TTCT - Ngày 16-10, trước Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra hai cột mốc phấn đấu: (1) thực hiện cơ bản hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào năm 2035; (2) xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại vĩ đại từ năm 2035 đến 2050. Một bức chân dung Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bảo tàng ĐCSTQ tại Bắc Kinh, bên dưới là dòng chữ: “Tôi không mong gì cho bản thân, chỉ quyết không phụ lòng tin của nhân dân [Trung Quốc]”. Ông Tập nói câu này trong cuộc gặp Chủ tịch Hạ viện Ý Roberto Fico ngày 22-3-2019. Ảnh: AFPToàn cảnh Đại hội ĐCSTQ. Ảnh: Al JazeeraTrong Báo cáo với Đại hội, ông Tập nêu rõ rằng trong 10 năm, từ Đại hội lần thứ 18 đến nay, Trung Quốc đã trải qua ba việc lớn có ý nghĩa hiện thực vô cùng quan trọng với ĐCSTQ mà năm ngoái vừa long trọng kỷ niệm 100 năm thành lập.Thành tựu lớn laoTrong 100 năm đó thì đặc biệt nổi bật 10 năm qua dưới trào ông Tập được gọi là Kỷ nguyên mới. Tư tưởng gắn chủ nghĩa xã hội với những đặc sắc Trung Quốc đã trở thành quan điểm đột phá nhằm thích ứng chủ nghĩa Marx với bối cảnh Trung Quốc và đáp ứng các nhu cầu của thời đại hiện tại.Kết quả cụ thể là: "Cuộc sống của người dân Trung Quốc được cải thiện toàn diện trong thập niên qua", như tiêu đề bài báo của China Daily16-10, tức ngay hôm khai mạc Đại hội ĐCSTQ. Báo này nêu ra một số thành tựu chính 10 năm qua: tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc đã đạt 78,2 tuổi, thu nhập bình quân đầu người khả dụng hằng năm tăng từ 16.500 lên 35.100 nhân dân tệ (khoảng 4.900 USD), hơn 13 triệu việc làm được tạo ra ở thành thị trung bình mỗi năm...Trung Quốc cũng đã xây dựng hệ thống giáo dục, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe lớn nhất thế giới, đạt được bước tiến lịch sử trong việc phổ cập giáo dục cho mọi người, đưa 1,04 tỉ người tham gia bảo hiểm cơ bản tuổi già. Và theo báo cáo, hơn 42 triệu đơn vị nhà ở xuống cấp tại các khu vực đô thị và hơn 24 triệu căn nhà dột nát ở nông thôn đã được xây mới, cải thiện đáng kể tình trạng nhà ở cả ở thành thị và nông thôn. Cuối cùng là một chi tiết mang tính thời đại: số lượng người dùng Internet tại quốc gia này đã lên đến 1,03 tỉ người.Những thành tựu trên, mà China Daily tóm tắt, là của 10 năm đã qua. Nhìn lại con đường đó, Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI) bình luận: "Tổng bí thư Tập Cận Bình nêu rõ, từ Đại hội lần thứ 18 đến nay đã 10 năm. 10 năm qua, Trung Quốc trải qua ba việc lớn có ý nghĩa hiện thực quan trọng và ý nghĩa lịch sử sâu rộng đối với sự nghiệp của Đảng và nhân dân: Một là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, hai là chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc bước vào thời đại mới, ba là hoàn thành các nhiệm vụ lịch sử công kiên thoát nghèo và xây dựng xã hội khá giả toàn diện, hiện thực hóa mục tiêu phát triển 100 năm đầu tiên".Đối với một nước đông đến 1,4 tỉ dân, việc loan báo đã xóa nghèo xong vào cuối năm 2020 là thành tích phi thường: 99 triệu người sống ở nông thôn dưới ngưỡng nghèo đều đã thoát nghèo, tương ứng với 128.000 ngôi làng và 832 quận thoát khỏi đói nghèo. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tóm tắt ngắn gọn thành tích xóa nghèo này bằng một con số: "Trong năm 2012, ở Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tỉ lệ dân số trong lực lượng lao động có sức mua hằng ngày dưới 1,9 USD chỉ còn 0,2%".Song, giảm nghèo lại là thành tựu mà không phải tất cả các nước đều như nhau. Bởi thế cũng như chủ nghĩa xã hội, còn có "xóa nghèo mang đặc sắc Trung Quốc". Trong lĩnh vực học thuật, đã có rất nhiều nghiên cứu về xóa nghèo ở Trung Quốc. Trong số đó, Camille Boullenois, chuyên gia của tổ chức chuyên nghiên cứu Trung Quốc Sinolytics, có trụ sở tại Berlin và Bắc Kinh, đã viết về "đặc sắc Trung Quốc" trong giảm nghèo như sau: "Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình đã phân bổ nguồn vốn chưa từng có để giảm nghèo. Riêng năm 2020, theo các con số chính thức về ngân sách, chính phủ trung ương đã phân bổ 146 tỉ tệ (20,2 tỉ USD) cho quỹ giảm nghèo, nhiều gấp hơn 6 lần so với năm 2010". Chi tiết về ngân sách cho thấy việc Trung Quốc sớm loan báo xóa nghèo hoàn tất vào năm ngoái chính là thành tích của riêng Kỷ nguyên mới thời ông Tập.Tác giả đã cất công tìm hiểu cách các chương trình giảm nghèo định hình sự phân bổ quyền lực và tài nguyên ở nông thôn Trung Quốc và thấy rằng Chính phủ đã cải cách quản trị giảm nghèo, bao gồm các biện pháp "giám sát chặt chẽ hơn giới quan chức địa phương và định hướng tốt hơn các đối tượng thụ hưởng để hỗ trợ cuộc chiến chống tham nhũng". Tác giả nhấn mạnh sự khác biệt của trào ông Tập: "Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2013, chính phủ Tập Cận Bình đã được các nhà phân tích ghi nhận một số đổi mới trong cách tiếp cận xóa đói giảm nghèo".Đầu tiên, phương pháp tiếp cận "giảm nghèo chính xác" nhắm vào các hộ gia đình thay vì cả làng, và xây dựng các dự án tùy chỉnh phù hợp với nhu cầu của họ, để phân bổ vốn nhiều hơn một cách chính xác hơn. Thứ hai, phù hợp với trọng tâm của ông Tập là chống tham nhũng và phân bổ sai nguồn vốn, "chính phủ tăng quyền và cải thiện chức năng giám sát của các tổ chức Đảng trong công tác giảm nghèo ở cấp thôn, bản". Có thể thấy đây là yêu cầu cơ bản của mọi chính sách xóa nghèo, để thành quả xóa nghèo không chỉ là những con số tỉ lệ phần trăm, mà tạo ra đổi thay "sờ" thấy được, để xóa nghèo không là cơ hội cho những trục lợi tham nhũng.Phân tích của Boullenois có thể tóm lược cả hai vế xóa nghèo và xây dựng xã hội khá giả của Trung Quốc thời Tập Cận Bình. Một nhận xét khác của ba nhà nghiên cứu Maria Ana Lugo, Martin Raiser và Ruslan Yemtsov trong phân tích đăng trên website của Viện Brookings tháng 9-2021 hướng theo một góc nhìn khác: "Chính sách giảm nghèo ở Trung Quốc, tiếp theo là gì?". Các tác giả cho rằng ở Trung Quốc, công tác giảm nghèo không chỉ là đếm đầu người, mà là sự thay đổi có định hướng: "Cải cách theo định hướng thị trường đã thúc đẩy mở rộng cơ hội kinh tế. Sự chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc từ một quốc gia chủ yếu là nông thôn và nông nghiệp thành một cường quốc công nghiệp, đô thị hóa là phù hợp với lợi thế so sánh của đất nước".Phương hướng đó trùng với mục tiêu mà Báo cáo của ĐCSTQ nay đề ra, tỉ như: "Đảm bảo người dân có cuộc sống tốt và hạnh phúc hơn; đưa thu nhập khả dụng bình quân đầu người lên tầm cao mới; tăng đáng kể nhóm thu nhập trung bình trên tổng dân số; đảm bảo tiếp cận công bằng các dịch vụ công cơ bản; đảm bảo tiêu chuẩn sống hiện đại ở nông thôn; đạt được sự ổn định xã hội lâu dài; đạt được tiến bộ đáng kể và thực chất hơn trong thúc đẩy phát triển toàn diện con người dân và sự thịnh vượng chung".Công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Trung Quốc diễn ra cùng quá trình đô thị hóa cấp tập. Ảnh: China DailyHiện đại nhất tiểu bộ, văn minh nhất đại bộ?Một ý trong Báo cáo của ĐCSTQ, được ông Tập nêu ra, gây chú ý: "Để xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại về mọi mặt, trước hết, chúng ta phải theo đuổi sự phát triển chất lượng cao, phải vận dụng đầy đủ và trung thành triết lý phát triển mới trên mọi mặt, tiếp tục các cải cách để phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, phát huy mở cửa bậc cao, và đẩy nhanh nỗ lực thúc đẩy một mô hình phát triển mới dựa trên nền kinh tế trong nước và được tác động tích cực qua lại giữa các luồng kinh tế trong nước và quốc tế"."Một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại về mọi mặt" nghĩa là gì? Ông Tập nêu rõ điều kiện: "(Phải) theo đuổi sự phát triển chất lượng cao", rõ ràng muốn nói Trung Quốc phải leo cao hơn nữa trong chuỗi giá trị sản xuất, thương mại, và dịch vụ toàn cầu, tiến tới hình thành "một triết lý phát triển mới". Ông Tập đã nêu vấn đề này không chỉ một, mà nhiều lần, để rồi long trọng tuyên bố: "Trách nhiệm lịch sử của những người Cộng sản Trung Quốc ngày nay là tiếp tục mở ra những chương mới trong việc điều chỉnh chủ nghĩa Marx cho phù hợp với bối cảnh Trung Quốc và nhu cầu của thời đại".Trong lịch sử trăm năm của ĐCSTQ, chủ nghĩa Marx đã nhiều lần được hiểu, định nghĩa và áp dụng "có điều chỉnh". Nên giờ đây, không lạ khi ta thấy thêm một lần thay đổi. Ông Tập nêu rõ: "Chúng ta phải đặt con người lên hàng đầu, duy trì sự tự tin và đứng vững trên đôi chân của chính mình, giữ vững các nguyên tắc cơ bản và đột phá nền tảng mới, áp dụng cách tiếp cận định hướng vấn đề, áp dụng tư duy hệ thống và duy trì tầm nhìn toàn cầu". Ý này được thể hiện qua yêu cầu: "Hiện đại hóa cơ bản hệ thống và năng lực quản trị; hoàn thiện hệ thống dân chủ toàn dân; xây dựng đất nước, chính phủ và xã hội dựa trên luật pháp".Nếu làm được những điều đó, Trung Quốc sẽ không chỉ hiện đại, mà còn thực sự văn minh. Báo cáo nêu ra một loạt mục tiêu: "Tăng đáng kể sức mạnh kinh tế, năng lực khoa học và công nghệ, sức mạnh tổng hợp quốc gia; tăng trưởng thực chất GDP bình quân đầu người ngang bằng với các nước phát triển ở mức trung bình"; "Đứng vào hàng ngũ những quốc gia đổi mới nhất thế giới, có sức mạnh tự cường về khoa học và công nghệ"; "Xây dựng nền kinh tế hiện đại hóa; hình thành mô hình phát triển mới; về cơ bản đạt được công nghiệp hóa, thông tin hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp mới"...Tức ngày nay, không chỉ người nước ngoài, mà chính người Trung Quốc cũng đang muốn nhìn nhận đất nước mình qua một góc nhìn khác với "chỉ số GDP" như từ trước giờ.Trong cuộc họp báo bên lề Đại hội hôm 17-10, người phát ngôn của Đại hội Sun Yeli (Tôn Nghiệp Lễ) giải thích: "Tốc độ tăng trưởng là thước đo quan trọng của hoạt động kinh tế, nhưng không phải là chỉ số duy nhất. Sau Đại hội toàn quốc lần thứ 18, Trung ương ĐCSTQ đưa ra nhận định quan trọng rằng nền kinh tế Trung Quốc đã bước vào trạng thái bình thường mới, chuyển từ tăng trưởng tốc độ cao sang phát triển chất lượng cao. Tốc độ tăng trưởng GDP không còn là vấn đề duy nhất. Thay vào đó, chúng tôi tập trung hơn vào giải quyết một cách cơ bản các vấn đề của phát triển kinh tế dài hạn. Thập niên vừa qua đã chứng kiến kinh tế Trung Quốc phát triển cân bằng, phối hợp và bền vững hơn. Đất nước đã vươn lên tầm cao mới về kinh tế, khoa học và sức mạnh dân tộc toàn diện. Nền kinh tế đang hướng tới chất lượng và hiệu quả cao hơn, bình đẳng hơn, bền vững và an ninh hơn".Ảnh: NY TimesỞ đâu trên bản đồ thế giới?Đó là một câu hỏi không chỉ gây chú ý ở Trung Quốc, mà tất nhiên là trên toàn thế giới. Một trong những vấn đề điển hình cho cả "đặc sắc Trung Quốc" lẫn vị trí, vị thế, và vai trò của nước này trên toàn cầu chính là chính sách zero COVID. Trong cuộc họp báo hôm 17-10, kênh tin tức CNA (Channel News Asia) của Singapore nêu thắc mắc rằng đã gần ba năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, và Tổ chức Y tế thế giới đã tuyên bố đại dịch chấm dứt, song Trung Quốc vẫn khẳng định sẽ kiên quyết chính sách zero COVID, ngay khi tất cả các quốc gia khác trên thế giới đã mở cửa. Nên CNA nêu câu hỏi: "Liệu có lo ngại rằng Trung Quốc sẽ trở nên đặc biệt cô biệt khi đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong nền kinh tế?" và "những yếu tố nào sẽ được coi là thuận lợi để Trung Quốc nới lỏng một số biện pháp phòng chống COVID và mở cửa hơn nữa?".Người phát ngôn Sun Yeli trả lời bằng tinh thần không suy suyển: "Tất cả chúng ta đều mong đại dịch kết thúc sớm hơn. Tuy nhiên, trong hiện trạng, vi rút vẫn tồn tại. Đó chính là thực tế mà chúng ta phải đối mặt", nhất là khi "Trung Quốc có dân số lớn với rất nhiều người cao tuổi", "phát triển không đồng đều giữa các vùng, và nhìn chung, nguồn lực y tế còn thiếu thốn".Mặc dù vậy, cũng theo ông Sun, "Trung Quốc luôn đặt việc bảo vệ con người và tính mạng con người lên trên hết, và ưu tiên cho sức khỏe và sự an toàn của người dân". Trung Quốc vẫn kiên trì chính sách zero COVID. Ảnh: Nikkei Asia ReviewThành ra, Trung Quốc đã và vẫn đang chọn zero COVID do lẽ "đây là nguyên tắc chống dịch được thực hiện dựa trên thực tế toàn quốc của Trung Quốc và các quy luật khoa học" và "chính nhờ chính sách zero COVID năng động mà chúng tôi đã cố gắng giữ cho tỉ lệ nhiễm vi rút và tử vong ở mức cực kỳ thấp".Trả lời câu hỏi của China Daily về những lo lắng rằng Trung Quốc nay quá tập trung vào kinh tế trong nước, có xu hướng ngày càng đóng cửa với thế giới bên ngoài, người phát ngôn Sun quả quyết ngược lại: "Mở cửa là chính sách quốc gia cơ bản của Trung Quốc. Cho dù thế giới thay đổi thế nào, Trung Quốc sẽ không lay chuyển quyết tâm và ý chí mở cửa". Ông cũng dẫn chứng: "Các hạn chế về tỉ lệ sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực tài chính đã được bãi bỏ. Ngày càng nhiều khu vực được mở ra cho vốn nước ngoài. Các bước này chứng minh rõ ràng Trung Quốc sẽ không tự đóng cửa và tiếp tục mở cửa hơn nữa, chứ không phải ngược lại".South China Morning Post cũng nêu câu hỏi về vai trò của Trung Quốc với thế giới, nhưng từ một góc khác: "Một số người nói rằng những hạn chế của Trung Quốc với việc mở rộng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là giám sát trên các nền tảng Internet, có thể làm giảm niềm tin của giới đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp tư nhân". Người phát ngôn Sun trả lời bằng ví von Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát và hạn chế nguồn vốn như "đèn tín hiệu giao thông", tức không phải khước từ nguồn vốn, mà là để duy trì tốt hơn trật tự của nền kinh tế thị trường.Tất nhiên, vị thế thế giới của Trung Quốc không chỉ có chuyện chống dịch hay làm ăn kinh tế, mà còn là vấn đề chính trị. Về cuối cuộc họp báo, thông tấn xã Kyodo News của Nhật Bản nêu ra một câu hỏi mang tính thời sự và rất trực tiếp: "Câu hỏi của tôi là về bẫy Thucydides... theo đó trong lịch sử, các quốc gia mới nổi luôn phải đối mặt với phản ứng từ các cường quốc lâu đời, dẫn đến xung đột không thể tránh khỏi. Hiện căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tăng cao. Liệu Trung Quốc có quyết tâm đối mặt với những trở ngại trên con đường tiến lên của mình hay không?".Câu trả lời cũng không kém phần thẳng thắn: "Chúng tôi luôn có quan điểm rằng Trung Quốc và Mỹ có nhiều lợi ích chung hơn là khác biệt. Một mối quan hệ vững chắc và ổn định giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ phục vụ lợi ích chung của nhân dân hai nước". Người phát ngôn Sun cũng tiếp tục mạch văn "hòa bình phi xâm lược" quen thuộc bao năm qua: "Trung Quốc đã theo đuổi và trân trọng hòa bình, thân thiện và hài hòa trong hơn 5.000 năm", và "việc Trung Quốc theo đuổi sự phát triển đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân không phải là thách thức với các quốc gia khác". ■Mục tiêu "hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa"Theo Báo cáo đọc trước Đại hội của ông Tập, con đường đi tới "xã hội chủ nghĩa" của Trung Quốc đã nhìn thấy vạch đích, gần nhất là 2035, xa nhất là 2050.Những năm sắp tới, cụ thể là 2020 - 2035, sẽ là giai đoạn cơ bản "thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa", và từ 2035 đến giữa thế kỷ sẽ là xây dựng "Trung Quốc thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp". China Daily 17-10 đăng bài xã luận nhấn mạnh ý chính này của Đại hội: "Báo cáo đặt lộ trình cho con đường xã hội chủ nghĩa".Đó là sự tìm kiếm con đường riêng: "Mặc dù sự biến đổi của Trung Quốc chứa đựng những yếu tố chung cho quá trình hiện đại hóa của tất cả các quốc gia, nhưng nó có những đặc điểm riêng với bối cảnh Trung Quốc... Hiện đại hóa Trung Quốc là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp vô song, liên quan đến một dân số khổng lồ, 1,4 tỉ người, tức lớn hơn tổng dân số của tất cả các nền kinh tế phát triển trên thế giới hiện nay. Đó là nhiệm vụ chỉ có thể đạt được bằng cách nuôi dưỡng ý thức vững chắc hơn về mục đích, thái độ và niềm tin vào bản thân trong theo đuổi sự phát triển chất lượng cao". Tags: Đảng cộng sản Trung QuốcChủ tịch Tập Cận BìnhTrung Quốc Tập Cận BìnhNgười dân Trung QuốcTổng bí thưĐảng Cộng SảnTrung Quốc
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.