TTCT - Hai tỉ phú trong nhóm những người giàu nhất hành tinh đều mộng bay vào vũ trụ. Một người vừa mới xác nhận sắp sửa khởi hành thì đã có “thỉnh nguyện thư” yêu cầu có đi thì đi luôn, đừng quay về Trái đất - nơi còn “nhóm 99%” đang phải vật lộn từng ngày để sống sót qua đại dịch này nữa, hỡi tay nhiều tiền kia ơi! Elon Musk và Jeff Bezos đều có tham vọng chinh phục không gian ngoài Trái đất. Ảnh: VoxNgày 20-7 tới, người giàu nhất thế giới Jeff Bezos sẽ lên tàu New Shepard thực hiện chuyến du hành vào không gian kéo dài 11 phút cùng với anh trai, một thành viên phi hành đoàn và một khách mời đã bỏ ra 28 triệu USD giữ chỗ cho chuyến đi đặc biệt.Nhưng khi chân Bezos còn chưa kịp rời khỏi mặt đất thì ít nhất hàng chục nghìn người đã ký thỉnh nguyện thư trực tuyến đòi ngăn ông “tái nhập cảnh”. Trong số đó, một kiến nghị có nhan đề “Đừng cho phép Jeff Bezos trở lại Trái đất” đã thu thập được hơn 33.000 chữ ký số tính đến tối 20-6, theo Đài NPR (Mỹ). “Bọn tỉ phú không nên tồn tại, dù là trên Trái đất hay ngoài không gian. Nhưng nếu bọn họ đã chọn không gian thì tốt hơn hết nên ở quách ngoài ấy” - dòng miêu tả của lá đơn viết.Ông chủ Amazon không phải tỉ phú duy nhất vướng sự cố hình ảnh trong thời gian gần đây. Mới đầu tháng 6, mạng xã hội Mỹ lan truyền bức ảnh chụp một biển quảng cáo ngoài trời có hình chân dung CEO Tesla Elon Musk trên nền đen với dòng chữ “Hãy bảo vệ các tỉ phú. Chúng tôi cũng như các bạn mà thôi”. Dù nhiều báo đài sau đó đã vào cuộc kiểm tra và kết luận bức ảnh trên chỉ là ảnh ghép, tốc độ chia sẻ của cộng đồng mạng cho thấy chủ đích giễu nhại của người ghép ảnh cũng phần nào nói hộ tiếng lòng của nhiều người. Tấm ảnh này là giảTheo danh sách tỉ phú thời gian thực của tạp chí Forbes, tính đến ngày 23-6, Bezos đứng đầu với tài sản ròng 201,5 tỉ USD, còn Musk đứng thứ 3 với 156,1 tỉ. Dường như khoảng cách giàu nghèo ngày càng khoét sâu trong đại dịch COVID-19 đang khiến nhiều người Mỹ vỡ mộng về các tỉ phú và những câu chuyện truyền cảm hứng kiểu “tôi làm được, bạn cũng thế” của họ. Trái lại, họ nhìn giới nhà giàu với con mắt hoài nghi về sự công bằng của cải, phần nào được định hình bởi một năm đại dịch đã đánh bay hàng triệu giấc mơ Mỹ.Một thống kê của Oxfam cho thấy tổng tài sản của 10 người giàu nhất thế giới đã tăng thêm 540 tỉ USD trong đại dịch, đủ để trả chi phí tiêm vắc xin cho toàn bộ dân số thế giới mà vẫn còn dư. Trong khi đó, một báo cáo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ năm ngoái chỉ ra 40% người trưởng thành ở nền kinh tế lớn nhất thế giới không có sẵn 400 USD để chi trả trong các tình huống đột xuất nếu không vay mượn người thân.Một khảo sát do trang Vox và Data for Progress thực hiện vào tháng 2-2021 cho thấy 72% người Mỹ xem việc các tỉ phú càng giàu hơn trong đại dịch là một thực tế bất công. Chỉ 23% người được khảo sát cho rằng các tỉ phú là những hình mẫu đáng học hỏi của đất nước, so với 65% người phản đối. Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg và Jeff Bezos là 2 tỉ phú “khó ưa” nhất trong số những cái tên có mặt trong bảng hỏi, khi chỉ lần lượt 31% và 36% có thiện cảm với 2 nhân vật này.“Câu chuyện ở đây không phải là chĩa mũi dùi vào một vị tỉ phú cụ thể nào, mà là cảm giác phẫn nộ ngày càng gia tăng rằng những người giàu nhất và các tập đoàn bằng cách nào đó đã tìm ra cách để trở nên giàu có hơn (trong đại dịch), trong khi hầu hết những người làm công ăn lương chỉ còn cách viễn cảnh phải ngửa tay xin cơm từ thiện 1 hoặc 2 tháng lương bị nợ... Đó là dự cảm rằng cuộc chơi này vốn dĩ không công bằng, và tầng lớp trung lưu và người nghèo đang là những kẻ thua cuộc” - nhà báo Roxanne Roberts viết cho tờ Washington Post.Nhưng sẽ là cực đoan nếu cáo buộc mọi tỉ phú đều gây dựng khối tài sản của mình bằng cách ăn trên đầu những người dân nghèo thấp cổ bé họng. Công tác thiện nguyện là nghĩa cử ăn điểm của giới siêu giàu. Dù vậy, 52% người Mỹ vẫn tin rằng đánh thuế các tỉ phú nhiều hơn mới là giải pháp căn cơ cho các vấn đề xã hội, chứ không phải cứ giảm thuế để họ đem tiền đi làm từ thiện là đủ, cũng theo khảo sát của Vox.Đánh thuế vật chất chứ không ai đánh thuế giấc mơ: ghét tỉ phú là vậy, nhưng 82% người Mỹ vẫn đồng tình rằng mọi người đều có quyền làm giàu và trở thành tỉ phú, và 68% không đồng ý với quan điểm một xã hội cho phép sản sinh ra tỉ phú là một xã hội phi đạo đức. “Nếu chúng ta thay thế ước mơ thành công và sung túc của mình bằng một lòng căm thù cay đắng với những người có của cải, chúng ta sẽ vĩnh viễn là những kẻ không có tài sản - tác giả Markokenya viết trên Medium - Chúng ta sẽ trở thành nạn nhân trong cuộc chiến của chính mình”.■ Tags: Elon MuskCông nghệTỉ phúBất bình đẳngNgười giàuJeff Bezos
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) 02/07/2025 1943 từ
"Ba người vượt ngục Guyane": Để tin yêu - dù cuộc đời có những éo le lịch sử NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI 01/07/2025 2011 từ
Doanh nghiệp nêu loạt đề nghị hậu sáp nhập BẢO NGỌC 02/07/2025 Vẫn còn những băn khoăn nên nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ các kiến nghị với Tuổi Trẻ mong được làm rõ, được hỗ trợ.
Tin tức thế giới 2-7: 'Khẩu chiến' hai ông Trump - Musk vẫn nóng; Ông Putin điện đàm ông Macron NGỌC ĐỨC 02/07/2025 Điện đàm Putin - Macron; Ông Trump nói Israel chấp nhận ngừng bắn Gaza; Thủ tướng Pháp lần thứ tám vượt qua bỏ phiếu bất tín nhiệm; "Khẩu chiến" hai ông Trump - Musk tiếp tục nóng... là những tin tức thế giới đáng chú ý sáng 2-7.
Theo luật sửa đổi, nhận án chung thân nếu cải tạo tốt được giảm án không? TUYẾT MAI 02/07/2025 Nhiều ý kiến thắc mắc rằng khi bị tòa án tuyên phạt mức án chung thân thì nếu cải tạo tốt có được giảm án không hay là án chung thân không được xét giảm án?
Từ 1-7, hơn 500 bệnh mạn tính được cấp thuốc đến 3 tháng/lần, ai cũng mừng DƯƠNG LIỄU 02/07/2025 Sau thời gian người bệnh mạn tính 'than trời' về việc xếp hàng dài lấy đơn thuốc cũ, chính thức từ ngày 1-7, hơn 250 bệnh mạn tính điều trị ổn định sẽ được cấp thuốc đến 3 tháng/lần, thay vì tối đa 30 ngày như trước đây.