Trôi đi

TTCT - ​Suốt cả tuổi mười chín, Biền chỉ loay hoay mỗi một việc: cố định Ái vào mình. Xúi những đứa trẻ rao dài xóm chuyện nó và Ái cặp nhau, Biền đánh dấu lãnh thổ bằng những câu giả như vô tình tiết lộ lúc ngà say, về cái rún thơm, nốt ruồi cuối xương cụt cô bạn gái. Đám trai xóm dần dạt ra khỏi Ái.

Tranh: Nguyễn Thị Hợp
Tranh: Nguyễn Thị Hợp

 

“Chỉ người chết mới chịu ở lại cái đất này”,

Ái nói. Như nói với bụi cỏ gà giập ngọn dưới lưng mình. Chuyển động của cơ cổ Ái bên dưới tay Biền rõ đến nỗi nó nghĩ có thể đoán chính xác từng lời mà không cần nghe bằng tai. Chếch phải hay sang trái hoặc phủ lên hố sâu giữa hai xương đòn, bàn tay Biền áp vào những nhịp mạch, tiếng nuốt nước bọt, luồng khí nóng trào ngược, dõi theo mọi chuyển động của sự sống bên trong Ái. Chỗ mạch ẩn bên dưới lớp da xanh đang đập từng nhịp mịn màng. Khoảng thời gian gần đây, nhịp đập bình thản ấy làm Biền tuyệt vọng. Phải Ái chửa, đôi mạch cổ đã nhảy múa loạn lên, và cô sẽ mắc kẹt lại bìa Nước Mặn cùng đứa trẻ.

Nắng lịm nhanh, vừa mới nãy thôi vẫn còn rình mò khu tha ma, làm nên những mảng bóng chao động trên thân thể đứa con gái khi thằng Biền rập rờn phủ lên người. Hơi lạnh và bóng tối không một chút do dự, chiếm lấy những thứ nắng vừa bỏ lại. Ở nhị tì suốt nhiều buổi chiều, Biền nhận ra đêm của bìa Nước Mặn khởi phát từ đây, từ những khe nứt của hàng trăm ngôi mộ, bóng tối tuôn ra lênh láng. Những khe gạch bơ phờ cỏ dại, còn là cánh cửa cho linh hồn dưới ấy ra vào, hình dung đó khiến Biền thường nằm lên, dùng lưng bịt kín, mắc cười nghĩ tới cảnh con ma bên dưới đang giậm cẳng tức mình. Vài con ma ở khu mộ đá Biền quen lúc họ còn là người sống.

Biền không còn làm mấy trò ghẹo ma đó trong những chiều gần đây. Nó nghĩ về những người chết thì không thể bỏ đi. Như Ái cứa đi cứa lại. Với sự phụ họa bằng sự im lặng tuyệt đối của thằng Thản, nằm ngay bên dưới chỗ tụi Biền quấn nhau. Bảy năm nay Thản ở yên một chỗ này. Nó giàu, chết vì u não. Mười bốn tuổi, Thản làm nên mớ nghịch lý mà dân Nước Mặn không làm sao chấp nhận được: giàu và chết, trẻ và chết, con nít và mộ lớn. Bù đắp cho cuộc đời ngắn ngủi của nó, người ta xây cho nó ngôi mộ tráng lệ, ngói lợp mái che, xung quanh ốp gạch men, bia đục từ đá hoa cương, nền mộ rộng đủ cho chục ngoài người ngồi bày tiệc.

Trạc tuổi Biền, Thản là đứa duy nhất tỉnh bơ, không cồn cào tính chuyện rời khỏi mảnh đất hình ụ mối nằm tách biệt bởi một cửa sông, nhìn như bị thất lạc khỏi lục địa, trong tư thế sẵn sàng hiến thân cho biển. Đám thanh niên còn lại mỗi đêm nằm nghe tiếng còi xe ướt mèm quốc lộ, nghĩ một nơi chốn xa lạ nào đó, mà tụi nó nay mai sẽ văng mình vào.

Nhưng Ái sắp bị nuốt sống bởi một xứ sở xa đến nỗi chỉ nghĩ thôi, cũng vô vọng.

“Đừng đi”.

Biền không chắc mình có thốt thành lời hay chỉ là ý nghĩ nhọn lên. Ái chẳng vẻ gì nghe thấy. Giả dụ có nghe, thì chuyện đó đã được định đoạt rồi, rất sớm, ở trong một cuộc tính toán mà Biền chẳng có cơ hội can dự vào. Sau đó, đơn giản chỉ là báo tin.

“Đàn ông ở đó ăn trầu”, giọng Ái vô vị, ngón chân cái gại vào gan bàn chân cậu bạn.

Biền nghĩ tới những cái lưỡi đỏ, hàng răng đỏ, vòm miệng đỏ. Một ngày nào đó, chúng sẽ sục khắp người Ái, làm ố thịt da cô bằng vị cay và chát của cốt trầu.

“Đi chung đi”, Biền nói, mắt ngó nhanh về phía cuối nhị tì, nơi má nó nằm, lùm lùm mộ đất. Khó mà nhìn thấy chòm mộ nghèo khuất giữa những bụi xương khô. Vào giây phút cuối cùng của người đàn bà cả đời túng thiếu, bàn tay nắm chéo áo Biền lỏng dần, bà thì thào: “Đừng bỏ má”. Biền thường cho rằng má nói trong mê sảng, và nó chẳng chịu trách nhiệm với cái gọi là di ngôn đó, vào mỗi lần rủ Ái trốn đi. Nhưng cô bạn gái chưa bao giờ nghĩ ý tưởng ra đi cùng nhau là nghiêm túc, cô không trề môi thì cũng cười khan,

“Đi đâu?”.

“Tính sau. Đâu cũng được”.

Biền không có kế hoạch nào.

“Phải đi, mới biết”, nó cố khống chế sự ê chề chát đặc ở chân răng.

Nhưng chẳng phải ở cùng nhau thì mọi chuyện sẽ ổn sao, Biền nghĩ vậy, lúc áp mặt vào cổ Ái, nơi duy nhất nó không cắn xé trong những khoảnh khắc tuyệt vọng. Thấy mình có cố vào sâu đến mức nào cũng không sao nhập hai đứa thành một khối. Dải da thịt non xanh của con nhỏ cứ rời ra, trôi đi. Ngờ là do nền đá hoa cương dát trên mộ nọ quá trơn, thử quắp nhau ở những ngôi mộ trơ bêtông hoặc gạch dán đã nứt lở, giữ Ái bằng mọi cách nhưng Biền vẫn cảm giác cô đang chuội khỏi nó.

Suốt cả tuổi mười chín, Biền chỉ loay hoay mỗi một việc: cố định Ái vào mình. Xúi những đứa trẻ rao dài xóm chuyện nó và Ái cặp nhau, Biền đánh dấu lãnh thổ bằng những câu giả như vô tình tiết lộ lúc ngà say, về cái rún thơm, nốt ruồi cuối xương cụt cô bạn gái. Đám trai xóm dần dạt ra khỏi Ái. Nhưng ý nghĩ cô bạn là của mình, chỉ ẩn hiện những lúc Biền đặt bàn tay cục cằn chiếm hữu cánh cổ muốt của cô bạn. Bàn tay không bao giờ ngủ, canh giữ đứa con gái với sự si mê gần như độc lập với Biền.

Và bàn tay cũng nuôi giấu nỗi tuyệt vọng riêng, khi làm rơi cái vali đỏ bầm mà Ái nhờ nó đỡ lấy khi ở chợ về.

“Không biết xếp gì cho đầy”, đứa con gái thở hắt.

Đội vali lên đầu, Biền thấy mọi thứ thật rõ ràng, chuyện Ái trôi đi không còn là cảm giác.

“Đừng đi”.

“Cũng phải sắm đôi giày coi được”, Ái rướn cổ ngó khối hình chữ nhật đỏ thẫm nằm trên nền mộ trong lúc Biền hối hả lột vỏ cô ra. Tụi nó không kịp ghé nhà.

Nghĩ có thể kịp gieo vào bụng Ái một đứa trẻ, Điền quắp cô nhiều hơn một lần. Như mọi khi, chính nó là người kiệt sức trước. Ái vẫn một sắc xanh bình thản, dù có thêm mấy vết cắn còn nguyên dấu răng trên người. Sau cuộc mệt nhoài, cô cứ để mình trần nằm xoãi ra, mắt nhắm nghiền như đợi âm thanh nào đó từ phía xóm có thể chui thủng xuyên qua cái chạng vạng lặng ngắt của nhị tì. Cái thời khắc mà tiếng một đứa trẻ khóc vẳng lại cũng quá sức. Khoảng cổ ngó sen, cô mặc cho tay Biền bồn chồn.

“Không được sao?”.

“Gì?”.

“Ở lại”.

Ái im lặng, uể oải duỗi người, đổi tư thế nghiêng sang trái. Bóng tối ở những bụi cây xương khô đậm đặc hơn, thành khối. Thứ cây tẻ nhạt đến mức phi thường. Không tiếng động nào khi gió qua, lá hoa nghèo nàn không dễ nhận ra, bốn mùa chỉ mỗi mang độc cái dáng vẻ vô cảm, thảm hại. Hồi đầu thì người ta trồng làm rào, giờ thì có vẻ chúng mọc tung tóe khắp nơi. Đi qua một hàng rào xương khô bao quanh bãi cát mọc đầy cỏ lông gà, người ta biết ở đó từng có một ngôi nhà. Họ đã dời đi, chỉ còn rào bọc lấy trống không.

Từ bãi sụt, cát lở, nghêu biến mất, khách du lịch không còn xuất hiện ở bến thuyền, sóng hung bạo vỗ vào dải bờ Đông hẳm đứng. Người Nước Mặn lần lượt rời đi. Như là một cách sống sót. Những chuyến xe đêm đón khách ở cầu Rượu quá quen với cảnh hành khách lút trong đống hành lý chuyển dời. Không thể nhổ ngôi nhà theo, họ mặc kệ nó cho bầy gió mặn và khùng. Người ở lại, với chút tôn trọng những kẻ trốn chạy, nán chờ cho đám mối tràn lên chân vách mới xông vào tháo dỡ căn nhà bỏ hoang, đem về làm củi chụm.

Thỉnh thoảng trong đám đào thoát có người quay lại, mang theo những viễn cảnh huy hoàng, tiếp sức mạnh cho tụi nhỏ hãy còn sợ hãi và do dự. Và một chị đàn bà xóm giữa biệt dạng cũng lâu, cuối mùa mưa bất ngờ hiện nguyên hình, lôi kéo cô gái của Biền tới một nơi mà nó không thể đi cùng. Không cần nói gì, chị ta thuyết phục Ái bằng sự lấp lánh của mình.

“Qua đó kiếm tiền dễ như không”, chị cười trong tiếng trang sức khua.

Dân Nước Mặn chỉ biết xứ sở nọ qua một bộ phim cũ nhèo chiếu trên truyền hình, về một xóm vắng nơi người đàn ông mù sống cùng với đứa trẻ bị dì ghẻ bạo hành, một người đàn bà bị xua đuổi trong quá khứ, cùng với cô gái dở dại dở điên. Cả bài hát trong phim cũng không có chút sinh khí, rặt hắt hiu.

“Đừng đi”.

“Chỉ người chết mới ở lì cái xứ này”, Ái thở dài. Nghe được một luồng khí chảy qua vùng họng con bạn, Biền muốn cãi nhưng cảm thấy đơn độc. Những ngôi mộ trong khu nhị tì đã đứng về phía cô gái, lúc này đã mặc áo vào, buộc lại mớ tóc xổ tung.

“Biết lấy gì nhét cho đầy?”.

Ái nói, khẩy chân vào cạnh vali, thõng tay bỏ đi trước. Biền sẽ là người vác khối trống rỗng đó, lút cút đưa đến tận đầu rào. Liều lắm thì chỉ tới cổng. Nó không được chào đón trong nhà Ái, họ chưa quên những vụ ẩu đả giành nghêu của bìa Nước Mặn thời hoàng kim, mà cha Biền đã gây không nể tình cắm lên người họ vài ba vết sẹo.

Đêm đã no căng đến phía bên kia trảng cát. Đi sau Ái, Biền không còn thấy rõ vùng gáy cô bạn với mớ tóc con dã dượi và nốt ruồi son mọc ngay đầu hõm lưng. Ái cũng như những cây xương khô đã ẩn mình hoàn hảo vào đêm tối, đến nỗi khó phân biệt. Không nhờ mùi mồ hôi Ái đậm nhạt theo gió, Biền nghĩ cô đi lạc rồi.

Vượt qua khỏi vùng tối thẫm này, là ngày mai. Thời hạn Ái bỏ đi gần lại. Mai Biền vẫn ra bến đò ngồi chờ khách, nghe ông già bán nước mía than vãn giờ không còn nhớ khách du lịch trông như thế nào, họ có bốn hay ba chân. Suốt năm nay Biền lì lợm ngồi đó với chiếc đò máy bạc đi, thuyết phục Ái cùng người nhà cô và cả chính mình, rằng nó có một công việc khá ổn. Thêm cả chục ngoài giồng khoai lang ngoài vườn đang xuống củ, và nhà của nó trụ được giông gió phải đến chục năm nữa, mới phải sửa sang.

Giờ Biền biết ra bến đò ngồi còn ý nghĩa gì, bởi sự thật, chỉ người chết mới chịu ở lại bìa cát mặn này. Biền bắt đầu nghĩ về chuyện đó, hết sức nghiêm túc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận