Triều Tiên và Mỹ "đóng phim" nhiều tập

DANH ĐỨC 04/04/2012 00:04 GMT+7

TTCT - Ông Kim Jong Un sẽ phóng hay không phóng vệ tinh, phóng để làm gì vào lúc này? Ông Obama ra giới tuyến quân sự tạm thời động viên tinh thần binh sĩ Mỹ trong thời khắc khủng hoảng? Đàm phán trở lại hay lại tiếp tục căng thẳng?

Phóng to
Tổng thống Obama dùng ống kính nhìn qua biên giới Triều Tiên từ đài quan sát ở khu phi quân sự ngày 25-3. Hàn Quốc và Mỹ thỏa thuận sẽ đáp trả mạnh trước bất cứ hành động gây hấn nào của Bình Nhưỡng

Suốt mẩu nói chuyện vỏn vẹn 525 chữ sáng chủ nhật 25-3 trước binh sĩ Mỹ tại căn cứ Bonifas, tiền đồn sát giới tuyến chỉ có 400m, Tổng thống Barack Obama đã không có lấy một lời, trực tiếp hay ám chỉ, về bất cứ nguy cơ nổ ra xung đột nào, thậm chí dính dáng đến quân sự.

Thật trái nghịch với tình hình có vẻ như căng thẳng từ hai tuần hơn qua, sau khi Bình Nhưỡng loan báo sẽ phóng thử vệ tinh nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông nội Kim Jong Un là ông Kim Nhật Thành (15-4-1912).

Đòn "tâm lý chiến"

Để đưa được vệ tinh lên quỹ đạo phải cần đến một tên lửa đạn đạo, và đây là điều Triều Tiên bị Liên Hiệp Quốc cấm chỉ qua nghị quyết 1874 tiếp sau vụ thử hạt nhân ngày 25-5-2009

Trái lại, ông Obama nhẹ nhàng tâm sự: “Lần trước khi đến đây, tôi dùng bữa trưa với Tổng thống Hàn Quốc Lee. Ông kể tôi nghe chuyện khi ông còn bé xíu, lúc đó chiến tranh vừa bắt đầu, và rồi sau đó là cảnh nghèo khó cùng cực, tay trắng. Khi nói đến biến đổi đã diễn ra ở Hàn Quốc, sự tương phản giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã quá rõ ràng, không gì có thể hiển hiện hơn, cả về mặt tự do lẫn thịnh vượng...”.

Chẳng có gì thể hiện vai trò tổng tư lệnh quân đội Mỹ, ngoại trừ cái áo khoác quân đội mà bản thân ông Obama cũng thấy là mới mẻ: “Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng tôi vừa được tặng cái áo khoác xinh xắn này. Không rõ ai đã lo vụ áo khoác này, nhất định không phải là tướng... Đây rồi (ông Obama không nêu tên, chắc là không nhớ), xin cho tôi cảm ơn” (1). Rõ ràng “kịch bản” cuộc viếng thăm binh sĩ ở vị trí tiền phương đã được biên soạn rất nhẹ nhàng.

Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak, ông Obama cũng không gươm đao: “CHDCND Triều Tiên sẽ chẳng đạt được gì nếu cứ nay đe mai dọa... Giống như bị cột chặt bởi sợi dây thừng - thời gian, trong suốt 50 năm mà hụt mất 40, 50 năm tiến bộ”.

Thật hòa bình, song nếu từ Bình Nhưỡng mà nghe thì đây lại là luận điệu “chiến tranh tâm lý” giống như vụ cây thông giáng sinh cao hơn 30m mà Hàn Quốc dựng ở giới tuyến tháng 12 năm ngoái khiến Bình Nhưỡng điên tiết đòi bắn sập (2). Thật ra, ông Obama sang Hàn Quốc không phải vì vụ CHDCND Triều Tiên đòi phóng vệ tinh mà để dự hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân.

Vừa gật đầu xong...

Tình hình căng thẳng hiện nay hoàn toàn trái nghịch với trước đó đúng một tháng. Hôm 29-2, thông tấn xã Triều Tiên KCNA trích nguồn Bộ Ngoại giao nước này cho biết vòng ba đàm phán Triều Tiên - Mỹ tại Bắc Kinh hôm 23 và 24-2 giữa thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan và đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ Glyn Davies đã đi đến một thỏa thuận gồm các điểm sau: 1/Mỹ tái xác quyết không thù địch nữa đối với Triều Tiên và đã chuẩn bị các bước tiến cải thiện quan hệ hai nước...;

2/Mỹ hứa cung cấp 240.000 tấn lương thực, có thể sẽ bổ sung viện trợ thực phẩm...; 3/Triều Tiên, theo yêu cầu của Mỹ và cũng để duy trì không khí tích cực cho đàm phán, đồng ý ngưng thử hạt nhân, ngưng phóng tên lửa tầm xa, ngưng làm giàu uranium ở Nyongbyon, và cho phép Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) theo dõi việc ngưng làm giàu uranium... (3).

Bình Nhưỡng có thật sự cần đến 240.000 tấn lương thực của Mỹ hay không? Có thể kiểm chứng điều này qua mẩu tin sau của thông tấn xã KCNA về tang lễ cố chủ tịch Kim Jong Il với dòng người đưa tiễn dài đến 40 cây số: “Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong Un đã ưu ái đoan chắc rằng một lượng đường lớn đã được chuyển đến hệ thống dịch vụ di động... Nhờ vào sự ưu ái đó mà nước đường nóng đã được dọn dư dả cho những người tham dự đi viếng tang...” (4).

...Đã lại hục hặc!

Có vẻ như đang thuận buồm xuôi gió thì tất cả lại dừng ngay hôm sau, khi tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên đăng một bài “cảnh cáo” rằng: “Kịch bản của cánh họ Lee nhằm dựng lên một cuộc “buôn chuyện” hạt nhân chống Triều Tiên, mượn cớ “an ninh hạt nhân” là để lên dây cót lý thuyết cũ rích “mối nguy cơ hạt nhân từ miền Bắc” và để biện minh cho một cuộc chiến tranh hạt nhân chống lại miền Bắc cùng với các lực lượng bên ngoài”.

Cuộc bàn tán hạt nhân mà báo Rodong Sinmun ngày 1-3 nói đến chính là Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân Seoul ngày 27 và 28-3 với sự tham dự của 53 nhà lãnh đạo quốc gia (hoặc đại diện), trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, Tổng giám đốc IAEA... để bàn về việc tăng cường hợp tác quốc tế chống nguy cơ khủng bố hạt nhân sao cho đừng để các vật liệu hạt nhân lọt vào tay các tổ chức khủng bố, Tân Hoa xã cho biết (5).

Cũng theo hãng thông tấn này, dự kiến hội nghị sẽ đưa ra một “thông cáo chung Seoul” quy định tỉ lệ làm giàu uranium xuống thấp hơn nữa.

Hai mươi ngày sau bài xã luận “đả Hàn Quốc, đả hội nghị an ninh hạt nhân” của cơ quan ngôn luận chính thức của Triều Tiên, hôm 20-3 trợ lý bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc họp báo giải thích việc Bắc Kinh tham dự hội nghị này như sau: “Trung Quốc vẫn luôn đặt nặng vấn đề an ninh hạt nhân và vẫn luôn tích cực tham dự hợp tác quốc tế về vấn đề này... Trung Quốc hi vọng Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân Seoul sẽ cải thiện sự đồng thuận quốc tế...” (6).

Có thể thấy, theo Tân Hoa xã, hội nghị thượng đỉnh này là một cố gắng mới nhằm siết chặt “kỷ cương hạt nhân”, ràng buộc các nước đang làm giàu uranium hơn nữa theo định mức mới hạ thấp xuống này.

Tuy chỉ đưa ra những nguyên tắc, không nêu tên nước nào, song có thể thấy trước rằng những nước đang làm giàu uranium như Iran hoặc Triều Tiên đều bị tác động siết chặt: nếu làm giàu hơn mức cho phép sẽ bị xem là vi phạm và trong trường hợp “vi phạm quả tang” đó, các nước trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ dễ dàng đồng thuận, điều mà trợ lý bộ trưởng ngoại giao Mã Triều Húc muốn nói đến.

Từ đó có thể thấy tại sao truyền thông Bình Nhưỡng, ngay từ đầu tháng 3, gọi hội nghị thượng đỉnh này là một cuộc “buôn chuyện” theo hướng sau đây: 1/Bình Nhưỡng làm như không thấy sẽ có lãnh đạo Trung Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh Seoul và qua đó cho thấy quan hệ với Trung Quốc như thế nào; 2/Bình Nhưỡng không ưa hội nghị này vì biết trước mình sẽ chịu tác động bởi những quy định mới, nghiêm ngặt hơn.

Sau phản đối hội nghị thượng đỉnh Seoul, Bình Nhưỡng loan báo sẽ phóng vệ tinh và giải thích đó là quyền chính đáng của mình. Tuy nhiên, để đưa được vệ tinh lên quỹ đạo phải cần đến một tên lửa đạn đạo, và đây là điều Triều Tiên bị Liên Hiệp Quốc cấm chỉ qua nghị quyết 1874 tiếp sau vụ thử hạt nhân ngày 25-5-2009.

Ông Kim Jong Un sẽ phóng hay không phóng? Có thể ông sẽ phóng, sau khi được quốc hội chính thức bầu làm chủ tịch, để cho thấy ông tuy tuổi trẻ song cũng tài cao, đủ bản lĩnh đứng đầu và đương đầu quân thù, nhất là nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông nội mình.

__________

(1) Remarks by the President During Meet and Greet with Troops, March 25, 2012, White House. gov
(2) Richard Shears, “North Korean despot threatens to shoot down 100ft ‘Christmas tree’ erected near border by enemy South”, Daily Mail 12 December 2011
(3) DPRK Foreign Ministry Spokesman on Result of DPRK-U.S. Talks,
http://www.kcna.co.jp/index-e.htm
(4) Warm Care Shown by Kim Jong Un, http://www.kcna.co.jp/index-e.htm
(5) http://news.xinhuanet.com/english/world/2012-03/25/c_131487946.htm
(6) http://news.xinhuanet.com/english/china/2012-03/25/c_131488340.htm

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận