Trò chuyện với "cô gái xấu xí"

CÁT VŨ THỰC HIỆN 05/04/2008 20:04 GMT+7

TTCT - Bộ phim Cô gái xấu xí đã phát sóng được 21 tập (VTV3 lúc 21g thứ hai, ba, tư hằng tuần) và càng lúc càng thu hút người xem, đặc biệt là sức hấp dẫn của nhân vật Huyền Diệu do nghệ sĩ ưu tú Ngọc Hiệp thủ diễn.

Phóng to
Ngọc Hiệp trong vai “cô gái xấu xí”
TTCT - Bộ phim Cô gái xấu xí đã phát sóng được 21 tập (VTV3 lúc 21g thứ hai, ba, tư hằng tuần) và càng lúc càng thu hút người xem, đặc biệt là sức hấp dẫn của nhân vật Huyền Diệu do nghệ sĩ ưu tú Ngọc Hiệp thủ diễn.

Bộ phim Cô gái xấu xí có tên gốc là Betty la fea của truyền hình Colombia, cho đến nay đã được gần 40 nước dựng lại. Ở VN, bộ phim được Công ty BHD mua về, chỉnh lý đối thoại và sửa đổi chút ít tính cách nhân vật cho phù hợp với người xem và đã phát sóng từ mồng 5 Tết Mậu Tý. Đến ngày 10-4 tới đây, bộ phim sẽ thực hiện xong tập thứ 83 trong tổng số 169 tập, dự định sẽ trình chiếu đến giữa năm 2009. Bộ phim hiện đang tiến hành quay với tốc độ ba ngày hai tập, vì vậy khó khăn lắm nghệ sĩ ưu tú Ngọc Hiệp mới sắp xếp được cho buổi trò chuyện này.

* Vì sao một giám đốc chi nhánh hãng phim quá bận rộn như chị lại đích thân đảm nhận vai chính trong một bộ phim quá dài tập như vậy? Phải chăng không diễn viên nào đủ sức đảm nhận vai cô gái xấu xí Huyền Diệu?

- Trước khi quay, chúng tôi đã dành cả tháng để tìm kiếm “Huyền Diệu” từ Nam ra Bắc. Nói thật, ở Hà Nội cũng có vài diễn viên vào vai thích hợp song thấy kinh phí dành cho vai này quá cao, hơn nữa thời gian quay kéo dài đến hai năm, khó ai chấp nhận bỏ nhà hát lâu như thế để vào Nam đóng phim. Ban giám đốc thấy giải pháp cuối cùng: để “cây nhà lá vườn” Ngọc Hiệp đảm nhận là tiện lợi nhất. Nói là nói vậy, tôi cũng phải qua thử vai như mọi người vì cách làm của phim này là quay liên tục, ít cắt cảnh như ở điện ảnh nên buộc mình phải nỗ lực hơn trước đây rất nhiều. Tôi đã phải nhiều đêm nằm nghĩ cách hóa trang thế nào để khi xuất hiện không ai nhận ra mình trong vai Huyền Diệu.

* Tốt nghiệp diễn viên (Trường Điện ảnh TP.HCM), đạo diễn (Trường đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội).

* Đã đóng:

- Cô gái quỉ trong phim Dấu ấn của quỉ của đạo diễn Việt Linh (giải thưởng Hội Điện ảnh VN).

- Bảy Quyên trong phim truyền hình Giữa dòng của đạo diễn Trần Mỹ Hà (một Bông sen vàng cho phim và một giải diễn viên nữ xuất sắc nhất trong Liên hoan phim VN lần 11 tại Hà Nội).

- Kiến An trong phim Ba mùa của đạo diễn Việt kiều Tony Bùi.

- Thúy Lan trong phim Vũ khúc con cò của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình.

* Hầu như tất cả nhân vật trong phim đều được thu tiếng trực tiếp, vì sao vai Huyền Diệu lại lồng tiếng, mà lại là giọng Bắc?

- Nhân vật Huyền Diệu theo qui định của kịch bản là một cô gái thông minh, phản xạ nhanh và cách nói cũng nhanh. Sau khi tôi đeo hàm răng giả vào, nước miếng tiết ra nhiều, niền răng quá chặt làm dập môi trên nên khi phát âm nhanh tiếng bị méo. Cuối cùng, đạo diễn quyết định cho lồng tiếng.

Diễn viên Thanh Vân (Sân khấu Phú Nhuận) khi lồng tiếng cho Huyền Diệu mà không đeo hàm răng giả thì tiếng nghe quá tròn, không thật, vì vậy cô ấy cũng phải đeo một hàm răng giả thì thoại mới khớp. Chúng tôi cố ý để cho gia đình Huyền Diệu nói giọng cả ba miền. Cha (Lê Bình) nói giọng miền Nam, mẹ (Diệu Đức) nói giọng Huế và Huyền Diệu thì nói giọng Bắc.

Diễn viên Thanh Vân, ngoài việc hằng ngày phải đến lồng tiếng cho vai Huyền Diệu, còn đóng vai Cẩm Linh, bạn của An Đông. Đó là một cô gái đẹp sắc sảo, có tài, hai lần ly dị chồng và gây sốc với câu nói: “Thà mê chó hơn là mê đàn ông!”. Điều thú vị là ở vai này, Thanh Vân nói giọng Nam, thu tiếng trực tiếp.

* Theo chị, nhân vật quá xấu xí giữ vai chính trong phim nói lên điều gì?

- Có người đã hỏi tôi cô gái xấu xí có phải là môtip phim Lọ Lem không? Hoàn toàn không. Lọ Lem là nhân vật của cổ tích, chỉ bị nghèo nhưng không bị xấu. Cô đã chinh phục hoàng tử chủ yếu bằng sắc đẹp ngoại hình. Còn Huyền Diệu là một nhân vật của thời đại mới, gần gũi với cuộc sống chúng ta. Cô không quá nghèo đến đáng thương nhưng lại xấu hơn mức bình thường cần thiết của một cô gái. Huyền Diệu là mẫu người biết nỗ lực phấn đấu, vượt qua sự tự ti, biết nhìn rõ những ưu khuyết của mình.

Cô biết mình là một cô gái không có ngoại hình đẹp nên muốn chinh phục người khác bằng kiến thức. Cô thầm nuôi dưỡng tình yêu với ngài giám đốc đẹp trai (Chi Bảo), đã có vị hôn thê. Trong tình cảm, cô không dám bày tỏ, chấp nhận số phận hẩm hiu và không bao giờ nghĩ có một ngày giám đốc An Đông sẽ để tâm đến mình. Cô bày tỏ tình yêu bằng cách cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao, làm hết những gì có thể đem đến lợi ích cho An Đông.

Trong giấc mơ, Huyền Diệu luôn thấy mình làm đám cưới với người mình yêu, còn sự thật như thế nào thì chính tôi cũng chưa thể biết được, phải hồi sau mới rõ. Ở nước ngoài, cứ sau khi chiếu một phần, người ta tổ chức cho khán giả đoán trước số phận của cô gái xấu xí ấy sẽ như thế nào, đồng thời kêu gọi mọi người cùng các tác giả sáng tạo thêm các tình huống cho nhân vật. Kịch bản ban đầu xây dựng là một cô gái hậu đậu, nhưng càng ngày người ta càng bị cô thuyết phục.

* “Nhan sắc” của Ngọc Hiệp giờ đây có vẻ không còn xinh tươi như xưa. Phải chăng chị đang cố tình làm xấu đi cho hợp với vai diễn?

- Đây là một vai với tôi tương đối khó để nhập vào. Trước hết là phải dành nhiều thời gian để tự làm xấu mình đi. Kịch bản nói đó là một cô gái xấu xí nhưng xấu cỡ nào, xấu như thế nào thì mình phải tự nghĩ ra. Hóa trang thử nhiều lần, nhưng đạo diễn cứ bảo chưa xấu, tôi đến nhờ nha sĩ đổ khuôn làm hàm răng giả, gắn niền đeo thay đổi đến mấy cái, thấy hô, đạo diễn mới chịu.

Tuần đầu, bộ hàm giả đeo vào khá đau không diễn được, nha sĩ phải làm lại. Trong những ngày quay, tôi phải đeo hàm giả từ sáng tới tối, chỉ tháo ra lúc ăn cơm trưa. Khổ nhất là khi diễn cảnh Huyền Diệu ăn, hàm này đụng hàm kia trệu trạo. Mái tóc dài mượt trước đây của tôi cũng phải “hi sinh” nhuộm nâu, uốn lên. Cứ một cụm 30 tập phải uốn hai lần, đến nay nó vừa cháy vừa rụng xơ xác. Suốt ngày tôi phải ngửi mùi thuốc uốn amoniac. Nhân vật Huyền Diệu và An Đông hầu như ngày nào cũng có cảnh quay. Tôi vừa đóng phim vừa làm nhiệm vụ quản lý nên có lẽ khoản “xấu xí” ngày càng xích lại gần Huyền Diệu hơn.

* Hình như Hãng phim Việt thường mua kịch bản nước ngoài dựng lại, trước đây là Nguyệt quán (Ý), Người mẹ nhí (Venezuela) và bây giờ là Cô gái xấu xí. Phải chăng hãng phim của chị không tin vào chất lượng kịch bản trong nước?

- Thật ra hãng phim nào cũng muốn dựng kịch bản trong nước, vừa thuận lợi vừa tiết kiệm kinh phí. Chúng tôi đã và đang sản xuất nhiều phim do tác giả trong nước viết như 39 độ yêu, Linh lan trắng, Bỗng dưng muốn khóc... Chúng tôi đã đi đặt hàng khá nhiều nhưng không phải tác giả nào viết cũng phù hợp với yêu cầu của nhà sản xuất. Có những kịch bản đọc rất hay nhưng tầm của nó “vĩ mô” quá.

Có kịch bản, chúng tôi đem đi duyệt, cấp trên nói không có tính khả thi. Vậy nên chúng tôi phải chọn giải pháp mua thêm kịch bản nước ngoài. Nhưng nói thật quá trình mua kịch bản nước ngoài cũng đầy gian nan. Thường một kịch bản phim truyền hình nhiều tập do nhiều tác giả viết, mình phải thương lượng hết với từng ấy người.

* Cô gái xấu xí là bộ phim được gọi là tiểu thuyết truyền hình, thường xuyên quay một lúc ba máy liên hoàn không ngắt cảnh và thu tiếng trực tiếp, một công nghệ tương đối mới đối với những người làm phim trong nước. Dựa vào yếu tố gì mà Hãng phim Việt đã giao bộ phim này cho đạo diễn Nguyễn Minh Chung, một người được coi như chỉ chuyên làm phim video thiếu nhi?

- Loại phim tiểu thuyết truyền hình này rất kén đạo diễn và quay phim. Chúng tôi bén duyên với Nguyễn Minh Chung khi xem bộ phim Kính vạn hoa của anh trên HTV. Chúng tôi mời anh về đạo diễn phim Người mẹ nhí và tiếp đó là Nguyệt quán. Anh là người tuy kiệm lời song nghịch ngầm, hóm hỉnh và có chiều sâu, tinh tế, phù hợp với dạng phim hài tình cảm. Anh có tay nghề cao nhưng điềm đạm, không la mắng các cộng sự trên hiện trường và khá nhạy bén trong việc nắm bắt tâm lý nhân vật. Anh thường thuyết phục mọi người bằng nụ cười. Lời phê bình của anh nghe rất “đắt” nhưng cách nói lại khá nhẹ nhàng, không làm người ta bị căng thẳng.

* Trong phim này, ca sĩ Minh Thuận ngoài việc đóng vai bạn thân “không phân biệt giới tính” với Huyền Diệu, còn là một giám đốc casting. Điều này có vẻ hơi lạ?

- Chúng tôi quen biết Minh Thuận từ lâu, biết anh là người làm việc rất có trách nhiệm, nhiệt tình và có nhiều mối quan hệ thân thiết, rộng rãi. Đó là yếu tố để Hãng phim Việt mời Minh Thuận cộng tác trong việc chọn diễn viên. Nhiệm vụ của anh là giới thiệu sơ bộ dựa theo yêu cầu của tính cách nhân vật. Anh làm khá tốt công việc này, đã giúp cho đạo diễn rất nhiều. Ở đây Minh Thuận còn phát huy thế mạnh của mình là chọn nhạc và hát một trong hai ca khúc chủ đề của phim.

* Thời Ngọc Hiệp còn “ngự” ở vị trí ngôi sao điện ảnh, một số đạo diễn vẫn cho rằng chị không phải là diễn viên thị trường. Có phải đó là lý do sự nghiệp của chị đến nay chỉ vỏn vẹn có 18 phim, quá ít so với các ngôi sao cùng thời?

- Khi nhận một kịch bản, tôi không nghĩ đó là phim nghệ thuật hay phim thị trường, không nghĩ đến tiền catsê nhiều hay ít, cũng không nghĩ chuyện vai này, phim này có làm cho mình nổi tiếng hay không. Tôi chỉ nghĩ đơn giản một điều là vai đó có hay không, có hợp với mình không. Do vậy mà số vai tôi từ chối cũng không phải là ít. Với tôi, điều quan trọng nhất là chất lượng chứ không phải số lượng. Dù không phải đã hoàn toàn ưng ý nhưng tôi hài lòng vì mình đã làm việc với một tinh thần xả thân cho điện ảnh.

* Bây giờ nhìn đàn em đang thay thế vai trò trung tâm của mình trên màn ảnh, Ngọc Hiệp có nhận xét gì về thế hệ “người đến sau”?

- Đó là “điềm” vui, vì có như vậy điện ảnh nước nhà mới được tiếp nối. Phim ảnh luôn cần những gương mặt trẻ và đẹp. Mình “quá lứa” rồi thì phải nhường bước tránh sang một bên thôi. Nhưng tôi may mắn là vẫn còn gắn bó với điện ảnh ở cương vị người quản lý. Ở vị trí này, tôi thấy các bạn trẻ bây giờ có nhiều điều kiện để chọn lựa và thể hiện khả năng hơn lớp bọn tôi khi xưa. Họ năng động và nhạy bén hơn rất nhiều.

* Đến nay, người ta vẫn chưa hiểu tại sao khi đang là một diễn viên xuất sắc được mời đóng nhiều phim quan trọng, Ngọc Hiệp lại bỏ ngang để đi làm công việc quản lý, đánh mất nhiều cơ hội phát triển nghề diễn?

- Tôi là một diễn viên rất... kén vai nên thời gian rảnh tương đối nhiều. Tôi đã tận dụng sự rảnh rỗi đó để đi học đạo diễn. Tôi học để phòng thân, việc đến tay thì biết làm. Sau khi tham gia đóng một vai trong phim Vũ khúc con cò, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình kêu tôi về làm phó giám đốc cho anh ấy ở Hãng phim Việt. Được một thời gian, anh cử tôi làm giám đốc chi nhánh phía Nam của hãng. Công việc này khiến tôi yêu thích vì tự khám phá thêm ở mình những khả năng mới.

* Trở lại trường quay sau bốn năm “đứt đoạn”, cảm giác của Ngọc Hiệp thế nào? Và sau khi tập thứ 169 của Cô gái xấu xí đóng máy, chị có tiếp tục đóng phim?

- Tôi vừa sung sướng vừa lo lắng. “Sướng” vì đã lâu lắm mới lại được đóng phim. Từ khi làm “cô gái xấu xí”, mỗi ngày tôi phải rời nhà lúc 5g30 sáng và chỉ có thể trở về sau 20g. Đã không chăm lo được gì cho chồng con mà đêm đêm còn mang cái mùi “nước đái quỉ” của tóc uốn về làm khai nồng phòng ngủ hai cha con. Sau khi quay xong phim này, tôi sẽ bước chân vào nghề đạo diễn. Trước đây, tôi cũng đã thử đạo diễn một trong 16 tập của phim truyền hình 39 độ yêu và bây giờ sẽ thật sự bắt đầu cho một giai đoạn mới của mình.

Nội dung phim Cô gái xấu xí

Huyền Diệu là một cô gái trẻ, thông minh, trung thực, có bằng thạc sĩ về ngành tài chính nhưng có ngoại hình xấu dưới mức trung bình, ăn mặc lỗi mốt. Ngày đầu tiên đến Công ty thời trang SBBT để phỏng vấn vào vị trí thư ký tổng giám đốc, cô đã bị ông trưởng phòng quản lý nhân sự Sinh Tùng đánh rớt để chọn Phương Trinh, một người đẹp chân dài, vốn là bạn thân của vị hôn thê tổng giám đốc.

Nhưng Huyền Diệu không ngờ mình lại được chính tổng giám đốc An Đông trực tiếp tuyển chọn vì cô chính là “đúng người, đúng việc”, bất chấp sự dè bỉu của các cộng sự và sự ngăn cản của Mai Lan, vợ chưa cưới của An Đông. Giữa lúc đó, nội bộ của Công ty SBBT ngày càng rối ren bởi Đăng Dương - anh trai Mai Lan, một cổ đông lớn của công ty - luôn thèm muốn chiếc ghế tổng giám đốc, luôn tìm cách gài bẫy An Đông.

Nhờ sự thông minh và năng lực nghề nghiệp vững vàng, Huyền Diệu đã cứu cho An Đông nhiều bàn thua trước Đăng Dương. Huyền Diệu được An Đông cất nhắc lên chức trợ lý tổng giám đốc và sau đó giao hẳn cho cô đứng tên điều hành một công ty thời trang mới của riêng anh.

Trái tim Huyền Diệu ngày càng xao xuyến trước vị tổng giám đốc trẻ, đẹp trai, chân tình và tâm huyết với sự nghiệp; An Đông cũng dần cảm phục tài năng, nhân cách và tấm lòng của “cô gái xấu xí”. Cô đã đẹp dần lên trong mắt An Đông, trong khi Mai Lan thì ngược lại, đanh đá, nhiều thủ đoạn và chỉ yêu mỗi bản thân mình nên bị An Đông khước từ hôn ước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận