Trung Đông 2024: Một năm đảo lộn

SÁNG ÁNH 29/12/2024 07:55 GMT+7

TTCT - Sau biến cố 7-10-2023 ở Israel, tại khu vực Trung Đông, vấn đề chính năm qua vẫn là xoay quanh Palestine.

Trung Đông 2024: Một năm đảo lộn - Ảnh 1.

Ảnh: The New Arab

Chuyện này không có gì mới, nhưng cường độ của vấn đề ở mức cao nhất từ hơn 100 năm qua, tức từ ngày xuất hiện phong trào Zion chủ nghĩa vào cuối thế kỷ 19. 

Nhắc lại, đây là phong trào thế tục sanh ra tại Âu châu, nơi người theo đạo và văn hóa Do Thái từng bị 1.000 năm phân biệt, chèn ép, bài xích, đưa đến xua đuổi, trục xuất và tiêu diệt. 

Giải pháp của Zion chủ nghĩa không phải là tranh đấu và đòi quyền bình đẳng sinh sống tại các nước Âu Tây, nơi họ có bấy nhiêu thế kỷ hiện diện, mà là lập một quốc gia riêng biệt.

Như vậy, Israel ra đời năm 1948 là vì người Do Thái bị Âu châu bạc đãi và trù dập. Hoàn cảnh lịch sử với ngày tàn của đế quốc Ottoman, thất trận của đế quốc Đức, rồi Đức quốc xã, khiến họ trở thành đồng minh đắc lực của Tây phương trong khu vực.

Như ngoại trưởng Mỹ Alexander Haig nói 35 năm trước: "Israel là tàu sân bay lớn nhất thế giới của Mỹ mà không thể bị đánh chìm, (lại) không cần đến một người lính Mỹ và ở tại vị trí then chốt cho an ninh Mỹ".

Gaza và Israel

Như vậy, mọi chuyện không phải bắt đầu vào ngày 7-10-2023. Gaza là dải đất Israel chiếm đóng và cai trị từ 1967. Ở đó, ngay cả tiền tệ lưu hành cũng là tiền shekel của Israel. Năm 1987-1993 có cuộc nổi dậy (Intifada) thứ nhất. 

Cuộc nổi dậy thứ hai, 2000-2005, không dẹp được, khiến Israel phải rút ra ngoài và khóa cửa lại, biến 360km2 (tương đương diện tích thành phố Đà Lạt) thành nhà tù và trại tập trung lớn nhất thế giới. 

Ngày 7-10 là ngày phá trại làm loạn, và Israel đã trả đũa ra trò. Về nhân mạng, đến 19-12, số người chết tại Gaza vì bom đạn ít nhất là 45.192, trong đó có 17.492 trẻ em. Số mất tích chưa thấy xác là trên 11.000. Số thiệt mạng gián tiếp vì thiếu thốn, bệnh tật, đói kém, ước lượng là thêm 148.000 người, trong vùng lãnh thổ chỉ có hơn 2 triệu dân.

Với số thuốc nổ ném xuống bằng 7 lần bom nguyên tử Hiroshima, kết quả 14 tháng qua của Israel là gì ngoài tàn phá? Năm 2005, khi Israel quyết định rời Gaza và khóa trái là vì họ không thể đóng quân ở đó mà không có thiệt hại. 

Đến hôm nay vẫn thế, Israel với quân số đông gấp 20 lần Hamas và hỏa lực mạnh gấp đâu đó một vạn lần, vẫn phải đột kích và rút đi, chứ không hề chiếm đóng và cai trị. 

Chiến tranh thắng hay bại dựa vào mục tiêu đề ra. Năm qua Israel nỗ lực: (1) tiêu diệt Hamas, (2) giải thoát con tin, (3) bảo đảm an ninh cho dân cư ngoài Gaza, và (4) tái lập an ninh ở miền bắc để dân cư vùng đó có thể trở về nhà.

Trung Đông 2024: Một năm đảo lộn - Ảnh 2.

Gaza đã trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo không hồi kết. Ảnh: AFP

Các mục tiêu này không đạt được cái nào. Mục tiêu thứ tư là vì phong trào Hezbollah ở Lebanon yểm trợ kháng chiến Hamas và gây khó cho biên giới, buộc Israel phải giữ quân đề phòng. 

Ngày 1-10-2024, Israel dùng 50.000 quân tiến đánh Hezbollah tại Lebanon, giết lãnh tụ Nasrallah và nhiều lãnh đạo khác bằng phi pháo, nhưng khả năng quân sự của Hezbollah vẫn nguyên vẹn. Năm sư đoàn Israel tiến vào được lãnh thổ Lebanon không quá 500m và cho tới ngày ngưng bắn 26-11 thì chiến thuật là đột kích rồi về, ngoài việc đánh bom vô tội vạ.

Hezbollah vẫn giữ nguyên khả năng gây rối, đánh tên lửa được tới căn cứ quân sự Tel Aviv và bảo vệ lãnh thổ. Dĩ nhiên, khả năng đánh bom khắp nơi bằng máy bay của Israel cũng nguyên vẹn. Khác biệt là năm 1982, trong 5 ngày Israel tiến đến thủ đô Beirut. 

Năm 2006, trong 34 ngày Israel không tiến xa quá 10 cây số, có làng cách biên giới 1km nhưng suốt cuộc chiến, Israel không chiếm được. Năm 2024, Israel cũng không chiếm được làng đó và không tiến quá được 500m. Dân cư Israel ở biên giới cũng không về được nhà.

Về mặt quân sự, phong trào Houthi tại Yemen năm qua là nhiều gặt hái nhất. Dùng máy bay không người lái và phi đạn giá vài mươi ngàn USD, phong trào này ngăn được một phần lớn giao thông tàu bè qua biển Đỏ, dù Mỹ huy động mẫu hạm và liên minh Anh - Mỹ - Israel đánh bom cảng Hodeida và thủ đô Sanaa. 

Houthi được gì trong việc này? Yemen có nội chiến từ 2014, và Houthi là một trong các phe đánh nhau. Chính nghĩa yểm trợ Palestine không tốn bao nhiêu, nhưng đường lối quốc tế này giúp Houthi thu phục được thêm quần chúng địa phương. 

Thỉnh thoảng tên lửa Houthi lại la đà 2.000km lọt lưới "Vòm sắt", rơi đâu đó trên lãnh thổ Israel, tuy không gây tổn hại gì to tát, nhưng nhắc nhở cho Israel là họ vẫn bị đe dọa.

Về mặt dư luận thế giới, ngay cả dư luận người Do Thái, chưa bao giờ hình ảnh Israel tồi tệ đến thế. Hai lãnh đạo Israel bị Tòa án Tội phạm quốc tế (ICC) lên án. 

Tổ chức Amnesty chính thức lên án quốc gia này phạm tội diệt chủng và ngay ở Mỹ, thành phần sinh viên và người trẻ dưới tuổi 30 ủng hộ Palestine cũng gia tăng. 

Thăm dò Pew tháng 4-2024 cho thấy 33% người dưới 30 tuổi ở Mỹ ủng hộ Palestine và chỉ 14% ủng hộ Israel. Phần dư luận trên thế giới lại càng rõ rệt. Tại Liên Hiệp Quốc, quyền tự quyết của Palestine tại Đại hội đồng ngày 19-12 được 172 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 8 phiếu vắng mặt.

Trung Đông 2024: Một năm đảo lộn - Ảnh 3.

Một tàu chở dầu trúng tên lửa của Houthi trên biển Đỏ. Ảnh: AFP

Iran và Saudi

Một cường quốc quyết định tại Trung Đông nữa là chế độ thần quyền Iran, vốn sau năm 1979 đưa đất nước này ra khỏi vòng kiểm soát của Tây phương, điều đến giờ Tây phương không thể chấp nhận. 

Trước đó, Mỹ và Anh dựa trên trục Saudi - Iran để trấn khu vực. Thất bại của Israel tại Gaza khiến họ mở rộng chiến tranh sang Lebanon theo kiểu càng thua càng đánh thêm, nhưng mục đích chính là để triệt hạ Iran. 

Chiến thuật của Israel là khiêu khích để Iran động thủ và lôi kéo Mỹ trực tiếp nhảy vào. Nhưng điều này Mỹ không muốn và không dám. Mỹ dùng Israel để đánh thuê chứ Mỹ không đánh thuê cho Israel!

Phần Iran chỉ muốn yên thân, phát triển kinh tế, đồng thời phát triển vũ khí hạt nhân và siêu thanh, chứ hiện giờ chưa muốn, và cũng chưa dám, gây rối. Vì vậy nên các cuộc thử lửa và dọa dẫm nhau giữa Israel và Iran thực chất chỉ là xuống tấn đi quyền thôi.

Đầu kia của trục Tây phương tại Trung Đông là Saudi Arabia. Trong năm qua, Saudi có nhiều thay đổi lặng lẽ, trong khi mọi ánh mắt hướng về Gaza. 

2023 là năm Saudi và Iran làm hòa và Saudi về đối nội bước vào đổi mới xã hội, về đối ngoại tìm cách tách khỏi Tây phương một cách nhẹ nhàng và không gây tổn thất.

Saudi là đầu tàu của vùng Vịnh, và dùng tiền để ảnh hưởng nhiều nơi trong khu vực, trước hết là Ai Cập. Việc tháng 8-2024, Ai Cập đặt mua tiêm kích J10 Mãnh Long của Trung Quốc là dấu hiệu rõ rệt. 

Sau độc lập, Ai Cập dùng máy bay viện trợ của Anh, rồi Liên Xô, rồi Mỹ. Ai Cập cũng là quốc gia nhận viện trợ quân sự Mỹ nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Israel. Nếu giờ mua máy bay Trung Quốc thì tiền ở đâu ra? 

Đó là viện trợ Saudi. Việc sử dụng tiêm kích là việc kéo dài cả một thế hệ, chí ít cũng phải 10 năm: huấn luyện phi công, bảo trì phi cơ, tồn kho vũ khí…

Tiêm kích Trung Quốc không dùng hỏa tiễn hay radar Mỹ, không kết hợp được với hệ thống phòng không Mỹ và Israel. Đây là dấu hiệu rõ nhất về ảnh hưởng mất đi của Hoa Kỳ ở Ai Cập và Saudi trong nhiều năm tới.

Trung Đông 2024: Một năm đảo lộn - Ảnh 4.

Ảnh: The Diplomatist

Syria đổi chế độ

Tại Syria, chế độ Assad sau 54 năm cai trị và 13 năm nội chiến, đột nhiên sụp đổ chỉ trong 11 ngày. Phe chiếm được thủ đô là phong trào Hayat Tahrir al Sham (HTS), xuất thân từ al Qaeda cùng lúc với IS (Quốc gia Hồi giáo), tức là Hồi giáo Sunni bảo thủ, nhưng đi về hướng địa phương và tập trung vào Syria, thay vì thế giới Hồi giáo nói chung.

Thành công của HTS nhờ vào thời thế. Chế độ Assad tồn tại thêm 13 năm là nhờ chống lưng của Nga và của Iran. Iran đang lo củng cố và sửa soạn cho trường hợp xấu nhất là chiến tranh toàn diện với Hoa Kỳ. 

Hezbollah thì lo đối đầu Israel. Nga đang bận mặt trận Ukraine. Khi quân Hezbollah bảo vệ Damascus rút đi và Nga cho biết hãy tự lo thân lấy thì Assad xách vội vali để đi theo phu nhân đã an tọa tại Nga rồi.

Thế lực đằng sau HTS là Thổ Nhĩ Kỳ, láng giềng phương bắc của Syria. Chính quyền Thổ hiện là bảo thủ tôn giáo, nhưng bấp bênh về mặt lá phiếu. Để tồn tại, họ hướng về quốc gia chủ nghĩa và phong trào phục hưng đế quốc Ottoman. 

Đế quốc 600 năm này từng trị vì trên lãnh thổ 27 nước ngày nay và tất nhiên có quần chúng nhân sự cố Palestine và Syria mà tơ vương chuyện mấy trăm năm trước. Như ngày 21-12 tại Mardin, quần chúng Thổ đã kêu gọi Tổng thống Erdogan "hãy mang chúng ta trở về Jerusalem" (thuộc Ottoman từ 1517 đến 1917). 

Tuy chưa biết HTS có bình định được toàn thể Syria không và trong bao lâu, nhưng đây là thành công của Ankara trong khu vực, với vai trò mới và chính sách độc lập với đồng minh Hoa Kỳ. Nên nhớ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là quân lực thứ nhì và là thành viên nòng cốt của NATO.■

Trở lại câu nói của ngoại trưởng Haig năm xưa thì tàu sân bay lớn nhất của Hoa Kỳ tại Trung Đông có thể bị đánh chìm hay vô hiệu hóa. Saudi đã áp dụng chính sách "ngoảnh mặt" và sẽ mang theo Sudan cùng Ai Cập. Vùng Vịnh trù phú nếu nổ ra tranh chấp với Iran sẽ tan hoang về kinh tế và Dubai không cần ném một quả bom, sẽ tồi tệ hơn là Gaza nếu vịnh Ba Tư bị khóa. Iran có thể khóa vịnh Ba Tư không? Tây phương còn không ngăn được Houthi nhiễu biển Đỏ thì sao ngăn được Iran khóa vịnh Ba Tư? Bạn chí thiết của Hoa Kỳ từng dùng để chốt Liên Xô là Thổ Nhĩ Kỳ thì giờ cũng có những toan tính mới và đường hướng độc lập trong khu vực. Đây là những thay đổi sẽ triển khai sang năm tới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận