Trẻ nông thôn cũng thiếu sân chơi

NGUYỄN TRUNG NGUYÊN 19/06/2014 03:06 GMT+7

TTCT - Không chỉ trẻ tại đô thị mới mất dần không gian vui chơi, trẻ ở vùng quê cũng vậy. Là một nơi sông nước mênh mông, đồng ruộng thẳng tắp, ảnh hưởng đô thị hóa chưa nhiều nhưng trẻ quê tôi cũng đang mất dần sân chơi.

Sự khác biệt của thú vui và niềm vui

Một sân bóng đúng nghĩa cho các em thường là chuyện... xa xỉ - Ảnh: Tiến Long

Các trò chơi như “liệng tù binh” - ném cầu, táng u, tạt lon... như trước đây dần trở thành ký ức, không chỉ bị trò chơi điện tử, các chương trình truyền hình tác động, mà vì không còn không gian để chơi.

Không gian bị thu hẹp

Đường phố quá nhiều xe và người qua lại, các con hẻm thì nhà cửa san sát, lối đi bị tận dụng làm chỗ để xe, buôn bán, dựng bảng hiệu, không nhà nào dám cho trẻ bước ra khỏi nhà vì lý do an toàn.

Trong trường, trước đây trẻ còn được nô đùa trên thảm cỏ xanh, giờ ra chơi còn tụm năm tụm ba dưới tán cây bàng nhảy lò cò, nhảy dây, chơi trốn tìm. Ngày nay, việc bêtông hóa toàn bộ sân trường tuy có mang lại sự sạch sẽ, thông thoáng, tiện cho việc lễ hội nhưng kéo theo vô vàn sự bất tiện khác.

Có trường vội vã đốn những hàng cây ba bốn mươi năm tuổi để đổi lấy một sân trường phẳng phiu đến nhức mắt dưới trời nắng. Những chậu kiểng, những giò lan được treo lên như mong thay cho sự biến mất của hàng cây xanh quanh trường. Có nơi không còn một cây phượng nào vốn được ưu ái trồng nhiều trong trường học.

Học sinh dần mất đi nét dễ thương là cứ đến giờ ra chơi lại thi nhau nhặt hoa phượng ép vào vở, nhất là lưu bút nào cũng có vài cánh phượng hồng xen lẫn lá thuộc bài.

Những buổi cắm trại cho toàn trường thưa dần rồi mất hẳn vì không còn hàng tre, bụi chuối, thảm cỏ. Buổi cắm trại giờ đây chỉ là tập trung vào... các phòng học, rồi ăn uống, nghe nhạc, xem diễn thời trang... Không thể tổ chức hoạt động ngoài trời được nên các em không còn thích thú cắm trại.

Hoạt động ngày thường đã vậy, ngày hè cũng không hơn gì ngoài vài lớp chiêu sinh dạy đàn, dạy vẽ, dạy múa. Phần lớn trẻ lại tìm vui ở trò chơi điện tử vì không còn hăng hái với trò chơi tuổi thơ. Một số phụ huynh lý luận rằng thôi thì chơi điện tử cũng an toàn vì ngồi trong nhà, yên tâm hơn là ra ngoài phố?!

Thiếu sân chơi, dễ nảy sinh tệ nạn

Có lẽ chỉ còn học sinh tiểu học là hồn nhiên vui chơi chạy nhảy trong sân trường, chứ các em lớn tuổi hơn không còn niềm vui như vậy. Giờ ra chơi ngoài một số em ngồi ôn bài, phần lớn thấy các em cắm cúi vào điện thoại. Thậm chí với lý do đề phòng tai nạn cho học sinh, nhiều thầy cô yêu cầu các em giới hạn hoạt động cá nhân chỉ còn là đọc sách, đi dạo...

Công viên thiếu nhi ở vùng nông thôn rất xa lạ với những bập bênh, đu quay hay thảm cỏ, vũng cát sạch cho trẻ vui chơi. Một số nơi cũng có nhưng là các trò chơi có thu tiền. Một số trẻ chọn cách vào các siêu thị vì không vào thì biết đi đâu bây giờ?

Thiếu sân chơi, trẻ tất nhiên thiếu sự gắn kết, kỹ năng sinh hoạt tập thể. Các hoạt động nặng tính cá nhân và thường do yếu tố tài chính chi phối. Các thầy cô sợ nhất là các tiết tổ chức trò chơi dân gian cho học sinh trong năm học. Các em thờ ơ, không tham gia và không biểu lộ sự ham thích nào vì quanh đi quẩn lại chỉ có kéo co, cướp cờ, nhảy bao bố, chạy xe đạp chậm...

Việc không còn không gian chơi và nghèo nàn về trò chơi làm các em mất đi sự năng động của tuổi thơ. Một nơi sinh hoạt cộng đồng cho trẻ nên được chú ý xây dựng kèm với các hình thức vui chơi phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm địa phương. Năm nào các cơ quan truyền thông cũng cảnh báo về tình trạng trẻ em đuối nước ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhưng số lớp dạy bơi cho các em chưa nhiều...

Sông nước mênh mông lại kề bên. Làng nghề truyền thống có nhiều nhưng chưa thấy trường học, địa phương phối hợp tổ chức cho các em tham quan, học tập, trải nghiệm với các nghề của quê hương.

Không chỉ trẻ thành thị mất dần sân chơi, trẻ nông thôn cũng vậy. Làm công tác giáo dục nhiều năm, tôi quan sát và nhận thấy không gian chơi cho các em quá thiếu, lại nghèo nàn, nên việc trẻ tụ tập thành nhóm chơi những trò tự phát, uống rượu vào rất dễ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Một sân chơi phù hợp cho các em là điều cần thiết, không bao giờ là trễ cả.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận