Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1, TP.HCM) phân loại rác để bảo vệ môi trường. Ảnh: DUYÊN PHAN “Cách đây hơn 2 năm, con trai tôi (học lớp 3) nói với mẹ: “Nhà mình cần có 2 thùng rác với 2 màu khác nhau mẹ ạ. Một thùng để rác hữu cơ, 1 thùng để rác tái chế”. Thấy tôi ngạc nhiên, cháu giải thích: “Ở trường, cô giáo dạy con phải phân loại rác trước khi bỏ vào thùng. Chúng ta phân loại rác như vậy sẽ ích lợi rất nhiều và còn bảo vệ môi trường (BVMT) nữa. Nhà mình có thùng rác màu xanh rồi, mẹ mua thêm 1 thùng rác màu trắng nữa, cho giống với trường của con” - chị Nguyễn Thu Sương, mẹ một học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM), kể lại. Chị cũng cho biết cách đây vài tháng, khu phố nơi chị ở đã vận động người dân phân loại rác tại nguồn. "Gia đình tôi đã thực hiện từ 2 năm nay. Không những đề xuất, con trai tôi còn thường xuyên nhắc nhở ông bà, bố mẹ về việc phân loại rác. Có bữa, thấy bà nội đổ xương cá vào thùng rác tái chế, cậu đã la lên: Bà ơi, bà đổ nhầm rồi, xương cá phải đổ vào thùng rác hữu cơ mới đúng. Vỏ hộp sữa, chai nhựa... mới bỏ vào thùng rác tái chế - chị Sương kết luận và nói - Lúc đầu tôi mua thêm thùng rác chỉ để chiều con. Nhưng sau này thấy con rất nghiêm túc trong việc BVMT, vợ chồng tôi và bố mẹ chồng cũng dặn nhau người lớn phải hành xử sao cho đúng, đừng để trẻ phê bình. Từ đó, tôi nhận ra: vai trò giáo dục của nhà trường đối với học sinh là rất quan trọng”. Chị Hà Thu Thảo, phụ huynh Trường tiểu học Cao Bá Quát (Q.Phú Nhuận), kể: “Gần đây, con tôi đề nghị mẹ không mua ống hút nhựa nữa. Khi đi mua yaourt, bé cũng không lấy muỗng nhựa mà đề nghị dùng muỗng inox ở nhà, ăn rồi rửa. Hỏi ra mới biết thầy cô giáo ở trường đã dạy các con hạn chế dùng đồ nhựa...”. Cô Nguyễn Thị Ngọc Phượng, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), cho biết việc giáo dục học sinh ý thức giữ vệ sinh chung, BVMT... được lồng ghép vào các bài dạy ở môn tự nhiên xã hội, tiếng Việt, đạo đức... "Tùy từng độ tuổi mà có cách giáo dục nông hay sâu, nhưng sau mỗi bài học tôi đều hỏi lại học sinh: bản thân các con sẽ làm gì để BVMT. Tôi cũng nói các con về nhà nhắc nhở người thân trong gia đình cùng chung tay BVMT”. Nhưng quá trình rèn luyện cho các em ý thức BVMT không diễn ra dễ dàng ngay lập tức. Cô Đỗ Ngọc Chi, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1), chia sẻ: “Cách đây 4 năm, trường tôi đã dạy học sinh cách phân loại rác. Học sinh được nghe kể về các loại rác, tại sao phải phân loại rác và hướng dẫn cách thực hiện phân loại rác. Song song, chúng tôi cho đặt hai thùng rác cạnh nhau: 1 thùng đựng rác sinh hoạt, 1 thùng đựng rác tái chế (lẽ ra phải đặt thêm 1 thùng rác độc hại nữa nhưng do trường tiểu học ít có rác độc hại nên chúng tôi chỉ thiết kế 2 thùng rác mỗi góc). Bên cạnh đó, nội dung BVMT cũng được các giáo viên tích hợp trong các tiết dạy chính khóa, trong sinh hoạt chào cờ đầu tuần để tập cho học sinh thói quen tốt. Kết quả bất ngờ: học sinh khối 1, 2, 3 thực hiện khá tốt. Khối 4, 5 dù lớn hơn nhưng có em lại rất khó rèn, có lẽ do đã hình thành thói quen từ trước”. Một giáo viên lớp 5 ở Q.Tân Bình thông tin: “Khi giảng bài, tôi thấy các em phát biểu rất tốt, tiếp thu bài nhanh. Nhưng trên thực tế, nhiều em vẫn xả rác hoặc bỏ rác vào thùng, không phân loại. Hỏi thì em trả lời rất thật thà: “Nhà em chỉ có một thùng rác nên em quên”. Tôi nghĩ, nếu chỉ nhà trường giáo dục thôi thì chưa đủ, cần có sự chung tay của gia đình và xã hội. Khi ở nhà, phụ huynh cũng hướng dẫn và tạo điều kiện cho con em phân loại rác. Ngoài đường, công viên...cũng nên có 3 thùng rác khác nhau đặt cùng một chỗ để các em bỏ rác đúng nơi quy định”.■ Ông Nguyễn Quang Vinh (trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM): Khó ở việc duy trì, tạo thói quen Sở đã có tăng cường giáo dục môi trường cho học sinh từ nhiều năm nay và yêu cầu giáo viên các trường tích hợp nội dung giáo dục BVMT vào những tiết dạy chính khóa, hoạt động ngoại khóa. Đến nay, hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn TP đã thực hiện các nội dung trên. Việc giáo dục học sinh cách phân loại rác không khó, cái khó nhất chính là việc duy trì, tạo thói quen phân loại rác cho học sinh. Bởi ở trường thầy cô yêu cầu các em phân loại rác trước khi bỏ vào thùng, nhưng ở nhà hay ở nơi công cộng rất ít nơi có 3 loại thùng rác như quy định. Tags: Trẻ emBảo vệ môi trườngPhân loại rác
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
Đà Lạt hướng tới mục tiêu trở thành hình mẫu tiêu biểu về tăng trưởng xanh MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.