Tôn vinh nữ quyền hay coi rẻ phụ nữ?

LAN CHI 07/08/2017 22:08 GMT+7

TTCT - Rốt cuộc bom tấn truyền hình Game of Thrones tôn vinh nữ quyền hay coi rẻ phụ nữ? Đó là câu hỏi không dễ trả lời khi theo dõi số phận đa đoan, đầy thử thách khủng khiếp của Cersei, Daenerys, Sansa và Arya.

Diễn viên Sophie Turner thủ vai Sansa Stark.-Ảnh: HBO
Diễn viên Sophie Turner thủ vai Sansa Stark.-Ảnh: HBO

 

Westeros là một vùng đất tàn khốc, nơi mạng người chỉ là cỏ rác, số phận người phụ nữ lại càng thê thảm hơn. Họ bị săn đuổi như thú vật, bị giết hại, bị bán vào nhà thổ, bị cưỡng hiếp, bị tra tấn, bị thiêu sống...

Những cảnh bạo lực khủng khiếp nhắm vào phụ nữ đã khiến Game of Thrones bị nhiều nhà phê bình lên án là “căm thù phụ nữ”.

Nhìn lại chặng đường sáu mùa Game of Thrones và đầu phần bảy, có thể thấy các nhân vật nam được “nương tay” đáng kể.

“Kẻ giết vua” Jamie Lannister quan hệ loạn luân, sẵn sàng sát hại một đứa trẻ để che giấu sự thật, tàn sát nhiều người... nhưng lại thể hiện những phẩm chất của một người quân tử: giết vua để cứu nhiều người, hỗ trợ Brienne Tarth, giải cứu em trai...

Tyrion Lannister bị cả vương quốc coi rẻ, tửu sắc vô độ, phạm tội giết cha nhưng rốt cuộc lại là người đại trí đại tuệ, thấu hiểu thời cuộc, có tấm lòng cảm thông.

Jon Snow trải qua bao sinh tử, mất gia đình, mất người yêu, thậm chí chết đi sống lại nhưng vẫn là một chàng trai xốc nổi, có tấm lòng quảng đại, sẵn sàng hi sinh vì đại cuộc.

Ngược lại, các nữ chính trong Game of Thrones có tính cách và số phận phức tạp hơn nhiều. Từ thân phận tốt thí, họ trải qua vô số nguy nan để rồi trở thành các át chủ bài đầy quyền lực, có người trưởng thành mạnh mẽ, có kẻ giẫm vào con đường tăm tối, trở nên đáng sợ.

Diễn viên Lena Headey thủ vai Cersei Lannister.-Ảnh: HBO
Diễn viên Lena Headey thủ vai Cersei Lannister.-Ảnh: HBO

 

Cersei - Nữ hoàng tham lam quyền lực

Cersei Lannister có lẽ là một trong những nhân vật bị căm ghét nhất trong Game of Thrones, nhưng bà hoàng xinh đẹp ở kinh đô King’s Landing thời trẻ cũng chỉ là một cô gái mộng mơ, tin vào tình duyên lãng mạn và ước muốn được kết hôn với một vị vua.

Giấc mộng ngây thơ đó bị nghiền nát khi vua Robert Baratheon cưỡng hiếp nàng trong cơn say xỉn.

Điều đó có nghĩa là Cersei chỉ là đồ chơi trong tay kẻ có quyền lực. Nhưng người đàn bà bị chà đạp đó không chấp nhận số phận, mưu sát vua, trở thành nữ hoàng nhiếp chính đáng sợ tại King’s Landing, luôn đầy toan tính, sẵn sàng tiêu diệt bất cứ ai trên con đường khẳng định quyền lực.

Đối mặt với thử thách, thậm chí bị giam cầm và sỉ nhục, Cersei không thoái chí, dùng lửa quét sạch kẻ thù. Chỉ một người phụ nữ rực lửa thù và quyết tâm sắt đá là đủ để phá hủy cả một thành phố.

Hậu quả của cơn khát quyền lực là cả ba người con của nàng đều chết theo những cách khác nhau. Cersei sở hữu Ngôi báu Sắt, nhưng bị cô lập, xung quanh đầy kẻ thù. Người đàn bà từng biện minh rằng mình phải tàn ác để bảo vệ con cái, giờ trở nên vĩ cuồng, mơ giấc mơ bá vương cho riêng mình.

Cảnh Cersei và Jamie nói về những đứa con đã chết của họ gây chấn động chẳng khác gì những cảnh giết chóc trong phim, nơi Cersei mô tả cái chết của con trai Tommen (tự sát) là “hành vi phản bội”, chứ không phải là bi kịch do chính nàng tự tay tạo ra.

Đó là khoảnh khắc của sự đánh mất hoàn toàn nhân tính ở Cersei. Tạp chí Rolling Stone đánh giá Cersei là “kẻ nguy hiểm nhất Westeros” và “thà chết chứ không chịu bị người khác kiểm soát”.

Diễn viên Emilia Clarke thủ vai Daenerys Targaryen.-Ảnh: HBO
Diễn viên Emilia Clarke thủ vai Daenerys Targaryen.-Ảnh: HBO

 

Daenerys - Thành Cát Tư Hãn phiên bản nữ

Ngược lại với Cersei, Daenerys Targaryen là nhân vật được yêu mến trong Game of Thrones. Từ thân phận một con tốt thí trong tay anh trai, Daenerys trở thành nữ hoàng, thống lĩnh một đội quân hùng mạnh cùng ba con rồng lửa, quyết trở thành bá chủ cả Westeros.

Trên thực tế, Daenerys còn nguy hiểm và tàn nhẫn hơn hẳn các con rồng lửa của nàng.

“Mẹ rồng” loại bỏ người anh trai một cách lạnh lùng, không chỉ bởi hắn đe dọa nàng, mà còn vì hắn cũng mang họ Targaryen, là vật cản trở trên bước đường quyền lực.

Vấp phải sự chống đối ở Meereen, Daenerys dùng bạo lực để trị bạo lực. Nàng thiêu sống và đóng đinh những kẻ đối lập không hề chùn tay. Khi lực lượng chủ nô điều động chiến thuyền bao vây Meereen, nàng ra lệnh: “Biến các thành phố của bọn chúng thành cát bụi”.

Rõ ràng Daenerys là kẻ chinh phục nhân danh tự do. Được mệnh danh là “người phá xiềng xích” và giải phóng giới nô lệ bị áp bức, nhưng nàng mang gông cùm của mình để khóa những kẻ chống đối.

“Mẹ rồng” trở thành kẻ đạo đức giả giống như vô số lãnh đạo độc tài ngoài đời thật. Cũng như họ, nàng lên nắm quyền với lời hứa hẹn phá vỡ thể chế chuyên chế cũ, nhưng lại thay vào đó bằng thể chế sắt đá của riêng nàng.

“Nàng sẽ giành lại tất cả những gì thuộc về mình bằng máu và lửa” - tạp chí Vanity Fair bình luận về Daenerys.

Báo Huffington Post nhận định hình tượng Daenerys lấy cảm hứng từ Thành Cát Tư Hãn của đế chế Mông Cổ, người thống nhất các bộ tộc ở Mông Cổ rồi xua quân gieo rắc tai ương và đổ máu khắp châu Á và châu Âu.

Diễn viên Maisie Williams thủ vai Arya Stark.-Ảnh: HBO
Diễn viên Maisie Williams thủ vai Arya Stark.-Ảnh: HBO

 

Arya Stark - Đánh mất nhân tính

Arya là cô bé “tomboy” ngây thơ, tính tình phóng khoáng chứ không “bánh bèo” như chị gái Sansa. Arya chán ngấy chuyện may vá thêu thùa, thích cưỡi ngựa, bắn tên, múa kiếm. Cô bé có thể được coi là biểu tượng của những đau khổ và mất mát mà cuộc chiến tranh giành quyền lực gây ra.

Gia đình bị tàn sát, sự ngây thơ của Arya cũng chết theo, khiến cô bé dần trở thành máu lạnh. Được đào tạo thành sát thủ, Arya rời Braavos để trở lại Westeros.

Nỗi đau mất gia đình đã tàn phá tâm hồn của cô bé. Arya lập danh sách những kẻ thù của gia đình cô và khi có cơ hội, lập tức ra tay hạ sát mục tiêu theo cách vô cùng máu lạnh.

Cuối phần sáu, Arya trêu cợt lãnh chúa Walder Frey một cách tàn độc (giết con Frey, dùng thịt làm bánh). Ở tập một phần bảy, sau khi hạ độc toàn bộ thuộc hạ của Frey, Arya rời đại sảnh, nở nụ cười lạnh lùng.

Càng chìm sâu vào thù hận, Arya không chỉ đánh mất sự ngây thơ, cô bé phóng khoáng ngày xưa đã chết, “chỉ còn một tử thần báo thù tồn tại”, như nhận định của nhà phê bình trên The Washington Post.

Con đường của Arya đi hoàn toàn trái ngược với “Chó săn” Sandor Clegane, người từng có tên trong danh sách phải giết của cô. Nếu Clegane tìm lại được nhân tính, bắt đầu sám hối thì Arya dấn bước vào giết chóc và báo thù.

Ta chỉ có thể hy vọng qua những dấu hiệu nhỏ nhoi, như khi nghe tin anh trai Jon Snow đã trở thành Vua phương Bắc, cô bé quyết định từ bỏ mục tiêu ở King’s Landing để trở về quê nhà, một sự trở về của nhân tính đẹp xưa kia sâu trong con người Arya.

Sansa Stark - Kỳ thủ chủ động

Sansa có lẽ là nữ chính bị hành hạ tàn bạo nhất trong Game of Thrones. Ở phương diện nào đó, Sansa cũng không khác lắm so với Cersei. Con gái của Ned Stark ban đầu cũng mơ trở thành hoàng hậu, nhưng sớm phải đối mặt với ác mộng kinh hoàng tại King’s Landing, trở thành nạn nhân trong tay vua Joffrey rồi đến gã biến thái Ramsay Bolton.

Sau những tháng ngày vật vã, Sansa dần thay đổi, rũ bỏ sự thơ ngây. Sau khi thoát khỏi bàn tay của Ramsay, Sansa thực sự trở thành một con người mới, mạnh mẽ hơn, toan tính hơn thậm chí tàn khốc hơn.

Nàng sẵn sàng lợi dụng sự sốc nổi của người anh trai Jon Snow để đặt chiếc bẫy quân sự cực kỳ thông minh, khiến Ramsay bại trận. Từ con tốt thí trong tay Joffrey và Ramsay, Sansa trở thành một kỳ thủ chủ động.

Và khi Jon được tôn là Vua phương Bắc, Sansa quyết liệt thể hiện quan điểm cứng rắn trái ngược anh trai và không khác mấy so với Cersei, kẻ mà nàng căm ghét, hay Ramsay, kẻ biến cuộc đời nàng thành địa ngục. Đối với nàng, những kẻ phản bội phải bị trừng trị.

Rolling Stone đánh giá “sức mạnh tinh thần đã giúp Sansa sống sót”. The Wrap cho rằng Sansa đã biến đổi mạnh mẽ trở thành một nhân vật tầm cỡ. Chính Jon Snow trong phim cũng thừa nhận điều đó khi quyết định trao phương Bắc cho cô để lên đường gặp Daenerys.

Trên trang Mic.com, nhà phê bình Julianne Ross nhận định “Sansa Stark là một trong những nhân vật thể hiện nữ quyền rõ ràng nhất của Game of Thrones”.

Nhà phê bình Bennett Madison của Vanity Fair khẳng định Sansa là trường hợp rõ ràng cho thấy các nhân vật nữ trong Game of Thrones “phá bỏ được những rào cản xã hội mà thế giới đó áp đặt với họ”.

Cuối cùng thì Game of Thrones tôn vinh nữ quyền hay coi thường phụ nữ? Nhà phê bình Jess Hendel quả quyết trên trang Bustle: “Game of thrones đã trở thành phim truyền hình mang tính tôn vinh nữ quyền nhất.

Những người phụ nữ ở Westeros đã đánh bại mọi đối thủ bằng cả trí óc và sức mạnh để bước lên ngai vàng.

Và tất cả đều cho thấy họ đủ tầm lãnh đạo, vượt xa những kẻ tiền nhiệm đàn ông kém cỏi, ngu muội”. Sự phát triển tính cách của Cersei, Sansa, Arya và Daenerys cho thấy sẽ không có câu trả lời rõ ràng và rồi những ai say mê bộ phim này sẽ còn nhiều tranh cãi.

Nhưng "lửa thử vàng, gian nan luyện... phụ nữ", có lẽ là điều mà Game of Thrones, khi khép lại mùa cuối, sẽ để lại.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận