TTCT - Ngoài việc cần hệ thống lại thông tin về những địa đồ cổ Trung Hoa cho thấy chính họ tự xác nhận đất đai cương vực của họ chỉ đến đảo Hải Nam mà Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ là một ví dụ, cũng nên quan tâm tới các nghiên cứu sau này dựa trên tư liệu địa đồ. Phóng to Địa đồ “Thập bát tỉnh phủ châu huyện địa đồ” trong Tch’ouen Ts’iou et Tso Tchouan (Xuân Thu Tả truyện). Một nửa phần dưới, giới hạn lãnh thổ Trung Hoa thời Thanh chỉ đến cực nam đảo Hải Nam - Ảnh: Phạm Hoàng Quân Xuất hiện thêm địa đồ cùng thời Sự kiện truyền thông nổi bật trong vài tuần qua về bức Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ xét về mặt đóng góp tư liệu trong nghiên cứu tuy không phải là mới (loại địa đồ Trung Hoa giới hạn cực nam đến 18 độ 30 phút vĩ bắc đã được biết đến và dẫn chứng trong nghiên cứu cách nay khoảng 30 năm) nhưng một lần nữa cho thấy những chứng cứ được xác lập rất rõ ràng về giới hạn cương vực Trung Hoa. Mặt khác, sự kiện này đã khơi mào cho một phong trào kết tập các loại địa đồ Trung Hoa, vốn lưu hành bấy lâu nay trên mạng và cả các bản in. Gần đây, một nhà nghiên cứu (đề nghị không nêu tên) cho biết ông đang giữ quyển Tch’ouen Ts’iou et Tso Tchouan (Xuân Thu Tả truyện) do S. Couvreur dịch từ Hán văn sang Pháp văn xuất bản năm 1914 tại nhà thờ Thiên Chúa Phủ Hà Gian (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc), trong đó có một số địa đồ phụ lục. Bức địa đồ phụ lục trong sách Tch’ouen Ts’iou et Tso Tchouan có kích thước 100x105cm, các địa danh bằng chữ Hán, in bốn màu nhạt, dùng bốn loại ký hiệu cho bốn cấp trung tâm hành chính, gồm: phủ, trực châu, tản châu và huyện. Vĩ độ bắc theo quy ước địa đồ phương Tây, kinh tuyến lấy trung tâm quốc đô Bắc Kinh làm chuẩn (kinh tuyến qua Bắc Kinh 0 độ), mỗi độ vạch khoảng cách tương ứng với 250 dặm thực địa (khoảng 125km). Bức địa đồ in phụ lục trong sách này tuy không ghi tiêu đề nhưng các thông tin trên địa đồ trùng khớp với thông tin danh mục bức địa đồ có tên Thập bát tỉnh phủ châu huyện địa đồ. Đây là bức địa đồ hành chính Trung Hoa được soạn vẽ trong thời Quang Tự (1875-1909). Để xác định đây là bức địa đồ do triều đình nhà Thanh soạn vẽ, có đặc điểm để chúng ta lưu ý là tuy địa đồ nằm trong quyển sách Pháp văn nhưng trên địa đồ không có phụ chữ Pháp tại các địa danh cũng như lời dẫn, điều này cho thấy rằng Couvreur đã sử dụng một địa đồ sẵn có/ đang lưu hành để in làm phụ lục cho sách của mình, không soạn vẽ hoặc gia công biên tập. Xuân Thu Tả truyện vốn được Tứ khố toàn thư xếp thuộc Kinh bộ nhưng học giới cũng xem đây là bộ cổ sử biên niên đầu tiên của Trung Hoa. Quan điểm của Couvreur có thể dựa trên góc độ nghiên cứu sử Trung Hoa khi đưa phụ lục bức địa đồ hành chính đương thời này vào sách với mục đích đối chiếu địa danh hiện tại với địa danh lịch sử. Bức địa đồ này cũng cho thấy rất rõ: giới hạn lãnh thổ Trung Hoa thời Thanh chỉ đến cực nam đảo Hải Nam. Đó là một cách làm thông thường của các giáo sĩ thời đó, tương tự việc giám mục Taberd đã đưa An Nam đại quốc họa đồ vốn là tấm bản đồ đã vẽ rất chính xác về tọa độ Paracel hay Hoàng Sa của VN (vĩ độ hơn 160B, kinh độ hơn 1100Đ), ghi tỉ mỉ trên bản đồ: Paracel seu Cat Vang (Paracel hay là Cát Vàng, tức Hoàng Sa) vào làm phụ lục cho quyển sách về ngôn ngữ là quyển từ điển An Nam - La Tinh của ông, nhằm mục đích đối chiếu, nghiên cứu ngữ âm thông qua các địa danh chữ Nôm. Phóng to Bìa sách Tch’ouen Ts’iou et Tso Tchouan (Xuân Thu tả truyện) của Fr. S. Couvreur - Ảnh: Phạm Hoàng Quân Để hiểu hơn về các bức địa đồ Séraphin Couvreur (1835-1919), nhà Hán học, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng người Pháp, biên soạn từ điển Hán - Pháp, dịch Luận ngữ và Tch’ouen Ts’iou et Tso Tchouan (Xuân Thu Tả truyện), cuốn sau được tái bản năm 1951 bởi Cathasia (impr. de Bellenand), Paris.Ngoài việc thông tin về địa đồ cổ Trung Hoa tự xác nhận giới cương vực của họ, một việc khác mà chúng ta nên quan tâm là các nghiên cứu sau này dựa trên tư liệu địa đồ. Ngoài giá trị cổ vật, những địa đồ này còn đem đến những ý nghĩa khác, xung quanh nó còn có các tư liệu liên quan, bản thân nó mang các giá trị khoa học và giá trị pháp lý. Chẳng hạn, đối với Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ, về giá trị khoa học địa đồ này được thực hiện tại đài thiên văn Dư Sơn, gần thành phố Thượng Hải, cơ sở này do các giáo sĩ người Pháp thành lập năm 1900, phối hợp đài thiên văn Từ Gia Hối (thành lập năm 1882) ở một địa điểm gần đó làm thành liên cơ quan nghiên cứu thiên văn hiện đại nhất Trung Hoa và cũng là một trong những đài thiên văn có tiếng trên mặt bằng khoa học thiên văn thế giới đương thời. Sái Thượng Chất, người viết lời dẫn cho bức Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ, là người đã sáng lập đài thiên văn Dư Sơn, ông này là nhà khoa học thiên văn người Pháp, tên Pháp là Stanislas Chevalier (1852-1930) (*). Được làm ra tại một cơ quan như vậy, đương nhiên giá trị khoa học của bức địa đồ này cao hơn rất nhiều so với các địa đồ được soạn vẽ theo kỹ thuật truyền thống Trung Hoa. Chúng ta thấy điểm cực nam đảo Hải Nam trên địa đồ này ở vào khoảng 18 độ 20 phút vĩ bắc, rất phù hợp với các bản đồ ngày nay. Hai đài thiên văn Dư Sơn và Từ Gia Hối đến tháng 12-1950 được Cục Khí tượng quân ủy trung ương tiếp thu và từ năm 1960 đến nay trở thành đài thiên văn Thượng Hải trực thuộc Viện Khoa học Trung Quốc. Về giá trị pháp lý, địa đồ này là địa đồ hành chính mang tính chính thống, trong tên gọi bức địa đồ có chữ “Hoàng triều...” tức “Triều ta”, tức nhà Thanh, điều này nói lên sự thừa nhận của nhà nước đương thời. Mặt khác, địa đồ này còn kế thừa thành quả của bức Hoàng dư toàn lãm đồ 1719 thực hiện thời Khang Hi, do chính hoàng đế Khang Hi chủ trì, bổ nhiệm các giáo sĩ Joachim Bouvet (Bạch Tấn), Petrus Pierre Jartoux (Đỗ Đức Mỹ), Jean Baptiste Regis (Lôi Hiếu Tư), Xavier Ehrenbert Fridelli (Phí Ẩn)... phụ trách thực địa trắc hội và soạn vẽ. Stanislas Chevalier đã dựa trên nền tảng Hoàng dư toàn lãm đồ 1719, thực hiện việc điều chỉnh tọa độ các vị trí thành trấn chưa chính xác lắm trong địa đồ Khang Hi, hoặc bổ sung các vị trí thành trấn do qua thay đổi sau gần 200 năm (1719-1904). Qua tìm hiểu sơ bộ, Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ còn hai bản in khác, nội dung tương đồng. Một bản in cũng do Stanislas Chevalier soạn vẽ do đài thiên văn Từ Gia Hối xuất bản vào năm Quang Tự Đinh Hợi (1887). Địa đồ này in màu, kích thước 130x122cm, được biết hiện thư viện phòng nghiên cứu Ricci thuộc Đại học San Francisco [The Ricci Institute Library - Univ. of San Francisco (USF)] giữ một bản. Một bản do Thượng Hải Điểm Thạch Trai in thạch bản vào năm Quang Tự thứ sáu (1880), Thân Báo phát hành, dưới hình thức tập địa đồ (atlas), chia mỗi tỉnh thành riêng ra từng trang (bức). Các địa đồ cùng tên này sẽ cho chúng ta thêm những chi tiết trong nghiên cứu, góp phần củng cố quan điểm xác định sự kế thừa vừa mang tính khoa học vừa mang ý nghĩa pháp lý của địa đồ hành chính trong khoảng cuối thời Thanh. Nhìn chung, qua các bức địa đồ loại này, chúng ta thấy rằng các giáo sĩ và nhà khoa học phương Tây chỉ can dự về mặt kỹ thuật, họ giúp các hoàng đế Trung Hoa thực hiện các địa đồ chuẩn xác, còn những vấn đề liên quan đến địa lý hành chính và phạm vi cương vực là do các hoàng đế phê duyệt. Nhìn chung, kể từ thời Tống, các địa đồ hành chính toàn Trung Hoa với bức Cửu vực thú lệnh đồ 1121 khắc trên đá hiện lưu tại Viện bảo tàng Tứ Xuyên cho đến nhiều bức địa đồ hành chính cuối thời Thanh được đo đạc chuẩn xác và in ấn tinh vi, chúng ta thấy rằng phạm vi cương vực Trung Hoa suốt trong các triều đại quân chủ được giới hạn về phía nam chỉ đến cực nam đảo Hải Nam, khoảng 18 độ 20 phút vĩ bắc, đó là sự thật lịch sử, xuyên suốt và nhất quán mà chính họ thừa nhận và thể hiện. ___________ (*): Những giáo sĩ hoặc nhà khoa học nước ngoài đến sống và làm việc tại Trung Hoa thường được đặt hoặc tự đặt thêm một tên Trung Hoa để tiện xưng hô. Tags: Trung QuốcChủ quyềnHồ sơĐịa đồ Trung Hoa
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.