Trăng mật ở đảo thiên đường

TUẤN VIỆT 20/11/2008 18:11 GMT+7

TTCT - Tại sao đến đảo thiên đường Cheju (Hàn Quốc) để hưởng trăng mật? Vì hòn đảo này đã được thiên nhiên và con người “thiết kế” hầu như chỉ để làm mỗi chuyện trăng mật đó mà thôi...

Phóng to
TTCT - Tại sao đến đảo thiên đường Cheju (Hàn Quốc) để hưởng trăng mật? Vì hòn đảo này đã được thiên nhiên và con người “thiết kế” hầu như chỉ để làm mỗi chuyện trăng mật đó mà thôi...

Đến Cheju mùa trăng mật là đi dự một “hội cưới” linh đình. Trong những tháng cưới xin, suốt từ xuân sang thu, máy bay đến Cheju luôn chật ních những cặp trai gái nô nức hướng về “thiên đường trăng mật”. Tất cả đều là từng cặp, từng cặp. Khó tìm thấy một vị khách đơn lẻ nào trong những tháng này...

Khách sạn và “chức năng xã hội”

Dĩ nhiên các khách sạn ở đây đều đạt công suất 100% vào mùa cưới. “Hiếm khi nào chúng tôi còn phòng vào cuối tuần - quản lý khách sạn Hyatt Regency (khách sạn quốc tế duy nhất trên đảo) Marc de Punt nói - Công việc của tôi chủ yếu là... giải thích với khách rằng chúng tôi không còn phòng. Cũng không dễ chút nào vì rất thường khi tôi phải làm việc đó với các vị bộ trưởng trong chính phủ... vốn rất hay quên đặt phòng trước”.

Phóng to
Nhiều khách sạn đã phải áp dụng chính sách “quota” cho các cặp trăng mật: các cặp này chỉ được dành cho một tỉ lệ phần trăm hạn chế số phòng. “Nếu không thì họ làm loạn cả hòn đảo này mất” - một quản lý khách sạn lém lỉnh nói.

Nói vậy không có nghĩa nơi đây kém phần tưng bừng. Khung cảnh đẹp, người dân hào sảng, trái cây ngon nổi tiếng. Chỉ riêng ba thứ đó không thôi cũng đủ làm nên bầu không khí đại tiệc ở Cheju.

Các khách sạn tại đây đều có tổ chức tiệc cưới. Chưa nơi nào trên thế giới các khách sạn lại có những “chức năng xã hội” kỳ lạ như tại Cheju. Sự thể như sau: vào thời kỳ sau chiến tranh Triều Tiên, hôn nhân sắp đặt còn rất phổ biến. Nhiều cặp được ông mai bà mối xe tơ, mới gặp nhau lần đầu là tối hôm đó cưới xin, động phòng hoa chúc cấp tập. Kết quả là hôn nhân trở nên như cơn ác mộng hay nỗi kinh hoàng đối với nhiều người.

Cho nên các khách sạn ở Cheju tự cho mình là có trách nhiệm “làm tan băng” hay “hâm nóng” các cuộc hôn nhân. K.W.Park, một quản lý của khách sạn KAL, nói: “Chúng tôi tổ chức các buổi tiệc chuyên cho mục đích này, trong đó có những người pha trò cực giỏi, những trò chơi cực vui sao cho mọi người cảm thấy “in the mood” (cao hứng) nhất”. Theo ông này, ít khi khách sạn tổ chức có sơ suất gì, nhưng cũng có lúc không khí xả láng đã dẫn tới sự quá trớn. Ông kể: “Có lần đã diễn ra một trò chơi là mỗi chú rể phải dỡ áo của cô dâu lên. Chú rể nào dỡ cao nhất sẽ được lĩnh thưởng”...

Phóng to
Nhưng tiệc cưới không phải là thứ duy nhất mà các cặp uyên ương quan tâm tại Cheju. Cheju còn được gọi là một “national passion”, nghĩa là sự “hào hứng quốc gia”. Hằng tuần các lễ cưới tại khách sạn Shilla được quay phim, phát lên kênh truyền hình quốc gia. Hóa ra có rất nhiều người xem các chương trình như “Con tàu tình yêu”, “Hòn đảo Fantasy”, “Show một giờ ngày chủ nhật”, “Shinhonun Arumdawo” (Trăng mật mãi mãi đẹp)...

Một khách du lịch nói: “Dĩ nhiên là giới trẻ khắp Hàn Quốc thích xem các chương trình này, vì đó là những thứ mà họ biết rằng họ sẽ thể nghiệm một ngày nào đó. Nhưng cả những người cưới rồi cũng thích chúng vì nhiều người trong số họ đã hưởng trăng mật tại đây. Với họ, nó là một ký ức đẹp”.

Ngoạn cảnh

Trớ trêu thay, theo truyền thuyết của Hàn Quốc thì đảo này không hề giống nơi hẹn hò thơ mộng của các cặp hôn nhân: đây là một bãi chiến trường, nơi thuở xưa các vị thần từng “choảng” nhau túi bụi. Là hòn đảo lớn nhất trong 3.300 hòn đảo của Hàn Quốc, Cheju được xem là một “viên ngọc của châu Á”. Những bãi biển cát trắng và đồng hoa phủ kín các ngọn đồi là những khung cảnh đẹp hớp hồn, đặc biệt là vào mùa xuân. Quýt và khóm đan xen với rừng cọ bọc quanh những mái nhà tranh nên thơ với hàng rào chạy dọc những cánh đồng màu mỡ xanh mướt.

Phóng to

Do trước đây là núi lửa nên đảo này khắp nơi có đá núi lửa hình thù phong phú, cộng với các động dung nham đa hình đa dạng, khiến đi đâu cũng có thứ để mọi người thỏa sức phăng-ta-di (tưởng tượng). Các đôi uyên ương vì thế thường đến chụp hình tại vườn đá Moksok, nơi có những tảng đá hình thù rất lạ.

Cheju có nhiều ngọn thác đẹp như thác Chonjeyon (còn gọi là “thác Niagara của Hàn Quốc”). Tương truyền nơi đây các nàng công chúa con Ngọc hoàng đã giáng trần tắm táp, bị nhìn lén rồi sau đó... ở lại trần gian luôn. Đảo này cũng có nhiều núi (như Hallasan - núi cao nhất Hàn Quốc hay Songsan - núi có cảnh mặt trời lặn đẹp nhất), nhiều động (như Manjanggul - đường hầm dung nham dài nhất thế giới), tóm lại là có thừa những địa điểm diễm tình, thơ mộng.

Học làm chồng vợ ở “Love land”

Nhưng không phải chỉ có cảnh thiên nhiên, đảo này còn có nhiều công trình nhân tạo rất hấp dẫn (bể cá, vườn bách thảo lớn nhất Hàn Quốc...). Và hấp dẫn nhất có lẽ là một khu vườn kích thước cỡ hai sân bóng đá có tên gọi là “Love land”, tức “Mảnh đất tình yêu”. Love land có những tượng người, bảng hiệu thể hiện những hoạt động tình dục ở nhiều tư thế “giàu óc tưởng tượng” khiến nhiều người trẻ (và cả người lớn) không khỏi ngượng ngùng.

Cũng chính từ vụ “hôn nhân dàn xếp” mà những người dân nơi đây đã nảy ra ý tưởng xây dựng khu vực này mà mục đích ban đầu là để giáo dục giới tính chứ chẳng phải để thu hút du lịch. Nhưng hóa ra ý tưởng này lại tỏ ra rất phù hợp với một Cheju đang dần dần biến thành “thiên đường trăng mật”.

Phóng to
Trên blog, khá nhiều du khách tỏ ra sửng sốt về khu Love land này. Nhiều ý kiến trích dẫn cả lịch sử, văn hóa để nói rằng dân châu Á coi bề ngoài bẽn lẽn, khép nép là vậy nhưng bên trong thì “ghê” lắm.

Một bloger viết bằng tiếng Nga thậm chí còn cao hứng phán rằng nên xây một Love land ngay trước tòa nhà thượng viện Ukraine để các chính trị gia biết... sâu sát với đời hơn. Nhiều blogger trẻ Hàn Quốc không che giấu tự hào về khu vườn này, coi nó như biểu tượng cho sự thoáng đạt của Hàn Quốc hiện đại. Còn với các cặp trăng mật thì rõ ràng đây là một khu vườn... để học hỏi.

Một cuộc trăng mật tiêu biểu

90% các cặp trăng mật chỉ ở Cheju một thời gian ngắn, chừng hai ba đêm. Họ thường đến thẳng đây sau lễ cưới vào cuối tuần và về đúng lúc để kịp đi làm lại vào tuần sau. Do đó họ phải tính toán từng phút từng giây trong thời gian ở Cheju. Người Hàn Quốc làm việc cật lực mà cưới nhau cũng hối hả.

Phóng to
Dưới đây là một khung cảnh rất quen thuộc tại Cheju: ở sân bay, một cặp đang quơ vội chiếc vali, cấp tập chạy ra chiếc xe buýt đậu bên ngoài. Nam thì mặc vest mười người như một, nữ thì mặc đồ dạ tiệc hay váy lụa đỏ truyền thống của Hàn Quốc, biểu tượng cho gái mới kết hôn. Họ lên những chiếc xe buýt có ghi các dòng chữ như “Bãi biển thiên đường” hay “Ngôi nhà trăng mật”.

Để di chuyển trên đảo, họ thường dùng taxi. Lái taxi ở Cheju là một công việc rất lạ: tài xế thường vác theo lỉnh kỉnh nhiều máy ảnh, nhiều người có cả còi cảnh sát treo lủng lẳng trên cổ. Họ thổi còi để báo hiệu cho các cặp uyên ương về những cảnh cần chú ý, thổi còi (và đôi khi quát nạt) để phê bình các tư thế của chàng và nàng mà họ cho là “cần thiết để có ảnh đẹp”. Những cô gái mặc váy lụa đỏ truyền thống vướng víu gót chân bị bắt leo lên đỉnh Yongduam (tảng đá từ dung nham hình đầu rồng) chụp ảnh trông lóp ngóp đến buồn cười.

Các tiệm ảnh ở Cheju luôn tấp nập nhân viên... phục vụ đám cưới. Họ lên đường mang theo những xấp ảnh giao hàng mà thực tế là bộ ảnh nào cũng giống hệt nhau như cùng một lò mà ra. Cảnh nào thường được chụp nhất ư? Lim Pyung Tack, nhân viên chụp ảnh tại một điểm tham quan từ suốt 17 năm qua, cho biết đó là cảnh chàng và nàng đứng hai bên bức tượng đá dung nham có tên là Tolharubang, có nghĩa là “ông già đá”, mỗi người đặt một ngón tay lên cánh múi bự chảng của pho tượng. Lim cả quyết: “Làm như thế thì sinh con đầu lòng sẽ là con trai”.

Phóng to
Các thác nước cũng là hậu cảnh được ưa chuộng để chụp ảnh. Điều này được minh chứng bằng cảnh các cặp uyên ương sắp hàng dài dằng dặc để vào cổng. “Đảo này là thiên đường trăng mật”, chú rể mới Choi Sung Gu nói. Tất nhiên là thiên đường này có sắp hàng”.

Yoon Young Suk và Choi Young Sook trông nổi bật giữa các cặp mới cưới, bởi lẽ cả hai đã ở tuổi ngoài 40. Họ sống với nhau hạnh phúc suốt 14 năm qua và có ba mặt con. Đây là lần thứ hai họ đến Cheju. Lần đầu, dĩ nhiên là vào dịp trăng mật của họ.

“Tôi nhớ ngày xưa đâu có đông như thế này. Bây giờ đi đâu cũng thấy các cặp mới cưới và họ cũng “Tây” hơn xưa nhiều” - Yoon nói. Tuy nhiên, có một thực tế là những người trẻ vẫn đang tiếp nối truyền thống của ông cha khi đến đây để trăng mật. “Con tôi cũng sẽ hưởng trăng mật tại đây. Đây là một nơi hoàn hảo cho trăng mật” - Yoon thừa nhận.

Thì đã nói Cheju là “thiên đường trăng mật” mà!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận