TTCT - Chuyện xưa kể rằng có lần Khổng Tử đi chơi, bỗng gặp một người đàn bà đang bên bờ ruộng nức nở. Khổng Tử dừng bước, hỏi thăm sự tình. Phóng to Tranh: Lê Thiết Cương Người đàn bà nói: “Tôi đi cắt cỏ thi, vô ý đánh rơi cái trâm bằng cỏ thi, tìm mãi không được. Cứ nghĩ đến cái trâm là không ngăn nổi nước mắt”. Khổng Tử bảo: “Nhà chị làm nghề cắt cỏ thi, đánh mất cái trâm cỏ thi thì có gì ghê gớm mà phải khóc đến vậy”. Người đàn bà đáp: “Tôi khóc không phải vì mất cái trâm, mà vì đánh mất một vật thân thiết, đã lâu gắn bó với mình”. Mấy hôm nay anh cũng nức nở hệt như người đàn bà trong tích xưa. Dĩ nhiên anh không mất trâm, anh bị mất điện thoại di động. Anh bị giật mất, mà bị giật mất ngay trước cửa nhà mình mới đau! Anh bất lực nhìn tên cướp phóng xe bay ra khỏi hẻm... Đấy là chiếc smartphone đầu tiên anh dùng với nhãn hiệu và kiểu dáng mà anh ưa thích nhất. Đấy cũng là chiếc điện thoại gắn với nhiều kỷ niệm từ khi con trai anh đi du học phương xa. Nó cũng chứa bao nhiêu dữ liệu, bao nhiêu thông tin về những người bạn mới mà anh có được từ khi anh bước vào nghề làm sách và bán sách... Thấy anh nức nở quá có người mới bàn rằng hay là đi tìm cái tên giang hồ trong xóm, đánh tiếng để xin cho chuộc lại. Anh dứt khoát nói không vì như thế là chịu nhục, nói đúng hơn, cũng không phải vì nhục mà là đồng lõa với kẻ xấu. Nghĩ mà xem, chính cái thói quen xin chuộc, mua rẻ, xài đồ gian đã xui giục, đã khuyến khích, đã thúc đẩy và đã khiến cho lũ cướp giật, bọn trộm vặt sống khỏe, sống dai với máy tính, điện thoại, nữ trang, túi xách, kính mát, kính xe hơi... Chẳng phải chính đồng bào ta đã góp tay “hình thành và phát triển” cái thị trường màu đen này sao? Bàn đến đây có người bảo anh đã đi quá xa. Chuyện gì đến nỗi phải nghĩ ngợi đến thế. Nhưng anh vẫn chưa chịu dừng cái sự “tư tưởng”: chẳng lẽ những việc thế này lại hoàn toàn trông cậy vào thái độ và trách nhiệm của công dân? Những người ăn và sống vào tiền thuế của dân phải làm gì để đừng nói câu bó tay và xin lỗi, xin lỗi rồi vẫn bó tay? Ngay như cái nghề sách mà anh đang ”thực thi”, câu chuyện sách lậu thuộc vào hệ “khổ lắm nói mãi dù ai cũng biết rồi”... Cả làng bất lực, đầu hàng nhìn các anh “xào nấu” tuyên bố hoặc không tuyên bố “mặt dày tâm đen”, phây phây tiền thầy bỏ túi nhờ “tâm đen mặt dày”... Trong khi đó, ở xứ người, thiên hạ từ lâu đã áp dụng chính sách giá tối thiểu. Luật định, nếu những người làm sách phát hiện ai, ở đâu bán một cuốn sách với giá thấp hơn giá tối thiểu so với giá bìa, có quyền khởi kiện ra tòa với chứng cứ kèm theo. Tòa sau khi xem xét sẽ tuyên phạt rất nặng người bán sách. Không ai đi làm sách lậu để bán sách cao hơn chi phí mà người làm sách bỏ ra. Và cũng không ai dám bán sách để phải bị phá sản vì sách lậu. Thật đơn giản! Không cần tuyên truyền giáo dục. Không cần chiến dịch truy quét. Không cần thanh tra liên ngành... Bạn anh có người làm ngư dân ở bên kia bán cầu. Anh ấy kể rằng tại nước đó, để bảo vệ môi trường và tài nguyên quốc gia, luật định không được phép đánh bắt và tiêu thụ loại thủy hải sản còn “trẻ người non dạ”. Nếu bắt quả tang nhà hàng nào bán tôm cua có kích thước dưới mức quy định, lập tức biên bản được lập và dĩ nhiên là sẽ phạt rất cao. Nhà hàng không bán thì sẽ không mua. Nhà hàng đã không mua thì ngư dân chỉ còn có một nước “tự giác” thả lại xuống biển con cháu Long vương để đoàn tụ gia đình... Tương tự như vậy, nhiều nơi xóa được nạn ăn cắp vặt bằng con đường bảo hiểm. Nếu khách hàng bị mất mát hay hư hỏng tài sản bảo hiểm, hãng bảo hiểm đền ngay bằng hàng chính hiệu. Chủ xe hơi được lắp ngay cái kính đồ xịn thì tay ăn cắp kính biết bán cho ai? Thật là đơn giản! Giải pháp của mọi giải pháp chính là xóa bỏ tận gốc cái lợi ích từ phương thức tồn tại của nó. Chẳng lẽ những chuyện thế này quê ta không nghĩ tới, không biết đến, không làm được? Hay vấn đề nằm ở chỗ chưa muốn giải quyết vấn đề? Hay dân rất cần nhưng quan chưa vội? Nhớ lại chuyện mấy bà má Nam bộ thường nói với cán bộ ta: Mấy đứa bay lúc nào mở miệng cũng kêu triệt để. Bây giờ mấy má mới hiểu, tụi bay chỗ nào muốn triệt là triệt, chỗ nào muốn để là để! Lời các má, hay thiệt là hay! Tags: Phiếm đàm
TAND giải quyết tranh chấp đất đai: Bỏ một quan niệm không hợp thời DƯƠNG NGỌC HÀ THỰC HIỆN 28/03/2023 2045 từ
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận lời mời thăm Mỹ từ Tổng thống Joe Biden DUY LINH 30/03/2023 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhắc lại lời mời thăm cấp cao lẫn nhau trong cuộc điện đàm tối 29-3. Hai nhà lãnh đạo vui vẻ nhận lời và giao các cơ quan liên quan thu xếp thời gian thích hợp.
Chính thức: Indonesia bị tước quyền đăng cai U20 World Cup, 'chủ nhà' mới chưa có ĐỨC KHUÊ 29/03/2023 Sau cuộc họp diễn ra hôm 29-3, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) quyết định hủy quyền đăng cai U20 World Cup của Indonesia.
Phê duyệt quy hoạch Khánh Hòa sẽ là thành phố trực thuộc trung ương PHAN SÔNG NGÂN 29/03/2023 Ngày 29-3, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thành thành phố trực thuộc trung ương và là cửa ngõ chính ra Biển Đông, Trường Sa thành một trung tâm phát triển trên biển.
Nguy cơ 'ghê gớm' gì khiến Elon Musk kêu gọi tạm dừng phát triển trí tuệ nhân tạo? NGHI VŨ 29/03/2023 Elon Musk cùng nhiều chuyên gia trong ngành kêu gọi tạm dừng 'huấn luyện' AI vì nguy cơ mất kiểm soát.