​Trò chuyện với diễn viên chính của sơn ca không hót

THIÊN KHÔI THỰC HIỆN 14/03/2015 01:03 GMT+7

TTCT - Đầu năm Ất Mùi, sân khấu kịch thành phố ra mắt một vở ca kịch mới toanh Sơn ca không hót. Vở diễn kể về một cô gái yêu ca hát từ miền quê đến đô thị lập nghiệp cùng những uẩn khúc của đời mình đã khiến khán phòng không còn một chỗ trống trong suốt những ngày tết.

 

Một cảnh trong vở nhạc kịch - Ảnh: Gia Tiến

Khán giả đã khóc và cười cùng với dàn diễn viên quen thuộc như Thành Lộc, Hữu Châu, Ngân Quỳnh, Hương Giang, Gia Bảo..., đặc biệt là với Tường Vi, diễn viên trẻ và đầy cá tính trong vai nhân vật chính Sơn Ca. Tường Vi đã chia sẻ một số cảm xúc giữa những suất diễn bận rộn đầu năm của cô.

Trong một bản tự bạch về mình, Tường Vi từng nói rằng bạn không thích chơi bất kỳ một nhạc cụ nào cả, và thật trớ trêu khi bạn vào vai một người mê ca hát. Có khó khăn gì cho Vi trong việc nhập vai? Vai diễn về cô ca sĩ lên Sài Gòn lập nghiệp đã đến với Tường Vi như thế nào?

- Đối với Vi, mỗi vai diễn đều có cái duyên riêng của nó và vai diễn cô ca sĩ lên Sài Gòn lập nghiệp là một cái duyên, lúc đầu vì sợ không đảm bảo được lịch tập nên Vi không dám nhận, thế nhưng vai diễn đi một vòng rồi lại trở về với Vi, và chính lúc này mình biết là cái duyên với Sơn Ca lớn như thế nào.

Thành thật mà nói, vai diễn Sơn Ca chỉ thu hút Vi một phần, còn lại chính là nội dung của vở kịch, cùng thể loại nhạc kịch mới mẻ và được diễn với các diễn viên mà Vi rất tôn trọng và cảm phục như chú Thành Lộc, chú Hữu Châu, cô Ngân Quỳnh, chị Hương Giang, anh Gia Bảo, chị Thanh Vân, chị Mai Phượng, và Vi cảm thấy rất hạnh phúc khi một năm nữa “ăn tết sân khấu đủ mười mùng”.

Đúng là Vi không thích chơi bất kỳ một nhạc cụ nào, nhưng như vậy không có nghĩa là Vi không thích âm nhạc và thích ca hát. Âm nhạc là người bạn giúp Vi giải tỏa căng thẳng sau một ngày làm việc mệt mỏi và là người bạn đường trong những cuộc hành trình xa.

Vi rất thích vừa chạy xe vừa nghêu ngao hát những bài mình yêu thích, cảm giác rất tự do và phấn khích. Ngoài ra, việc phải hóa thân vào những nhân vật khác xa con người thật của mình là chuyện một diễn viên phải luôn sẵn sàng đón nhận.

Tuy nhiên, Vi cũng không gặp quá nhiều khó khăn trong việc phải nhập vai một cô gái mê ca hát, dù vai diễn này đã đem đến một thử thách rất lớn: phải múa hát trực tiếp trên sân khấu. Đó là nhờ chỉ đạo của đạo diễn Vũ Minh, sự hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm của các cô chú, anh chị cùng sự cố gắng tập luyện. Tất cả đã giúp Vi tròn vai hơn sau mỗi suất diễn.

Tường Vi trong Sơn ca không hót - Ảnh: Trần Anh Khoa

Đạo diễn Vũ Minh nhận xét rằng Tường Vi đã làm rất tốt phần mình trong vở Sơn ca không hót. Từ một diễn viên phim truyền hình bước sang lĩnh vực này có khó khăn gì cho bạn không? Điều khác biệt nào giữa hai môi trường này mà bạn nhận ra, có thể chia sẻ được với mọi người?

- Ở truyền hình, do góc độ máy quay có thể thay đổi đa dạng, do kỹ thuật thu âm và do cự ly tiếp xúc với màn hình của khán giả là khá gần nên cách thoại và diễn xuất sẽ có một số khác biệt với kịch nói là bộ môn nghệ thuật đòi hỏi rất cao về đài từ khi thoại và diễn xuất hình thể.

Kịch nói diễn trực tiếp trên sân khấu, nghĩa là diễn viên phải tự mình thoại chứ không thể lồng tiếng, ngoài sự tròn vành rõ chữ còn phải biết nhấn nhá cảm xúc. Bên cạnh đó, khán giả chỉ có thể tiếp xúc đúng một góc nhìn về phía sân khấu, chưa kể khán giả ở những hàng ghế xa sẽ không nhìn thấy rõ biểu cảm trên gương mặt diễn viên, vì vậy đòi hỏi diễn xuất về hình thể là rất cao để khán giả dù ngồi ở bất kỳ vị trí nào cũng có thể cảm nhận rõ nhất cảm xúc của nhân vật.

Những ngày đầu đến với sân khấu kịch, Vi thật sự có không ít bỡ ngỡ nhưng rồi từng bước, từng bước làm quen từ vai nhỏ đi lên. Một điều khác biệt nữa khiến Vi vô cùng cảm xúc khi tham gia diễn kịch mà lúc đóng phim sẽ không có được, đó chính là cảm giác sung sướng khi được nghe những tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả ngay sau một câu thoại hay một lớp diễn.

Điều đáng nhớ nào (sự cố, kỷ niệm vui...) từ Sơn ca không hót mà bạn có thể kể lại?

- Trong kịch bản của vở diễn có một lớp kịch Vi phải thoại một đoạn rất dài hơn 150 chữ, một thử thách không nhỏ vì đây là một lớp kịch quan trọng đẩy cảm xúc, cao trào của vở diễn và cũng là lớp kịch có nhiều đất diễn nhất của vai Sơn Ca nên Vi bị áp lực nhiều khi đọc kịch bản.

Đến lúc tập, áp lực càng nhiều hơn khi nghệ sĩ Thành Lộc đưa ra ý kiến thay vì diễn và thoại thì sẽ kết hợp thêm hát và múa trong lớp kịch này.

Nhưng đến giờ Vi rất biết ơn đề nghị thay đổi này, mặc dù sẽ còn phải nỗ lực hoàn thiện hơn nữa nhưng việc kết hợp thêm hát và múa thật sự đã đem lại cho Vi một cảm xúc rất mạnh. Nó trở thành lớp kịch Vi thích nhất chứ không còn là lớp kịch gây áp lực như khi đọc kịch bản.

Không gian của Sơn ca không hót rất ư “Sài Gòn”, như bài hát Đêm đô thị mà bạn đã biết. Nếu phải mô tả về không gian đó với niềm tự hào là một người Sài Gòn, bạn sẽ nói gì?

- Vi xin mượn lời bài hát Sài Gòn nắng, Sài Gòn mưa của nhạc sĩ Kiều Tấn, thơ Hồ Thi Ca trong vở để trả lời rằng “Sài Gòn nắng, Sài Gòn mưa, Sài Gòn của ta thật là dễ thương”.

Vở kịch sử dụng rất nhiều bài hát của thập niên 1960-1970, bạn nhớ và ấn tượng nhất bài hát nào, vì sao?

- Bài Lạnh trọn đêm mưa. Vì sau bài hát này là lớp diễn cao trào mà Vi đã nói ở trên. Chính cảm xúc khá mạnh của ca khúc này đã khiến Vi có thêm xúc cảm để diễn lớp diễn cao trào sau đó.

Cảm ơn bạn, chúc bạn tiếp tục gặt hái thành công.  

"Vở Sơn ca không hót sẽ tiếp tục diễn rại số 7 Trần Cao Vân, quận 1, TP Hồ Chí Minh vào các ngày 20-3 và 28-3"
 

 

Đạo diễn Vũ Minh - Ảnh: Trần Anh Khoa

Đạo diễn Vũ Minh:

Muốn gợi lại một phong cách nhạc Sài Gòn

Sơn ca không hót do anh đạo diễn tràn ngập âm nhạc màu sắc Sài Gòn. Theo anh, việc chọn lựa âm nhạc đầy chủ ý này có sự khác biệt gì so với các vở ca kịch khác mà anh từng dàn dựng?

- Thứ nhất, tôi là người Sài Gòn và tôi yêu mảnh đất này. Tôi muốn đưa âm nhạc mang đậm màu sắc của Sài Gòn vì muốn vở kịch có một sắc thái mới trong dàn dựng cũng như muốn gửi đến khán giả một hương vị mới cho thể loại ca kịch (dùng ca khúc sáng tác có sẵn đưa vào kịch sao cho phù hợp với tình huống câu chuyện). Bên cạnh đó cũng có vài ca khúc sáng tác riêng cho kịch được lồng ghép vào tạo thêm sự hấp dẫn cho vở kịch.

Điều quan trọng, chúng tôi cùng muốn gửi gắm và gợi lại với khán giả là trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là phong cách âm nhạc Sài Gòn, có rất nhiều ca khúc hay, ca từ trau chuốt, ý nghĩa rõ ràng, nội dung sâu sắc đáng để chúng ta trân trọng và giữ gìn, trong khi có những ca khúc sáng tác mới hiện nay còn dễ dãi, ca từ thô kệch không đi vào lòng người.

Tường Vi là ứng cử viên giờ chót của vai Sơn Ca, anh có nhận xét gì về cô gái trẻ này, đặc biệt là một vai khó, phải rất “Sài Gòn” theo kịch bản?

- Tường Vi là một diễn viên sáng sân khấu, thông minh trong cách xây dựng hình tượng cho nhân vật của mình. Biết lắng nghe và biết học hỏi mọi lúc mọi nơi, làm việc rất nghiêm túc và luôn tôn trọng việc chung của mọi người. Với vai trò đạo diễn, tôi đánh giá cao về Tường Vi, và tin rằng cô ấy sẽ còn tiếp tục tỏa sáng trên con đường nghệ thuật. Chính vì làm nghề nghiêm túc và biết học hỏi, nên việc hóa thân vào vai một ca sĩ rất “Sài Gòn” dường như không nhiều trở ngại đối với Tường Vi.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận