TTCT - Dòng sông là của cộng đồng, nên phải quy hoạch sông thành không gian mở để cho càng nhiều người tiếp cận, kết nối thân thiện và thuận tiện thì càng tốt. Khi quy hoạch khu vực hai bên sông, nguyên lý đầu tiên là tạo cơ hội tiếp cận sông lớn nhất cho cộng đồng TP và cho khu vực nằm sau lưng mặt tiền sông. Vì vậy không chỉ quy hoạch những dải đất ven sông, mà cả những tuyến đường kết nối ra sông. Ranh giới quy hoạch có thể từ 50-200m bám theo sông và thêm 10 phút đi bộ tính từ bờ sông (khoảng 800m) ra những tuyến đường đâm thẳng góc với dòng sông. Như quy hoạch ven sông Sài Gòn không thể tách rời đối với những tuyến đường như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng và những tuyến đường tương tự trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây là những tuyến đường tiện lợi cho những người đi bộ và giao thông công cộng đi ra phía sông, tạo cơ hội cho phát triển rất lớn. Nhận ra sai lầm và phá bỏ Tối kỵ trong quy hoạch hai bên sông là tình trạng cho phép cao tầng hóa bám theo sông, tạo thành một bức tường bêtông chắn tầm nhìn và chắn gió vào bên trong. Đáng tiếc là hiện nay điều này lại đang hoặc sắp xảy ra không chỉ với sông Sài Gòn ở TP.HCM, mà còn với sông Hàn ở Đà Nẵng, sông Hồng ở Hà Nội. Những cao ốc 50-70 tầng chạy dài bám dọc sông trông rất phản cảm, chỉ làm lợi cho các dự án cao tầng ven sông, bất chấp lợi ích chung của rất nhiều người dân ở những khu vực sau lưng nó. Những đề xuất tương tự ở nhiều nước trên thế giới thường bị người dân phản đối. Quy hoạch có thể không cấm cao tầng bên sông, nhưng nên tổ chức thành từng cụm cách xa nhau để có khoảng hở cho gió đi vào bên trong, tạo độ thông thoáng. Để khuyến khích người đi bộ, hạn chế xe cộ đi lại thì các quy hoạch khu ven sông luôn phải tổ chức giao thông công cộng thật hợp lý. Nếu xe đi lại nhiều ở đường ven sông và những con đường thẳng góc với bờ sông sẽ tăng kẹt xe, gây khó khăn đi lại cho người đi bộ, ô nhiễm và không an toàn. Còn nếu xây cầu vượt sẽ làm xấu cảnh quan. Đường giao thông cao tốc bám sát bờ sông và chạy suốt vài chục cây số bờ sông từ huyện Củ Chi tới Q.1 (TP.HCM) như một công ty đang đề xuất cũng là điều tối kỵ trong quy hoạch ven sông, vì sẽ ngăn cách đô thị với con sông. Ở các nước, đó là xu hướng của nhiều dự án trong những năm 1970, nhưng không lâu sau đó họ đã nhận ra sai lầm và phá bỏ hầu hết. Quy hoạch con đường ven sông không nên làm đường cao tốc, mà nên tổ chức thành những tuyến đường cảnh quan, có những đoạn ra gần sông xen lẫn những đoạn đi xa ra để khu vực ven sông phát triển. Khi nói đến dòng sông thì không quên những cây cầu. Không gian ven sông là không gian công cộng rất đẹp và sông Sài Gòn có đặc điểm lòng sông đoạn đi qua trung tâm TP khá đẹp và hẹp, giống sông Seine của Paris (Pháp). Hiện các cảng của TP.HCM đã dời ra Cát Lái, không có tàu lớn vô trong nội thành, do đó cầu qua sông đoạn nối khu trung tâm hiện hữu với khu Thủ Thiêm nằm hai bên bờ sông đừng làm quá cao như cầu Nguyễn Hữu Cảnh, mà chỉ cần cầu có tĩnh không thấp, làm tăng độ thân thiện của dòng sông, phía dưới chỉ chừa vừa đủ cho các tàu du lịch. Có thể không cần xây cầu đi bộ nữa, mà làm thêm hai cây cầu nối sang Thủ Thiêm, một từ đường Đồng Khởi hoặc Hai Bà Trưng, một từ đường Hàm Nghi hoặc Nguyễn Huệ, để người dân chỉ cần đi bộ 5 phút là có thể từ trung tâm TP đến Thủ Thiêm và ngược lại. Khi đó, khu vực đất tại Thủ Thiêm sẽ tăng nhanh giá trị không kém phía Q.1, giúp kích thích xây dựng các dự án cao tầng cho khu trung tâm kinh tế tài chính và hành chính tại Thủ Thiêm trong một thập niên. Cầu cần thiết kế đẹp, nhưng đừng xem mỗi cầu là một dự án riêng, không tính đến sự phù hợp tổng thể chung về hình khối và chiều cao, như cầu Rồng và cầu dây văng Trần Thị Lý ở Đà Nẵng gần nhau nhìn rất rối mắt. Cần thiết kế cầu hài hòa trong tổng thể của toàn khu vực: có cái vươn cao, hình tượng thật đẹp nhưng cũng có cái bình lặng, chỉ là một vòng cung đơn giản bắc qua sông, sao cho không gian của những cây cầu không tranh chấp nhau. Một người đàn ông tập thể dục trên cầu Long Biên (Hà Nội), phía dưới là khu vực bãi bồi của sông Hồng, nhiều người dân đã tận dụng quỹ đất này để trồng hoa màu -Nguyễn Khánh Thiếu không gian mặt nước TP.HCM hiện rất thiếu không gian mặt nước cho những lễ hội, vì vậy quy hoạch dòng sông phải chú ý đến điểm này. Thiết kế cảnh quan ven sông phải có sự tham gia của kiến trúc sư cảnh quan để họ tính xem nên trồng cây gì, ở đâu, chỗ nào cao, chỗ nào thấp, cao độ của đường đi bộ ven sông cũng có chỗ lên - xuống và cả những công trình lớn nhỏ phục vụ khách như sạp báo, quầy cà phê, nhà vọng cảnh, trạm xe điện, bến sông... Những dự án này kết nối với những cây cầu thành không gian tổng thể thống nhất. Để “dẫn” dòng sông vào sâu trong đô thị thì ngoài các con đường kết nối thẳng góc, còn phải lưu ý quy hoạch cho dòng kênh kết nối. Đoạn kênh Thị Nghè và Bến Nghé giáp với sông Sài Gòn là một không gian rất đẹp để thiết kế không gian trên bến dưới thuyền của TP sông nước, hai bên là các phố đi bộ ven sông nhưng hiện đang bị bỏ quên, chưa được phát triển đúng tầm. Việc phát triển cộng đồng ven sông cũng rất quan trọng. Không gian sông Sài Gòn còn mang lại cho TP cơ hội tạo dựng một cộng đồng quốc tế ven sông rất lớn, thuận lợi cho việc hội nhập quốc tế của TP.HCM. Cộng đồng ven sông này làm không gian bờ sông mở rộng ra, không còn là đặc quyền của những cư dân trong các dự án, nhà cao tầng ven sông. Để tăng giá trị văn hóa của khu vực ven sông, cần cải tạo hoặc xây mới ít nhất vài chục trọng điểm văn hóa và dịch vụ thương mại hai bên bờ sông để tổ chức các không gian sinh hoạt cộng đồng. Trước mắt, chúng ta cần xây mới một số công trình bảo tàng, khu triển lãm sinh hoạt nghệ thuật... và quy hoạch chỉnh trang khu hai bên bờ sông, sao cho thông qua hệ thống đường đi bộ có thể kết nối tốt với nhau và với bến Nhà Rồng, cột cờ Thủ Ngữ, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, phố đi bộ Nguyễn Huệ và Đồng Khởi, Trung tâm trưng bày quy hoạch TP, quảng trường trung tâm Thủ Thiêm... Tầm nhìn quy hoạch như trên là tiền đề quan trọng để làm tuyến du lịch ven sông với những bến du lịch hai bờ sông rạch. Tuyến buýt du lịch đường sông này sẽ chạy liên tục, khách có thể mua vé lên xuống thuyền không giới hạn theo giờ hoặc theo ngày để tham quan trung tâm TP qua tuyến công cộng ven sông. Tuyến buýt đường sông này cần kết nối thuận tiện với các tuyến buýt đường bộ, để người dân có thể tiếp cận tuyến đầu mối tuyến buýt ven sông từ các điểm đón phía Biên Hòa, Thủ Thiêm hay Bình Thạnh..., chứ không nhất thiết phải đến điểm đón phía Q.1 để bắt đầu tuyến buýt du lịch đường sông tham quan hoặc làm việc tại khu trung tâm TP. Như vậy chỉ cần đi bộ 10 phút tính từ các bến đỗ bờ sông, hoặc bến xe buýt kết nối thì hệ thống đã phủ hết diện tích khu trung tâm hiện hữu của TP và khu trung tâm Thủ Thiêm. Điều này sẽ giúp giảm mạnh lượng xe cá nhân vào khu trung tâm, khi bố trí được các bãi xe phù hợp ở các đầu mối kết nối với tuyến giao thông công cộng ở vùng ven khu vực trung tâm và tại Thủ Thiêm.■ Tránh thay đổi quy hoạch xoành xoạch theo kiểu tư duy nhiệm kỳ Kiến trúc sư Hoàng Quang Huy (chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng) Nhiều chuyên gia cho rằng Đà Nẵng có thể trở thành đô thị tiêu biểu của châu Á, ngang tầm Singapore. Muốn vậy, TP Đà Nẵng cần rà soát các quy hoạch dọc sông Hàn và dọc biển, vịnh, thu hồi đất các dự án chưa đầu tư tại khu vực này dành cho phát triển du lịch và xem xét nghiêm túc cho đợt điều chỉnh quy hoạch chung sắp tới (trước đây, muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển nên TP vội vàng giao đất cho nhà đầu tư dọc biển, sông). Ngoài ra, lãnh đạo TP Đà Nẵng cần chấm dứt việc ưu ái quá mức cho các nhà đầu tư xây dựng các nhà hàng, công trình lấn dòng sông. Đừng vì lợi ích trước mắt mà cấp phép đầu tư tràn lan lấn chiếm hai bên bờ sông Hàn, đừng để nhà đầu tư chi phối lợi ích vì dự án của họ. Số lượng các công trình cao tầng cần khống chế ở mức vừa phải, hạn chế việc lấn sông. Phát triển không gian sông Hàn hiện chỉ mới dừng lại từ vệt đất ở cầu Thuận Phước đến Trần Thị Lý, TP chưa có nghiên cứu tổng thể để kéo dài bờ sông lên đến Túy Loan. Nếu làm được việc kéo không gian bờ sông sẽ tạo ra một quỹ đất rất lớn, có giá trị. Đồng thời sẽ tạo ra hệ thống những tuyến đường xanh, công viên xanh trải dọc ven bờ sông Hàn. Những doi đất thấp ven dòng Cẩm Lệ sẽ được biến đổi thành công viên sinh thái Cẩm Lệ, rồi việc khơi thông sông Cổ Cò để nhập vào với sông Hàn sẽ tạo nên sự kết nối vô cùng hấp dẫn. Nhưng khi đã có phê duyệt đồ án quy hoạch rồi thì giới lãnh đạo TP phải biết tôn trọng đồ án đó, chứ hiện nay đang có tình trạng thay đổi quy hoạch xoành xoạch, lãnh đạo sau lên lại thay đổi quy hoạch và muốn khác đi theo kiểu tư duy nhiệm kỳ. HỮU KHÁ ghi Tags: Quy hoạchQuy hoạch đô thịĐô thị ven sông
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm kiểm tra phòng chống lụt bão tại Tuyên Quang THÀNH CHUNG 12/09/2024 Chiều 12-9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến kiểm tra công tác phòng chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân, các lực lượng khắc phục hậu quả lụt bão tại tỉnh Tuyên Quang.
Thủ tướng tới Làng Nủ - nơi xảy ra trận lũ quét đau thương NGỌC AN 12/09/2024 Thủ tướng đã vào tới thôn Làng Nủ (Lào Cai) - nơi xảy ra trận lũ quét đau thương khiến gần 100 người tử vong và mất tích.
Lào Cai tìm thấy 70 người dân nghi mất tích do sạt lở đất THÀNH CHUNG 12/09/2024 17 hộ dân tại xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (Lào Cai) với hơn 70 nhân khẩu đã được chính quyền địa phương tìm thấy khi đang dựng lán trại trên đồi để ở, tránh lũ lụt và sạt lở đất.
Katinat xin lỗi sau thông báo trích 1.000 đồng/ly nước ủng hộ đồng bào miền Bắc gây tranh cãi NGỌC HIỂN 12/09/2024 Cách đây ít phút, chuỗi thức uống Katinat đã gửi lời xin lỗi đến khách hàng khi việc quyên góp 1.000 đồng đối với mỗi ly nước mà chuỗi này bán ra để ủng hộ đồng bào miền Bắc gặp những ý kiến trái chiều.