Trung Quốc cải cách sâu rộng chế độ hộ tịch

CẢNH CHÁNH 26/10/2022 09:26 GMT+7

TTCT - Ngay trước đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc, vấn đề hộ khẩu lại nhận được sự quan tâm của người dân khi Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia (NDCR) ban hành phương án cải cách sâu rộng chế độ hộ tịch.

Trung Quốc cải cách sâu rộng chế độ hộ tịch - Ảnh 1.

Cuốn sổ hộ khẩu từng là bùa hộ mệnh với người dân Trung Quốc suốt một thời gian dài. Ảnh: Toronto Star

Trung Quốc cải cách sâu rộng chế độ hộ tịch - Ảnh 2.

Chi cục quản lý hộ tịch ở Trịnh Châu. Ảnh: Meipian.cn

Hộ khẩu có lịch sử lâu đời ở Trung Quốc, từ tận thời cổ đại, để rồi trong thời hiện đại trở thành thứ giấy tờ thiết thân liên quan chặt chẽ với giáo dục, y tế, việc làm, bảo hiểm xã hội… của người dân.

Cải cách sâu rộng

Chế độ quản lý hộ tịch Trung Quốc có thể chia làm ba giai đoạn: trước năm 1958 là tự do di cư, 1958 - 1978 là quản lý nghiêm ngặt, và sau 1978 là giai đoạn mở cửa một nửa. Nhiều nông dân đổ về thành phố làm việc nhưng do không có hộ khẩu thành phố nên không được hưởng bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế.

Từ năm 1997, nước này quy định người hộ khẩu nông thôn nhưng nếu có nhà ở thành phố và có người thân có nhà ở thành phố thì có thể nhập hộ khẩu thường trú.

Đến năm 1998, lại nới rộng giải quyết cho con cái, bố mẹ, vợ chồng những người lập nghiệp, có nhà, có hộ khẩu thành phố được nhập hộ khẩu khi có thời gian cư trú nhất định.

Cuối năm 2005, Trung Quốc bắt đầu cải cách chế độ hộ tịch một lần nữa. Năm 2013, cải cách chế độ hộ tịch được xem là bốn nhiệm vụ trọng điểm của ngành lập pháp. Năm 2014, hộ khẩu nông nghiệp được xóa bỏ, chỉ còn quản lý dân khẩu theo hộ khẩu và thẻ cư trú, được xem là bước ngoặt lớn trong chế độ hộ tịch. Chính sách nhập hộ khẩu được áp dụng tùy quy mô dân số của từng thành phố, với chế độ tích điểm nhập hộ khẩu cho từng hạng mục cụ thể.

Đến năm 2019, chính sách đăng ký, tích điểm, hạn chế nhập hộ khẩu có sự điều chỉnh thêm, như bỏ quy định hạn chế nhập hộ khẩu ở các thành phố có dân số từ 1 - 3 triệu.

Đầu tháng 7 năm nay, NDRC ban hành phương án thực thi đô thị kiểu mới 1045, cải cách sâu rộng chế độ hộ tịch. 

Theo đó, các thành phố dưới 3 triệu dân bỏ quy định hạn chế nhập hộ khẩu, đảm bảo quy định nhất quán trong nhập hộ khẩu cho lao động nông nghiệp trong và ngoài địa phương; nới lỏng điều kiện nhập hộ khẩu ở các đô thị loại I có số dân từ 3 - 5 triệu; hoàn thiện chính sách tích điểm nhập hộ khẩu ở các đô thị lớn từ 5 triệu dân trở lên, đơn giản hóa danh mục tích điểm; khuyến khích bỏ hạn mức nhập hộ khẩu hàng năm, trong đó lấy thời hạn đóng bảo hiểm xã hội và thời gian cư trú làm tiêu chuẩn tích điểm chính.

Hơn 40 năm cải cách mở cửa, người dân Trung Quốc đã di cư ồ ạt, xã hội Trung Quốc trở nên ngày càng cơ động với rất nhiều cơ hội kinh tế lẫn hệ thống hạ tầng giao thông hoàn toàn mới. Cải cách chế độ hộ tịch trở thành yêu cầu bắt buộc để thúc đẩy chính sách dân số, nhân tài và đô thị. 

Qua nhiều đợt cải cách, cuối năm 2021, dân số thường trú ở thành thị chiếm 64,72%, dân số có hộ khẩu thành thị là 46,7%, theo NDRC, và cơ quan này muốn tăng hơn nữa tỉ lệ dân sống ở thành thị có hộ khẩu chính thức. Hiện hơn 130 triệu nông dân Trung Quốc cũng đã chuyển hộ khẩu đến thành phố, khi ngày càng nhiều thành phố hạ tiêu chuẩn nhập hộ khẩu.

Ở nhà thuê cũng được nhập hộ khẩu

Mấy năm gần đây, cuộc chiến giành giật nhân tài giữa các đô thị loại II, loại III ngày càng gay gắt. Nay thì đô thị loại I cũng không đứng ngoài cuộc, và hạ tiêu chuẩn nhập hộ khẩu là một biện pháp quan trọng để thu hút lao động có kỹ năng cao.

Tháng 6 vừa qua, thành phố Quảng Châu ban hành dự thảo quy định hạ tiêu chuẩn tích điểm nhập hộ khẩu, mở rộng phạm vi được nhập hộ khẩu, bỏ luôn quy định về số năm tham gia bảo hiểm xã hội khi xin nhập hộ khẩu.

Thành phố Thượng Hải thì ra thông báo thạc sĩ tốt nghiệp trường đại học, viện nghiên cứu ở Thượng Hải phù hợp điều kiện cơ bản sẽ không cần tích điểm mà có thể nhập hộ khẩu ngay; lưu học sinh tốt nghiệp các trường thuộc top 50 đại học hàng đầu thế giới đến Thượng Hải làm việc không cần xét thời gian tham gia bảo hiểm xã hội khi xin nhập hộ khẩu.

Ông Đổng Ngọc Chỉnh, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển nhân khẩu Quảng Đông, nói với Tuần san kinh tế Trung Quốc rằng việc các đô thị loại I cạnh tranh thu hút nhân tài cho thấy mọi thành phố đều phải duy trì quy mô dân số nhất định để phát triển, và hộ khẩu đang cản trở điều đó.

Các đô thị lớn có nhiều tài nguyên và cơ hội thu hút giới trẻ đến lập nghiệp, nhưng chi phí sinh hoạt cao, trong khi chính sách thu hút nhân tài hấp dẫn hơn ở các đô thị loại II, III. Và cả dịch COVID-19 đã khiến nhiều lao động kỹ năng cao rời các thành phố lớn, gây ra tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ. 

Tuần san kinh tế Trung Quốc dẫn số liệu Cục Thống kê cho thấy năm 2021 dân số ở các thành phố Thành Đô, Hàn Châu, Tây An tăng 200.000 so với 2020, trong khi ba thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu cộng lại chỉ tăng 120.000.

Thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, là nơi đi đầu trong cải cách chế độ hộ tịch. Ngày 14-9 vừa rồi, chính quyền thành phố thông báo chỉ cần có việc làm ổn định, nhà ở hợp pháp (bao gồm cả nhà thuê) là có thể xin nhập hộ khẩu, không còn yêu cầu về thời hạn đóng bảo hiểm xã hội và thời gian cư trú. 

Yêu cầu trước đó là phải có thời hạn đóng bảo hiểm xã hội liên tục 6 tháng. Ngoài ra, các thành phố nhỏ hơn như Đại Liên, Tế Nam, Côn Minh, Phúc Châu, Thạch Gia Trang, Nam Xương... cũng nới lỏng điều kiện nhập hộ khẩu với nhiều cách khác nhau.

Hộ khẩu thành phố lớn không còn hấp dẫn

Trong quan niệm truyền thống của người Trung Quốc, có hộ khẩu thì làm việc ở thành phố sẽ yên tâm hơn. Trần Lệnh Đào (quê Tứ Xuyên) 5 năm trước đến Phước Kiến làm việc, sau thời gian cố gắng bám trụ và có việc làm ổn định, đã chuyển được hộ khẩu cho con cái và bố mẹ đến Phước Kiến, anh dự định mở một tiệm sửa xe hơi.

Tuy nhiên, theo Tuần san kinh tế Trung Quốc, giới trẻ nước này không còn mặn mà với hộ khẩu ở thành phố lớn bằng mọi giá như các thế hệ trước. Cuối năm 2020, điều tra trên mạng xã hội Weibo với 89.000 tài khoản cho thấy chỉ 63% những người được hỏi cho rằng hộ khẩu thành phố lớn, kèm theo phúc lợi về giáo dục và y tế, là yếu tố "hết sức quan trọng" với cuộc sống của họ.

Ngay cả khi chính quyền một số đô thị hạ tiêu chuẩn hộ khẩu, nhiều người trẻ cũng không mặn mà, với những lý do điển hình của một xã hội đang giàu lên và già đi: "không kết hôn, không sinh con, hạ tiêu chuẩn nhập hộ khẩu cũng không quan tâm", hay "không muốn sinh con, không mua nổi nhà, nhập hộ khẩu làm gì?".

"Trong khi nhiều thành phố chỉ cần trình độ đại học là có thể nhập hộ khẩu, điều kiện nhập hộ khẩu ở Thượng Hải vẫn còn quá cao, phải qua kênh tích điểm hay thu hút nhân tài. Tôi đến Thượng Hải 5 năm, năm thứ hai đã tính đến chuyện tích điểm, nay gần ba năm sắp lấy được hộ khẩu Thượng Hải. Bạn bè đã có gia đình đa phần muốn nhập hộ khẩu, còn những người độc thân thì bất cần" - anh Anh Lâm, quê ở Sơn Đông, chia sẻ với Tuần san kinh tế Trung Quốc. ■

Người dân Trung Quốc rất quan tâm đến vấn đề Việt Nam bỏ sổ hộ khẩu, nhưng một số người đang nhầm lẫn giữa việc bỏ sổ hộ khẩu và bỏ chế độ hộ tịch ở Việt Nam. Trên trang iFeng ngày 19-6, có đăng bài viết của ông Giả Ủng Dân, chuyên viên Trung tâm Khoa học xã hội liên ngành, Đại học Chiết Giang, với tựa đề: "Cải cách chế độ hộ tịch Trung Quốc có nên "dò Việt Nam qua sông?"".

Bài viết cho rằng nên "dò Việt Nam qua sông" vì tầm nhìn cải cách chế độ hộ tịch ở Việt Nam sẽ chỉ rõ định hướng cần phấn đấu trong tương lai của cải cách chế độ hộ tịch ở Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng nêu lý do không nên "dò Việt Nam qua sông" vì tình hình ở Trung Quốc phức tạp hơn Việt Nam nhiều.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận