Năm 1977, học giả Kirkpatrick Sale đã hỏi kinh tế gia người Đức E.F. Schumacher: “Dựa vào những hiểu biết sâu sắc về kinh tế, xã hội của mình, ông có thể đưa ra lời khuyên nào có tính hoàn toàn chính trị không?”. Schumacher trả lời: “Hãy trồng một cây!”. Trồng một cây? Đó lại là một lời khuyên chính trị hay sao? Và đó là câu chuyện ở phương Tây nửa sau thế kỷ 20. Nhưng ở Việt Nam, nửa đầu thế kỷ 19, “trồng một cây” đã là một quyết định chính trị rồi. Theo sách Quốc sử di biên, năm 1831, vua Minh Mạng đã ban chiếu có đoạn: “Chiếu sai các thành trấn, thành phủ và đường quan đều trồng cây mít, cách 5 thước trồng một cây. Đê sông lớn, đê sông nhỏ đều trồng cây liễu; các vườn tược bỏ hoang đều phải trồng đay gai”. Đến đầu thế kỷ 21 này, khi rừng tự nhiên mất đi với tốc độ chóng mặt, lũ lụt năm sau gây hậu quả nặng nề hơn năm trước, không chuyện gì chính trị và thời sự hơn là việc “trồng một cây”. Và không gì hay hơn để bắt đầu bằng việc nghe những người trồng cây kể chuyện của họ. Xem thêm: https://cuoituan.tuoitre.vn/tin/van-de-su-kien/chuyen-de/20180305/doi-luon-san-ke-mong-mo/1427740.html Bờ kè An Nhiên trước lũ. (Ảnh: trang trại An Nhiên cung cấp) Chuyện của Vũ Mỹ Hạnh (cử nhân ĐH Ngoại thương): Trồng cây để giữ đất! Thôn Triêm Tây, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) là một ngôi làng rất đẹp, chỉ cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 10 phút đi xe máy. Nhưng dân Triêm Tây những năm gần đây, mỗi mùa mưa lũ chỉ biết vội vã dọn cất đồ lên gác cao nhà mình, khi ngoảnh lại chỉ kịp thấy thêm một bụi tre ngã xuống, chìm dần trong mênh mông sông nước. Đất làng họ ngày càng thu hẹp vì sạt lở. Sự bất lực dường như đã tới giới hạn, chính quyền và người dân lũ lượt vận động nhau dời đến nơi khác sinh sống. Bãi sông dần trở nên vắng lặng, ngay cả trong mùa gieo trồng sau lụt. Phần lớn dân làng đã chuyển hẳn sang làm nghề thợ hồ hoặc bán hàng bên phố. Đến hẹn lại lên, dòng Thu Bồn giận dữ lồng lộn vào mùa nước. Có những ngày, nước có thể dâng lên rất nhanh và cao, nhấn chìm nhiều mét đất bờ sông, tùy thích uốn nắn lại địa hình và cảnh quan đồng ruộng, thôn xóm. Nhưng bởi đã chọn nơi đây là nhà, chúng tôi bắt đầu trồng cây giữ đất. Năm đầu tiên, hàng trăm cây dừa nước cùng mắm, vẹt đã trôi theo dòng nước lụt vào tháng 12-2016. Trải nghiệm mất mát đầu tiên ấy đã đem lại nhiều bài học. Khi quan sát những hình mẫu của tự nhiên, chúng tôi hiểu rằng cần thiết lập một hệ thống đa dạng hơn và có kết cấu chặt chẽ hơn. Thời điểm trồng cây cũng rất quan trọng, cần thực hiện ngay khi mùa lụt qua để hệ thống cây có đủ thời gian định hình và trụ vững trước mùa mưa tiếp theo. Bờ kè chống sạt lở đất do lũ lụt ở trang trại An Nhiên của chúng tôi, về bản chất là một khu rừng đa loài và đa tầng, với ba vùng: vùng ngập mặn, vùng đất dốc (taluy) và vùng đất phía trong. Tương ứng mỗi vùng là các loại cây tiên phong, đều là cây bản địa lâu năm. Từ ngoài sông vào, ở vùng ngập mặn, chúng tôi trồng sậy nước (dân địa phương gọi là cỏ dùi), bần chua. Vùng đất dốc trồng cỏ búa, loại cỏ bản địa lâu năm mà thân có thể dài đến 2 mét, rễ dài gấp 2-3 lần thân. Vùng đất phía trong trồng phi lao, tre. Tháng 3-2017, chúng tôi trồng xong cây và chờ đợi sự sát hạch của tự nhiên. Đầu tháng 11-2017, trận lụt khủng khiếp - hệ quả của bão Damrey và việc xả tràn các đập ở thượng nguồn tỉnh Quảng Nam - đưa dòng nước lên cao và nhanh gần đạt mức lụt lịch sử những năm 1964, 1999, 2007, chúng tôi nhìn bờ kè mới 8 tháng tuổi của mình trải qua kỳ “sát hạch” của cơn lũ. Ở vị trí xung yếu, đầu ngọn nước, bờ kè bị hư hại chút ít, hàng bần phía ngoài bị trôi và lấp trong bùn, nhưng những cây còn lại vẫn đứng vững, đám cỏ búa che chở cho đất còn nguyên và những loài cây tiên phong vẫn sống hiên ngang sau thảm họa, điều đã không thể có được với những bờ kè cứng bằng bêtông trước đây. Nhiều loài cây tiên phong vẫn sống hiên ngang sau lần sát hạch của cơn lũ. Hàng bần phía ngoài bị trôi và lấp trong bùn, nhưng từ đám cỏ búa thì đất vẫn được bảo vệ tốt. (Ảnh: Trang trại An Nhiên cung cấp) Cảm hứng của bờ kè An Nhiên lan khắp làng, lan sang chính quyền địa phương, những người có chuyên môn và công chúng có quan tâm tới những sáng kiến như thế này. Giờ thì từ 205m kè ban đầu đã thành 800m bờ sông, chạy dài từ thôn Triêm Tây tới xã Cẩm Kim. Thành phố Hội An cũng sẽ trồng cây tạo bờ kè “mềm” như thế để giữ đất. Nguyên và khu rừng non trẻ của mình. Ảnh: Hằng Mai Chuyện của Trần Nguyễn Nguyên (Kỹ sư CNTT, nông dân ở Happy Garden): Trồng rừng tạo sinh kế Nhiều người phá rừng quá thì mình trồng rừng. Tôi nghĩ làm nông nghiệp mà không có thiên nhiên hoang dã thì không thể bền vững được nên tôi để 3/4 diện tích trồng cây lâm nghiệp, 1/4 trồng cây ăn trái. Tôi muốn tạo sinh kế dưới tán rừng. Ban đầu, tôi bắt đầu khu vườn trong tâm trí, với một nhóm anh em cùng thực tập thiền ở Singapore. Dường như khi thực tập thiền đến một mức độ nào đó, con người ta cảm thấy cần phải quay về kết nối với thiên nhiên, với đất mẹ. Thế là tôi rời Singapore, đi lang thang suốt 6 tháng để tìm ý tưởng cho tương lai, từ thiền viện đến trung tâm permaculture ở Thái Lan, rồi nông trại rau hữu cơ ở Buôn Ma Thuột, đi xe máy một vòng các tỉnh miền Tây, theo cả ghe buôn trái cây từ Sài Gòn về Bến Tre... Thế rồi khi đến Nam Cát Tiên, tôi biết rằng đây sẽ là nơi dừng chân của mình. Những ngày đầu lập thân, lập vườn ở vùng đất mới thật hào hứng, tràn đầy niềm vui và hi vọng. Lúc đấy tôi là một chàng trai ôm ước mơ lãng mạn, muốn tạo dựng một không gian sống, nơi con người có thể sống chan hòa với thiên nhiên, biết chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên. Đất mẹ bao dung sẽ cung cấp đầy đủ những nhu yếu phẩm căn bản cho con người. Nơi này sẽ là nơi gia đình, anh em bạn hữu có thể sống an vui, xây dựng tình yêu, cộng đồng, tình huynh đệ... Nhưng thực tế ập đến không khoan nhượng. Tôi trải qua bao nhiêu cú sốc tinh thần khi nhận ra mình thiếu kiến thức về mùa màng, động thực vật, trồng trọt, xây dựng cơ bản..., thiếu cả tình thương khi anh em bạn hữu ở xa, gia đình hoài nghi, ít bạn bè ở Việt Nam, mất kết nối về mặt tinh thần với bạn cũ. Sự cô đơn trong giai đoạn này thật đáng sợ. Tôi cũng chưa xây dựng được mối quan hệ với cộng đồng mới, để hòa nhập được, người ta cần cả thời gian và khả năng thích nghi. Thiền tập và sự hỗ trợ về tinh thần của cộng đồng làng Mai ở Sài Gòn đã giúp tôi có thể sống một mình, đứng dậy vững vàng hơn sau mỗi cơn sóng gió, duy trì kết nối với anh em bạn hữu từ xa. Xây dựng Happy Garden là giấc mơ của rất nhiều anh chị em, không phải chỉ của mình tôi. Thiền tập là người bạn bên cạnh tôi những thời khắc khó khăn nhất. Năm đầu tiên, tôi gặp phải một mùa khô vô cùng khắc nghiệt, cây rừng mới trồng chưa đủ cứng cáp, lứa thì chết non, lứa thì xơ xác. Cây ăn trái thì trồng 10 cây chỉ sống 1-2 cây. Tôi mắc phải biết bao sai lầm, ví như chuyện chặt hết điều và cà phê để trồng cây lâm nghiệp, thay vì cứ giữ những cây cũ và trồng thêm vào thôi, sẽ đỡ vất vả cho người và cho cây mới hơn nhiều lần. Ông trời không phụ lòng người, qua mùa mưa thứ hai, vườn rừng đã trở nên cứng cáp, ít nhiều thành hình. Cây ăn trái lâu năm cũng dần thiết lập. Sau 3 năm sống với vườn, tôi đã dần hòa mình cùng năng lượng của tự nhiên, thành một với khu vườn và các sự sống quanh mình. Tôi đã có thể giao tiếp tốt hơn với cây cối, với cỏ hoa quanh nhà. Những con sóc, con chim dường như cũng không còn sợ mình nữa. Dần dà, tôi đã có thể hòa nhập, sống bình an, thanh thản với cộng đồng địa phương. Làm vườn với tôi là một hành trình tâm linh, tìm về với tự thân, với mẹ thiên nhiên. Một vạt rừng của Hà. Chỉ trồng thêm keo và thiên niên kiện, luồng và các loài khác tái sinh tự nhiên. (Ảnh: Hằng Mai) Chuyện của Lê Xuân Hà (nông trại Hón Mũ): Miễn là cây thì đều được trân trọng Tôi tốt nghiệp THPT năm 2008. Học đại học được gần 4 kỳ thì bỏ học. Rồi thi vào trường khác, cũng được gần 4 kỳ thì bỏ học. Sau đó thì phiêu bạt, làm rất nhiều công việc khác nhau. Đầu năm 2014, tôi về quê làm nông với ý định làm giàu. Tuy nhiên, không chấp nhận được phương pháp làm nông kiểu thâm dụng hóa chất bảo vệ thực vật nên tôi đã bỏ đất hoang và nghiên cứu về rau sạch. Sau khi tham quan một số vườn rau sạch thì vẫn thấy có vấn đề. Lúc đó cũng sắp nghĩ là bản thân mình hình như có vấn đề! Rồi tình cờ, tôi được một người bạn đưa tới dự buổi gặp mặt các độc giả cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm của Masanobu Fukuoka. Đọc xong cuốn sách ấy thì nhận ra rằng mình không có vấn đề gì cả. Sau đó, tôi trở về quê và bắt đầu Hón Mũ theo hướng thuận tự nhiên. Ở Hón Mũ, cây được bàn tay con người trồng rất ít so với cây trời cho vì cây ở đây tự mọc. Mọi cây đều được cho là có “giá trị”, dù là cỏ dại, cây hoa màu hay những cây gỗ, cây lâu năm... Miễn là cây thì đều được trân trọng! Hón Mũ đang hướng tới việc tái tạo khu rừng đa loài tự nhiên từ đất rừng canh tác và tìm các thế mạnh của từng loại cây để chứng minh rằng rừng tự nhiên chứa đựng nhiều giá trị hơn rừng độc canh. Trong việc tái lập rừng từ đồi trọc, tôi trồng cây keo tai tượng làm cây tiên phong vì keo là cây họ đậu, thích hợp cho việc nuôi đất. Tôi phủ kín đồi trọc bằng cây keo với mật độ dày, sau đó tỉa thưa để tạo điều kiện môi trường nhằm phục hồi và tái sinh các tầng ưu thế sinh thái, cây gỗ ưa bóng và các loại thảm thực vật dưới tán rừng. Tôi làm giàu rừng bằng cách trồng xen quế, màng tang và thiên niên kiện dưới tán keo, và để tự nhiên thêm vào các loài cây khác. “Để đưa một khu đất trống đồi trọc trở thành một khu rừng thì không dự tính được là sẽ mất bao lâu. Nhưng đất đã chứng minh cho chúng tôi rằng nó tự phục hồi rất nhanh. Và Hón Mũ sẽ chờ đợi”. Ý tưởng sơ khai của tôi về Nông trại Hón Mũ chỉ là nơi phục vụ cho những nhu cầu về ăn, ở của bản thân mình và gia đình. Tuy nhiên, tôi quyết định tìm thêm những người bạn. Nông trại Hón Mũ bây giờ là của “chúng mình”. Đã là “chúng mình” mà tách biệt khỏi xã hội loài người thì sẽ là một trải nghiệm tồi, nên Hón Mũ hướng đến thành nơi của “chúng ta”. Hón Mũ giờ đã trở thành khu làng chung, nơi mà Đinh Quang Sơn, một người bỏ công ty phần mềm của mình để trở thành nông dân, tự tay xây ngôi nhà cho gia đình, tự tay biến mảnh đất cằn cỗi thành khu vườn tốt lành. Sơn nói: “Nơi đây tốt cho trẻ con, mà cái gì tốt cho trẻ con thì cũng tốt cho cả người lớn”. Anh mua một đồi keo 3 năm tuổi cạnh nhà và cùng cả nông trại, họ sẽ từng bước chuyển đổi toàn bộ diện tích đồi keo hiện tại thành rừng cây đa loài, đa tầng tán. Khu rừng với ba lớp cây tiên phong (Ảnh: Trang trại An Nhiên cung cấp) LỜI KẾT Câu chuyện trên đây của bốn con người đến từ ba nơi khác nhau: từ vùng núi Thanh Hóa đến vùng cửa sông Thu Bồn đổ ra biển đến vùng đệm rừng Nam Cát Tiên. Họ xuất thân khác nhau, nền tảng kiến thức khác nhau, duyên cớ đưa họ đến việc “trồng một cây” cũng khác nhau, nhưng họ đều đi trồng cây và hiểu rõ tầm quan trọng của việc thiết-lập-một-môi-trường-sống-lành-mạnh phải bắt đầu từ việc “trồng một cây”. Trở lại với ông Sale, người đã vô cùng sửng sốt và chán ngán khi nghe lời khuyên chính trị của Schumacher “trồng một cây”. Từ chỗ không tin vào tính chất nhỏ bé về quy mô và sự cô lập của hành động trồng một cây, ông đã đi đến chỗ nhận ra cái khôn ngoan sáng suốt của việc “trồng một cây”. Dù bạn quan tâm đến vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, hay xóa đói giảm nghèo, hoặc đơn giản chỉ là muốn có một sân chơi cho trẻ em... thì “trồng một cây” luôn là một giải pháp thích hợp, rẻ tiền, và hiệu quả. Cây cối quyết định sự sống còn của mọi sự sống phụ thuộc vào oxy trên trái đất. Và “trồng một cây” là việc ai cũng làm được. Luôn cần có “cây tiên phong”. Khi những loài tiên phong có thể bám trụ, chúng sẽ định hình nền tảng cho một ngôi nhà chung, cung cấp những điều kiện thuận lợi hơn cho những loài được gọi đến sau đó; một hệ sinh thái ổn định và no ấm dần thành hình. Và luôn cần có “người tiên phong” - những người nghĩ khác, làm khác, dám bắt đầu dù không chắc chắn kết quả sẽ ra sao và mất bao lâu. Trong số họ, có những người thành công, cũng có những người thất bại. Nhưng điểm chung của tất cả những con người đó là sự an nhiên đến kỳ lạ, không hề than vãn hay tự mãn về “kết quả”. Các câu chuyện của Hạnh, của Nguyên, của Hà, của Sơn trên đây hẳn đã minh chứng “có một cây là có rừng”. Cứ có cây tiên phong, sẽ có rừng! Cứ có người tiên phong, sẽ có làng! Những ngôi làng của những người trồng rừng và giữ rừng. Chúng ta có quyền hi vọng như vậy chứ. Và sự thành công, sự lan tỏa của những ngôi làng, cánh rừng ấy tùy thuộc vào việc ta có chung tay với họ hay không. Bạn có thể tham gia “trực tiếp” vào việc trồng cây hay tham gia “gián tiếp” với nhiều cách thức khác nhau. Nếu bạn hay di chuyển, có điều kiện đi đó đi đây, bạn có thể thu gom, mang về hạt giống và gửi tặng những người đang trồng cây. Và kể cả bạn không có vật chất gì để cho tặng, hãy ủng hộ họ bằng “sự hiện diện” của mình. Khi bắt đầu “trồng một cây”, người ta sẽ nhận ra rằng mối liên hệ giữa người với người cũng cần thay đổi. Bởi “một cái cây chẳng thể mọc lên một mình” và một con người chẳng thể sống một mình. Nhưng luôn phải bắt đầu từ đâu đấy, bởi ai đấy.■ Tags: Trồng câyRừngThiên nhiênTrồng một cây
Giáo sư Lea Ypi: "Tiểu thuyết khuyến khích niềm khoan dung..." HOÀNG HẢI VÀ ZÉT NGUYỄN 14/09/2024 3109 từ
Để nhà ở xã hội cho thuê không còn "trên giấy" Phạm Thái Sơn (giảng viên chương trình Phát triển đô thị bền vững, Đại học Việt Đức) 12/09/2024 1762 từ
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sao kê thêm 335 trang, có người ủng hộ 1 đồng THÀNH CHUNG 14/09/2024 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp tục đăng tải 335 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 từ ngày 1 đến 12-9, trong đó có tên nhiều nghệ sĩ.
Quân đội đã đưa hơn 374.000 người đến nơi an toàn trước, trong và sau bão số 3 NAM TRẦN 14/09/2024 Đến nay các lực lượng của quân đội đã đưa 374.000 người đến nơi an toàn trước, trong và sau bão số 3.
Ngày cuối tuần ở báo Tuổi Trẻ, dòng chảy nghĩa tình đồng bào vẫn cuồn cuộn YẾN TRINH 14/09/2024 Ngày 14-9, đã có gần 5.200 lượt bạn đọc là cá nhân và tổ chức ủng hộ hơn 7 tỉ đồng cho đồng bào vùng bão lũ các tỉnh phía Bắc.
Miền Bắc sắp mưa phủ rộng, cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất TTXVN 14/09/2024 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết chiều tối nay, khu vực Bắc Bộ có mưa với lượng mưa từ 5-15mm, có nơi trên 40mm.