"Trong suốt" để "trong sạch"

VÕ VĂN THÀNH THỰC HIỆN 24/02/2009 16:02 GMT+7

TTCT - “Tiếp cận thông tin là quyền quan trọng của người dân. Nhiều nước đã có đạo luật về vấn đề này. Ở nước ta cũng đã có một số văn bản quy định về tiếp cận thông tin nhưng với tư cách là một luật riêng thì chưa có, vì vậy Quốc hội đã đưa Luật tiếp cận thông tin vào chương trình xây dựng pháp luật trong năm 2009” - ông Đinh Xuân Thảo, viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, cho biết trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Phóng to
ông Đinh Xuân Thảo
TTCT - “Tiếp cận thông tin là quyền quan trọng của người dân. Nhiều nước đã có đạo luật về vấn đề này. Ở nước ta cũng đã có một số văn bản quy định về tiếp cận thông tin nhưng với tư cách là một luật riêng thì chưa có, vì vậy Quốc hội đã đưa Luật tiếp cận thông tin vào chương trình xây dựng pháp luật trong năm 2009” - ông Đinh Xuân Thảo, viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, cho biết trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

* Hiện nay, việc thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan công quyền về công khai thông tin đã dẫn đến tình trạng lợi dụng vị trí dễ tiếp cận thông tin để trục lợi. Ông nghĩ sao?

- Mở rộng quyền tiếp cận thông tin cũng là tiêu chí để đánh giá sự dân chủ. Nếu người dân bị bưng bít thông tin thì tầm nhìn bị hạn chế... Do vậy, quyền tiếp cận thông tin phải được thực hiện một cách công bằng, trên cơ sở đó cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin cho người dân kịp thời và đầy đủ. Tôi ví dụ, hoạt động của đội ngũ tham tán thương mại ở nước ngoài là từ tiền thuế của người dân, thông tin mà đội ngũ này thu thập được phải được phân phối công bằng cho mọi doanh nghiệp trong nước. Hoặc có nhiều ý kiến cho rằng các thông tin về quy hoạch đô thị là cái cần công khai nhất thì nhiều khi lại bị giữ bí mật nên nhiều người được lợi không chính đáng và nhiều người bị thiệt. Trong xây dựng đạo luật này đề cập được những vấn đề như vậy.

* Vấn đề là người dân được quyền tiếp cận thông tin đến đâu trong bối cảnh nhiều khi dấu mật trên các văn bản được sử dụng khá tùy tiện?

- Luật sẽ quy định những loại thông tin, tài liệu nào cần được công khai, loại nào cần bí mật. Thông tin cần công khai mà anh lại đóng dấu mật thì phải xử lý người đóng dấu theo quy định của pháp luật. Muốn vậy phải giám sát việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Khi nói đến trách nhiệm cung cấp thông tin, pháp luật các nước đều nhấn mạnh đến trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước. Các cơ quan tư pháp có vai trò kiểm tra sự tuân thủ pháp luật và bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của công dân. Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng có thể là một kênh giám sát hoạt động và trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan hành chính.

Khi đã quy định loại thông tin nào được công khai thì người dân có quyền đòi hỏi được biết thông tin đó. Luật cũng sẽ quy định về quy trình cung cấp thông tin trên tinh thần người quản lý thông tin không được gây khó dễ cho người dân. Dĩ nhiên những thông tin an ninh quốc gia, bí mật đời tư... phải hạn chế quyền tiếp cận, chỉ có những đối tượng nhất định mới được tiếp cận thông tin loại này.

* Theo ông, đâu là tiêu chí để phân loại thông tin nào là mật, thông tin nào không mật?

- Dựa trên lợi ích, đó là lợi ích của ai? Những thông tin như bí mật đời tư, bí mật kinh doanh rõ ràng cần được pháp luật bảo vệ. Còn thông tin do các cơ quan nhà nước quản lý, nếu quy định mật để mang lại lợi ích cho đất nước, cho đông đảo người dân thì được, còn không thể quy định mật vì lợi ích của cá nhân, của một nhóm nhỏ.

* Gần đây có ý kiến băn khoăn với danh mục mười bí mật nhà nước của ngành xây dựng, trong đó có những nội dung như: đề án xây dựng quy hoạch vùng, khu kinh tế đặc thù; hồ sơ, tài liệu kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong nội bộ ngành xây dựng; hồ sơ nhân sự cấp vụ trưởng trở lên; tài liệu xác minh sự cố đối với các công trình xây dựng quan trọng... Theo ý kiến nêu trên thì lẽ ra nhiều nội dung trong danh mục đó nên là những vấn đề phải được công khai để dân biết, dân bàn?

- Theo quy định hiện nay, người nào soạn thảo ra văn bản thì phải tự đánh giá mức độ quan trọng của văn bản đó. Tất nhiên có khi đúng nó là “mật” nhưng cũng có những trường hợp không “mật”. Bên cạnh đó, có những thông tin hôm nay là “mật” nhưng ngày mai phải được giải “mật”, tuy nhiên ở VN khi đóng dấu “mật” rồi thì chẳng ai nghĩ đến việc hủy dấu “mật” đó. Xử lý những vấn đề này cần phải tính theo hướng phân loại thông tin như đã đề cập ở trên. Tôi nhấn mạnh rằng bên cạnh các quy định cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin, cũng cần quy định các chế tài tương xứng đối với những hành vi ngăn cản, trì hoãn việc thực hiện quyền này của các cá nhân, tổ chức.

Hiện nay các bộ, ngành đều có danh mục bí mật nhà nước, hồi trước tôi công tác ở cơ quan pháp chế của Bộ Thủy sản thì bộ này cũng có danh mục đó. Thời gian gần đây các vụ việc như sữa có melamine, sữa hàm lượng đạm thấp... không được công bố đầy đủ và kịp thời đã cho thấy trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ra sao trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người dân. Nói như vậy để thấy chúng ta hi vọng Luật tiếp cận thông tin được xây dựng sẽ minh bạch hóa hơn nữa hoạt động của các cơ quan nhà nước.

* Thưa ông, tổ chức đánh giá tham nhũng quốc tế thường được nhắc đến là một tổ chức không hề có một chữ nào về tham nhũng, đó đơn giản chỉ là Tổ chức Minh bạch quốc tế (IT) và tiêu chí hàng đầu để chấm điểm xếp hạng tình trạng tham nhũng đó chính là mức độ công khai minh bạch trong hoạt động công quyền?

- Tôi biết không chỉ người dân mà bản thân các nhà báo nhiều khi cần tiếp cận thông tin, khi đến các bộ ngành thì ông này đùn đẩy cho ông kia, chẳng ai muốn cung cấp. Chính vì vậy Chính phủ đã có quy chế người phát ngôn. Quy chế này là cần thiết nhưng nó cũng phải được luật hóa. Báo chí chính là một kênh cung cấp thông tin. Không thể dân chủ hóa, minh bạch hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước và thành công trong việc chống tham nhũng nếu không bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công chúng, báo chí. Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin sẽ tạo cơ chế cho người dân giám sát bộ máy công quyền, hạn chế tiêu cực, tham nhũng. Không phải ngẫu nhiên mà ở nhiều nước, người dân dễ dàng tiếp cận với thông tin về tài sản của các chính khách, các đại biểu Quốc hội.

Triết lý ở đây là sự giám sát của người dân đối với cơ quan công quyền chỉ có thể thực hiện được khi họ có thông tin về hoạt động của cơ quan đó. Dựa trên những thông tin được tiếp cận, người dân có thể so sánh đối chiếu việc thực thi công vụ đúng hay không đúng so với các nguyên tắc, chuẩn mực của pháp luật. Ở một số nước, khi cơ quan công quyền nói một vấn đề nào đó thuộc danh mục mật, nhưng người dân đối chiếu với Luật tiếp cận thông tin thì thấy nó thuộc loại công khai, họ có quyền kiện. Tất cả những điều đó đòi hỏi nền công vụ phải được “trong suốt”, tức là hoạt động của nó “có thể nhìn thấy được”, đó chính là điều người ta thường nói tới.

* Ông dự báo thế nào về tác động của Luật tiếp cận thông tin khi được Quốc hội ban hành?

- Chúng ta thường nói đến thời đại thông tin, theo đó thông tin mà không được tiếp cận thì cũng như không có thông tin. Qua cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, luật này sẽ có vai trò tích cực và tác động mạnh mẽ đến tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, nhất là trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền. Không những thế, quyền tiếp cận thông tin còn thể hiện vai trò của mình trong thời đại cách mạng thông tin toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Được bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, người dân có thể tự mình cải thiện cuộc sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận