"Trật tự thế giới mới" là trật tự nào?

TƯỜNG ANH 06/11/2023 14:40 GMT+7

TTCT - Không hẹn mà Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin, tại các diễn đàn khác nhau trong hai tháng 9 và 10-2023, đều nói về "trật tự thế giới mới".

Nội hàm của các "trật tự thế giới mới" này trong cái nhìn của họ được hiểu ra sao?

Phát biểu tại buổi tiếp tân nhân chiến dịch vận động tranh cử ngày 21-10, ông Biden khẳng định nhân loại cần một "trật tự thế giới mới" để thay thế trật tự đã tồn tại 50 năm qua: "Chúng ta đang ở thời kỳ hậu chiến kéo dài 50 năm, trật tự đó đã vận hành tốt, nhưng đã cạn kiệt, đã hết hơi (run out of steam)... Cần một trật tự thế giới mới, theo một nghĩa nào đó".

Trật tự hậu chiến đang hết hơi?

Đây không phải lần đầu tổng thống Mỹ đề cập tới sự cần thiết phải xây dựng trật tự thế giới mới. Chẳng hạn hồi tháng 3-2022, ngay sau khi Nga tấn công Ukraine, ông Biden đã nói trật tự thế giới cần đổi mới. 

"Như một quan chức quân sự cấp cao đã nói với tôi... tại một cuộc họp bí mật, từ năm 1900 đến năm 1946, 60 triệu người đã chết. Kể từ đó chúng ta đã thiết lập một trật tự thế giới tự do... Và bây giờ là lúc mọi thứ thay đổi... Sẽ có một trật tự thế giới mới, và chúng ta phải lãnh đạo nó. Chúng ta phải đoàn kết phần còn lại của thế giới tự do vì điều này".

Hôm 21-10, ông Biden giải thích thêm: "Chúng ta đang ở một bước ngoặt lịch sử, điều đó có nghĩa những quyết định mà chúng ta đưa ra trong 4-5 năm tới sẽ quyết định 4-5 thập niên tới sẽ như thế nào".

Đó là những quyết định gì?

Hai ngày trước, phát biểu trước toàn dân hôm 19-10 từ phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ông Biden đã phát động một sứ mệnh mới: thuyết phục người Mỹ chi thêm hàng chục tỉ USD để hỗ trợ Israel và Ukraine, và cho rằng chỉ sự tham gia của Mỹ mới ngăn được hỗn loạn toàn cầu. 

Ông Biden nói: "Sự lãnh đạo của Mỹ là thứ gắn kết thế giới lại với nhau. Các liên minh của Mỹ là thứ giúp nước Mỹ được an toàn".

Ảnh: Politico

Ảnh: Politico

Ông thừa nhận nhiều người Mỹ đặt cho ông câu hỏi tại sao Hoa Kỳ phải ủng hộ những đất nước, những cuộc xung đột quá xa đất Mỹ, và giải thích: "Lịch sử đã dạy chúng ta rằng khi những kẻ khủng bố không trả giá cho sự khủng bố của chúng, khi những kẻ độc tài không trả giá cho sự hung hãn của chúng, chúng sẽ gây ra nhiều hỗn loạn, chết chóc và tàn phá hơn".

Ông nói nếu Mỹ không hành động, "nguy cơ xung đột và hỗn loạn có thể lan rộng", kể cả ở Trung Đông. Trong cuộc chiến "bảo vệ từng tấc đất của NATO" này, ông Biden nhấn mạnh: "Tôi nghĩ điều quan trọng là Hoa Kỳ tiếp tục dẫn đầu. Chúng tôi đã đóng góp nhiều bằng tất cả các quốc gia còn lại cộng lại và GDP tương đương quy mô dân số của chúng tôi về mặt đó".

Trong hình dung của ông, trật tự thế giới mới chỉ có thể an toàn với vai trò dẫn dắt của Mỹ. Dù có sự hợp tác của đồng minh, sự thống lĩnh vẫn luôn thuộc về Hoa Kỳ. 

Cũng tại cuộc vận động tranh cử nói trên, ông Biden "kể công" đã dành 180 giờ thuyết phục các đồng minh châu Âu, khiến họ đoàn kết chống lại mưu toan "phá vỡ NATO" của ông Putin. Ông nhắc lại lời cựu ngoại trưởng Madeleine Albright, khẳng định rằng Hoa Kỳ là "quốc gia chính yếu" (essential country).

Một ngày sau 20-10, ông Biden thông báo gửi yêu cầu bổ sung khẩn cấp ngân sách tới Quốc hội nhằm tài trợ cho Israel và Ukraine, mà ông gọi là "tài trợ cho nhu cầu an ninh quốc gia của Hoa Kỳ". Ông nhấn mạnh: "Đó là khoản đầu tư thông minh sẽ mang lại lợi tức cho nhiều thế hệ".

Cụ thể, theo Cơ quan báo chí Nhà Trắng, ông Biden yêu cầu Quốc hội chi gần 106 tỉ USD, gồm hơn 60 tỉ cho Ukraine, hơn 14 tỉ cho Israel, gần 10 tỉ cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo ở Ukraine, Israel và Gaza, 2 tỉ hỗ trợ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Gói này cũng bao gồm 13,6 tỉ USD bảo vệ biên giới phía nam Hoa Kỳ và chống di cư bất hợp pháp từ Mỹ Latin và Caribe...

Như vậy, trong hình dung về "trật tự thế giới mới" của ông Joe Biden, vai trò của Mỹ vẫn luôn là thống lĩnh, lợi ích của Hoa Kỳ luôn là cốt yếu, và tinh thần vẫn là không ngần ngại sử dụng vũ lực.

Ảnh: orfonline.org

Ảnh: orfonline.org

"Thế giới của những quyết định tập thể"

Về phần mình, Tổng thống Nga Putin phát biểu tại Câu lạc bộ Valdai ở Sochi ngày 5-10, cho rằng thế giới trong tương lai là "của những quyết định tập thể" và khái niệm bá chủ sẽ bị "ném vào thùng rác". 

Theo ông, hòa bình lâu dài sẽ đạt được khi mọi người cảm thấy an toàn và ý kiến của họ được tôn trọng. "Chúng tôi không sắp đặt đảo chính và đe dọa thanh lọc sắc tộc theo tinh thần Đức Quốc xã", ông Putin tuyên bố.

Ông giải thích: "Một số người đã hiểu lầm sự sẵn lòng tương tác của chúng tôi, coi đó là sự phục tùng..., rằng Nga sẵn sàng đi theo sự dẫn dắt của người khác. Suốt những năm qua, chúng tôi đã hơn một lần cảnh báo rằng cách tiếp cận này không chỉ dẫn đến ngõ cụt mà còn tiềm ẩn nguy cơ leo thang xung đột quân sự. Nhưng không ai muốn lắng nghe hoặc nghe thấy chúng tôi".

Trước đó, ông Putin đã nhiều lần tuyên bố rằng việc tạo ra một thế giới đa cực là tất yếu và cần thiết về mặt lịch sử. Ông cũng cáo buộc phương Tây theo chủ nghĩa đơn cực và bá quyền. 

Tại cuộc họp thượng đỉnh khối BRICS ngày 24-8, ông nói các nước phương Tây là những đối thủ không thể hòa giải của một thế giới đa cực, trong khi các nước BRICS - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - lại ủng hộ thế giới đa cực này. 

Theo ông, trật tự thế giới mới "sẽ thực sự cân bằng". Hồi tháng 1-2023, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã nêu tên các trung tâm đa cực trong tương lai là Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, các nước vùng Vịnh Ba Tư và Mỹ Latin.

Trả lời báo Trung Quốc ngày 16-10 trước khi tham dự diễn đàn "Vành đai con đường" ở Bắc Kinh, ông Putin lại nói "trật tự dựa trên quy tắc" vẫn được phương Tây kêu gọi là vô nghĩa, bởi "tự họ (phương Tây) đưa ra quy tắc... theo cách phù hợp với lợi ích của họ. 

Đây là cách tiếp cận thuộc địa, bởi các nước thực dân luôn tin rằng họ là công dân hạng nhất và mang lại sự khai sáng cho thuộc địa của mình, rằng họ là những người văn minh. Cách tiếp cận của chúng tôi hoàn toàn khác. 

Chúng tôi xuất phát từ thực tế là tất cả mọi người đều bình đẳng, mọi người đều có các quyền như nhau, các quyền và tự do của một quốc gia và dân tộc kết thúc ở nơi các quyền và tự do của một người khác hoặc toàn bộ quốc gia khác xuất hiện. Đây là cách mà một thế giới đa cực sẽ dần dần được sinh ra".■

Các khoản "lợi tức cho nhiều thế hệ" đã được ông Biden hé lộ khi giải thích "vũ khí gửi tới Israel và Ukraine đến từ các kho dự trữ hiện có và số tiền được Quốc hội phê duyệt sẽ được sử dụng để xây dựng nguồn cung cấp mới được sản xuất tại các nhà máy của Mỹ". Bức thư đề xuất thông qua gói ngân sách bổ sung này từ Thượng viện nhấn mạnh: việc phê duyệt các hạng mục chi tiêu bổ sung sẽ thu hút 50 tỉ USD đầu tư vào ngành công nghiệp quân sự Mỹ. Trên CNBC, người đứng đầu tập đoàn sản xuất quân sự Mỹ Lockheed Martin, James Taiclet, không giấu giếm: "Không ích gì khi ngăn cản Israel tiến hành hoạt động quân sự... Vấn đề ở đây là sự phát triển hơn nữa của phức hợp công nghiệp quốc phòng của chúng ta, vốn chiếm hơn 2% GDP. Có những xung đột cần được giải quyết bằng vũ khí và chúng tôi sẵn sàng cung cấp những vũ khí này".
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận