TTCT - Chính quyền Trung Quốc vừa thông báo sẽ tăng cường an ninh lương thực nhằm bảo đảm tự chủ được tới 90% sản lượng ngũ cốc, gồm gạo, lúa mì, ngô và đậu tương trong 10 năm tới, tức vào năm 2032, từ mức 82% hiện nay. Tuyên bố của Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và cuộc chiến Ukraine không có dấu hiệu kết thúc sớm - tất cả khiến an ninh lương thực trở thành vấn đề nghị sự hàng đầu ở đất nước đang phải nuôi hơn 1,4 tỉ miệng ăn. Tuy nhiên, nỗ lực này của Trung Quốc cũng là tín hiệu đáng lo ngại với các nước hiện đang là nguồn xuất khẩu lương thực lớn cho thị trường này gồm Brazil, Thái Lan, Ukraine và cả Mỹ.Ảnh: Reason MagazineAn ninh lương thực là mối lo thường trực trong lịch sử Trung Quốc, quốc gia mà do cả quy mô dân số lẫn lãnh thổ, đã bao đời bị ám ảnh bởi những nạn đói lớn với số người chết nhiều khi tương đương dân số cả một quốc gia nhỏ. Nạn đói do thiên tai, dịch bệnh hay quản lý yếu kém thường là ngòi nổ dẫn tới các cuộc nổi dậy làm suy yếu và cuối cùng chôn vùi không ít triều đại phong kiến Trung Quốc.Đầu thế kỷ 20, nạn đói năm 1906-1907 do lũ lụt đã khiến khoảng 20 triệu người Trung Quốc bỏ mạng, góp phần quyết định dẫn đến cuộc cách mạng Tân Hợi đánh dấu sự sụp đổ của nhà Thanh vào năm 1911. Tận giữa thế kỷ 20, nạn đói khủng khiếp vẫn xảy ra, vào giai đoạn Đại nhảy vọt 1959-1961, một phần do chính sách duy ý chí sai lầm muốn phát triển nhanh chóng ngành công nghiệp thép, khiến hơn 30 triệu người chết, được coi là nạn đói lớn nhất lịch sử nhân loại. Nạn đói đã gieo mầm cho tình trạng hỗn loạn chính trị - xã hội kéo dài của cuộc Cách mạng Văn hóa sau đó (1966-1976).Cánh đồng lúa ở Quảng Đông năm 1958. Ảnh: The New York TimesDân dĩ thực vi thiênĐó là những bài học xương máu theo đúng nghĩa đen với bất kỳ chính thể nào cầm quyền ở Trung Quốc - nên ưu tiên tự túc lương thực hiện giờ là dễ hiểu. Điều 22 Luật An ninh quốc gia Trung Quốc ban hành năm 2015 yêu cầu nhà nước thực hiện các biện pháp toàn diện để đảm bảo an ninh, an toàn và chất lượng lương thực. Nguồn lực khổng lồ đã được huy động cho nỗ lực đó. Năm 2020, sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 669,5 triệu tấn, vượt mục tiêu 650 triệu tấn. Năm 2021, Trung Quốc xếp hạng 34 trong 113 quốc gia trên Chỉ số an ninh lương thực toàn cầu - đo lường bằng các tiêu chí khả năng chi trả của người tiêu dùng, tính sẵn có, chất lượng và an toàn của thực phẩm, cũng như tài nguyên thiên nhiên và khả năng thích ứng phục hồi. Trung Quốc là 1 trong 5 nước tiến bộ nhất trên bảng xếp hạng này xét 10 năm qua.Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa thể hài lòng. Trên thực tế, an ninh lương thực của Trung Quốc vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, từ suy thoái đất canh tác, sản lượng đậu tương sụt giảm đến thu nhập bình quân đầu người tăng... đòi hỏi nhập khẩu nhiều hơn. Năm 2019, Trung Quốc đã vượt Liên minh châu Âu và Mỹ để trở thành nhà nhập khẩu thực phẩm lớn nhất thế giới với tổng kim ngạch nhập khẩu 133,1 tỉ USD. Tầng lớp thị dân trung lưu ngày càng đòi hỏi nhiều thực phẩm an toàn hơn, đa dạng hơn và chất lượng cao hơn.Tình trạng phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng khi diện tích đất canh tác tiếp tục thu hẹp. Hội đồng Đối ngoại Mỹ (CFR) trích số liệu chính thức của Trung Quốc giai đoạn 2013-2019 cho thấy nước này đã mất hơn 5% diện tích đất canh tác do đô thị hóa, thoái hóa đất vì dùng phân bón quá mức, hay đơn giản là bị bỏ hoang. Cuối năm 2019, tổng diện tích đất canh tác của Trung Quốc là 1,28 triệu km2 (chiếm 13% tổng diện tích quốc gia), giảm gần 6% so với 10 năm trước, và được dự báo sẽ tiếp tục giảm khi đô thị hóa chưa có dấu hiệu dừng lại.Thời tiết cực đoan, suy thoái môi trường, khan hiếm và ô nhiễm nước... làm vấn đề thêm trầm trọng. Hai thập niên qua, lượng mưa tăng cao bất thường làm giảm 8% năng suất lúa của Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu dự báo vào cuối thế kỷ này, lượng mưa bất thường có thể làm giảm sản lượng lúa thêm 7,6%, chưa kể các tác động khác do biến đổi khí hậu.Ảnh: Hinrich FoundationThực cũng là đạoTrong đại dịch COVID-19, tình trạng gián đoạn nguồn cung và thiếu thực phẩm cục bộ do phong tỏa đã xảy ra, một lần nữa nhắc nhở về an ninh lương thực còn mong manh ở nước này. Các biến động chính trị trên toàn cầu cũng buộc giới lãnh đạo Trung Quốc phải tính toán lại, khi các nguồn thực phẩm nhập khẩu có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào.Một ví dụ: chiến tranh Ukraine đã tác động mạnh lên nhiều nguồn nông sản nhập khẩu của Trung Quốc, đặc biệt là ngô. Là nước nhập khẩu ngô lớn nhất thế giới, Trung Quốc phải nhập 28,35 triệu tấn ngô vào năm 2021, tăng 152% so với năm 2020 và chiếm 9,4% lượng ngô tiêu thụ trong nước. Hầu hết lượng ngô nhập khẩu là từ Mỹ, Ukraine và Brazil, trong đó ngô từ Ukraine chiếm 1/3 tổng lượng nhập khẩu.Các cuộc chiến thương mại và căng thẳng Mỹ - Trung cũng ảnh hưởng xấu tới nguồn nhập khẩu lúa mì. Trung Quốc đang cố gắng đa dạng hóa với nguồn cung mới từ Nga và Kazakhstan, thay thế các nguồn truyền thống như Úc, Canada và Mỹ. Mỹ từng là nhà cung cấp nông sản lớn nhất cho Trung Quốc, nhưng thương chiến đã khiến tình hình thay đổi. Năm 2021, Brazil chính thức thay thế Mỹ trở thành nhà cung cấp nông sản lớn nhất của Trung Quốc, chiếm 20% lượng nông sản nhập khẩu của nước này.Nhất quán với đường lối chính trị, cách tiếp cận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với an ninh lương thực là muốn tự cung tự cấp, nếu không phải tất cả, thì cũng là một phần lớn. Từ khi lên nắm quyền năm 2012, ông Tập thường xuyên nhấn đi nhấn lại rằng "bát cơm của người Trung Quốc phải chủ yếu là thực phẩm Trung Quốc". Chính sách an ninh lương thực được công bố gần đây do đó được thiết kế xoay quanh bảo vệ đất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển và thương mại hóa nguồn giống chỉnh sửa gene, đảm bảo nông dân duy trì sản xuất có lợi nhuận với lúa mì, gạo, ngô, đậu tương và phát động chiến dịch chống lãng phí thức ăn.Chính quyền Bắc Kinh đã đề ra "lằn ranh đỏ cho đất nông nghiệp": đảm bảo đất canh tác không giảm xuống dưới mốc 120 triệu ha (lớn hơn một chút so với diện tích Thụy Điển). Chính quyền cũng củng cố chuỗi cung ứng thực phẩm và trợ cấp để ổn định sản xuất nông nghiệp trong nước, trong khi đầu tư mạnh vào nông nghiệp và mua đất canh tác ở nước ngoài.Thông qua Tập đoàn Quốc doanh sản xuất và kinh doanh thực phẩm (COFCO), Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực thâm nhập lĩnh vực phân phối ngũ cốc toàn cầu, vốn lâu nay nằm trong tay một số ít các gã khổng lồ đa quốc gia như ADM, Bunge, Cargill và Louis Dreyfus (còn được gọi là nhóm ABCD). Ảnh: CFRThe Economist thống kê, Trung Quốc đã mua lại các tài sản lớn trong ngành nông nghiệp ở 26 quốc gia, nhắm tới làm chủ toàn bộ chuỗi cung ứng, từ sản xuất đến chế biến, hậu cần và vận chuyển.Chính quyền còn thiết lập các kho dự trữ lương thực khổng lồ cho các loại thực phẩm chính như ngô, gạo, lúa mì và thịt heo. The Economist trích dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết Trung Quốc nắm giữ 69% trữ lượng ngô, 60% gạo, 51% lúa mì và 37% đậu tương của cả thế giới vào thời điểm giữa năm 2022. Dù chưa bao giờ công bố thông tin chi tiết về kho dự trữ quốc gia, Cơ quan Dự trữ chiến lược và lương thực quốc gia Trung Quốc từng tuyên bố thị trường ngũ cốc nội địa được "đảm bảo hoàn toàn", và dự trữ đang "ở mức cao lịch sử".Chưa hết, Chính phủ Trung Quốc cũng nỗ lực giảm lãng phí thực phẩm qua các sáng kiến như "chiến dịch đĩa ăn sạch". Tháng 8-2020, vài tuần sau khi nhấn mạnh tầm quan trọng của đảm bảo nguồn cung ngũ cốc ổn định, ông Tập đã ra chỉ thị "không lãng phí lương thực". Chỉ thị này nhanh chóng trở thành chiến dịch toàn quốc sau khi Viện Khoa học Trung Quốc công bố nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng ở các thành phố lớn đã lãng phí tới 18 triệu tấn thực phẩm vào năm 2015, đủ để nuôi sống 50 triệu người mỗi năm. ■ Một trụ cột trong chiến lược an ninh lương thực mới của Trung Quốc là "tăng tốc đổi mới" về công nghệ giống qua nhân giống sinh học, chỉnh sửa gene và sinh học tổng hợp. Đổi mới giống được Chính phủ Trung Quốc gọi là "vi mạch của nông nghiệp". Nhà nước đổ những khoản tài trợ rất lớn cho các hãng sản xuất, nghiên cứu và phân phối ngũ cốc, nhất là khi ngành kinh doanh này nhiều khi không còn hiệu quả về kinh tế nếu so với nhập khẩu. Chẳng hạn chi phí trồng đậu tương ở Trung Quốc được ước tính cao gấp 1,3 lần so với ở Mỹ, trong khi năng suất lại thấp hơn 60%. Tags: Lịch sử Trung QuốcNgười Trung QuốcAn ninh lương thựcQuốc gia Trung QuốcNgười tiêu dùngĐảm bảo an ninhThực phẩm an toànChính phủ Trung QuốcThực phẩm Trung QuốcBộ Nông nghiệp MỹNăng suất lúa
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Giá vé bay Tết cao vẫn khó mua CÔNG TRUNG 18/12/2024 Dù hơn 7 triệu ghế được cung ứng dịp Tết 2025 nhưng tình trạng giá vé cao, khan hiếm khiến nhiều người gặp khó trong việc tìm đường về quê.
Chuyên gia: Vụ ám sát Trung tướng Nga Igor Kirillov có 2 mục đích chính THANH BÌNH 18/12/2024 Ukraine dường như muốn gửi đi 'thông điệp rõ ràng' tới những ai chịu trách nhiệm lập kế hoạch, chỉ đạo và hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Nhìn thành phố từ buồng lái: Cảm nhận đặc biệt của nữ lái tàu metro CHÂU TUẤN 18/12/2024 Chị Phạm Thị Thu Thảo - nữ lái tàu đầu tiên của tàu điện tuyến metro số 1 - đã chia sẻ những cảm nhận của mình.
Mờ mắt đột ngột, cảnh giác có thể dấu hiệu cảnh báo đột quỵ TƯỜNG VY 18/12/2024 Rất nhiều người khi xuất hiện dấu hiệu nhìn mờ lại chủ quan cho rằng đó là vấn đề về mắt như cận thị, viêm mắt... mà không nhận ra rằng đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.