Trưng cầu ý dân: Nhìn từ hai phía

DUY VĂN 02/10/2022 09:07 GMT+7

TTCT - Lệnh động viên cục bộ được Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố ngay trước khi các cộng hòa nhân dân Donetsk (DNR) và Lugansk (LNR), Kherson và Zaporozhye tổ chức trưng cầu ý dân về việc sáp nhập vào Nga. Cuộc bỏ phiếu kéo dài trong 5 ngày (23 đến 27-9), cả trực tiếp và lưu động.

Trưng cầu ý dân: Nhìn từ hai phía - Ảnh 1.

Cử tri xếp hàng đợi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân ở Donetsk. Ảnh: AFP

Theo kế hoạch, trong 4 ngày đầu, việc bỏ phiếu được tổ chức lưu động. Ngày cuối 27-9, những ai chưa bỏ phiếu có thể đến các điểm bỏ phiếu tập trung.

Ukraine không chấp nhận

Cổng thông tin đối lập Nga Meduza nói việc tổ chức trưng cầu diễn ra vội vã là do "thắng lợi của cuộc phản công của quân Ukraine ở Kharkiv". Trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều hình ảnh và đoạn video cáo buộc cuộc bỏ phiếu được tổ chức vội vã, cưỡng bức cử tri hoặc nhét thêm phiếu vào các thùng phiếu lưu động. 

Kênh NEXTA thân Ukraine nói dân chúng ở các vùng lãnh thổ diễn ra trưng cầu ý dân bị "dụ dỗ đến hòm phiếu bằng thực phẩm", vì "đó là cách duy nhất để người dân có được thức ăn khi các cửa hàng thực phẩm đóng cửa".

Về phản ứng chính thức của Ukraine, báo Anh The Guardian dẫn lời Trợ lý tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak nói: "Đây không phải trưng cầu ý dân, mà chỉ là diễn tập tuyên truyền. Chúng chẳng có ý nghĩa gì ngoài vài thứ dàn dựng ở những nơi có các ống kính truyền hình Nga". 

Hãng Reuters dẫn lời giới chức Ukraine nói người dân ở các lãnh thổ trên "bị cấm rời nơi cư trú trong thời gian trưng cầu" và "các nhóm vũ trang đến từng nhà", còn người lao động "bị đe dọa sa thải nếu không tham gia".

Báo Pháp Le Figaro cho rằng việc trưng cầu diễn ra "khá hỗn loạn và vội vã". Một tờ khác của Pháp Les Echos trích phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) lần thứ 77 ngày 22-9: 

"Việc Tổng thống Putin chọn tuần này để đổ thêm dầu vào ngọn lửa mà chính ông ấy châm ngòi, khi hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại LHQ, thể hiện sự khinh thường hoàn toàn của ông với Hiến chương LHQ". 

Tờ này bình luận: "Nhìn chung, tuyên bố về việc tổ chức trưng cầu ý dân ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng đã không được hầu hết mọi người ở phương Tây chấp thuận".

Nhưng cũng có những người sống ở các lãnh thổ nói trên có thái độ tích cực với cuộc trưng cầu. Sự chia rẽ ở miền đông Ukraine, vốn đã sâu sắc từ trước cuộc chiến, nay càng gay gắt. Nói ví dụ, không phải dân bản địa nào cũng vui mừng với việc Ukraine giải phóng Izyum, một thành phố rất quan trọng ở vùng Kharkiv, trong chiến dịch của họ vừa qua. Ngày

14-9, một đám đông giận dữ tập hợp ở quảng trường thành phố khi quân Ukraine tiến vào và đích thân Tổng thống Volodymyr Zelensky kéo lên lá cờ vàng - xanh của Ukraine. 

Nhiều người ở miền đông Ukraine cho rằng ông Zelensky có trách nhiệm gây ra cuộc chiến khi không chịu nhượng bộ Nga. "Việc tổ chức cuộc trưng cầu ý dân là một khoảnh khắc lịch sử [...] Chúng tôi đang trở về nhà!" - lãnh đạo DNR Denis Pushilin ghi nhận trong một video đăng trên Telegram.

"Cả vùng bỏ đi"

Theo Hãng tin Nga TASS, ngày 26-9 các ủy ban bầu cử đã tuyên bố cuộc trưng cầu là hợp lệ, căn cứ vào tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở DNR là 86,89%, LNR 83,61%, Zaporozhye 66,43% và Kherson 63,58%, tức đều quá bán.

Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ngày 25-9, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khi đề cập đến cuộc bỏ phiếu đã nói: "Phương Tây nổi cơn tam bành vì các cuộc trưng cầu ý dân hiện diễn ra ở LNR, DNR, Kharkov và Zaporozhye. Nhưng những người sống ở đó về cơ bản chỉ đáp lại những gì Tổng thống Zelensky đề nghị với họ trong một cuộc trả lời phỏng vấn của ông ta vào tháng 8-2021. Khi đó, ông ta khuyên tất cả những ai cảm thấy mình là người Nga, vì lợi ích của con cháu họ, hãy "về Nga". Thì đây, cư dân của các khu vực được đề cập đang làm như thế. Họ về Nga mang theo đất đai của họ, nơi tổ tiên của họ đã sống trong nhiều thế kỷ". 

Tờ Vzglyad, đưa phát biểu này của ông Lavrov, đã bình gọn: "Cả vùng bỏ đi".■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận