TTCT - Vở xiếc Làng tôi từ hai năm nay mỗi lần diễn là mỗi lần làm “chấn động” trên sân khấu và trong lòng khán giả ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á. Đây là một vở xiếc Việt đầu tiên vươn đến đỉnh thành công quốc tế, nhưng ít người biết về Nguyễn Nhất Lý, người tạo nên “thương hiệu” ấy. Phóng to Nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý - Ảnh: Võ Trung Dung Hà Nội, tháng 12, vào đông. “Đến nhà tôi nhé! Đây là địa chỉ...” - SMS ký tên “Nhất Lý”. Tôi đọc số nhà và tên đường cho anh xe ôm. Vài phút sau, từ bờ hồ Hoàn Kiếm, chiếc xe máy cũ kỹ đưa tôi đến trước một căn hộ bé tí trong phố cổ. Theo lời hướng dẫn của bà bán hàng đồ cưới ở tầng trệt, tôi chen vào giữa bốn cái áo đầm kiểu Âu, leo lên cầu thang hẹp, đi xuyên qua một căn hộ, gật đầu chào hai cụ già đang thiu thiu ngủ trưa, leo lên thêm một tầng nữa... “Chào anh. Tôi là Hải, vợ anh Lý. Vào đi anh!”. Trên cái bàn thấp, nằm giữa các chồng sách báo có một ấm trà, ba cái tách và bánh ngọt. “Xin lỗi anh nhé. Nhà bé quá...” - chị Hải vừa nói vừa mời tôi ngồi, như đoán trước được sự ngạc nhiên của khách. Tôi tự hỏi vì sao một đạo diễn nổi tiếng, tác giả của một chương trình xiếc biểu diễn thành công ở nước ngoài có thể sống trong một căn nhà quá nhỏ, đơn giản, đạm bạc như vậy? Nghệ sĩ Nhất Lý nở nụ cười hiền lành, tâm sự: “Tôi đã hồi hương cách đây hai năm. Tuy văn hóa Pháp, văn hóa châu Âu trở thành một di sản tinh thần mà tôi không muốn chối bỏ, tôi luôn sống như một người Việt Nam bình thường!”. *** Ra đời ở đất Pháp năm 1959, nghệ sĩ Nhất Lý mang nửa dòng máu Âu từ mẹ. Ông mang trong thân mình, như một nhân chứng, một phần quan trọng của lịch sử Việt Nam. Gia đình ông và em trai - ông Nguyễn Lân, nghệ sĩ và giáo viên xiếc Việt kiều, cùng tham gia sáng tác vở Làng tôi - đã trải qua rất nhiều thăng trầm của quan hệ Pháp - Việt. Câu hỏi: Tôi là ai? Người Việt, người Pháp? Trong bất cứ nền văn hóa nào cũng có cái hay, cái dở. Cái nào là hay, cái nào là dở? Cái nào giữ lại, cái nào bỏ đi? Nghệ sĩ Nhất Lý đã trải qua những nỗi lòng đau đớn mà nhiều người khác cùng hoàn cảnh đều trải qua. “Tôi tự cảm thấy mình nhiều chất Việt hơn là Pháp, nhưng tôi cũng có nhận thức rằng chỗ đứng đúng của mình là... ở giữa”. Nghệ sĩ Nhất Lý có bộ râu quai nón màu muối tiêu, tỉa sát da, áo quần bà ba đơn giản, có khi màu nâu, có khi màu đen, dáng vẻ, trang phục cũ xưa... như những bộ áo mà các nghệ sĩ của vở xiếc Làng tôi mặc trên sân khấu. Phong cách vừa trí thức, vừa nghệ nhân với một chút tính “kỳ quặc” đủ dùng. Ngoại hình này đã tạo cho nghệ sĩ Nhất Lý một “thương hiệu”. Trên phố cổ Hà thành, hiếm có người khoác bộ bà ba Nam bộ như thế này... Có phải đây là một “chiến lược tiếp thị” cho vở xiếc của mình? Ông trả lời: “Ai muốn nghĩ gì cũng được! Bộ áo bà ba đối với tôi có rất nhiều ý nghĩa. Trước hết, đó là biểu tượng của Nam bộ, quê hương của cha tôi. Đồng thời, đó là biểu tượng của nông dân Việt và văn hóa gốc của nước ta xuất phát từ mảnh đất nông nghiệp. Và một điều nhỏ thứ ba, trang phục này mặc rất thoải mái và tiện nghi”. Phóng to Poster vở xiếc Làng tôi *** Một tay cầm tách trà xanh, một tay gõ trên bàn phím của máy vi tính. Ông viết: “Người dân làng thức dậy với tiếng gáy của con gà trống... Trẻ con đá cầu lông trong lúc cha mẹ làm lúa... Trong vài phút giải lao, người nông dân hút thuốc lào, trốn ánh mặt trời gay gắt dưới lá tre... Vào buổi tối, những cặp tình nhân đi trên cầu tre treo dưới ánh sáng ngôi sao...”. Linh hồn của vở xiếc này là âm nhạc. Những âm thanh đến từ nhạc cụ cổ truyền làm rung động không gian qua các nhịp đập âm sắc của nhạc khí. Nguyễn Nhất Lý, Nguyễn Lân và Lê Tuấn Anh, cả ba tác giả của vở xiếc này là Việt kiều, đã hoặc đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài từ lâu năm. Mang hai văn hóa, đó là cái lợi hay không? Một số nhà bình luận nghệ thuật sân khấu ở Việt Nam khiển trách cách nhìn “cổ lỗ sĩ” kiểu “viện bảo tàng” về văn hóa xã hội Việt Nam trong vở Làng tôi, một cái nhìn “ngoại lai” để làm giải trí cho khán giả nước ngoài. Họ phê bình: “Việt Nam bây giờ có ai còn mặt áo thô, áo yếm, đi cầu tre? Nghèo nàn thế! Có mấy ai còn nghe hát chèo, ca trù?”. “Trộn” có thể làm biến hóa? Ông lại mỉm cười: “Tôi quan sát rất nhiều người và những gì xảy ra xung quanh tôi hằng ngày. 99% họ chưa bao giờ sống, tiếp xúc thực tế hoặc học hành ở nước ngoài. Mà tôi thấy tư duy, cách sống và xử sự của họ “Tây” hơn tôi cả trăm lần...”. Ông tiếp tục: “Nước mình chưa giàu bằng rất nhiều quốc gia khác, chưa đứng hàng cao về khoa học, kỹ thuật... Ngày hôm nay, điều tự hào của người Việt mà không ai có thể phủ nhận được là văn hóa! Bản chất Việt của văn hóa là của báu đất nước ta, một kho tàng duy nhất, chỉ ở ta mới có. Và bản chất Việt xuất phát từ nông thôn, từ văn hóa đồng ruộng. Cuộc sống hằng ngày đến ngày hôm nay vẫn phải theo mùa gặt lúa, theo mưa, theo nắng...”. *** Nghệ sĩ Nhất Lý với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp đồng tư duy, đồng nhận thức về văn hóa Việt, đang dàn dựng phòng thí nghiệm mang tên “Sân khấu Việt Nam”. Với dự án thành lập tổ chức không lợi nhuận trong mục đích bảo tồn và phát triển văn hóa âm nhạc, múa, hát... thuần túy. Nhưng sau vài năm “xếp hàng” một cách tuyệt vọng ở hành lang của các cơ quan nhà nước với hi vọng được hỗ trợ, không được hồi âm, “Sân khấu Việt Nam” sẽ trở thành một “công ty thương mại” để có thể kêu gọi vốn tư nhân lẫn tài trợ. Công ty Vincom đã tán thành dự án và hứa sẽ tham gia. Ông nhận định: “Giá đầu tư quá rẻ so với giá trị của kết quả!”. Tôi rời căn nhà thanh đạm của vợ chồng nghệ sĩ Nhất Lý. Từ phố Hàng Nhuộm, tôi quyết định đi bộ trở ra hồ Hoàn Kiếm. Trời bắt đầu lạnh, phố cổ vẫn tắc nghẽn như mỗi ngày và... đêm. Với những bước chân, tôi muốn thân mình hòa vào lòng thành phố. Xung quanh tôi, sáng chói ánh đèn của cửa hàng, thương hiệu, bảng quảng cáo... Xiếc Làng tôi Một sáng tạo xiếc được đánh giá là “xiếc mới”. So với xiếc cổ truyền, xiếc mới không dùng thú vật và kỹ thuật xiếc thuần túy được đặt vào ánh sáng, nhạc trong mục đích kể chuyện có tính cách “kịch”. Làng tôi có tính chất đơn giản nhưng rất đẹp của một vở diễn được dàn dựng như một công trình kiến trúc bằng tre không ngừng biến hóa, trong đó các nghệ sĩ nhào lộn là các nhà xây dựng luôn trong tư thế thăng bằng. Các trò ném bóng, tung hứng, tiếng cười, tiếng la hét, những vụ cãi vã hay trêu chọc lẫn nhau, các cuộc tán tỉnh giữa con trai và con gái, hay thái độ huênh hoang của những tay khoác lác, tất cả đều diễn ra trong 24 giờ của một ngôi làng ở miền quê Việt Nam. Đây là một chuyến hành trình độc đáo đến một nơi mà các nhạc sĩ, nghệ sĩ tung hứng, nhào lộn, đu bay, đi trên dây tạo biểu tượng siêu nghiệm của người dân Việt. Tính chất mới mẻ của Làng tôi cũng được các nhà bình luận nghệ thuật sân khấu ghi nhận trong dòng nhạc phụ họa cho vở diễn, hòa lẫn các âm hưởng châu Á với âm thanh phương Tây, với tiếng hò của những người chèo thuyền hay phu khuân vác, âm thanh của lá tre xoạt xoẹt bởi luồng gió mạnh, tiếng nước chảy ở kênh rạch... Vở xiếc Làng tôi đã được sáng tạo và xây dựng qua bàn tay của ba người: Nguyễn Nhất Lý, Nguyễn Lân và Lê Tuấn Anh. Nghệ sĩ Nguyễn Lân hiện làm giám đốc nội dung đào tạo của trường nghệ thuật xiếc của thành phố Chambéry (Pháp). Nghệ sĩ Lê Tuấn Anh, tốt nghiệp Trường xiếc quốc gia TP.HCM, hiện đang sống và làm việc ở Berlin (Đức). Đa số các nghệ sĩ xiếc của vở Làng tôi đều xuất thân từ Trường xiếc Hà Nội.
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đua theo ‘cơn sốt’ ăn táo đỏ, những ai không nên ăn? ĐOÀN NHẠN 22/11/2024 Nhiều người đang theo trào lưu mua táo đỏ trên mạng để ăn hằng ngày, nhưng cần lưu ý cách dùng đúng để đạt công dụng và tránh bất lợi.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Gần 150 bộ hài cốt ở phố Tây Sơn không phải của binh lính nhà Thanh PHẠM TUẤN 22/11/2024 Ngày 22-11, nhà chức trách cho biết gần 150 bộ hài cốt phát hiện trên phố Tây Sơn, Hà Nội là của người dân bình thường, được chôn cất ở đây từ 50-70 năm.