Trò chơi điện tử và chủ nghĩa hư vô

CHIÊU VĂN 17/11/2017 02:11 GMT+7

TTCT - Với trò chơi điện tử, có những cách lãng phí thời gian mà bạn không thể nào tưởng tượng nổi nếu không phải là một tín đồ. Nhưng rốt cuộc thời gian của chúng ta thật sự có ý nghĩa gì không?

Con người là sinh vật duy nhất có khái niệm “giết thời gian” với những trò như câu cá. Tranh của Dima Dmitriev. -Ảnh: pinterest
Con người là sinh vật duy nhất có khái niệm “giết thời gian” với những trò như câu cá. Tranh của Dima Dmitriev. -Ảnh: pinterest

 

Năm 2012, David Curry - 34 tuổi, nhân viên tính tiền siêu thị, sống ở nam California - đọc được bài trên một diễn đàn trực tuyến ký tên Dick Tree.

Tree có một dự tính kỳ công: anh ta sẽ chơi trò chơi điện tử trứ danh ra mắt năm 1997 Final Fantasy VII (FF7) tới khi nào các nhân vật đạt đến cấp cao nhất mà không rời cảnh mở màn, diễn ra trong một lò phản ứng hạt nhân.

FF7 là một trong những trò chơi điện tử nhập vai được mến mộ nhất trong cộng đồng “đầu to mắt cận” của dân chơi game và giống như rất nhiều trò chơi điện tử khác, dựa trên hệ thống “điểm kinh nghiệm” để nâng cấp nhân vật.

Kiếm được đủ điểm và nhân vật của bạn sẽ lên cấp, sẵn sàng cho những đối thủ mạnh hơn để kiếm được nhiều điểm hơn và cứ như thế. Tree ước tính ngay cả bỏ ra vài tiếng mỗi ngày để loanh quanh trong cảnh đầu của trò FF7, anh vẫn sẽ mất một năm mới lên được cấp 99, cấp cao nhất trong game, do ở cảnh đó chỉ toàn những địch thủ yếu nhất với điểm kinh nghiệm ít nhất.

Mục tiêu kỳ quặc và đậm chất hành xác đó giúp anh thu hút được kha khá người theo dõi trên diễn đàn, bao gồm Curry. Nhưng rồi theo thời gian, những bài đăng của Tree ít dần.

Sau hai năm, Tree ngừng hẳn. “Tôi thất vọng với hắn ta quá - Curry kể với The New Yorker - Vậy là tôi tuyên bố sẽ tự mình làm lấy việc đó”. Curry cũng từng chơi FF7 vài năm sau khi nó ra mắt, nhưng phá băng dễ dàng.

Dù từng tham gia các dự án lớn trên mạng, Curry chưa bao giờ tham gia một cuộc marathon trò chơi điện tử như thế (nếu biết rằng có kha khá tay mê điện tử gục ngã ngay trên bàn phím, bạn sẽ hiểu khả năng bào mòn sức lực cả thể chất lẫn tinh thần của những cuộc marathon như thế).

“Tôi chỉ là một tay chơi game cho vui” - Curry nói. Nhưng ngày 18-1-2015, anh bật máy PlayStation của mình lên và bắt đầu nhiệm vụ kia.

“Sau lần đầu, tôi thấy tự tin là mình có thể làm nốt việc này, tôi sẽ dạy cho Dick Tree một bài học về việc đã bắt đầu thì phải làm cho xong”. Đôi khi Curry chơi mỗi ngày, những khi khác anh bỏ cả tuần liền. Những lần anh chơi có thể từ một tiếng tới hai mươi bốn tiếng.

Những người dùng trong diễn đàn bắt đầu tập hợp lại ủng hộ anh. Rồi Tree đột ngột xuất hiện trở lại, tuyên bố mình đã hoàn thành thử thách. “Anh ta không đưa ra bằng chứng nào cả, nên chúng tôi vẫn tiếp tục và kệ anh ta” - Curry nói.

Curry sau đó bắt đầu đăng những đoạn băng về hành trình của mình trên YouTube (địa chỉ: https://www.youtube.com/watch?v=APqQo8r-_UQ) và phát trực tiếp trên dịch vụ “streaming” Twitch. Vào tháng 4-2017, sau hai năm ròng rã, các nhân vật của anh lên cấp 98.

“Khi phiên cuối cùng bắt đầu, tôi chỉ cảm thấy duy nhất một điều: sự đau đớn” - Curry nhớ lại. Vì trò hành xác, anh đã phải phẫu thuật tay, bó bột một bên và chỉ còn lại một tay để chơi. Phiên cuối cùng đó mất 56 phút. “Nhiều người xem hơn hẳn ở lần này trên Twitch - Curry kể - Bình thường có khoảng 5 người, nhưng lần này có khoảng 50”.

Rồi khi khoảnh khắc đó tới, Curry không thể kiềm chế được cảm xúc. “Tôi sẽ ấn nút đây và chúng ta sẽ có nửa giây vinh quang khi màn hình hiện ra dòng chữ ‘Level up’ (Lên cấp)” - có thể nghe giọng anh run rẩy qua đoạn video.

Con người có lẽ là sinh vật duy nhất sở hữu sự kiên trì với những điều buồn tẻ lâu như thế. Chúng ta ngồi thiền, câu cá, chờ đợi ở phòng hộ tịch hay đọc những cuốn sách triết học cả nghìn trang. Nhưng trò chơi điện tử đã đẩy màn hành xác này lên một đỉnh cao mới.

Curry chỉ là một trong rất nhiều người chơi điện tử tham gia các nỗ lực kiểu kỳ công của Hercules như thế. Mỗi năm trong một thập niên qua, một gamer với nickname LoadingReadyRun đã lái một chiếc xe buýt ảo từ Tucson, Arizona tới Las Vegas, Nevada trong trò Desert Bus (Xe buýt sa mạc), trong sự chứng kiến của hàng nghìn người suốt hành trình kéo dài tám tiếng, tức xấp xỉ ngoài đời thật.

Điều đáng nói, trò này bị The New Yorker gọi là “trò chơi điện tử dở nhất mọi thời” mà người chơi không thể bấm dừng và toàn bộ hành trình chỉ là con đường trơ trọi giữa sa mạc. Tuy nhiên, tới nay Run đã quyên được 3,8 triệu USD cho mục đích từ thiện. Một người khác, Kurt J. Mac, đã bước vào năm thứ tư trong “sứ mệnh” dự kiến kéo dài hai thập kỷ đi tới tận cùng của thế giới ảo trong trò Minecraft.

Những nỗ lực như thế, đặc biệt là kiểu của Curry - vì không phải cho mục đích từ thiện, gặp nhiều chỉ trích. “Đây là cách lãng phí thời gian thảm hại nhất mà tôi từng chứng kiến” - một người bình luận trên YouTube. Nhưng Curry phản bác với tư cách một người theo hư vô chủ nghĩa.

“Nói rằng đời sống chúng ta và những gì chúng ta đạt được là vô nghĩa đồng nghĩa tuyên bố một điều đã rõ ràng - anh viết - Dù những gì chúng ta làm được có to tát tới đâu, cuối cùng chúng cũng trở thành cát bụi. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể gắn ý nghĩa vào những gì chúng ta làm”. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận