Trí và Khôn

HOÀNG HỒNG MINH 31/12/2011 10:12 GMT+7

TTCT - Một quan sát thú vị đang được các nhà khoa học tiến hành: tại sao các con cóc lại di chuyển khỏi chỗ ở của chúng ngay trước khi xảy ra động đất dăm ba ngày và kỳ thú hơn, tại sao chúng quay trở lại gần như ngay lập tức sau ngày động đất?

Phóng to
Minh họa: Lê Thiết Cương

Các quan sát này đang được nghiên cứu tại vùng Aquila ở Ý, nơi xảy ra động đất năm 2009. Tất nhiên những quan sát này còn phải được tiến hành bền bỉ, để rồi có thể tìm ra những kết luận chắc chắn hơn.

Trong các giả thuyết được đưa ra có một giả thuyết rất thú vị là các bạn cóc có 450 triệu năm tuổi loài. 450 triệu năm kinh nghiệm sống và kinh nghiệm sống sót - một kho trí khôn - dù là tiềm thức thôi, thật là vĩ đại. Và có thể nhờ có 450 triệu năm tuổi loài đầy từng trải để sống sót qua biết bao nhiêu thời đại khí hậu bất thường cùng thiên tai, chúng đã biết cảm nhận một loại khí đặc biệt bị thoát ra từ “tầng địa ngục” trong lòng đất ngay trước khi động đất lớn xảy ra.

Về tuổi loài thì loài người kiêu căng và háo danh chúng ta quả là chưa ăn nhằm gì so với loài cóc, chúng ta mới có được vài triệu năm tuổi loài. Biết bao nhiêu loài đã được sinh ra sau loài cóc, trong đó có các chàng khủng long hùng vĩ, mà rồi bị diệt vong mất tăm. “Con cóc là cậu ông Giời”, nghe tưởng nôm na mà cũng có lẽ thế à.

Các sinh thể mang trong mình một chức năng trí khôn đặc biệt, có thể gọi là “hàm lịch sử”. Nghĩa là khi có sự kiện xảy ra ở đầu vào, “trí“ thao tác suy luận đã đành với những sự kiện này, nhưng bao giờ cũng cần tham khảo rà sâu thêm kho kinh nghiệm sống của mình, của cá thể và của loài, để chuyển được cái “biết” trở thành cái “khôn”.

Nghe nói một con cá rô bị câu hụt thoát chết sẽ duy trì kinh nghiệm cá nhân này của mình tương đương với 40 năm trong đời người, cái này ai kiểm tra lại giùm nghen. Còn để bơi lội tài tình mềm dẻo và mạnh mẽ như bạn cá rô, cái đó không chỉ do kinh nghiệm cá thể của chàng ta, mà có cả di sản kinh nghiệm của loài truyền lại cho chàng.

Các sĩ phu nay nếu ngồi trong bếp hay hằng ngày đến tu viện tra “sách đã dẫn”, rồi nghĩ ngợi chay thì chắc sẽ phát triển được về trí, suy luận cực nhanh, nhưng nên cẩn thận rằng cái khôn của mình cũng khá bị hạn chế do sự từng trải hạn chế của chính mình. Rộng ra, một tập thể, một cộng đồng cũng vậy, đóng cửa bảo nhau mãi thì rồi không biết sẽ lấy gì mà bảo nhau, hay lại quay ra dọa ma nhau?

Chỉ lấy kinh nghiệm chủ quan của thời mình, lại lên gân kiêu hợm mà không ôn cũ biết mới, không học lại lịch sử của cộng đồng mình, không học lịch sử và thực tế hôm nay của cộng đồng toàn thể nhân loại trên tinh thần cầu hiểu, vươn tới khách quan thì làm sao tìm và lấy lại được cái khôn của loài? Học kinh nghiệm lịch sử mà cứ cố bẻ queo lịch sử theo cái thẩm mỹ háo danh riêng hôm nay của mình, rồi để sẽ đi về đâu?

“Kinh nghiệm” thật sự bao giờ cũng thật quý báu, sống còn, tùy theo chúng nằm ở diện rộng và sâu nào và tùy theo chúng được “nhúng”, được chiêm nghiệm ở tầm cao lý thuyết nào.

Câu thần chú “Trí khôn của ta đâu?”, nay có khi nên được đọc lại: “Trí của ta đây! Khôn của ta đâu?”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận