TTCT - Trong thế giới phẳng ngày nay, việc tiếp cận với tri thức không còn quá khó khăn như trước. Có nhiều con đường để đến với học thuật trong một xã hội kỹ thuật số. Nhưng dù sao chúng ta vẫn không thể phủ nhận tầm quan trọng của sách in trong việc truyền bá tri thức cho con người. Phóng to Khuyến khích tinh thần đọc sách ở giới trẻ là việc cần thiết, nhưng đọc gì mới quan trọng hơn - Ảnh: Minh Đức Gần đây, nhiều người kỳ vọng vào một nền học thuật mới mẻ, một sự làm chủ tri thức thật sự của người Việt trong một tương lai gần khi nhìn vào tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh và Nhà xuất bản Tri Thức. Nhưng không hẳn thế. Chúng ta, những người có ước vọng về một nền văn hóa đọc vững chắc cho dân tộc, sẽ không tránh khỏi đau lòng khi nghe giáo sư Chu Hảo nói về tình trạng ế ẩm của tủ sách tinh hoa trong cuộc tọa đàm thông báo về giải thưởng Phan Châu Trinh 2012: “Mỗi một cuốn sách, dù là rất có giá trị, cũng không thể bán được trên 2.000 cuốn trên 84 triệu dân. Tôi nói như vậy chắc ai nghe cũng đau lòng. So sánh với những cuốn sách có thị hiếu văn hóa như nhiều người nói là không cao, chúng cũng bán được 10.000-15.000 bản”. Khát vọng của tủ sách tinh hoa là chấn hưng dân trí, và sự thật là chúng ta thấy rõ được điều đó qua các đầu sách mà tủ sách này lựa chọn để tổ chức dịch thuật và xuất bản, quảng bá. Nhưng với sự thật đau lòng này thì liệu đến bao giờ dân trí mới được chấn hưng. Chúng ta đọc gì? Không ai được phép xem thường trí thông minh của giới trẻ hiện nay, nhưng họ cần sự định hướng của những người đi trước. Một ai đó từng nói rằng kinh nghiệm thật ra chỉ là tên gọi của những sai lầm. Phải giúp tuổi trẻ nhìn thấy sai lầm của người đi trước. Chúng ta an lòng phần nào khi con cái mình bước tới nhà sách thay cho việc thức thâu đêm để chờ đợi rồi hôn lên những chiếc ghế của các thần tượng ca nhạc, thời trang, điện ảnh và khóc lóc, gào thét khi không chạm được vào tay thần tượng của mình. Nhưng không phải ai trong chúng ta cũng biết con cái chúng ta sẽ lựa chọn những cuốn sách nào trong một rừng sách ngút trời ở đó, khi quanh chúng nhan nhản những cuốn tiểu thuyết diễm tình của văn học Trung Quốc, những câu chuyện ướt át bởi tình dục, những cuốn có nhan đề giật gân đánh vào tâm lý tò mò của giới trẻ mà vì lợi nhuận nên các nhà sách ồ ạt cho ra lò mà không nghĩ đến sự nguy hại của chúng. Trong khi đó, những cuốn như Tâm lý học đám đông của Gustave Le Bon, Chính thể đại diện của John Stuart Mill, Những huyền thoại của Roland Barthes, Vật lý và triết học của Werner Heisenberg, Sự hình thành tinh thần khoa học của Gaston Bachelard, Luận về biếu tặng của Marcel Mauss... vẫn nằm im lìm trên các giá sách mặc cho sự cô đơn của cả một thế giới kiến thức khổng lồ, sâu rộng và những lý giải học thuật nghiêm xác, bổ ích bên trong chúng. Đừng để tri thức nằm ngoài chúng ta Chúng ta đang đánh mất những gì khi quay lưng với tủ sách kinh điển này? Trước một thế giới đầy rẫy đổ vỡ như hiện tại, một hiện thực trở nên bất định, một nền văn hóa phẳng toàn cầu rất khó tri nhận thì chính những cuốn sách kinh điển sẽ giúp chúng ta định hướng được tương lai của mình. Chúng ta sẽ tìm thấy căn nguyên của sự tụt hậu trong mỗi con người. Giá trị của học thuật sẽ nâng đỡ chúng ta bay lên khỏi lối tư duy tiểu nông nhỏ hẹp. Chúng ta sẽ thấy mình đến từ đâu, đang ở đâu và sẽ phải đối mặt với những vấn nạn gì trong cuộc sống hiện nay. Trong đó, chúng ta sẽ thấy mình vô cùng nhỏ bé và chậm chạp khủng khiếp trong việc nắm bắt tri thức khách quan, thế giới tâm hồn so với thế giới, giúp chúng ta bớt đi sự cuồng tưởng, thói ngạo nghễ anh hùng rơm và xác định được mình sẽ làm được gì và những gì sẽ vĩnh viễn nằm ngoài chúng ta. Ở đó, chúng ta thấy được sự tương thông giữa nghệ thuật và khoa học, giữa xã hội và tự nhiên để từ đó giúp tuổi trẻ nhìn ra được căn nguyên nào khiến mình luôn thiếu vắng những cấp độ sáng tạo thật sự dựa trên một nền khoa học, mỹ học rắn chắc trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Ngay cả chúng ta nhiều khi cũng thờ ơ với sự nhiệt tâm của những người mang khát vọng chấn hưng dân trí. Ngoái nhìn phương Tây, khoa học và nghệ thuật của họ luôn có những bước đột khởi bởi họ dựa trên những căn nền vững chắc dưới sự tài trợ của những nhà kinh tế lớn. Còn chúng ta, phải chăng phần lớn đang mải mê với những cuộc chơi khác mà ở đó sách vở và tri thức không thể dự phần? Tags: Sách giáo khoaSáchTrí thứcTruyền bá tri thức
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sao kê thêm 335 trang, có người ủng hộ 1 đồng THÀNH CHUNG 14/09/2024 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp tục đăng tải 335 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 từ ngày 1 đến 12-9, trong đó có tên nhiều nghệ sĩ.
Quân đội đã đưa hơn 374.000 người đến nơi an toàn trước, trong và sau bão số 3 NAM TRẦN 14/09/2024 Đến nay các lực lượng của quân đội đã đưa 374.000 người đến nơi an toàn trước, trong và sau bão số 3.
Ngày cuối tuần ở báo Tuổi Trẻ, dòng chảy nghĩa tình đồng bào vẫn cuồn cuộn YẾN TRINH 14/09/2024 Ngày 14-9, đã có gần 5.200 lượt bạn đọc là cá nhân và tổ chức ủng hộ hơn 7 tỉ đồng cho đồng bào vùng bão lũ các tỉnh phía Bắc.
Miền Bắc sắp mưa phủ rộng, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất TTXVN 14/09/2024 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết chiều tối nay, khu vực Bắc Bộ có mưa với lượng mưa từ 5-15mm, có nơi trên 40mm.