TTCT - LTS: Từ buồn bực, stress đến tìm cách kết thúc sự tồn tại của mình là khoảng cách không xa đối với một số bạn trẻ. Chưa có thống kê đủ thuyết phục để nói lên một khuynh hướng, nhưng hiện tượng này đang gây lo lắng cho không ít phụ huynh và giới trẻ. Từ số báo này, Câu chuyện cuộc sống mời bạn đọc cùng chia sẻ và phân tích vấn đề này. Minh họa: Ry Nguyễn Con trai tôi năm nay 21 tuổi. Cháu vừa qua năm thứ ba đại học một cách khá khó khăn, khổ sở. Tuy còn nợ lại vài môn, nhưng đó là nỗ lực tối đa của con nhờ sự trợ giúp của tất cả thành viên trong gia đình. Con tôi bệnh gì? Câu chuyện có lẽ bắt đầu từ cuối năm thứ hai, khi về nghỉ hè tôi thấy cháu có hiện tượng sút cân bất thường (tôi dùng từ “có lẽ” vì khi ấy tôi hoàn toàn chủ quan về thể trạng của cháu). Hết học kỳ một năm thứ ba, cháu về nhà vào dịp tết, thấy cháu gầy ốm hơn nữa, nhưng tôi chỉ nghĩ chắc là do ăn uống thiếu thốn, hơn nữa cháu mới niềng răng, có thể ăn uống kém hơn bình thường. Trong đầu tôi khi ấy hoàn toàn không hề có ý nghĩ là cháu bị bệnh. Dịp hè cháu không về nhà vì bận học quân sự. Qua hè, vào thăm cháu tôi không tin ở mắt mình. Cháu ốm một cách thảm hại, cao 1,7m, cân nặng chỉ có 45kg, sụt đúng 10kg. Nhìn con trai lòng khòng, tôi quá xót xa. Nhưng vẫn chủ quan, tôi không truy tìm nguyên nhân nào ảnh hưởng đến thể trạng con như vậy. Ở với cháu ba ngày, tôi phát hiện tay cháu bị run khi cầm đũa ăn cơm. Tôi cho rằng do cháu gầy sút dẫn đến suy dinh dưỡng nên run tay. Cháu được nghỉ một tuần, tôi đưa cháu về nhà với mục đích bồi dưỡng cho cháu lại sức phần nào. Ngồi ăn cơm cùng cháu, qua nói chuyện trao đổi, nhìn kỹ quan sát con, tôi mới phát hiện cổ cháu to khác thường, đồng thời cháu có hiện tượng nóng trong người, thường xuyên khát nước, tim đập nhanh. Hôm sau tôi đưa cháu đi xét nghiệm. Kết quả cháu bị cường giáp. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị bệnh này gần một năm dẫn đến sút cân. Bác sĩ cho rằng tuy có trễ nhưng vẫn kịp, nếu để lâu có thể nguy hiểm đến tính mạng. Lúc biết bị bệnh, con tôi có những biểu hiện trầm tư rất đáng lo ngại. Khi ấy tôi cũng chưa hiểu biết gì về chứng bệnh cường giáp ở thanh niên và cách chữa trị, nhưng tôi động viên cháu: “Mẹ sẽ cố gắng hết sức để chữa trị bệnh cho con”. Khuya hôm ấy khi cả nhà say ngủ, tôi đi lấy nước thì bất ngờ gặp cháu ngồi một mình trong bóng tối ở phòng khách và có vẻ như đã ngồi đó từ rất lâu. Rõ ràng chuyện này khá bất thường đối với một thanh niên luôn vui vẻ, ca hát vang nhà như nó. Tôi khuyên cháu đi ngủ. Rồi từ hôm ấy tôi đặt thêm một chiếc giường nhỏ trong phòng của mình, kêu cháu xuống ngủ cùng. Tôi phải lấy lý do là phòng có máy lạnh ngủ cho mát, vì cơ thể con lúc nào cũng nóng trong người. Nhưng thật tình là tôi lo sợ con trai có những ý nghĩ tiêu cực. Bởi khi rà soát lại, tôi nhớ cháu nhiều lần “động chạm” đến từ “chết chóc”. Tôi bắt đầu hỏi thăm kinh nghiệm từ nhiều người đã bị bệnh và theo sát, giúp đỡ con trong quá trình chữa bệnh... Bác sĩ bảo phải điều trị từ 18-24 tháng... Những đam mê gây nghiện Trong quá trình sống với con, tôi phát hiện cháu đam mê một thứ giống như trò chơi điện tử nhưng ở dạng khác, có tên gọi là “visual novel”, tạm gọi là “tiểu thuyết trực quan”. Đây không phải là game, mà là một loại tiểu thuyết tương tác. Văn bản, hình ảnh và âm thanh được phát triển như kiểu trò chơi. Điều khiến người đọc say mê là visual novel có nhiều mạch truyện khác nhau, người chơi có thể tùy chọn hướng đi của cốt truyện theo ý muốn và kết thúc cũng tùy vào lựa chọn đó. Chính vì có sự tương tác này mà nó có thể gây nghiện, bởi người đọc say mê lao vào và lựa chọn. Thêm nữa với hình ảnh đẹp, âm thanh, lồng tiếng nhân vật hay... là những yếu tố khiến người ta không rời màn hình được. Có những visual novel không có điểm quyết định nào, mà do người hâm mộ tự tạo ra nên càng lôi cuốn, đam mê. Có nhiều thể loại visual novel từ khoa học viễn tưởng, trinh thám... mà người chơi được nhập vai khám phá, quyết định hướng đi hay tham gia phá án... Thật tình tôi không muốn con mình sa vào trò chơi này, nhưng khó để ngăn cản. Tôi còn thấy cháu đọc những tiểu thuyết trên mạng bằng tiếng Anh có những nội dung rất tiêu cực, kiểu như nhân vật chán đời, tự tử, giết người thân... Một lần con kể tôi nghe về cuốn sách đang đọc, nhân vật chính giết người nhưng không bị phát hiện. Sau đó nhân vật đóng nhiều vai, từ đứa con ngoan đến kẻ sống lạnh lùng... Cháu còn kể rằng những tác phẩm này rất cuốn hút người xem và người ta còn lập trang Facebook để người hâm mộ vào trao đổi. Trước khi chuyển sang một phần khác, tác giả có hình ảnh giới thiệu rất mơ hồ khiến các fan hồi hộp đoán những nhân vật nào sẽ xuất hiện tiếp theo, trong tình huống như thế nào... Dù có thể giúp trau dồi tiếng Anh và cả tiếng Nhật (visual novel) nhưng tôi sợ cháu bị ảnh hưởng tâm lý nhiều quá, nhất là đang trong quá trình trị bệnh. Tôi không dám chắc, nhưng có lẽ chính việc sa vào thế giới ảo này, không còn thời gian để sống tích cực, lành mạnh ngoài đời đã ảnh hưởng đến lối sống của con, nhất là những ý nghĩ tiêu cực. Khi trao đổi với bạn bè, tôi lại biết đến trường hợp trầm cảm khác. Con trai của bạn tôi được một nửa suất học bổng đi học ở Pháp, phần còn lại gia đình hỗ trợ. Ngay năm đầu tiên, cháu đã vấp phải nhiều trở ngại mà trước hết là ngôn ngữ. Qua một năm khá trầy trật, đến năm thứ hai thì cháu đầu hàng, không theo nổi và chấp nhận về nước. Vốn là một học sinh giỏi và khá tự tin, nhưng về nhà cháu bị stress trầm trọng. Cháu đi làm hai nơi thì nơi nào cũng chỉ làm đúng hai tháng là nghỉ và từ chối, không đi làm nữa. Ở nhà cháu suốt ngày đóng cửa phòng nằm lì trong đó, có khi đến giờ cơm cũng không buồn ăn cùng với mọi người. Gia đình cố tìm ra một giải pháp tích cực cho cháu như đi du lịch thì cháu tỏ thái độ: “Mẹ để con yên, có muốn con tự tử không?”. Bạn tôi muốn đưa con đến bác sĩ tâm lý nhưng cháu không đồng ý. Hiện tại hai ông bà đang trong hoàn cảnh như có con mọn, không dám đi đâu vì sợ con có ý nghĩ tiêu cực. Nhìn vợ chồng bạn và nghĩ đến con trai, tôi biết mình cũng đang rơi vào tâm lý đó. Tôi cũng biết nhiều trường hợp không vượt qua được tiêu cực và chỉ trong khoảnh khắc mọi thứ chấm hết. Tôi chỉ biết cầu mong mọi sự rồi sẽ qua, hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Với tôi bây giờ, mọi thứ vàng bạc châu báu trên đời không gì sánh bằng làm sao con trai có được một tinh thần minh mẫn! ■ Tags: Tôi lo sợ con mìnhSuy nghĩ tiêu cực
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Giá vé bay Tết cao vẫn khó mua CÔNG TRUNG 18/12/2024 Dù hơn 7 triệu ghế được cung ứng dịp Tết 2025 nhưng tình trạng giá vé cao, khan hiếm khiến nhiều người gặp khó trong việc tìm đường về quê.
Chuyên gia: Vụ ám sát Trung tướng Nga Igor Kirillov có 2 mục đích chính THANH BÌNH 18/12/2024 Ukraine dường như muốn gửi đi 'thông điệp rõ ràng' tới những ai chịu trách nhiệm lập kế hoạch, chỉ đạo và hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Nhìn thành phố từ buồng lái: Cảm nhận đặc biệt của nữ lái tàu metro CHÂU TUẤN 18/12/2024 Chị Phạm Thị Thu Thảo - nữ lái tàu đầu tiên của tàu điện tuyến metro số 1 - đã chia sẻ những cảm nhận của mình.
Mờ mắt đột ngột, cảnh giác có thể dấu hiệu cảnh báo đột quỵ TƯỜNG VY 18/12/2024 Rất nhiều người khi xuất hiện dấu hiệu nhìn mờ lại chủ quan cho rằng đó là vấn đề về mắt như cận thị, viêm mắt... mà không nhận ra rằng đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.