Tôi là thủ phạm

PETRA IVANOV (THỤY SĨ) 09/07/2020 02:07 GMT+7

TTCT - “Anh là nhân vật đem hi sinh được, đúng không? Từ xưa đã thế, và nay vẫn thế?”. Regina đợi. Nắng xiên thẳng vào phòng, bụi lấp lánh trong không khí. Nóng nực không tả nổi. Vết mồ hôi trên áo Osmani loang rộng hơn. Ông luật sư nhìn trân trối vào cốc nước của mình đã cạn. Regina không dám thở, như người đi câu biết trúng con cá to nhưng không chắc sợi cước có đủ bền.

Hate, tranh của Toy Box. Ảnh: euobserver.com
Hate, tranh của Toy Box. Ảnh: euobserver.com

“Tôi là thủ phạm”. Công tố viên Regina Flint ngả ra lưng ghế. Đã bao lần bà nghĩ, ước gì bị can nhận trách nhiệm cho hành vi, nhận án phạt và rút ra bài học từ lỗi lầm của mình. Nhưng đa số phủ nhận lời buộc tội. Hoặc kể những chuyện dối trá chối tai. Đổ lỗi cho kẻ khác.

Osmani không thế. Regina ngắm kỹ gã đàn ông Cosovo trẻ măng. Mớ râu ria rậm rạp không che nổi các nét măng tơ và mụn trứng cá. Không tiền án tiền sự. Không vấn đề tiền nong. Vậy mà xông vào cướp hiệu kim hoàn ở trước ga. Camera ghi lại hết, một điều tra viên nhận ra Shala là thủ phạm chính, 24 tuổi. Khi được xem video, gã không lưỡng lự khai ngay đồng phạm. Osmani không kháng cự khi bị bắt giữa lúc đang làm vệ sinh ở một khu văn phòng. Trên xe đến đồn cảnh sát gã chỉ nói đúng một câu: “Tôi là thủ phạm”.

Mới tháng năm mà trời nóng bất thường. Cành cọ trong văn phòng rũ xuống. Regina gạt lọn tóc rủ xuống mặt. Nếu Osmani giữ nguyên lời khai thì hôm nay mình về sớm. Mấy tháng nay bà làm thêm giờ, đôi khi trong tâm trạng một vận động viên chạy tiếp sức không có đồng đội. Thứ sáu nào cũng vậy, khi kiệt quệ rời khỏi văn phòng, bà tự nhủ sẽ nghe theo lời khuyên của các đồng nghiệp, chớ coi trọng công việc quá mức, đừng dò theo mỗi chi tiết mập mờ, không hoài công bới lông tìm vết. Nhưng sáng thứ hai bà lại ngồi trước một người bị hăm dọa, bị mất trộm hay thậm chí bị đả thương, và Regina lại quẳng mọi dự định vào sọt rác.

Lời thú tội của Osmani lẽ ra đến đúng lúc. Gã trai người Cosovo nhận ngay tội tấn công hiệu kim hoàn hôm 8-2, bắt chủ hiệu nộp đồ trang sức có giá trị 147.000 franc. Động cơ: chán làm lao công. Người bào chữa cho gã do tòa chỉ định, một luật sư nhàu nhĩ bắt đầu có mỡ bụng, cậy mồm không ra một lời. Lại một điều hi hữu nữa.

Regina quan sát ông ta ngồi đó như khách đến thăm lấy lệ. Quá đơn giản để khóa vụ điều tra và viết cáo trạng. Zurich vốn là nơi xảy ra nhiều vụ cướp đình đám, và các hiệu kim hoàn ở gần ga thường là mồi ngon. Nhưng có gì đó ở Osmani làm Regina nghi ngại. Bà không thể gọi tên điều đó, cũng không rõ nguyên do. Trực giác? Kinh nghiệm? Regina chỉ biết là phải đào bới đến cùng. Lưng áo bà xâm xấp mồ hôi.

Bà uống ngụm nước và quay sang Osmani. Gã ngồi ở mép ghế, nắm chặt tay, đầu xương trắng ra. “Xin anh thuật lại, anh bước vào hiệu kim hoàn ra sao”. Luật sư liếc đồng hồ. Osmani cắm mắt vào một điểm trên tường. “Tôi là người đầu tiên bước vào”, gã phát âm tiếng Đức rất dở. “Tôi rút súng ngắn chĩa vào người đàn ông sau quầy bày đồ trang sức”. “Gượm đã”, Regina ngắt lời, “ở chỗ cảnh sát anh khai là đã cầm súng trong tay khi bước vào cửa hiệu”. “Vâng”. “Vậy lời khai nào đúng?”. “Tôi đã cầm súng trong tay”. “Anh rút súng ra lúc nào?”. “Khi qua cửa. Rút trong túi quần ra”. “Túi phải hay trái?”. “Túi…”, Osmani khựng lại, “bên phải”. “Anh đút súng vào túi khi nào?”. “Khi nào?”. “Vâng, vào thời điểm nào?”. “Lúc 14 giờ”. “Tức là ở nhà”. “Vâng”. “Lúc đó súng có lên đạn không?”. “Có”. “Trong biên bản ghi là súng không lên đạn khi anh vào cửa hiệu”. Osmani bắt đầu rung đùi. “Tôi nghĩ là súng lên đạn, té ra không phải”. “Anh có thể giải thích rõ hơn không?”. “Tôi quên là súng đã lên đạn hay không”.

Trước mắt Regina hiện ra hai đĩa cân, đĩa bên trái đầy câu hỏi, đĩa kia đựng các câu trả lời. Đĩa bên trái ngày càng nặng. Vì sao Osmani chỉ đưa ra thông tin khi bị đối chất với thực tế? Thường thì thủ phạm thú nhận hay đưa ra cách giải thích, nói đi nói lại trong hi vọng được xử nhẹ tay. Đôi khi còn mong được tha lỗi. Regina làm ra vẻ đọc báo cáo của cảnh sát, nhưng bà quan sát Osmani trong khóe mắt. Gã liếm môi. Không đụng đến cốc nước trước mặt. “Anh có hiểu rõ không?”, Regina lên tiếng. “Anh đút một khẩu súng đã lên đạn vào túi sau, leo lên lái chiếc xe ăn trộm, đến nhánh rẽ Zurich-Schwamendingen thì quẹo vào nội thành và không hề tính đến khả năng súng cướp cò?”.

Osmani sờ lên khuy trên cùng của chiếc sơmi xộc xệch, dưới nách sẫm vệt mồ hôi. “Trong báo cáo ghi là anh không có bằng lái xe”. “Nhưng tôi biết lái xe”. “Vì sao anh cầm lái?”. “Tôi biết lái”, gã lặp lại. “Xin anh kể lại đã đi đường nào”. “Tôi đi dọc phố Dubendorf. Đến quảng trường Schwamendingen. Qua hầm Milchbuck. Dọc theo sông Limmat. Rẽ phải vào hướng ga. Rẽ phải vào phố Urania, đến phố Sihl. Nhà hàng Talacker”. Giọng Osmani như máy chỉ đường.

Luật sư cố nén ngáp. “Có quan trọng lắm không ạ? Thân chủ của tôi thú nhận rồi mà”. Regina không rời mắt khỏi Osmani. “Không có bằng lái mà bị kiểm tra thì hỏng hết kế hoạch”. “Tôi lái tốt hơn”. Regina nhìn vào hồ sơ. “Shala có bằng lái xe năm năm rồi”. “Tôi không biết”. “Nhưng tôi biết”. Mặt Osmani đỏ bừng như một đứa con nít bị khiển trách. Gã vặn vẹo nắm đấm, một cử chỉ mà Regina thường thấy ở người đang tự đấu tranh với mình. Bà điểm lại trong đầu: người này định cướp, lên đạn súng lục, đút túi quần sau, ra khỏi nhà ở Zurich-Schwamendingen. Chiếc Volkswagen gã ăn trộm tối hôm trước đỗ cách ga Stettbach 400 mét. Osmani lên xe, đi Schwamendingen, Shala đợi gã ở đó.

Regina chững lại. Vì sao Shala, hơn Osmani sáu tuổi, lại đợi Osmani? Shala là gương mặt không mới mẻ gì với cảnh sát, với một danh mục dày đặc tiền án tiền sự. Shala không bao giờ lại bỏ vai trò chủ động, bằng cách để Osmani tự tay chọn và ăn trộm xe và ngồi đợi gã đến đón. Regina gạt đi các câu hỏi đã chuẩn bị trước. “Anh Osmani, cho tôi biết quan hệ giữa anh và Shala”. Osmani ngập ngừng, có vẻ không hiểu câu hỏi. “Shala là bạn anh?”. “Vâng”, Osmani chữa ngay. “Sơ sơ thôi”. Regina nhíu mày. “Anh có thể nói rõ hơn?”. “Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau”. “Và gặp nhau thì làm gì?”. “Ăn uống, xem bóng đá, thăm các bạn khác”. “Chỉ hai người với nhau?”. “Không”. “Thêm ai nữa?”. “Mentor, anh trai tôi”. “Chỉ Mentor thôi?”. “Đôi khi cả Artan hay Shpend”. “Từ từ đã, Shpend là ai?”. “Em họ của Shala”. “Artan là anh cả của anh?”. “Không, đó là Mentor”.

Regina điểm lại lý lịch Osmani: con thứ ba trong năm anh chị em, quê ở một làng miền núi Cosovo, bố sang Thụy Sĩ làm việc khi Osmani lên bốn, sau này đón vợ, hai con trai Mentor và Artan cùng con gái Dafina qua Thụy Sĩ, Osmani và em gái ở lại với ông bà, chỉ học hết lớp sáu. Bị bố mẹ bỏ lại đã gây ra hệ quả gì với Osmani? Vì sao ông bố chỉ bảo lãnh cho Mentor, Artan và Dafina? Osmani phải vào một vai, dù muốn hay không. Gia đình là tối thượng.

“Ở Schwamendingen anh sống với bố mẹ?”. Osmani gật đầu. “Còn anh chị em khác?”. “Mỗi Dafina thôi. Artan và Mentor đã có gia đình riêng”. “Tôi đọc ở đây, bố anh làm xây dựng, chính xác là nghề gì?”. “Lái cần cẩu“, Osmani trả lời tắp lự. “Một công việc đầy trách nhiệm”, Regina nói khi nhận ra vẻ kiêu hãnh trong giọng Osmani. “Baba tôi lái cần cẩu tháp, rất khéo tay”. “Anh đã lên trên tháp cẩu bao giờ chưa?”. Ánh mắt Osmani sinh động hẳn, gã vươn thẳng lưng. “Tôi cũng sẽ học lái cần cẩu!”.

Regina mỉm cười. “Quan hệ giữa anh với bố anh tốt chứ?”. “Ý bà là sao?”. “Anh qua Thụy Sĩ khi đã mười lăm tuổi”. Osmani không hiểu mối liên quan. “Khi bố anh để anh lại Cosovo, anh có cảm nhận gì?”. “Baba gửi tiền về nhà”. Osmani nói với vẻ tất yếu, không hề gây nghi ngờ là gã hoàn toàn chấp nhận tình cảnh đó. Regina sửng sốt chứng kiến thái độ phục tùng số mệnh. “Anh có từng mong được bố đón qua Thụy Sĩ thay vì Mentor hay Artan?”. Osmani ngạc nhiên nhìn lại. “Các anh tôi lớn hơn”. “Dafina thì nhỏ hơn”, Regina phản pháo. “Dafina biết giúp việc nhà”. Regina thầm lắc đầu.

Có lẽ Osmani coi sự xếp đặt trong gia đình là định luật tự nhiên. Khi được hỏi về các anh trai, giọng gã pha chút kính nể. Gã kể, Mentor có ba con và đi BMW, còn Artan mới lên chức trưởng phòng. “Mentor làm gì?”. “Sắp có việc ở một doanh nghiệp”. “Sắp? Còn hiện nay làm gì?”. “Kết nối quan hệ, một việc quan trọng trong kinh doanh”. “Trong lĩnh vực nào?”. “Xuất nhập khẩu”.

Đồ ăn trộm, Regina đoán khi nghĩ đến con BMW đắt tiền. Hoặc ma túy? Có thể Osmani đã nhìn thấy ở ông anh mình cách kiếm tiền dễ dàng. Và bập vào Shala? Hay thậm chí bị Mentor xúi? Giờ thì Regina tin chắc Osmani không tự nảy ý định đi cướp. Bà tự hỏi, liệu ông bố có biết gì không? Thật khó tin Osmani làm gì ngược lại ý muốn của bố là người được gã tôn thờ như ông thánh. Trong mối quan hệ thứ hạng này người ta mãi mãi là một đứa trẻ. Phải chăng vì thế mà Osmani muốn trở thành thợ lái cẩu? Tin rằng sẽ gần bố hơn khi cùng theo một nghề? Và vì sao gã đánh cược tương lai bằng một hành vi phạm pháp?

Rigina lật tiếp hồ sơ. Osmani không nợ nần, sống đơn giản, được chủ lao động khen chăm chỉ và cẩn trọng. Cũng không có bóng dáng người phụ nữ nào để gã tặng đồ trang sức cướp được. Người bào chữa dứt bà khỏi dòng suy tư. “Tôi không biết bà hỏi có chủ định gì. Thân chủ của tôi đã thú nhận và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Đúng vậy không, anh Osmani?”.

Vẻ sinh động biến khỏi mặt Osmani, tựa như ông luật sư rút cái nút và toàn bộ năng lượng chảy tuột xuống lỗ thoát. Bị hỏi về chi tiết, Osmani tường thuật không mảy may xúc động, từ lúc chĩa súng vào chủ hiệu và ra lệnh mở quầy kính, nộp đồ trang sức. “Ai nhận?”. Osmani ngập ngừng. “Shala”. “Rồi sao nữa?”. Osmani im lặng. Regina rướn lên phía trước. “Shala dùng cái túi nilông đem theo để đựng đồ trang sức, phải không?”. Osmani thở phào, gật đầu.

Regina dựa vào lưng ghế. Nhân viên bán hàng kể là Shala đem theo cái túi thể thao sẫm màu và đặt nó lên quầy kính. Những thước video xác nhận điều đó. Chẳng ai nhắc đến cái túi nilông nào. Đĩa cân bên trái càng lúc càng nặng thêm. Vì sao Osmani nói dối? Gã định giấu điều gì? Có khả năng gã che chắn cho một đồng phạm nào nữa? Nhân viên bán hàng chỉ nhắc đến hai người đàn ông, hay là chính anh ta dính líu? Thậm chí cả chủ hiệu nữa. Tỉ giá franc lên cao làm nhiều doanh nghiệp lao đao, không ai chối mấy đồng nhận từ bảo hiểm.

“Sau khi cất đồ trang sức đi, anh làm gì?”. “Tôi ra ôtô. Rồi đi khỏi đó”, Osmani nói không lưỡng lự. “Ôtô để đâu?”. “Phố ga”. “Trong khu vực cấm đỗ?”. “Không, trong ngõ”. “Trước hiệu mứt kẹo Sprüngli?”. “Vâng” - lại một lời khai như trẻ con. Tiệm mứt kẹo ở ngay quảng trường, nút giao nhau của nhiều tàu điện, ôtô không thể vào được. “Người bán hàng phản ứng ra sao khi anh bỏ chạy?”, Regina gặng tiếp. “Anh ta… không chặn chúng tôi lại”. “Anh ta nói gì không?”. ”Kh… không”. “Ở đây ghi: anh ta hô ‘Đứng lại!’”, Regina bịa. “Vâng, đúng đấy, tôi quên mất”.

Nghe chừng ấy lời dối trá là đủ rồi. Osmani sẽ chỉ ngập thêm vào mâu thuẫn mà thôi. Regina phải tiếp tục ở chỗ có thể tiếp cận được Osmani. “Cho tôi biết thêm về bố anh”. Osmani hấp háy. “Bố anh có về nhà thăm con ở Cosovo không?”. “Mùa hè nào cũng về cùng Artan, Mentor, Dafina và mẹ tôi. Năm tuần”. “Lâu ngày mới gặp, anh thấy thế nào?”. “Vui”.

Thấy Regina im lặng lâu, gã tiếp. “Bố cho tôi nhiều quà. Súng bắn nước, ôtô điều khiển từ xa…”. Nét mặt gã giãn ra, đúng như đứa trẻ Osmani cách đây không lâu. Năm tuần liền, nó vào chỗ dành cho nó trong gia đình. Rồi bị bỏ lại mười một tháng. Năm nào cũng thế. “Vì sao anh không được cùng sang Thụy Sĩ?”. “Thụy Sĩ đắt đỏ, tiền không đủ nuôi cả gia đình, và nhà quá nhỏ”. “Tức là các anh lớn được ưu tiên”, Regina đúc kết, “còn Dafina giúp nội trợ”. “Tất nhiên”. Osmani không nghe ra chất mỉa mai trong giọng Regina.

Chợt bà thấy ngượng. Bà không có quyền xét nét phong tục của một nền văn hóa lạ. Có thể những đứa trẻ ở đó thấy bình thường khi sống với ông bà. Liệu Osmani có thấy ấm áp ở Cosovo? Hay thích cùng bố mẹ ở Thụy Sĩ hơn? Ở vị trí gã có lẽ Regina thấy phẫn uất, nhưng Osmani không thách thức số phận. “Anh có nói, Mentor sắp đi làm. Nghĩa là hiện nay không làm gì?”. “Anh ấy làm một vài hợp đồng cho các bạn”. “Xuất nhập khẩu?”, Regina hỏi lạnh tanh. “Trước đây làm gì?”. “Thầu xây dựng”. “Nhưng?”. Osmani nhún vai. “Mentor có vấn đề à?”. “Vợ anh ấy sinh con”, Osmani lại vặn vẹo tay. “Bố anh nói gì?”. “Bố tôi rất vui, và kiếm việc cho anh ấy”. “Mentor có học nghề gì không?”. “Học phổ thông thôi”. “Học tốt không?”. Osmani lại nhún vai.

Trong đầu Regina, hình ảnh gia đình Osmani rõ nét dần. Bà đoán Mentor học hành vớ vẩn và khó kiếm chỗ học nghề với bảng điểm kém. Ông bố tận dụng quan hệ trong ngành xây dựng để kiếm việc cho con, trước khi nhận ra chính Mentor mới là vấn đề. Ông cố làm tiếp, nhưng sự hỗ trợ của bố là quá ít trong mắt Mentor.

“Mentor hơn Shala một tuổi, đúng không?”, Osmani thoáng ngửng lên, mắt gã lộ vẻ luống cuống. Gã ngó sang luật sư, nhưng ông uể oải khoát tay ra hiệu cứ trả lời. Osmani gật, rất yếu ớt. Đây là lời giải thích vì sao Shala kiên nhẫn đợi được đón đi. Không ai thấy Shala vì gã đợi Mentor ở gần ga Stettbach, nơi đỗ chiếc Volkswagen ăn trộm. Đĩa cân bên trái nhích lên. Regina không nói gì cho đến khi Osmani ngửng lên. “Có phải bố anh ra lệnh anh giơ đầu ra chịu thay cho Mentor?”, bà hỏi khẽ. Osmani đờ ra. Ông luật sư ngồi thẳng dậy. “Vì Mentor là con cả, giữ vị trí đặc biệt trong nhà?”. Osmani run rẩy, nhìn kỹ mới thấy, Regina tự hỏi, ai dám nghĩ là gã đủ máu lạnh vác súng đi cướp? “Anh biết kế hoạch của Mentor từ trước, hay chỉ khi Shala đã bị bắt?”. Osmani nuốt nước bọt. “Tôi là thủ phạm mà”. “Mentor bày cho các đồng phạm khai tên anh, hay đó là lệnh của bố anh?”. “Tôi đề nghị”, luật sư chen vào, “được thảo luận riêng với thân chủ”.

Regina lờ đi. “Anh Osmani, anh thực sự ở đâu lúc 15 giờ ngày 8-2?”. “Tôi là thủ phạm”, Osmani lặp lại như cái máy. Regina nhìn vào mắt gã. “Tôi không tin anh”. Osmani vuốt mặt. Regina ước gì được đặt tay lên vai gã. Bà muốn thiết lập sợi dây nối. Gã chỉ còn cách lời thú tội nửa bước nữa thôi. Osmani hít một hơi, nhưng lại mím chặt môi. Khi gã nhắm mắt, Regina tự hỏi, gã đang thấy gì? Thấy Mentor có mọi thứ mà gã không được quyền có, thấy Artan vừa lên chức và có chỗ đứng vững vàng, thấy Dafina, con bé người hầu câm lặng chia sẻ số phận với gã, và bà mẹ ngậm mồm nhìn đứa con út bị đem tế thần, cùng ông bố dù vậy vẫn được gã tôn thờ?

“Anh là nhân vật đem hi sinh được, đúng không? Từ xưa đã thế, và nay vẫn thế?”. Regina đợi. Nắng xiên thẳng vào phòng, bụi lấp lánh trong không khí. Nóng nực không tả nổi. Vết mồ hôi trên áo Osmani loang rộng hơn. Ông luật sư nhìn trân trối vào cốc nước của mình đã cạn. Regina không dám thở, như người đi câu biết trúng con cá to nhưng không chắc sợi cước có đủ bền.

“Lái cẩu là một nghề tuyệt vời”, bà khẽ giọng. “Anh lẽ ra đã có thể làm bài thi”. Tiếng máy pha cà phê lục bục trong phòng giải lao. Một con ruồi chấp chới trên bàn. Regina ép chặt hai bàn tay vào nhau, đợi mấy lời giải thoát. Không nghe thấy gì, bà bèn nhấp dây cước. “Không sớm thì muộn Mentor sẽ lại phạm pháp. Anh không giúp được đâu”.

Mạch máu giật giật trên cổ Osmani. Mắt gã loang loáng ướt. Regina cảm thấy sức kháng cự của gã bị bẻ gãy. Bà ép mình phải kiên nhẫn. Phải chịu được đòn cân não này. Khi chắc mẩm là gã đã sẵn sàng, bà vươn người qua bàn. “Là thợ lái cẩu, anh có thể trò chuyện với bố anh về công việc, có thể trao đổi kinh nghiệm”. Bà nhìn vào mắt gã. “Bố anh sẽ tự hào về anh”. Giờ thì bà tin là đã cho gã vào rọ.

Ánh mắt Osmani lộ vẻ chán nản, nhưng còn gì đó khác nữa. Nhẹ lòng. Cơ thể gã đang căng cứng bỗng chùng xuống, hơi thở gã chậm lại. Gã mở miệng. Có tiếng cười vọng ra từ phòng giải lao. Sợi cước câu đứt phựt. Không có dấu hiệu nào báo trước, Osmani nhảy bật dậy từ ghế ngồi. Ông luật sư ngửng phắt đầu lên. Cây bút mà ông vừa dùng để ghi chép rơi xuống đất. Osmani chống cả hai tay lên bàn, mặt đỏ bừng, sơmi tụt khỏi cạp quần, cổ áo lệch. Gã hét: “Tôi là thủ phạm!”.■

Lê Quang  (dịch từ nguyên bản tiếng Đức  “Das Geständnis”)

Petra Ivanov. Ảnh: ansichten.srf.ch
Nhà văn Petra Ivanov. Ảnh: ansichten.srf.ch

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận