"Tôi tìm thấy mình ở đất nước này"

NGUYỆT CẦM 05/01/2014 00:01 GMT+7

TTCT - Cuộc chuyện trò với ông chủ gallery Craig Thomas diễn ra vào những ngày cuối cùng của năm 2013, ngay trong phòng triển lãm các tác phẩm “Nhà Nguyễn” của họa sĩ Trần Minh Tâm.

Phóng to
Craig Thomas bên một tác phẩm của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, người đã được anh tổ chức hai cuộc triển lãm trong năm 2012 và 2013 - Ảnh: Nguyệt Cầm

Tranh của Lim Khim Katy, Ngô Văn Sắc và Bùi Thanh Tâm, những họa sĩ trẻ đang “hot” đã được giới thiệu tại gallery Craig Thomas

Mới hồi phục sau một cơn bệnh, Craig trông còn khá mệt mỏi, bảo rằng: “Thật lạ vì gần 20 năm nay tôi chưa biết bệnh tật là gì...”.

Vậy mà đã gần 20 năm kể từ ngày Craig chân ướt chân ráo đến Việt Nam. Ngày đó, năm 1995, chàng luật sư người Mỹ 28 tuổi quê quán bang Alabama đến Hà Nội nhận việc tại một văn phòng luật sư người Pháp và nghĩ mình sẽ không trụ quá đôi ba năm ở xứ sở xa lạ này. Ấy thế mà anh đã ăn khá nhiều cái tết cổ truyền của người Việt, “những ngày đó tôi rất thích ra ngoài vì đường phố vắng người” - anh nói.

* Năm nay sao Craig không về đón năm mới ở quê nhà?

- Gần 20 năm sống và làm việc ở đây, tôi hầu như không có bạn bè thân thiết bên đó. Tháng 5-2013, khi về Alabama thăm gia đình, tôi ngạc nhiên trước cảnh sắc thiên nhiên quê mình: cây cỏ xanh tươi, đẹp và thật vắng lặng bởi trước đây mình không mấy để ý. Đi hàng mấy cây số mới gặp một ngôi nhà, chả bù với Sài Gòn nhà bêtông ken cứng, cứ ra đường là gặp cả… triệu người hối hả, hối hả.

Alabama đẹp và yên bình, nhưng tôi lại không thể sống ở đó được. Cuộc sống của tôi, công việc của tôi gắn chặt với thành phố này rồi. Bạn bè tôi, cả người Việt và người nước ngoài, cũng đều ở đây.

Bỏ hẳn nghề luật sư “mỗi giờ khách hàng phải trả cho mình 300 đôla”, sau đó làm bán thời gian cho gallery Hà Nội Studio, Craig cũng không thể ngờ bước khởi đầu hoàn toàn nghiệp dư ấy lại dẫn dắt anh tới một công việc đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao hiện nay, trong bối cảnh một nền mỹ thuật vẫn đang hết sức nghiệp dư.

* Có bao giờ Craig hối tiếc vì đã chọn nghề này?

- Làm gallery thì phải chạy vạy kiếm sao cho đủ tiền nuôi sống mình và giữ gallery tồn tại, nhưng tôi có thể làm đến lúc nào mình không còn đủ hơi sức nữa. Còn làm luật sư chắc tôi phải… về hưu sớm vì không chịu nổi áp lực công việc.

Đúng là chẳng dễ dàng gì để “nuôi” gallery lúc này, khi mà không ít phòng tranh lớn, nhỏ ra đời rồi dần dà biến mất khỏi đời sống mỹ thuật của cả Hà Nội lẫn TP.HCM, chưa nói những nỗ lực để giữ được “thương hiệu Craig Thomas” kể từ năm 2009, khi gallery chính thức bước vào sân chơi nghệ thuật tạo hình với những triển lãm gây được tiếng vang và triển lãm nào cũng được tổ chức tử tế, đàng hoàng, từ tuyển chọn tác giả - tác phẩm đến in ấn thiệp mời, vựng tập.

Bên cạnh những vựng tập sang trọng, nhiều tấm thiệp mời của gallery Craig Thomas in khổ lớn, thật đẹp một bức tranh, thậm chí người nhận có thể cho vào chiếc khung nhỏ để trang trí bàn làm việc…

* Người Việt chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng số khách hàng của gallery Craig Thomas?

- (nhẩm tính nhanh) Người Việt và Việt kiều hiện khoảng 25%, một sự phát triển vượt bậc và là một tín hiệu để lạc quan vào tương lai của nghề này. Mà không phải triển lãm nào tôi cũng nhắm đến khách hàng nước ngoài. Lấy ví dụ triển lãm “Nhà Nguyễn” của Trần Minh Tâm hiện nay, những nhân vật trong tranh như Nam Phương hoàng hậu, vua Duy Tân, ông Phan Thanh Giản… chắc chắn xa lạ với họ. Thế nhưng một số bức đã được khách người Việt mua.

Những ngày đầu mở gallery, giả dụ con số khách hàng người Việt là 1 thì bây giờ là 5, tăng 500% đấy. Tất nhiên so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines thì còn kém xa, càng không thể so với Indonesia hay Trung Quốc.

* Nhưng số người giàu ở Việt Nam bây giờ đâu có ít. Các đại gia Việt Nam mua sắm siêu xe và tiêu xài còn hơn người giàu ở Mỹ nữa là…

- Nói gì thì nói, người Việt Nam cũng mới giàu lên đây thôi, khoảng 10 năm, trong khi các nước Đông Nam Á khác đã giàu nhiều thập niên rồi. Gần như có một trình tự là sau khi mua nhà đất, xe hơi, các thứ đắt tiền khác thì giới nhà giàu ở nhiều nước mới bắt đầu mua tranh.

Việt Nam chưa có giới sưu tập tác phẩm mỹ thuật dù đã có nhiều triệu phú đôla. Trong khi ở Trung Quốc bây giờ sưu tập tranh là một trong những chỉ số để khẳng định sự giàu có, sang trọng. Dù thị trường tác phẩm mỹ thuật ở Việt Nam có chậm phát triển, nhưng tôi vẫn hi vọng. Chính điều đó đã giữ chân tôi lại đây gần 20 năm rồi…

Những bức tranh Việt Nam đã giữ chân Craig Thomas và được anh chăm sóc từng li từng chút khi trưng bày ở gallery. Sinh trưởng ở Mỹ, từng sống ở châu Âu mười năm, nhưng “gu” của anh cổ điển. Craig thích hội họa giá vẽ, cụ thể tranh sơn dầu hơn là các loại hình nghệ thuật đương đại như sắp đặt, trình diễn…

Người đàn ông tóc húi cua, lúc nào cũng giản dị, hơi lùi xùi trong chiếc áo thun cổ tròn, bạc màu, cả vào những ngày khai mạc phòng tranh. Dường như tranh pháo và các công việc “tỉ mỉ” (chữ dùng của Craig) của gallery là mối bận tâm lớn nhất của anh.

Khác với nhiều phòng tranh trong Nam ngoài Bắc, gallery Craig Thomas tập trung vào các tác giả trẻ, thể hiện trong lời tự giới thiệu cũng là tiêu chí của phòng tranh mà theo ông chủ vốn là “sự chuyển biến tự nhiên của người sáng lập sau một thập niên gắn với mỹ thuật Việt Nam và từ mối quan hệ ngày càng phát triển với các nghệ sĩ, giám tuyển, nhà sưu tập trong khoảng thời gian ấy.

Gallery tập trung hỗ trợ sự tiến triển của các họa sĩ trẻ (đang hoặc mới nổi lên) cũng như các họa sĩ đang có nhiều hứa hẹn về sự nghiệp nghệ thuật và tạo cơ hội cho họ giới thiệu tác phẩm với công chúng rộng rãi. Gallery còn nỗ lực đóng một vai trò tích cực trong việc quảng bá sự phát triển một khung cảnh mỹ thuật Việt Nam đầy sức sống thông qua các triển lãm được tổ chức cho các tài năng mỹ thuật trẻ”.

Craig từng nói (với một tờ báo) rằng làm gallery là một sự run rủi của số phận, nhưng người viết bài này không hoàn toàn tin vào điều ấy. Hóa ra, những hồi ức về bà nội vẫn còn đậm nét trong anh: “Bà là một họa sĩ nghiệp dư, vẽ rất nhiều nhưng tranh không đẹp đâu”.

Craig còn giữ một bức chân dung bà nội vẽ anh cách nay đã lâu như một kỷ niệm về người bà đã quá cố. Phải chăng tình yêu nghệ thuật có thể đã hình thành từ thời ấu thơ và dù là rất mơ hồ cũng tìm được cách để lớn lên khi có một cơ duyên nào đó. Với Craig, đó là lúc anh chập chững vào nghề ở Hà Nội Studio, từ giã nghề luật sư. Và với tình yêu đó, anh đã tìm thấy “bản lai diện mục” của mình ở đất nước này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận