Tôi muốn sống chứ không phải tồn tại

ĐẶNG LÂM QUỲNH NHƯ 12/05/2016 03:05 GMT+7

TTCT - Tôi từng đọc một bài báo giả định tuổi thọ con người gói gọn trong tờ giấy A4 với 30x30 ô vuông, tương đương với 900 tháng. Bạn tốn khá nhiều ô vuông cho học hành, công việc và cuộc sống cá nhân.

 

Minh họa: Bảo Tâm
Minh họa: Bảo Tâm

Điều làm tôi nhớ bài viết ấy là giả sử bây giờ ba mẹ bạn 50 tuổi, mỗi năm bạn chỉ gặp ba mẹ mình một lần, vậy thì bạn chỉ có một ô vuông duy nhất của cuộc đời để trò chuyện cùng ba mẹ mình mà thôi. Thế nên bây giờ cứ đến dịp lễ là tôi lại về quê, để kể cho ba mẹ nghe về cuộc sống của mình ở Sài Gòn, về một chuyến đi mà tôi vừa trải nghiệm.

Đó cũng là lúc tôi nhìn xem tóc ba, tóc mẹ lần này hơn lần trước bao nhiêu sợi bạc. Dịp lễ năm nay tôi dự định đưa ba mẹ đi du lịch một chuyến. Ấy vậy mà mẹ tôi nhất quyết không đi vì tiếc tiền.

Tôi “lớn tiếng” với bà qua điện thoại: “Mẹ tiếc dăm ba triệu, mẹ cất đó có làm nhà mình giàu có hơn không?”. Đầu dây bên kia là một sự im lặng, một cái cúp máy lặng lẽ đến nhói lòng. Vậy đấy, tôi và mẹ luôn gặp khó khăn khi nói về chuyện dành dụm tiền nong cho cuộc sống tương lai.

Tôi, một người trẻ 9X luôn muốn khám phá những điều mới lạ, sẵn sàng chinh phục những cung đường, bị cuốn hút bởi những vùng đất mới. Bởi tôi muốn được sống chứ không phải tồn tại. Tôi sợ một ngày khi tôi già đi, tôi sẽ hối tiếc về những điều chưa làm của năm tháng thanh xuân.

Tôi sợ chôn vùi tuổi trẻ trong guồng quay công việc và cuộc sống, nó vô tình làm mòn đi sức trẻ trong mỗi con người. Tôi nhìn quanh xem mình có khác người không, nhưng dường như các bạn tôi đều nghĩ vậy. Có lẽ thế hệ chúng tôi là thế hệ của những người trẻ thích sống cho bản thân mình hơn là thế hệ trước.

Nhưng chúng tôi có gì sai? Chẳng phải chúng tôi phải sống tốt cho chính mình thì xã hội mới tốt đẹp theo đó sao?

Mẹ tôi là con đầu trong một gia đình đông con. Ngày ấy bà học ít, vất vả bán buôn từ nhỏ để phụ gia đình chăm lo các em. Bởi thế đối với mẹ tôi, một đồng tiền làm ra quý giá vô cùng. Nó đánh đổi bằng những hôm thèm khát con chữ và đi bán bánh dạo từ 3 giờ sáng ở rạp chiếu phim, bằng những lần còng lưng gánh hàng đi 15 cây số mang ra chợ bán...

Những hôm tôi về nhà, hai mẹ con tỉ tê bên nhau, bà dạy tôi về người phụ nữ trong gia đình. Đó là phải biết tiết kiệm từng đồng cho lúc ốm đau, vun vén từng đồng để còn lo cho chồng cho con sau này. Bà bảo: “Đàn ông lấy vợ cũng là kiếm tay hòm chìa khóa cho họ, phụ nữ mà không biết giữ tiền thì khác gì ngọn lửa âm ỉ trong ngôi nhà tranh”.

Thi thoảng có quần áo đẹp tôi mua về cho bà, bà đều chặc lưỡi tiếc tiền, bảo mẹ không cần dùng đâu con. Đôi lần tôi đã cự lại bà bằng cái lý sự của một “đứa trẻ ranh”: sống là phải biết trải nghiệm, hưởng thụ. Tôi đã quên mất rằng chẳng phải nhờ đức tính tiết kiệm của mẹ mà tôi đã được ăn học, trưởng thành đến giờ này hay sao.

Đằng sau tràng “tút tút” của chiếc điện thoại hôm đó khiến tôi tự vấn bản thân mấy ngày liền. Đối thoại với mẹ khó khăn đến thế sao? Tôi tìm đọc những bài viết về sự khác biệt và xung đột thế hệ, và hiểu ra được một điều rằng: sự khác biệt là điều không thể thay đổi. Thời gian làm những đứa con đổi thay, duy chỉ có ba mẹ là vẫn ở đó, nơi quê nhà ta sinh ra và lớn lên.

Khoảng cách giữa hai thế hệ là một bức tường chúng ta cần vượt qua, chứ không phải vì chúng ta mà bồi đắp thêm cao. Chấp nhận sự khác biệt sẽ dễ dàng đối thoại hơn. Không thể “phán” rằng mẹ lạc hậu rồi và “bắt” mẹ giống mình được. Và khi đối thoại bạn sẽ thấy yêu ba mẹ hơn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận