh giấc bên cạnh ông và hoảng hốt chạy sang nhà hàng xóm bảo rằng có một gã đàn ông lạ đang nằm cạnh bà và gia đình tôi đã không biết để can thiệp, đưa bà vào viện an dưỡng thì có lẽ ông sẽ không bao giờ chịu để bà đi.

Sau này đến thăm ông, những lúc hai ông cháu tâm sự, tôi đều chứng kiến những giọt nước mắt dằn vặt của ông. Ông luôn bảo rằng ông có lỗi vì đã không giữ được lời hứa với bà khi bà vẫn còn minh mẫn. Vì chị ruột bà cũng bị bệnh Alzheimer, bà sẵn biết khi căn bệnh bắt đầu phát sinh, Alzheimer sẽ như con sâu ăn dần vào trí óc và tâm hồn bà. Nhưng dù vậy, bà tôi vẫn bắt ông hứa không được bỏ rơi và tuyệt đối không được đưa bà vào viện an dưỡng - nơi ông đã hằng tuần đưa bà đi thăm chị ruột, người không còn nhận ra em gái mình là ai.

Ông tôi đã hứa và không giữ được lời hứa đó. Ở tuổi 83, lẽ ra ông tôi phải được thanh thản hưởng lộc cuộc đời, nhưng tôi thấy ông thường xuyên rơi lệ, thấy ông phải tìm đến bác sĩ tâm lý, phải chứng kiến ông tìm đến thuốc an thần.

4. Kể từ ngày bà vào viện, cứ sáu ngày một tuần, ông với chiếc gậy chống tập tễnh bước lên xe từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều để đi thăm người yêu, để được ngó nhìn bà, để được nắm tay bà suốt chín tiếng dài đó, để vuốt ve má và vuốt tóc bà, để được hôn lên má và đút cơm cho bà ăn hằng ngày. Tới giờ, bà tôi không còn biết người đàn ông cạnh bà hằng ngày là ai, không còn nhận ra con cháu mình là ai, hoặc mình đang ở viện an dưỡng hay ở nhà.

Thi thoảng tôi đến thăm và thấy bà tôi ngơ ngác quay sang nhìn ông hỏi: “Ông là ai? Ông là bạn tốt, nhưng ông hãy đi đi, chồng tôi sắp về!”. Lúc đó lòng tôi quặn đau nhưng cố mỉm cười để ông không cảm thấy đau lòng hơn nữa.

Dù mưa hay nắng, tuyết rơi hay bão nổi, hằng ngày ông tôi vẫn cứ cặm cụi lái xe trên một quãng đường dài 20 phút để không lỡ hẹn với bà. Và cứ khi nào muốn mời ông đi ăn, tôi phải nhớ ngày nghỉ duy nhất của ông trong cả tuần là chủ nhật. Ông tôi sẽ không đi đâu, không lập kế hoạch gì với bất cứ ai trong sáu ngày của bà tôi vì ông không muốn phụ lòng bà tôi lần nữa.

Đó là tình yêu ông nội tôi dành cho bà nội tôi hôm nay. Tình yêu của hôm qua đã thay đổi và tình yêu của hôm nay lớn hơn cả đại dương: vô điều kiện như tình mẫu tử và hơn cả thể xác hay tâm hồn. Nó chỉ đơn giản là tình yêu trọn vẹn nhất và thanh khiết nhất.

Dù tóc ông đã bạc và dù bà tôi đã không còn biết người đàn ông chung thủy đang ở bên cạnh mình là ai, ông tôi vẫn yêu bà bằng trái tim của một thời thanh xuân. Ông khiến tôi vẫn có thể tin vào tình yêu và sức mạnh của nó. Ông khiến tôi tin rằng ở thời đại bây giờ dù khó khăn và hiếm có đến đâu đi nữa, đàn ông như ông tôi vẫn tồn tại trên thế gian này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận