Trúng độc đắc

QUANG THIỆN 30/11/2003 04:11 GMT+7

TTCN - Một cuộc đổi đời với vốn liếng chỉ bằng một tô phở. Những số phận độc đắc ấy đang ở đâu trong ngõ ngách cuộc đời? Tôi đã gặp lại một vài người được hưởng cái lộc trời cho này, mỗi người đều có một câu chuyện riêng kể từ sau cái ngày may mắn ấy: hạnh phúc có, tan nát có, đau khổ có...

Phóng to
Mua vé số để mong có cuộc sống đổi đời độc đẳc
TTCN - Một cuộc đổi đời với vốn liếng chỉ bằng một tô phở. Những số phận độc đắc ấy đang ở đâu trong ngõ ngách cuộc đời? Tôi đã gặp lại một vài người được hưởng cái lộc trời cho này, mỗi người đều có một câu chuyện riêng kể từ sau cái ngày may mắn ấy: hạnh phúc có, tan nát có, đau khổ có...

Cái máng sứt và phép mầu

Thật kỳ lạ là tất cả những người trúng số độc đắc mà tôi gặp đều bình thản, lạnh lùng đến kinh khủng trước tin mình đổi đời. Mặc dù phần lớn họ là người nghèo, có khi rất nghèo. Chuyện anh Cung Văn Hưng, thôn Kim Lũ, xã Đại Kim (Thanh Trì, Hà Nội) trúng giải xổ số đặc biệt năm 1987 được người ta nhớ không phải vì số tiền, vận may mà là thái độ trước núi tiền của anh.

Chiều âm u, gió cắt thịt và mưa buốt như kim độc. Anh thợ vá xe đầu cầu Lủ cuộn tấm mành rách, xếp đồ nghề vào ngăn hòm gỗ gánh về. Chị bán vé số nhăn nhó bó tấm lưới nhưng vẫn cố đợi chào anh mua năm chiếc vé ế. Ngần ngừ rồi anh mua ba chiếc, trả 1.500 đồng tiền cũ (tức 150 đồng tiền hiện nay).

Về ngang nhà cô em, anh ghé hỏi câu chuyện. Màn hình tivi kéo nhạc báo kết quả xổ số. Cô em toan chuyển kênh. Anh nói: “Để đó tôi trúng số độc đắc vé G91- 94475, ăn năm triệu rưỡi rồi!”. Thấy ông anh lầm lì cả buổi, lúc nói lại như dở người, cô bỏ vào bếp. Lẳng lặng ra hiên, bọc tấm vé vào túi nilông, nghiêng chiếc vại dưa, anh nhét xuống kẽ rồi cầm hai chiếc vé còn lại về. Đến nhà, ăn xong bữa cơm đạm bạc, anh bảo vợ mai nghỉ làm đi lĩnh tiền trúng giải độc đắc. Chị vợ càu nhàu rồi sưng mặt đi rửa bát.

Ông Hùng, nguyên chủ tịch UBND phường Thành Công hai năm 2001- 2003, trúng hai giải độc đắc (khai tên vợ) thì không thoải mái mấy vì làm quan chức mà quá nhiều tiền cũng lắm thị phi. Người ta không hiểu ông sẽ sử dụng số tiền trúng lần hai vào việc gì bởi nhà cửa, tiện nghi, con cái... tất cả những thứ phải lo bằng tiền thì ông đều đã có...

Người đàn bà trúng bộ vé trị giá 500 triệu (đề nghị giấu tên) tháng 5-2003 vừa qua là một chị bán rau ở chợ cóc Gia Thụy, Gia Lâm. Chị kể so vé lúc 9 giờ, biết mình trúng độc đắc, đi bán hết gánh rau, chị còn đạp xe sang tận Bắc Ninh mua cám lợn cho rẻ.

Bà Vũ Thị Thanh, Người Thái Bình, trúng cả bộ 20 vé trị giá 1,2 tỉ đồng hồi tháng 9 năm 2003, trên đường đi báo công ty trình báo bà còn quay về vì có chút việc vặt, để hôm sau..

Người ta nghĩ anh đùa bởi tài sản lớn nhất của người đàn ông này là mấy chiếc cờlê. Thu nhập hai vợ chồng mỗi tháng đủ mua 60 tấm vé số. Nhưng số tiền 5,5 triệu đồng giải đặc biệt kia bằng 120 năm thu nhập của họ cộng lại mới đủ nếu không tiêu thứ gì.

Khi anh đem giấy hẹn của công ty xổ số về thì cả huyện đến hỏi. Anh thợ vẫn thản nhiên vừa moi săm, cân vành vừa gật đầu. Một tuần sau anh lên 53 E Hàng Bài (nơi phát thưởng). Vành miệng ba chiếc bì tải lớn, anh nghiến răng co chân dồn tiền rồi ném lên thùng xe và trở về... làm ông chủ của căn nhà mặt phố 122 Thái Hà rộng 200m2.

Anh là người đầu tiên của đất Thanh Trì sờ tay vào bộ dàn âm thanh Sanyo chín thớt cao ngang ngực và là một trong những tay tài phiệt lớn nhất chợ buôn xe máy Phùng Hưng.

Lúc này anh đang lúi húi vừa lật nắp thùng gạo, nhặt rau vừa tiếp khách trong căn phòng 13m2 nghèo nàn ở nhờ bố mẹ. Anh kể: lĩnh tiền, mua nhà, mua tiện nghi và buôn xe máy. Được hai năm anh gia nhập phong trào buôn đồng lên biên giới. Hàng phi pháp bỏ một ăn hai. Anh đầu tư một chuyến khổng lồ trị giá 110 triệu đồng thì bị bắt. Bỏ của chạy lấy người. Toàn bộ số vốn lưu động bay hết. Cùng lúc vợ anh đẻ đứa thứ hai phải vào viện mổ và nằm cả tháng điều trị. Anh bán căn nhà 122 Thái Hà lo viện phí và lấy vốn buôn tiếp xe máy. Còn lại anh mua lô đất mặt đường Kim Giang. Trong lúc bán đất tìm mua nhà, anh đưa vợ con ra kho hợp tác xã ở nhờ. Đêm kẻ gian cắt khóa vào mang hết từ cái xoong, xe đạp, tivi, loa đài... và vét không thừa một xu. Gia sản còn lại của anh chính là chiếc hòm gỗ và bộ đồ nghề sửa xe đạp. Anh lại trở về với cái máng sứt như câu chuyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng”.

Cuộc sống từ đó đến nay lại bắt đầu từ con ốc, cuốc xe ôm và mớ rau của vợ ngoài đầu chợ. Anh ân hận chuyện buôn đồng, chuyện buôn xe máy, chuyện bán đất, chuyện không mở cửa hiệu đến chuyện ra nhà kho và không khóa chặt cửa... Hối tiếc nhất là: giá như không trúng số giờ anh có thể là chủ cửa hiệu sửa chữa xe máy và có một mảnh đất chính quyền chia như những người bạn ngày trước vá xe đạp cùng anh...

Năm 1991, ông cán bộ ngành đường sắt Hà Nội trúng giải xổ số đặc biệt trị giá 170 triệu đồng. Trong thời gian bạn hữu đến chia vui thì cũng là lúc gia đình ông cũng phải ra phường hòa giải. Anh con lớn đòi mua xe máy nếu không sẽ bỏ học, đập phá. Cô con gái chửi anh, cãi bố vì tội chỉ được chia có năm chỉ vàng. Ông bỏ cơ quan đi buôn và mở hàng karaoke. Kinh doanh bận bịu. Nghề lại không mấy đàng hoàng nên ông không nói được con.

Thằng con lớn nghiện ngập “nhét” hết xe máy, dàn, đầu... vào kim tiêm rồi chui vào tù. Tù về càng nghiện càng phá. Nó muốn tìm lại cuộc sống giàu có như bố. Nhưng thay vì chơi xổ số, nó đánh đề, lô rồi xóc đĩa nên lại vào tù. Cô con gái bỏ học từ bao giờ bố mẹ không biết. Thỉnh thoảng đi chơi Sài Gòn, Thái Lan cả tuần với đàn ông. Lúc thiếu tiền cô còn tranh khách của nhân viên nhà mình. Công an dẹp quán, vợ chồng, con cái bán nhà trúng thưởng và bán cả nhà cũ chia tiền rồi dẫn nhau về túp lều xập xệ ở Ngọc Hồi. Ông phàn nàn: đêm mưa nước ngập vào nhà, dột vào mặt, nằm không ngủ mà hận cái vé số.

Ở Sóc Sơn, năm 1999 có hai vợ chồng già trúng vé số giải nhất trị giá hai chiếc xe đạp. Lĩnh tiền xong, họ lại tiêu hết vì cả hai cùng vào viện. Họ ốm vì sướng không ăn được. Tối lại không ngủ, thắp điện từ ngõ đến buồng và ngồi canh chiếc vé số đã cất sau bốn lần khóa thép nên kiệt sức. May mắn lớn và bất ngờ khiến người ta thường vậy. Nhưng những kẻ hành khất lạc vào kho vàng là những người nghèo trúng độc đắc kia... lại bình tĩnh vô cảm đến khó hiểu. Trước đồng tiền người ta dễ khác. Hình như trước núi tiền thì cái sự khác ấy người thường khó hiểu?

Người đàn ông lịch duyệt, sang trọng sực nức nước hoa ngoại ấy là trưởng đại diện một hãng tân dược đa quốc gia tại VN. Anh có hai biệt thự ở TP.HCM và Hà Nội, xe hơi đời mới, lương 6.000 USD/tháng, hai con trai đang học ở Mỹ. Anh tên Nguyễn Hữu Bình, con trai một ông thợ mộc ở phường Thanh Xuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Anh nói: “Có chí, có chút khả năng như tôi, trong lớp chừng chục người. Nhưng tôi có ngày hôm nay vì tháng 6-1993 tôi trúng giải xổ số đặc biệt khi đang là kỹ sư làm hợp đồng cho một công ty ở Thái Nguyên. “Giải thưởng 200 triệu đó anh mua nhà, biếu tặng người thân, gửi ngân hàng và dùng để du học. Tốt nghiệp đại học nước ngoài kết quả tốt anh được nhận vào hãng này và nay lên trưởng đại diện. Anh nói mình mơ ước du học từ lâu. Giấc mộng tưởng chỉ là giấc mộng thì chợt trúng số. Trúng số, anh, vợ con anh đều rẽ vào con đường khác, dẫn đến những cái đích khác của cuộc đời.

Phố số đỏ

Phóng to
Ông Nguyễn Dũng, người trúng số độc đắc năm 1989
Khu phố được gọi là phố số đỏ. Đó là hai dãy nhà tập thể C3, C4 gồm những căn nhà hai tầng khang trang, yên tĩnh buông từng dải hoa giấy, phong lan bên hồ Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh, Hà Nội). Hai khu nhà này là của Công ty Xổ số kiến thiết thủ đô xây dựng từ những năm 1988-1989 dành trả thưởng cho những người trúng số đặc biệt. Mỗi căn nhà nay trị giá khoảng 2 tỉ đồng, dành cho hai suất trúng (tầng 1 và 2).

Người “đỏ” nhất ở đây là ông Nguyễn Văn Đông nhà C4, hai lần trúng độc đắc. Năm 1979 ông trúng một vé 3 triệu đồng, vượt số thu ngân sách của một xã trung bình. Ông mua nhà Hà Nội, trả nợ, sắm sửa cho con cái và gửi tiết kiệm. Từ một anh nông dân cứ rời đồng ruộng lại phải thồ rau xuyên đêm ra Hà Nội, ông chuyển sang buôn bán nhỏ. 10 năm sau ông trúng giải đặc biệt lần thứ hai và chuyển nhà về khu này, quay sang buôn bất động sản và sống một cuộc đời nhàn hạ, phong lưu. Con cái ông được nguồn tiền đó lo cho học hành, nghề nghiệp nay phương trưởng đề huề. Những phú quí, khang ninh ấy ông có được cũng một phần do sự may mắn từ những chiếc vé số đem lại.

Ông Nguyễn Dũng, hiện sống trong nhà số 4, C3 cụm dân cư số 10, phường Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội). Ngôi nhà này là giải thưởng xổ số đặc biệt ngày 8-4-1989 mà Công ty XSKTTĐ trao ông, nay nó trị giá trên 1 tỉ đồng. Ông kể: ngày 8-4 đó ông mua hai tấm vé số của cô bán vé mời ngay cửa cơ quan ông và ném vào ngăn bàn. Bảy ngày sau dọn bàn ông thấy chúng và nhớ cô bán vé số có nụ cười duyên. Ông xem kết quả và biết mình trúng độc đắc trị giá 60 triệu đồng, tương đương hai căn nhà Hà Nội hiện đại. Nếu trông vào lương một cán bộ Mặt trận Tổ quốc cấp quận như ông có lẽ ông chưa biết bao giờ mới có thể sửa lại căn nhà chật chội gói ghém ba gia đình gồm vợ chồng, dâu rể, cháu nội, ngoại...

Kẹp nó vào cuốn sổ, ông ngồi viết tiếp phần nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong bản báo cáo công tác dang dở. Về nhà ăn cơm xong, uống hết tuần trà, đợi cháu ngồi vào bàn học ông mới kể chuyện với vợ con. Ông trở thành người giàu nhất khu phố Nhà Chung lúc bấy giờ với một căn nhà 72m2, hai xe máy hạng sang, hai xe đạp, hai máy khâu, hai nồi áp suất, hai đồng hồ đều mới tinh và 18 triệu đồng tương đương 10 lượng vàng. Ông chia tiền cho các con sửa nhà, mua xe, mua đất và vợ chồng ông chuyển đến khu nhà mới này. Một gia đình không mâu thuẫn, nhưng có thêm tiền họ trở nên hạnh phúc ấm cúng và văn minh hơn.

Kế nhà ông Dũng là ngôi nhà trúng thưởng của anh thợ giã giò tên Tự quê ở Hà Đông. Mua hai tấm vé, dừng xe đọ số. Biết mình trúng giải độc đắc, anh lại nhét vé vào túi phóng xe sang Gia Lâm đổ hết chuyến hàng mới về. Ăn cơm xong buồn ngủ quá quên báo cho vợ biết...

Anh thợ giã giò sau khi trúng giải, bán nhà cũ thêm tiền mua một căn nhà mới và nhường cho người em trai căn nhà của công ty. Nay cả hai anh em đều xa được cuộc sống lam lũ quê nhà. Mỗi người cũng có một góc sống trung lưu nơi thành thị vốn chật chội đua chen.

Từ phố “số đỏ” về, tôi ghé mua 20 chiếc vé số, loại 2.000đ. Ông già bán vé hỏi sao không chơi bao giờ nay lại mua nhiều thế? Tôi nói: hi vọng nó là bộ vé duy nhất trong 2 triệu vé cùng bán hôm nay, tôi sẽ đổi đời. Ông cười: mua nó ngoài chuyện đóng góp thì là để chơi, bởi mỗi tối nó đem lại cho mình một ít ngóng đợi, hồi hộp. Còn người ta có hạnh phúc hay không là do cách đối xử với đồng tiền chứ không phải là có tiền...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận