TTCT - Nghi lễ và truyền thống đám cưới, cũng như quan niệm hôn nhân, ở xứ Khổng giáo 1,4 tỉ dân đang thay đổi mau lẹ khi thế hệ 9X Trung Quốc bước vào thời kỳ thành gia lập thất. Trần Tư Vũ, 29 tuổi và đang sống ở Thượng Hải, nói với trang Sixth Tone rằng khi tổ chức đám cưới, anh quyết tâm làm điều gì đó độc đáo. "Tôi hy vọng đám cưới có thể thực sự phản ánh mong muốn và phong cách của riêng tôi, chứ không chỉ đơn giản là đáp ứng những kỳ vọng truyền thống của gia đình hay xã hội", Tư Vũ nói.Anh đã tổ chức tiệc cưới vào tháng 4 tại một nhà hàng trên Bến Thượng Hải, chỉ mời 18 người, gồm bạn bè và người thân, hoàn toàn trái ngược với truyền thống đám cưới rình rang, đủ mặt bà con hai họ ở Trung Quốc.Ảnh: Today OnlineNhững bạn trẻ như Trần Tư Vũ không phải cá biệt. Khi thế hệ 9X hay 2000 giờ trở thành nhân vật chính trên thị trường tiệc cưới Trung Quốc, nghi lễ và truyền thống đám cưới, cũng như quan niệm hôn nhân, ở xứ Khổng giáo 1,4 tỉ dân đang thay đổi mau lẹ. Gần đây, các chủ đề như "giới trẻ kết hôn rất thực tế", "đám cưới ba không" đã trở thành đề tài "hot" trên mạng xã hội Weibo.Đám cưới đơn giản hóaKhác hẳn những đám cưới hoành tráng và trang trọng truyền thống với nhiều nghi thức phức tạp rườm rà, nhiều cặp đôi trẻ Trung Quốc giờ hướng tới đám cưới tiết kiệm chi phí, nhấn mạnh trải nghiệm và đơn giản hóa. Xu hướng này phản ánh qua sự thay đổi rõ rệt trong ngành kinh doanh đám cưới Trung Quốc hiện nay.Khi người trẻ bắt đầu "làm chủ" đám cưới của chính mình, họ muốn bỏ bớt những lễ nghi mà họ nghĩ chỉ là "nghi thức xã hội mang tính biểu diễn", không khác gì quá trình "lắp ráp dây chuyền" trong một nhà máy công nghiệp, hay như một màn biểu diễn phối hợp của nhiều "diễn viên", bao gồm ông bà, bố mẹ, người thân và bạn bè, và cả cô dâu chú rể.Trả lời tờ Liên hiệp tảo báo tháng 5-2024, Phùng Lâm Nhuế cho biết cô và chồng chán ghét những thủ tục rườm rà trong lễ cưới truyền thống, nên sau khi nhận giấy chứng nhận kết hôn năm ngoái, họ quyết định hoãn tổ chức lễ cưới.Tuy nhiên, sau nhiều lần bị cha mẹ thúc giục, suy tính đến cảm xúc của người lớn tuổi và phong tục địa phương, cả hai đành thỏa hiệp và đồng ý tuân theo một số nghi lễ truyền thống nhất định, nhưng vẫn sẽ tổ chức ngày trọng đại càng đơn giản càng tốt.Trong bối cảnh đó, những đám cưới tối giản "ba không", "bốn không", "năm không" ngày càng được ưa chuộng. Những đám cưới này không có đoàn xe rước dâu, không có phù rể và phù dâu, không có MC, thậm chí không tiệc cưới.Một số cặp còn dẹp luôn cả "tứ kim cương" vốn không thể thiếu trong đám cưới truyền thống: chụp ảnh, quay phim, dẫn chương trình và trang điểm. Với họ, điều quan trọng nhất là trải nghiệm và sự thoải mái của cặp đôi cũng như khách mời.Khuynh hướng này không chỉ thể hiện trên mạng xã hội, mà trên cả truyền thông chính thống nữa. Theo khảo sát của báo Thanh niên Trung Quốc gần đây, những "tiết mục" đám cưới mà giới trẻ cảm thấy không cần thiết nhất bao gồm phong tục chặn cửa không cho đàng trai vào, nghi lễ kéo dài và rườm rà, tình cảm sướt mướt, đãi khách, đón dâu, dậy sớm chuẩn bị, nghi thức đi chào bàn... Phong tục quá rắc rối, trong khi không khí lại cực kỳ tẻ nhạt của đám cưới truyền thống, khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy mệt mỏi.Ảnh: AFPVấn đề tiền bạcMomo (biệt danh), người Phúc Kiến, từng làm phù dâu trong đám cưới cho bạn. Cô so sánh lễ cưới truyền thống với cuộc chạy marathon, với quá trình chuẩn bị, đón dâu và đủ thứ lễ nghi. "Dù chỉ là vai phụ, nhưng tôi đã cảm thấy kiệt sức - cô nói - Tôi tin rằng cuộc sống thuộc về chính mình và muốn nó thoải mái hơn, không cần phải khoe khoang với người khác".Phùng Lâm Nhuế thì tin rằng cặp đôi mới cưới giống như hai diễn viên biểu diễn cho xong một vở kịch gượng gạo: "Chẳng ai thực sự quan tâm. Có 14 bàn khách, nhưng hai chúng tôi mời chưa tới một bàn, còn lại là khách mời của phụ huynh".Chi phí cũng là lý do quan trọng chính khiến giới trẻ Trung Quốc ngày càng chán ghét phong tục cưới hỏi kiểu cũ. Theo nghiên cứu do Tencent Guyu Data công bố năm 2021, một đám cưới ở Trung Quốc thường tốn khoảng 174.000 nhân dân tệ (24.000 USD), gấp 8 lần mức lương trung bình hằng tháng của các cặp vợ chồng trẻ. 42% tân lang và tân giai nhân sẽ chi tiêu vượt quá ngân sách cho đám cưới.Tuy nhiên, chỉ số tiêu dùng của China Wedding Expo lại cho thấy tổng chi phí trung bình liên quan đến đám cưới trên toàn quốc (dựa trên mẫu các thành phố đại diện) năm 2023 đã giảm khoảng 15%. Theo báo cáo năm 2023 về đám cưới lý tưởng của Youth36kr, tài khoản chính thức của WeChat tập trung vào giới trẻ Trung Quốc, khoản tiền trung bình chi ra cho một đám cưới ở nước này là 147.500 nhân dân tệ (20.600 USD). Hầu hết đều cho rằng một đám cưới tốn khoảng 30.000-50.000 nhân dân tệ (4.200-7.000 USD) là có thể chấp nhận được.Điều này cho thấy thế hệ thanh niên ngày nay tiết kiệm chi phí hơn cho đám cưới, bằng cách đơn giản hóa quy trình, như tự sắp xếp địa điểm, tự làm MC và thuê váy cưới giá rẻ.Ảnh: ABC NewsNhu cầu tinh thần khác biệtSự phổ biến của đám cưới tối giản không chỉ vì lý do kinh tế, mà còn phản ánh nhu cầu tinh thần của giới trẻ ngày nay. Họ thích cảm giác thoải mái và vui vẻ cho bản thân hơn là phô trương hoành tráng để mở mày mở mặt.Đám cưới tối giản cũng có xu hướng chú trọng bảo vệ môi trường, giảm thải carbon, không xe cưới, không lãng phí thức ăn đãi đằng... Một số bạn trẻ thậm chí chỉ đơn giản làm giấy kết hôn, chứ không buồn tổ chức đám cưới.Nhà xã hội học Trung Quốc Ngải Quân nói với Liên hiệp tảo báo rằng đám cưới tối giản phù hợp với nhịp sống và làm việc của giới trẻ hiện đại, và đáp ứng nhu cầu văn hóa của họ. Ông cũng nhận xét tổ chức đám cưới đơn giản không phải là chối bỏ truyền thống, mà chính là quay lại với truyền thống. Theo ông, đám cưới truyền thống của Trung Quốc thật ra không hề thống nhất, mà các gia đình tổ chức tùy theo khả năng, "miễn là lễ nghi đạt tiêu chuẩn".Khi Gen Z dần bước vào hôn nhân, phong cách tổ chức đám cưới của họ ngày càng đa dạng. Khảo sát của Trung tâm Khảo sát xã hội thanh niên Trung Quốc thực hiện vào tháng 3 cho thấy gần 80% thanh niên ủng hộ đám cưới tối giản; hơn 60% tin rằng đám cưới tối giản phản ánh được tâm lý giới trẻ về tự do cá nhân.Họ có thể cắt giảm ngân sách và bỏ qua nhiều khía cạnh, nhưng vẫn cần một điểm nhớ để xác định sự kiện trọng đại này của cuộc đời. Một cách tổ chức phổ biến hiện nay là đám cưới điểm đến: kết hợp đám cưới với du lịch, các cặp đôi chọn những địa điểm phong cảnh đẹp như núi tuyết hoặc rừng để tổ chức lễ cưới trong thời gian và không gian của riêng mình. ■ Mai Chí Cương, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Sư phạm Hoa Trung của Trung Quốc, nói với Trung Quốc Nhật báo: "Đám cưới truyền thống ở Trung Quốc bao gồm một loạt nghi lễ phức tạp bắt nguồn từ lịch sử, điều này không thực tế trong lối sống nhịp độ nhanh ngày nay. Đám cưới đơn giản là sự lựa chọn hợp lý và tự nhiên cho các cặp đôi trẻ".Về mặt chính quyền, Chính phủ Trung Quốc hiện thúc đẩy chiến dịch chống lãng phí, nên ủng hộ khuynh hướng đám cưới đơn giản. Ngoài ra, dân số Trung Quốc năm ngoái đã giảm năm thứ hai liên tiếp và tỉ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục. Trào lưu đám cưới tối giản được coi là có thể góp phần giúp đảo ngược xu hướng này. Đây có lẽ là một trong không nhiều xu hướng mà Chính phủ Trung Quốc và giới trẻ nước này gặp nhau.Cùng với đám cưới đơn giản, cuộc sống hôn nhân của người trẻ Trung Quốc cũng đã khác biệt nhiều với thế hệ trước. Một trào lưu đang lên ở nước này hiện giờ là "bính hôn", nghĩa đen là "cưới ghép". Đây về cơ bản cũng là một dạng hợp đồng tiền hôn nhân: nhà trai không cần đưa sính lễ, nhà gái không cần để của hồi môn, tiền bạc ai làm ra là của người đấy, con cái thì góp tiền cùng nuôi, việc nhà chia đều, họ hàng hai bên không dính dấp với nhau, dù vợ chồng vẫn sống chung và có hôn thú chính thức.Các xu hướng cưới giản dị, hay thậm chí chung sống hoặc kết hôn không cần đám cưới, cũng đã tác động mạnh tới ngành kinh doanh đám cưới khổng lồ và từng một thời rất phát đạt ở Trung Quốc. Reuters tháng 9-2023 cho biết năm 2022, cả nước Trung Quốc có 6,8 triệu đám cưới, giảm 800.000 so với năm 2021 và là mức thấp nhất kể từ khi chính quyền công bố dữ liệu này vào năm 1986. Trước dịch, theo công ty Daxue Consulting, ngành kinh doanh đám cưới trị giá 3,6 nghìn tỉ nhân dân tệ (487 tỉ USD) ở Trung Quốc. Tags: Đám cưới Trung QuốcGiới trẻ Trung QuốcKết hônĐám cưới tối giảnHôn nhân
Nhà yêu nước Phạm Hồng Thái (1894-1924): Tài liệu mới về sự kiện Tiếng bom Sa Diện VIỆT ANH 04/09/2024 2185 từ
Hà Nội: Sập nhà trên phố Khâm Thiên, cây đa cổ thụ gần hồ Hoàn Kiếm gãy đổ PHẠM TUẤN 07/09/2024 Chiều 7-9, trước khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo, kêu gọi người dân TP không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
Quảng Ninh: 3 người chết, 13 người mất tích do bão số 3 DANH TRỌNG 07/09/2024 Đến 16h chiều 7-9, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ghi nhận 3 người chết, 4 người bị thương, 13 người mất tích.
Bão số 3 đổ bộ Quảng Ninh gây cảnh tượng chưa từng thấy: Cột điện, cây xanh gãy đổ la liệt CHÍ TUỆ 07/09/2024 Dọc tuyến đường nối giữa thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), hàng loạt cột điện, cây xanh gãy đổ ngổn ngang.
Trực tiếp: Bão Yagi càn quét, gió rít liên hồi, xe lật, cây ngã, tàu chìm, cột điện gãy gục 07/09/2024 Bão Yagi càn quét, quật ngã cây cối, nhấn chìm tàu thuyền. Tâm bão đổ vào Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió 149 km/h, cấp 13.