TP.HCM: Hạn chế xe cá nhân - bài toán khó

NGỌC ẨN 19/02/2019 03:02 GMT+7

TTCT - 7 nhóm giải pháp hạn chế xe cá nhân của TPHCM gồm những gì? Thực hiện đến đâu?

Ùn tắc xe kéo dài trên quốc lộ 1, đoạn qua quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ùn tắc xe kéo dài trên quốc lộ 1, đoạn qua quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ông Trần Quang Lâm - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, mục tiêu của đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) kết hợp kiểm soát sử dụng xe cá nhân” là đến năm 2020, thị phần VTHKCC TP đáp ứng 15-20% nhu cầu đi lại của người dân và đến năm 2025 đáp ứng 20,5-26% nhu cầu đi lại của người dân.

Vì lúc đó TP sẽ có 3 tuyến đường sắt đô thị, có từ 3-4 tuyến xe buýt nhanh (BRT) và có 8-10 tuyến VTHKCC đường sông.

Để thực hiện đề án trên, Sở GTVT đã trình UBND TP.HCM 15 nhóm giải pháp tăng cường VTHKCC và 7 nhóm giải pháp hạn chế sử dụng xe cá nhân. Trong 15 nhóm giải pháp về phát triển VTHKCC, có nhóm giải pháp “Nâng cao năng lực Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP”.

Cụ thể là hình thành Cơ quan Quản lý giao thông công cộng trực thuộc UBND TP (tương đương cấp sở) thay thế Trung tâm Quản lý giao thông công cộng hiện nay khi đã hình thành hệ thống đường sắt đô thị; nhóm giải pháp tiếp theo là ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng và dành quỹ đất cho phát triển VTHKCC bằng xe buýt...

Và để kiểm soát xe cá nhân, Sở GTVT đề xuất tới 7 nhóm giải pháp. Nhóm thứ nhất sẽ là thu phí ôtô lưu thông vào trong khu vực trung tâm TP (phí ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường) thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025.

Nhóm thứ hai là thu phí ô nhiễm môi trường đối với phương tiện môtô, xe máy 2-3 bánh. Nhóm thứ ba là phân vùng hạn chế hoạt động của xe môtô và xe máy 2-3 bánh và giai đoạn 2025 - 2030 sẽ ngừng hoạt động xe môtô, xe máy 2-3 bánh ở một số tuyến đường thuộc quận 1, 3, 5, 10...

Nhóm thứ tư là hạn chế số lượng phương tiện đăng ký mới, kết hợp hạn chế xe biển số tỉnh lưu thông vào trung tâm TP theo lộ trình.

Nhóm thứ năm là xử lý, loại bỏ môtô, xe máy 2-3 bánh không đảm bảo chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Nhóm thứ sáu là triển khai không gian đi bộ tại khu vực trung tâm TP nhằm giảm lượng xe lưu thông trên các tuyến đường trung tâm TP, dự kiến triển khai sau năm 2020 khi tuyến metro số 1 hoạt động.

Nhóm thứ bảy là sắp xếp giờ học, giờ làm lệch ca nhằm giảm bớt lượng xe lưu thông vào giờ cao điểm, dự kiến triển khai năm 2019.

Trong bảy nhóm giải pháp trên, Sở GTVT cho biết các giải pháp gián tiếp như thu phí ôtô vào trung tâm TP giờ cao điểm và hạn chế môtô, xe máy 2-3 bánh lưu thông vào trung tâm TP sẽ triển khai khi hệ thống giao thông công cộng đáp ứng các điều kiện cụ thể.

Các giải pháp còn lại sẽ triển khai khi điều kiện về hạ tầng đô thị, mạng lưới xe buýt, khả năng phục vụ đáp ứng.

Ông Lâm cũng cho biết nhiều giải pháp trong đề án lớn trên đã được lập thành đề án cụ thể. Đó là đề án tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt, đề án thu phí ôtô vào TP; đề án kiểm soát khí thải môtô, xe máy trên địa bàn TP... và đã được đưa ra để lấy ý kiến phản biện từ phía các chuyên gia đầu ngành.

Riêng đề án thu phí ôtô vào trung tâm TP đã được Ủy ban MTTQ TP.HCM góp ý. Về đề án kiểm soát khí thải đối với môtô, xe máy mà sở đã trình UBND TP. Nhưng khi được tham khảo ý kiến, một số sở ngành vẫn băn khoăn, cho rằng cần phải được các cơ quan thẩm quyền đưa vào luật mới thực hiện được.

NGỌC ẨN

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận