​Trồng môn hương trên đất cát

HUỲNH VĂN MỸ 13/11/2014 00:11 GMT+7

TTCT - Dưới trời nắng gắt ở vùng cát trắng kề biển, bà con nông dân làng Tây Sơn Tây (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) vẫn tất bật chăm sóc những thửa môn hương được trồng nhiều lứa, vì nhờ đó cuộc sống của họ trở nên khấm khá.

Vợ chồng ông Võ Chúng bón thúc cho thửa môn ba tháng tuổi trước sân nhà. Cây môn trồng sáu tháng cho thu hoạch hoặc sớm hơn nếu gặp đất tốt và chăm sóc kỹ - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
Vợ chồng ông Võ Chúng bón thúc cho thửa môn ba tháng tuổi trước sân nhà. Cây môn trồng sáu tháng cho thu hoạch hoặc sớm hơn nếu gặp đất tốt và chăm sóc kỹ - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Làng (thôn) Tây Sơn Tây cách bờ biển 700-800m, tiếp giáp với những bãi cát trắng mênh mông lác đác những cội dương liễu còi cọc của xã Bình Dương (huyện Thăng Bình).

Bên những thửa ruộng cát sâu hoắm được cơi bờ cao lút đầu người đang bỏ trống hay được trồng khoai lang rải rác, những vùng môn hương xanh ngút trên những khoảnh đất cao đất thấp khiến cảnh quan làng được sinh động, tươi tắn hơn.

“Làm môn hương cực nhưng nhìn cây môn lên xanh tốt là mình thấy sướng mắt lắm. Nhưng sướng hơn là môn cho mình khoản thu khấm khá” - một người đang chăm sóc cây môn hồ hởi nói. 

Trở thành cây kinh tế chính

Mới hơn 13g, ông Võ Chúng (50 tuổi) đã cùng vợ lội vào thửa môn hương trước sân nhà giật bỏ những tàu (cọng) già để chuẩn bị bón thúc cho môn.

Ông cho biết: “Trà môn này mới được ba tháng mà tốt vậy đó. Từ đây trở đi cứ chừng nửa tháng là mình thúc cho nó một ít phân bột đến tháng thứ năm thì ngưng, để hết tháng thứ sáu là thu hoạch. Làm cây môn hương trên đất cát công phu ghê lắm, gặp đợt nắng gắt phải tưới nước ngày đến hai lần, chăm như chăm cây kiểng. Không phải ai cũng đủ sức theo đâu”. 

Ngoài thửa môn hương rộng chừng 1 sào (500m2) trước sân nhà, ông Chúng còn có đến ba thửa hơn 3 sào ở khu đất sau nhà với nhiều lứa lớn nhỏ khác nhau.

“Tui có hơn 1 sào, tức hơn 1.000 gốc (bụi) môn, chỉ hơn nửa tháng sau là thu hoạch. Thời điểm này môn hương được giá, khoảng 25.000 đồng/kg môn tươi. Đã thành lệ gần mươi năm nay rồi, cứ từ tháng 8 đến tháng chạp là môn hương có giá, có khi lên đến 30.000-35.000 đồng/kg” - ông Chúng nói. 

Để có môn hương bán quanh năm, người trồng môn ở Tây Sơn Tây đã chọn đất trồng làm nhiều đợt, theo kiểu một tháng bán một tháng nghỉ. Kẻ nhiều người ít, cách trồng gối vụ này luôn có môn hương bán.

“Mươi năm nay, củ môn hương của làng mình có bán ở các chợ lớn trong tỉnh, nhiều nhất là ở Tam Kỳ, Hội An, tận Đà Nẵng nữa. Mấy đại lý mua môn hương ở đây cũng là người trong làng, nếu có nhiều họ có thể đưa đến các tỉnh khác nữa” - ông Phan Công Sanh (73 tuổi), một trong số những người mở ra trang mới cho cây môn hương ở Tây Sơn Tây, nói. 

Đúng là không ai ở mảnh làng đứng chân trên biền cát ven biển bao đời chỉ quen với cây lúa gieo mỗi năm một vụ nay lại lấy môn hương làm cây kinh tế chính. Dù giống môn hương có ở đây từ lâu đời, cho củ ngon thơm, dẻo và bùi, nhưng người dân nơi này ai siêng chỉ trồng mỗi nhà chừng vài mươi bụi bên giếng để ăn và biếu xén bà con.

Năm 1990, thấy củ khoai lang giá rẻ quá, ông Sanh thử trồng hơn 200 bụi môn hương, thâm canh với cây khoai lang.

“Đến ngày đào lên thấy củ môn to, nhà tui đem bán không ngờ trúng giá mua được một chỉ vàng. Rứa là tui trồng nhiều lần lên, bạn hàng tìm đến mua, rồi bà con trong làng làm theo lần lần, môn hương Tây Sơn Tây có tiếng được mươi năm nay. Người mấy làng xung quanh “trại” tên làng mình là làng Tây Sơn “môn”. Dân mình nghe càng thích” - ông kể. 

Đang toát mồ hôi khi tưới nước cho 5 sào môn hương lớp lớn lớp nhỏ trên gò cát cao lúc xế chiều, ông Huỳnh Văn Lộc (57 tuổi) vui hẳn lên khi nói đến hiệu quả kinh tế của việc trồng môn hương:

“Năm ngoái tui trồng 4 sào môn hương, năm làm hai vụ, trừ chi phí còn được 40 triệu đồng, thu nhập ít hơn mấy năm trước vì năm ngoái có mấy lứa môn bị bão làm giảm năng suất. Có năm cũng chừng ấy nhưng tui thu được đến 60 triệu đồng. So với cây lúa, cây đậu phộng thì môn hương lợi gấp nhiều lần. Cũng nhờ cây môn hương góp vô mà mươi năm nay nhiều người ở đây vừa nuôi con học đại học vừa làm được nhà mới, sắm xe máy, nhà nào cũng ba bốn chiếc”.

Thấy môn hương đắc lợi, nhiều người ở Tây Sơn Tây đã đem trồng ở chân ruộng lúa vào vụ hè thu để nhẹ bớt công tưới nước, thu hoạch lại đúng thời điểm môn hương được giá. Cũng là sáng kiến khi người trồng môn ở đây đã xen canh môn hương với đậu phộng để có đất trồng môn gối vụ liên tục.

“Nhờ cây môn con đã ươm trong bịch nilông được một tháng do đó khi xen canh bên cây đậu thì môn đã có sức nên nhanh phát triển, lợi được thời gian” - ông Chúng giải thích. 

Chính nhờ những cách làm này mà lượng môn rải đều quanh năm, dù chưa dồi dào nhưng tạo được nguồn thu ổn định, như trường hợp ông Sanh:

“Gia đình tui cũng như nhiều bà con ở đây thoát nghèo được nhờ trồng môn hương. Củ môn hương được bán cho người tiêu dùng nội địa chứ không phải để xuất khẩu nên việc tiêu thụ rất ổn định, không hề bị động. Mấy đại lý mua đều khuyến khích bà con ở đây trồng thêm môn hương để bán. Cây môn hương ưa đất cát, lại khó trồng, đòi chăm sóc công phu nên khó sợ thừa sợ ế”. 

Trồng trên nền cát luống môn phải rộng đến 2m để có đất vun đầy gốc. Trong ảnh: chăm bón cây môn một tháng tuổi - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
Trồng trên nền cát luống môn phải rộng đến 2m để có đất vun đầy gốc. Trong ảnh: chăm bón cây môn một tháng tuổi - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
Mỗi bụi môn chỉ lấy được một củ như thế này, được gọi là củ cái (những củ con lớn nhất cũng bán được nhưng với giá rất thấp). Đất mới trồng môn hương lần đầu thường có củ cái nặng đến 7-8 lạng hoặc 1kg - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
Mỗi bụi môn chỉ lấy được một củ như thế này, được gọi là củ cái (những củ con lớn nhất cũng bán được nhưng với giá rất thấp). Đất mới trồng môn hương lần đầu thường có củ cái nặng đến 7-8 lạng hoặc 1kg - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Mong muốn được hỗ trợ kỹ thuật 

Theo trưởng thôn Nguyễn Văn Thọ, từ dăm bảy năm nay cây môn hương đóng góp tích cực vào nguồn thu của người dân nơi ngôi làng nằm ven biển nhưng chủ yếu sống dựa vào nghề nông.

Ông Thọ cho biết có phân nửa trong tổng số 390 hộ trồng môn hương, trong đó khoảng 70 hộ chuyên canh quanh năm: “Diện tích trồng môn hương của Tây Sơn Tây nay đã lên đến 20ha trên tổng số 97ha đất trồng hoa màu của thôn. Sắp tới số hộ và số diện tích trồng môn hương chắc chắn sẽ tăng, và số hộ nghèo ở đây sẽ giảm xuống tương ứng”.

Tuy nhiên, ông trưởng thôn cũng nhìn nhận kỹ thuật trồng môn còn tự phát của bà con và thiếu sự hỗ trợ kỹ thuật của ngành chức năng trong chăm bón, ngăn ngừa bệnh cho cây.

“Môn hương thường bị bệnh nấm ở lá, nấm ở cổ gốc làm hại. Không có thuốc đặc trị cũng không có người chuyên môn hướng dẫn, bà con tự tìm thuốc nhưng có khi không trị dứt được. Giá như có được cán bộ chuyên môn giúp vào thì kết quả sẽ tốt hơn” - ông Thọ nói lên nỗi băn khoăn của mình và nhiều người trồng môn ở đây.

Cá nhân ông cho rằng có khả năng cây môn được bón thừa đạm, vừa tăng chi phí vừa khiến gây bệnh cho cây môn: “Biết là bà con đã vận dụng kinh nghiệm để chăm bón môn hương, nhưng dù gì cũng cần đến khoa học kỹ thuật để có kết quả tốt hơn”.

Đây cũng là điều mong đợi của người dân nơi vùng đất mà họ phải luôn chan tưới mồ hôi của mình trên cát trắng để mưu sinh.

Ông Lê Hoàng Tâm, chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Hải, từng trồng môn hương nên hiểu được nỗi nhọc nhằn.

“Tui cũng làm 2 sào môn hương nhưng rồi theo không nổi việc tưới nước vì bận việc xã nên bỏ giữa chừng. Có thấy người dân ở đây khó nhọc thế nào để có củ khoai hạt lúa ít ỏi nơi vùng cát sát biển này mới hiểu được giá trị mà cây môn hương mang lại” - ông tâm sự.

Các loại khoai môn từ bẹ lá đến củ đều ăn được.

Không kể tác dụng chữa được một số bệnh từ các bộ phận của cây môn khi dùng riêng hoặc nấu với các loại cây dược liệu khác, chỉ nói về dinh dưỡng khoai môn có giá trị cao hơn khoai tây gấp 1,5 lần, tinh bột mịn hơn các loại khoai, ngũ cốc khác, khi nấu chín sẽ là thực phẩm giàu năng lượng nhờ có đủ chất đạm, béo, các loại vitamin và chất xơ, dễ tiêu hóa nhờ enzym tiêu hóa amylose chiếm tới 14-19%, theo bác sĩ y học dân tộc kiêm bác sĩ dinh dưỡng Phạm Hồng Nga. 

Theo kinh nghiệm dân gian, môn hương, như tên gọi, có vị thơm đặc trưng khi nấu chín, là loại củ lý tưởng để nấu các món cà ri, xúp cũng như để um, hầm với các loại cá, thịt hay các loại rau củ khác cho món chay, làm bột phụ gia trong chế biến các loại nem chả…

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận