Trung - Mỹ: Cuộc chiến mới ở Tây bán cầu

DANH ĐỨC 27/06/2023 07:33 GMT+7

TTCT - Việc Trung Quốc nay chen vào Tây bán cầu là điều Mỹ khó thể để yên, nhưng những đấu đá chính trị chưa bao giờ nguôi ở nước Mỹ khiến họ khó lòng có một đối sách nhất quán.

Sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc bay lạc vô không phận Mỹ hồi đầu tháng 2, giờ lại đến vụ cáo giác Trung Quốc đặt căn cứ tại Cuba để do thám Mỹ. Những cáo giác "Trung Quốc dọ thám Mỹ từ Cuba" trùng hợp về thời gian với việc đưa cựu Tổng thống Donald Trump ra tòa, để rồi báo chí Mỹ thi nhau đặt câu hỏi: "Có phải chính quyền Biden yếu ớt trước Trung Quốc không?".

Ảnh: Dreamstime/FT

Ảnh: Dreamstime/FT

Từ đầu nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden, chưa bao giờ quan hệ Trung - Mỹ lại phức tạp như bây giờ. Cuộc họp báo hôm thứ hai 12-6 của Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre và điều phối viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby đã mấy lần bị khuấy động bởi những câu hỏi về đề tài do thám này.

Chuyện không mới

Báo chí phản ánh hay "dắt mũi" dư luận? Trong cuộc họp báo trưa thứ hai 12-6 ở Nhà Trắng, một nhà báo đã hỏi: "Chính quyền nói Trung Quốc hiện đã có cơ sở tình báo ở Cuba. Vậy quý vị có thể cho biết rõ hơn về mối đe dọa từ cơ sở này?". 

Chuyện "nghe ngóng", người Mỹ đã nghe nói hà rầm cách đây đúng 10 năm với vụ Edward Snowden bỏ trốn sang Nga, còn chuyện Cuba cho một nước đối thủ của Mỹ đặt căn cứ thì cũng từng xảy ra cách đây 62 năm. Giờ nghe thêm chuyện Trung Quốc đặt căn cứ "nghe ngóng" tại Cuba cũng không có gì lạ. Song, câu hỏi đòi "biết rõ hơn" thòng một cái cù nèo: có phải tình báo Mỹ đã để "lọt lưới"?

Trước câu hỏi vặn vẹo trên, ông Kirby trả lời: 

(1) Việc Trung Quốc tìm cách có cơ sở thu thập thông tin tình báo ở Cuba hay những nơi khác ở Tây bán cầu không phải là bước phát triển nữa của Trung Quốc; 

(2) Chính quyền Biden, ngay từ ngày đầu tiên nhập cuộc, đã nghiêm túc đối phó và nỗ lực giảm thiểu các lỗ hổng; 

(3) Và giờ vẫn vững tin có thể bảo vệ được các bí mật quốc gia của Mỹ ở Tây bán cầu. Ý thứ ba cho thấy quy mô của vấn đề: Trung Quốc đang "nghe ngóng" ngay tại "sân sau" truyền thống của nước Mỹ.

Chuyện bỗng ầm ĩ hôm thứ năm 8-6 sau khi tờ Wall Street Journal loan tin "Cuba sẽ là nơi đóng một căn cứ dọ thám bí mật của Trung Quốc nhắm vào Hoa Kỳ", kèm chi tiết "Bắc Kinh đồng ý trả Havana vài tỉ đô la cho cơ sở này".

Nội vụ rộn ràng đến mức hai ngày sau, trong họp báo "bất thường" hôm thứ bảy 10-6 trên chiếc Air Force One nhân dịp Tổng thống Biden đi North Carolina, khi một nhà báo đặt câu hỏi về vụ căn cứ Trung Quốc ở Cuba, Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Olivia Dalton đã bác bỏ tin tức trên tờ WSJ: "Chúng tôi đã xem các tường thuật đó; chúng không chính xác"; đồng thời tự bào chữa: "Chắc chắn, chúng tôi nhận thức được sự hiện diện của Trung Quốc ở Tây bán cầu, quan ngại sâu sắc về sự hiện diện không mong muốn đó, và đặc biệt là với bất kỳ dự án nào có thể có tác động quân sự".

Trung Quốc xích lại gần hơn với các nước Mỹ Latin làm Hoa Kỳ lo lắng. Ảnh: revistaidees.cat

Trung Quốc xích lại gần hơn với các nước Mỹ Latin làm Hoa Kỳ lo lắng. Ảnh: revistaidees.cat

Vì sao nước Mỹ lo lắng

"Đầu tư của Trung Quốc vào Tây bán cầu khiến Hoa Kỳ lo lắng: tư lệnh Southcom". Không phải vô cớ mà Học viện Hải quân Hoa Kỳ (USNI) đầu năm nay đặt tựa như vậy cho bài báo thuật lại bài phát biểu của Tư lệnh Bộ chỉ huy lực lượng phía Nam quân lực Hoa Kỳ (Southcom), tướng Lara Richardson, tại Hội đồng Đại Tây Dương. 

Nữ tướng này đặt câu hỏi về mức độ đầu tư của Trung Quốc vào các cơ sở hạ tầng ở Trung và Nam Mỹ: "Hoa Kỳ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng trong một số lĩnh vực, đặc biệt là từ Trung Quốc ở Tây bán cầu, làm dấy lên những lo ngại an ninh mới" (USNI 22-1).

Tướng tư lệnh Richardson tả oán: 21/31 quốc gia trong khu vực đảm trách của Southcom đã ký kết các thỏa thuận xây dựng hạ tầng với sáng kiến Vành đai - con đường (BRI) của Bắc Kinh; 17 trong các dự án xây dựng của Trung Quốc ở Trung và Nam Mỹ là các cảng nước sâu; 5 dự án cơ sở hạ tầng lớn ở bên hông kênh đào Panama; trong khi Huawei đang là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thống trị và tiến hành cài đặt mạng 5G để thay thế các mạng cũ hiện có.

"Các công ty lưỡng dụng (dân sự, quân sự) như Huawei đặc biệt gây lo lắng", bà Richardson nói và kết luận: "Đồng thời với việc Trung Quốc tăng cường tham gia lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Bắc Kinh đã tiến hành xây dựng lực lượng chiến lược và thông thường lớn nhất trong lịch sử".

Không chỉ có giới điều binh khiển tướng lo lắng, bên phía dân sự nhiều lãnh đạo chóp bu của Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng. Có thể tham khảo trang web của Chủ tịch Tiểu ban đối ngoại Hạ viện Mỹ Michael McCaul, nơi đã liệt kê một danh sách dài các mối lo trong bài viết đề tựa: "Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Nam Mỹ".

Theo đó, trong khi Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ Latin, Trung Quốc đã là đối tác thương mại hàng đầu của Nam Mỹ. Theo số liệu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ Latin tăng 26 lần trong giai đoạn 2000-2020 (từ 12 tỉ lên 315 tỉ USD); và dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2035, vượt mốc 700 tỉ USD.

Từ năm 2005, các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc đã phân phối 117 khoản vay trong khu vực - tổng trị giá 138 tỉ USD. Brazil, Ecuador và Venezuela là các bên nhận nhiều nhất, với các điều khoản được soạn thảo để tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc tiếp cận nguồn tài nguyên ở mỗi quốc gia.

Tính đến tháng 5-2022, đã có bảy quốc gia Nam Mỹ tham gia BRI: Venezuela, Ecuador, Peru, Bolivia, Chile, Argentina và Uruguay.

Riêng trong năm 2021, các công ty nhà nước Trung Quốc, bao gồm Công ty Xây dựng đường sắt Trung Quốc, Công ty Xây dựng truyền thông Trung Quốc và Công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã tài trợ 11,3 tỉ USD cho các dự án ở Nam Mỹ.

Nghiên cứu "An ninh của Trung Quốc và hợp tác quân sự ở Mỹ Latin và Caribe: Ý nghĩa đối với châu Âu" của Daniel Agramont Lechin công bố tháng 4-2022 cho thấy mối quan tâm chính của Trung Quốc với khu vực Nam Mỹ vẫn là kinh tế. Hợp tác quân sự và an ninh chủ yếu được thực hiện để theo đuổi các mục tiêu kinh doanh.

Mặt khác, tác giả cũng lưu ý "các thỏa thuận vũ khí chính được [Trung Quốc] ký kết với các chế độ dân túy cánh tả trong khu vực, như Venezuela, Ecuador thời Correa, Bolivia thời Morales và Argentina thời Fernandez". Các nước này tận dụng những điều kiện thuận lợi mà Trung Quốc đưa ra để mua vũ khí và tiếp cận các khoản vay điều kiện linh hoạt: Venezuela chiếm đến 85% giao dịch mua sắm.

Ảnh: Foreign Policy

Ảnh: Foreign Policy

Còn gì phía sau?

Tất nhiên, việc Trung Quốc nay chen vào Tây bán cầu là điều Mỹ khó thể để yên, nhưng vấn đề là những đấu đá chính trị chưa bao giờ nguôi ở nước này khiến họ khó lòng có một đối sách nhất quán. Việc cựu Tổng thống Donald Trump mới đây phải hầu tòa về các tài liệu mật đem về tư thất là đòn trí mạng nhắm vào ông, một nhân vật từng làm nên tên tuổi một phần nhờ chính sách cứng rắn với Trung Quốc.

The New York Times, vốn bênh ông Biden, ngày 9-6 cũng phải dẫn lời dân biểu Steve Scalise, nhân vật số 2 của phe Cộng hòa tại Hạ viện: "Joe Biden đang vũ khí hóa Bộ Tư pháp để chống lại đối thủ chính trị. Bản cáo trạng ngụy tạo này là tiếp nối cuộc đàn áp chính trị bất tận đối với Donald Trump".

Trong bối cảnh đó nổi lên những cáo buộc Biden yếu ớt trước Trung Quốc. Chủ tịch Tiểu ban Quân vụ Hạ viện Mike Rogers (Đảng Cộng hòa) nhiếc móc: "Đất nước chúng ta kém an toàn hơn dưới thời Tổng thống Biden. Hết lần này đến lần khác - các chính sách sai lầm của chính quyền Biden-Harris đã khiến an ninh quốc gia gặp rủi ro".

Thế còn phản ứng của Trung Quốc? Tờ Global Times 13-6, một thời hùng hổ, giờ tỏ thái độ "miễn chấp", chỉ chạy một bài tựa đề: "Hoa Kỳ có nguy cơ trở thành "một quốc gia với nền chính trị kiểu thế giới thứ ba" trong bối cảnh đấu tranh đảng phái". ■

Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh vào các hoạt động khai thác mỏ, đặc biệt là ở "tam giác lithium" Bolivia - Chile - Argentina và đồng ở Peru. Lithium rất quan trọng để sản xuất pin, nhu cầu đã nhanh chóng mở rộng khi ngành công nghiệp ô tô chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang động cơ điện; còn đồng có mặt trong hầu như mọi sản phẩm công nghệ cao cả dân sự lẫn quân sự. Giai đoạn 2018-2020, Trung Quốc đầu tư 16 tỉ USD vào các hoạt động khai khoáng này ở Nam Mỹ. Cần biết, vùng "tam giác lithium" chiếm 56% sản lượng kim loại này trên thế giới.

Về khai thác đồng, Trung Quốc kiểm soát bảy mỏ lớn nhất của Peru và sở hữu hoàn toàn 2/5 mỏ lớn nhất nước này: mỏ Las Bambas, có sản lượng ước tính 263.000 tấn và mỏ Toromocho 190.000 (2020). Hai dự án này dự kiến khai thác tới tận các năm 2038 và 2056. (Foreign Affairs)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận