Trung Quốc và bách niên chi kế

CHIÊU VĂN 29/03/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Năm 2021 này là kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (21-7-1921) và ngay từ đầu năm, 11-1-2021, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài phát biểu quan trọng xác định đất nước đông dân nhất hành tinh đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng “xã hội khá giả”, sẵn sàng hướng tới một mục tiêu mới vào một cột mốc bách niên khác: năm 2049 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước - Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ là “đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện”.

Trong phiên khai mạc hội nghị học tập của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho lãnh đạo cấp tỉnh, bộ, theo Tân Hoa xã, ông Tập tuyên bố Trung Quốc đã bước vào một “giai đoạn phát triển mới” sau thời gian tăng trưởng kinh tế vượt bậc vừa qua để “tạo ra những nền tảng vững chắc” cho mục tiêu 2049.

Hai mục tiêu

Giai đoạn phát triển mới này, theo ông Tập, sẽ là “giai đoạn sơ khai của chủ nghĩa xã hội, đồng thời là giai đoạn đạt đến xuất phát điểm mới sau nhiều thập kỷ tích lũy”. 

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội Trung Quốc. Ảnh: China Daily

 

Sự tích lũy đó cụ thể là gì? Nikkei Asian Review 15-3 làm rõ: “Kế hoạch 5 năm [lần thứ 14] ở Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc khai mạc hôm 5-3 xác định tầm nhìn dài hạn cải thiện năng lực kinh tế và công nghệ cho Trung Quốc, cũng như sức mạnh quốc gia nói chung, để trở thành nước phát triển mức độ trung bình vào năm 2035”. 

Năm ngoái, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng 2,3% và quy mô nền kinh tế nước này giờ đã tương đương 2/3 nền kinh tế Mỹ. Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, theo Nikkei, xác định GDP Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2028. Năm 2020, ông Tập cũng tuyên bố Trung Quốc có thể tăng gấp đôi GDP vào năm 2035, một sự tích lũy không hề ít.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc không quên nhắc lại quá khứ, trong bài diễn văn 11-1 rất được truyền thông phương Tây chú ý: “Giai đoạn phát triển mới là Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân bước sang một thời kỳ lịch sử mới nhảy vọt từ đứng lên làm giàu sang giàu mạnh. 

Sau cuộc đấu tranh không ngừng kể từ khi thành lập nước Trung Hoa mới, đặc biệt là trong hơn 40 năm cải cách và mở cửa, chúng ta đã có một nền tảng vật chất vững chắc để bước vào một hành trình mới và đạt được những mục tiêu mới và cao hơn”.

Tờ báo chính luận Anh The Economist số 23-1 dành riêng một bài phân tích tầm nhìn này và diễn giải phát biểu của ông Tập, trong đó “đứng lên làm giàu” chỉ giai đoạn xây dựng quốc gia thời Mao Trạch Đông, còn chuyển sang “giàu mạnh” là chỉ những cải cách của Đặng Tiểu Bình.

Ở Trung Quốc, nhất là từ thời ông Tập, phát biểu của các nhà lãnh đạo là mệnh lệnh, và với những gì diễn ra ở Anchorage, Alaska trong cuộc hội đàm cấp cao Mỹ - Trung đầy sóng gió vừa qua, có thể thấy tầm nhìn của Trung Quốc về sự phát triển quốc gia hiện giờ gần như không có giới hạn.

Tầm nhìn này thực ra đã được đề xuất từ năm 2012. Chỉ một tháng sau khi trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, ông Tập đã nói tới “xã hội khá giả” (tiểu khang xã hội) - tăng GDP đầu người lên mức 10.000 đôla vào năm 2021. Mục tiêu này đã đạt được, với mức gần 11.000 đôla vào năm 2020. 

Năm 2049, dù không có con số mục tiêu cụ thể, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính ở mức thu nhập của một nước phát triển trung bình, nền kinh tế Trung Quốc sẽ lớn gấp ba lần của Mỹ tính theo ngang giá sức mua.

Bốn đặc điểm

Sinh thời, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, có lẽ là một trong những người Á Đông đầu óc tân tiến đồng thời am hiểu Trung Quốc nhất, từng nói về việc nhà lãnh đạo quốc gia phải “vẽ ra tầm nhìn tương lai cho người dân, chuyển đổi tầm nhìn đó thành chính sách mà ông ta phải thuyết phục được người dân ủng hộ và cuối cùng vận động họ giúp ông ta triển khai những chính sách đó”.

Tầm nhìn “Trung Quốc mộng” của ông Tập nay đã rõ ràng, và sự triển khai, sau gần 10 năm ông cầm quyền, sắp bắt đầu bước vào một giai đoạn tăng tốc mới với bốn đặc điểm, theo The Atlantic.

Không lâu sau khi lên nắm quyền, ông Tập từng nói ở một phiên họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng việc “giành được hay đánh mất sự ủng hộ của nhân dân là vấn đề sống còn với Đảng”. 

Dẫn lại Luận ngữ: “Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ” (lãnh đạo bằng đức độ, đảm bảo trật tự bằng lễ - tức khuôn khổ, hình phạt), ông nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc chiến chống tham nhũng diễn ra sau đó, khi gần 1 triệu đảng viên chịu nhiều hình thức kỷ luật khác nhau trong đó gồm hàng chục nghìn người bị truy tố trong cuộc “đả hổ, diệt ruồi” nổi tiếng.

Điểm thứ hai, Trung Quốc phải trở nên giàu mạnh. Một phần quan trọng sự ủng hộ của người dân với chính quyền Trung Quốc nằm ở năng lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống. 

Mức tăng trưởng 6-8% sẽ phải được duy trì liên tục trong ít ra là 20 năm nữa, với nhiều điều chỉnh quan trọng: tăng tốc chuyển đổi sang nền kinh tế phục vụ nhu cầu nội địa, thay vì chủ yếu tập trung vào xuất khẩu như thời gian qua; tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước thiếu hiệu quả; tăng cường hàm lượng khoa học kỹ thuật để thúc đẩy sáng tạo và khởi nghiệp; và tránh nguy cơ nợ không bền vững.

Thứ ba, ông Tập muốn Trung Quốc lại có thể kiêu hãnh, với một bản sắc quốc gia chung mà hàng tỉ người Trung Quốc đều có thể đón nhận. 

Với 5.000 năm văn hiến nhưng lại có hơn 100 năm bị phương Tây đè nén (từ chiến tranh nha phiến lần thứ nhất năm 1839 tới 1949), cụm từ hay được nhắc, cả trên truyền thông chính thống ở Trung Quốc, thời gian qua là “vật vong quốc sỉ” (chớ quên mối nhục quốc gia), ví dụ như trong một phóng sự ảnh về tưởng niệm vụ thảm sát Nam Kinh trên Tân Hoa xã tháng 9-2020. 

Người dân Trung Quốc tưởng niệm vụ thảm sát Nam Kinh. Ảnh: Tân Hoa xã

 Điểm cuối cùng, Trung Quốc không chỉ giàu hơn, kiêu hãnh hơn, mà sẽ nhiều cơ bắp hơn. 

Nikkei ghi nhận trong kế hoạch ngân sách 2021, chi tiêu cho quốc phòng đã tăng 6,8% so với mức 1,36 nghìn tỉ nhân dân tệ (209 tỉ đôla) của năm trước, tức còn tăng nhanh hơn năm 2020 (6,6%), dù tình hình kinh tế không được khả quan.

Đầu tháng 3 năm nay, Văn phòng Tình báo hải quân Hoa Kỳ ước đoán số lượng tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đã lên tới 360 chiếc vào cuối năm 2020, khiến nếu đếm tàu thì Trung Quốc đã trở thành quốc gia có hải quân lớn nhất thế giới, khi tổng số tàu trong các hạm đội Mỹ hiện là 297 chiếc.

Không ai đủ sức bá chủ toàn cầu?

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề cố hữu không dễ giải quyết ngày một ngày hai. 

Tăng trưởng kinh tế không phải là chắc chắn, và ngay cả mục tiêu tăng trưởng liên tục có đạt được, những vấn đề như nợ công và nợ doanh nghiệp, sự thiếu hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, những cản trở chính trị với sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ, và cả sự kềm chế ngày càng chủ động và quyết liệt từ các nước phương Tây… vẫn sẽ tiếp tục đeo bám nền kinh tế Trung Quốc.

Nguyên lý phản lực rất đơn giản, như lời giáo sư Hoàng Tĩnh của Đại học Ngôn ngữ và văn hóa Bắc Kinh viết trên Nikkei ngày 13-12-2020, “thế lưỡng nan vĩnh cữu của tình trạng làm người là những ham muốn không giới hạn đối lập với nguồn lực hữu hạn”.

Theo ông Hoàng, ba trụ cột của trật tự chính trị toàn cầu hiện giờ - Liên Hiệp Quốc, các thể chế thương mại và kinh tế xoay quanh Tổ chức Thương mại thế giới và hệ thống tài chính xoay quanh IMF, Ngân hàng Thế giới - đều được thiết lập và duy trì với Mỹ ở vai trò trung tâm và đồng đôla Mỹ là tiền tệ toàn cầu đảm bảo cho gần như mọi giao dịch kinh tế có tính quốc tế.

Hơn nữa, hệ thống liên minh quân sự do Mỹ xây dựng thực sự là không có đối thủ trên toàn cầu ít ra là trong tương lai trung hạn. “Ngay cả Bắc Kinh có muốn tưởng tượng rằng Trung Quốc sẽ thống trị thế giới chỉ là huyễn hoặc - ông Hoàng Tĩnh viết -… [mô hình Trung Quốc] về cơ bản vẫn chưa được đánh giá cao, chứ đừng nói là chấp nhận, ở thế giới bên ngoài Trung Quốc”.■

Vẫn còn nhiều trà nóng

 
 Ông Tập Cận Bình là người duy nhất có hai ly trà trong phiên họp Quốc hội Trung Quốc khai mạc hôm 5-3. Ảnh: Nikkei Asian Review

 Thành ngữ tiếng Trung có câu “Nhân tẩu, trà lương” (người đi, trà nguội), ý chỉ nhân tình thế thái lên xuống cũng theo quyền tước. 

Mùa hè năm 2015, Nhân dân nhật báo từng đăng một bài ký tên đường hoàng chỉ trích “một số lãnh đạo đã về hưu không chịu chấp nhận cảnh “trà nguội”, họ vẫn nghĩ có thể tiếp tục thể hiện quyền lực và làm sao để chén trà của mình lúc nào cũng nóng”.

Tại kỳ họp ngày 5-3 của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, một hình ảnh đã được báo Nhật Bản Nikkei để ý: Trước mặt Chủ tịch Tập Cận Bình có hai ly trà, trong khi sáu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác chỉ có một ly. “Như thể để nói rằng trà của ông Tập không chỉ chưa nguội, mà khi sắp bước vào năm nắm quyền thứ mười, vẫn còn một ly trà nóng khác đang đợi ông”, Nikkei viết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận