Trung - Mỹ : Kế hoạch đại Đông Á

DANH ĐỨC 23/11/2018 17:11 GMT+7

TTCT - Trong vòng một tuần, Trung Quốc và Mỹ đã ba lần đụng độ không tương nhượng ở các hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Đông Á ở Singapore và APEC tại Papua New Guinea. Đây là cạnh tranh đơn thuần hay tranh giành một mất, một còn?

Các nhà lãnh đạo ở thượng đỉnh APEC. Từ trái sang: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng chủ nhà Papua New Guinea Peter O'Neill, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: AP
Các nhà lãnh đạo ở thượng đỉnh APEC. Từ trái sang: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng chủ nhà Papua New Guinea Peter O'Neill, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence. Ảnh: AP

 

Chưa bao giờ cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường, một cũ và một mới, lại mang tính sát phạt như vậy, trên mọi mặt: kinh tế, chính trị, ngoại giao, và cả quốc phòng. Đại diện của hai siêu cường, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên tiếng tranh giành thế cuộc về phía mình.

Những ý chỉ (désigné) của các ngôn từ ngoại giao, đằng sau ý nghĩa thông thường (signifié), bên cạnh việc phản ánh thói quen phát ngôn của mỗi bên, còn cho phép đoán được đôi chút sự thật.

Vắng mặt và có mặt

Đã có nhiều bình luận về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump năm nay vắng mặt cả ở thượng đỉnh APEC lẫn ASEAN. David Tweed của hãng tin Mỹ Bloomberg phân tích: “Vòng hội nghị thượng đỉnh châu Á khởi đầu tuần này với một người vắng mặt đáng chú ý: Donald Trump.

Tổng thống Mỹ ở nhà, cử Phó tổng thống Mike Pence thế chỗ. Sự “xem nhẹ” đó có nghĩa là thế giới sẽ không chú ý nhiều đến chuỗi hội nghị thượng đỉnh vốn thường đáng chú ý bởi những gì xảy ra bên lề hơn là trong các cuộc họp. Tuy nhiên, chính sự “xem nhẹ” đó cho phép Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một cơ hội để giành lấy sự chú ý”.

Đúng là quyết định vắng mặt của ông Trump, đã được biết từ tháng 9, không tránh khỏi bị cho là “xem nhẹ” các thượng đỉnh ASEAN, APEC, mà năm ngoái ông, vốn không phải một chính khách “bẩm sinh”, đã lần đầu nếm hương vị tại Đà Nẵng, rồi Manila ngay sau đó.

Cũng có thể do ông Trump đang bộn bề ở trong nước, cả việc công lẫn việc tư, khi cuộc điều tra liên quan tới việc câu kết với Nga đã bước vào “giai đoạn cuối”, trong tình thế mà Đảng Dân chủ đã lấy lại Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Kết quả là “người vắng mặt luôn chịu thiệt”, như cách nói của người Pháp. Người hiện ra trước mọi ánh đèn sân khấu của các diễn đàn ASEAN và APEC không ai khác hơn là ông Tập Cận Bình. Năm ngoái, ở APEC Đà Nẵng, ông Tập là người lĩnh xướng về tự do thương mại khi ông Trump đã rút lui và đòi xét lại các hiệp định.

Năm nay, sự khẳng định lại càng rõ ràng. Ông Tập phát biểu tại thượng đỉnh các CEO của 21 nền kinh tế APEC: “Trung Quốc đã thể hiện cam kết tự do hóa thương mại và mở cửa thị trường của mình. Tôi tin tưởng rằng thị trường lớn của Trung Quốc, với dân số gần 1,4 tỉ người, sẽ là nguồn tăng trưởng năng động cho nền kinh tế toàn cầu... Tất cả chúng ta đều là những hành khách trên cùng một con tàu. Hãy giữ tay lái ổn định và chèo lái đúng hướng để con tàu của nền kinh tế toàn cầu vượt qua sóng gió mà giong buồm đến một tương lai tươi sáng hơn”.

Đối đáp thay ông Trump là người phó của ông, Phó tổng thống Pence, mà từ mấy tháng qua đã xuất hiện ngày càng đậm nét trong “hồ sơ” châu Á.

Ông chính là người phát ngôn phản ứng kịch liệt sau vụ tàu chiến Trung Quốc định húc ép tàu USS Decatur trên Biển Đông: “Chúng tôi sẽ không để bị dọa nạt”. Hãng tin Bloomberg 18-11 phân tích: “Vào lúc Nhà Trắng rơi vào tổ ong của đấu đá nội bộ, mưu đồ và thảm kịch, Phó tổng thống Mike Pence tuần rồi ở đầu kia thế giới đã hành xử còn hơn là một tổng tư lệnh truyền thống của Hoa Kỳ...

Trong một chuyến đi đến châu Á kéo dài một tuần nhằm trấn an các đồng minh của Mỹ về tính ổn định của cam kết của Mỹ với khu vực, Pence đã làm những gì mà Tổng thống Donald Trump hiếm khi làm: cam kết với thông điệp, trấn an các đối tác đang lo âu, và mở ra tầm nhìn rõ ràng về chính sách đối ngoại của Mỹ”.

Vì thế, sẽ là lầm lẫn nếu theo thói quen suy nghĩ của tôn ti trật tự trong một hệ thống chính trị hoàn toàn khác, dựa trên “lãnh đạo hạt nhân”, chứ không phải “lãnh đạo định chế”, mà cho rằng nói chuyện với ông phó Pence là nhẹ thể!

Một thế giới ổn định và an ninh sẽ cần sự hợp tác của hai siêu cường cũ và mới.-Ảnh: nus.edu.sg
Một thế giới ổn định và an ninh sẽ cần sự hợp tác của hai siêu cường cũ và mới.-Ảnh: nus.edu.sg



Ông nói gà, bà nói vịt

Chủ nhật 18-11, hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đành kết thúc mà không ra được một tuyên bố chung như mọi lần trước. Hội nghị APEC năm nay chứng kiến những lần công kích và đáp trả gay gắt giữa ông Pence và ông Tập.

Y hệt điều mà ban nhạc The Beatles đã mô tả vào năm 1967 trong ca khúc Hello, Goodbye: “Anh nói “có”, tôi bảo “không”. Anh nói “ngừng lại”, tôi bảo “đi tiếp đi”. Anh nói “Chia tay nhé”, tôi bảo “Hãy chào nhau đi””.

Bài diễn văn khai đề của ông Tập như một huấn dụ tự do thương mại vào lúc mà ông Trump đang mải mê “chiến tranh thương mại”: “Nhân loại một lần nữa lại đến một ngã tư đường. Chúng ta nên chọn hướng nào? Hợp tác hay đối đầu? Mở cửa hoặc đóng cửa? Tiến bộ nhờ vào hai bên cùng được hay là trò chơi tổng bằng không hủy diệt? Lợi ích của tất cả các quốc gia và cả tương lai nhân loại xoay quanh lựa chọn của chúng ta”.

Trong diễn văn tại thượng đỉnh các CEO của APEC, ông Tập chiêu dụ: “Nhiều người trong số các bạn hiện đã chứng kiến, đóng góp và hưởng lợi từ sự cải cách và mở cửa của Trung Quốc, và đã tạo ra một mối liên kết đặc biệt với Trung Quốc... Tôi hi vọng các bạn sẽ tiếp tục chia sẻ những hiểu biết của các bạn với những người ra quyết định, khuyến khích các nước áp dụng các chính sách tích cực và thực tế...”.

Ông Tập bảo thế, ông Pence nói ngược lại: “Chớ nhận những khoản nợ nước ngoài có thể gây phương hại đến chủ quyền của quý vị. Hãy bảo vệ lợi ích của quý vị. Hãy bảo toàn sự độc lập của quý vị. Và cũng như chính Hoa Kỳ, hãy luôn đặt đất nước quý vị lên trên hết”.

Trước đó chỉ hai ngày, tại Singapore, hai bên cũng đã kẻ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược như thế. Trước một ASEAN đang “hồi hộp”, ông Pence nhấn mạnh: “Hoa Kỳ tự hào về mối quan hệ đối tác chiến lược 41 năm của chúng tôi với ASEAN...

Hoa Kỳ tìm kiếm sự hợp tác chớ không phải kiểm soát. Chúng tôi tìm kiếm một Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó tất cả các quốc gia, lớn và nhỏ, có thể thịnh vượng và phát triển - an toàn trong chủ quyền của chúng ta, cạnh tranh công bằng với nhau, không bị ép buộc và thống trị, và duy trì các nguyên tắc, giá trị cùng các chuẩn mực từng cho phép khu vực nổi lên.

Chúng tôi nhất mực quan niệm rằng chủ nghĩa đế quốc xâm lược không có chỗ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương... Tầm nhìn của chúng tôi không loại trừ bất cứ quốc gia nào, chỉ yêu cầu họ đối xử với các láng giềng của họ một cách tôn trọng”.

Nhắn nhủ trên của ông Pence có là thừa không khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng tại thượng đỉnh này nhắc lại điệp khúc quen thuộc: “Trung Quốc sẽ kiên định theo đuổi chính sách đối ngoại xây dựng tình hữu nghị và quan hệ đối tác với các nước láng giềng.

Chúng tôi sẵn sàng quản lý đúng cách vấn đề biển Nam Hải (tức Biển Đông) với các nước trong khu vực để biến vùng biển này thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Trung Quốc cam kết hợp tác với các nước ASEAN để thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, thực hiện hợp tác hàng hải thiết thực và tích cực thúc đẩy các cuộc tham vấn của COC.

Trung Quốc chân thành cam kết sẽ tiến hành tham vấn COC. Tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - ASEAN ngày hôm qua, tất cả các bên đã đồng ý hoàn thành việc duyệt bản thảo đầu tiên vào năm 2019... Bằng cách hợp tác, chúng tôi tin tưởng rằng Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ đạt được một COC phản ánh thực tế khu vực chúng ta, phục vụ các dân tộc chúng ta...

Chúng tôi cũng hi vọng các quốc gia không thuộc khu vực sẽ tôn trọng và hỗ trợ những nỗ lực này của các nước trong khu vực”.

Hứa hẹn của ông Lý có nêu ý muốn “ASEAN sẽ đạt được một COC phản ánh thực tế của khu vực chúng ta”. Không rõ “thực tế của khu vực” đó là thực tế nào, khi mà vào lúc DOC được ký kết ở Phnom Penh hôm 4-11-2002, Biển Đông đâu đã chìm trong đường chín đoạn đơn phương ấn định, đâu đã chi chít các đảo nhân tạo và căn cứ quân sự xây bất hợp pháp?■

SÁNG KIẾN ẤN ĐỘ - THÁI BÌNH DƯƠNG

Thông cáo chung Mỹ - Nhật - Úc ngày 17-11 ký kết tại Port Moresby đã làm rõ Sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương không chỉ là vấn đề an ninh khu vực:

“Hôm nay, Chính phủ Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản cam kết duy trì và thúc đẩy khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, bao gồm thịnh vượng và an toàn, thông báo những tiến bộ quan trọng trong sự cống hiến chung của chúng tôi để giải quyết nhu cầu cơ sở hạ tầng của khu vực”.

Thông cáo chung cho biết: “Hôm 12-11, Bộ Ngoại giao và thương mại Úc, Tập đoàn Xuất khẩu tài chính và bảo hiểm, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Tập đoàn đầu tư tư nhân Mỹ ở nước ngoài (OPIC) đã ký một biên bản ghi nhớ ba bên để thực thi sự hợp tác ba bên trong đầu tư cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

Thông cáo chung nhấn mạnh: “Ba bên đối tác… sẽ cung cấp một công cụ mới mà thông qua đó các nước trong khu vực có thể phối hợp để thúc đẩy các ưu tiên cơ sở hạ tầng của mình.

Quan trọng hơn, ba bên đối tác có ý định làm việc với các chính phủ Ấn Độ - Thái Bình Dương để hỗ trợ và khuyến khích các dự án cơ sở hạ tầng tuân thủ các tiêu chuẩn và nguyên tắc phát triển quốc tế, bao gồm tính mở, tính minh bạch và bền vững tài chính. Cách tiếp cận này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu chân chính của khu vực và tránh được gánh nặng nợ nần không bền vững cho các quốc gia”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận