TTCT - Quan sát sự thay đổi trong thái độ của các trường đại học Mỹ trong hai năm qua có lẽ sẽ giúp chúng ta ít nhiều về lựa chọn. Ứng xử như thế nào với các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh như ChatGPT là câu hỏi thường trực trong tâm trí nhiều nhà giáo dục, từ cấp quản lý đến thầy cô giáo đứng lớp hiện nay khi học sinh, sinh viên bắt đầu dùng chúng để làm bài nộp cho thầy cô. Cấm cũng khó, không cấm cũng khó. Một đặc điểm của nền giáo dục Mỹ là áp dụng yêu cầu viết bài luận trong nhiều trường hợp. Suốt học kỳ, giáo viên thường yêu cầu các học sinh đọc một tác phẩm, rồi cuối học kỳ viết một bài luận dài 8-10 trang về một đề tài nào đó liên quan đến tác phẩm. Không chỉ môn văn, học sử, địa hay kinh tế, học sinh cũng được yêu cầu viết luận thường xuyên. Khi ChatGPT ra đời, các giáo viên ngỡ ngàng: chuyện viết lách tưởng đâu là độc quyền của con người, là kỹ năng cần truyền đạt một cách công phu cho học sinh, nay cứ ra đề, ChatGPT sẽ nhoay nhoáy đẻ ra các bài viết thuộc loại khá, đáng cho 8 điểm.Vì thế, phản ứng đầu tiên của nhà trường và các thầy, cô giáo là cấm, cấm tiệt ChatGPT trong trường học. Như Los Angeles, học khu lớn thứ nhì nước Mỹ chặn ChatGPT trên hệ thống WiFi của trường công cũng như các thiết bị phát cho học sinh. Các học khu khác cũng làm theo, kể cả tại thành phố New York, học khu lớn nhất nước Mỹ. Không những cấm, các trường phổ biến những công cụ phát hiện bài làm có sử dụng ChatGPT. Ngay cả Turnitin, phần mềm phát hiện đạo văn, cũng bổ sung thuật toán phát hiện AI khá chính xác.Nhưng chỉ mấy tháng sau, các học khu lần lượt rút lui lệnh cấm, nói là đã quá vội vàng. Cả xã hội đang sôi động với AI, tìm cách ứng dụng nó để nâng cao năng suất, cải tiến hiệu quả làm việc, không lẽ ngành giáo dục đứng ngoài cuộc bằng một lệnh cấm đoán.Xã hội có nhu cầu, lẽ ra nhà trường phải dạy về AI cho học sinh, sao lại cấm. Ngay cả giới giáo viên, ngày càng có nhiều người sử dụng ChatGPT để soạn giáo án, soạn bài tập, chấm điểm bài làm… Có lẽ quan điểm của Đại học CalTech được nhiều trường khác chia sẻ: cắt dán toàn bộ nội dung của AI tạo sinh viết ra thành bài luận nộp cho thầy cô là vi phạm đạo đức sinh viên, nhưng nếu chỉ dùng AI để động não, tìm ý hay để kiểm tra ngữ pháp, chính tả thì hoàn toàn chấp nhận được.Từ đó các trường lại quay sang tranh luận, thế nào là mức độ sử dụng AI tạo sinh chấp nhận được? Một học sinh dùng ChatGPT để thay cho việc động não, nhờ nó suy nghĩ hộ chừng 10 đề tài viết bài luận nộp kèm với hồ sơ tuyển sinh, rồi em này chọn 1 đề tài và tự viết - liệu có thể kết án em gian lận vì có nhờ AI chăng? So em này với các gia đình khá giả có thuê dịch vụ trau chuốt bài luận thì ai gian lận hơn ai? Một em dùng ChatGPT để soạn nguyên cả bài luận so với các em khác chỉ dùng ChatGPT để kiểm tra cách hành văn, viết lại một đoạn văn lủng củng… thì cách ứng xử phải khác nhau như thế nào? Có nên phạt một em dùng AI tạo sinh để đẻ ra bản nháp đầu tiên, rất sơ khởi sau đó tự em này viết lại toàn bộ?Dường như đã có một kết luận được chia sẻ rộng rãi: dùng AI làm công cụ hỗ trợ như một nơi tham khảo thì được, nhưng lấy sản phẩm của AI, kể cả hình ảnh do nó tạo ra, đem nộp cho thầy cô thì không ai chấp nhận.Nói gì thì nói, chuyện sinh viên ăn gian khi làm bài là có và đã xuất hiện từ xưa. Bởi thế nên xã hội mới đẻ ra các dịch vụ viết luận thuê như EssayShark hay Chegg núp dưới mỹ từ "phụ đạo nhằm mục đích tham khảo". Ngay sau khi ChatGPT ra đời, giá trị thị trường của Chegg sụt mất 1 tỉ đô la, chứng tỏ sinh viên có gian lận và ngày trước gian lận nhờ Chegg nay nhờ ChatGPT.Nhưng cấm sinh viên sử dụng ChatGPT nói riêng và các công cụ AI tạo sinh để làm bài là không khả thi. Thứ nhất, các công cụ phát hiện AI thường không chính xác, gây tranh cãi. Ngay cả công cụ nổi tiếng Turnitin cũng thừa nhận văn bản do một công cụ nào khác tạo ra, kể cả ứng dụng kiểm tra ngữ pháp hay dịch tự động cũng khiến phần mềm dán nhãn có sử dụng AI.OpenAI đang thử nghiệm phương pháp giấu kín một watermark (hình mờ) ẩn bên trong nội dung nó sản sinh để sau này khi cần biết ngay đoạn văn nào do AI tạo ra. Nhưng xóa watermark không phải là chuyện khó, đồng thời trong một thị trường cạnh tranh, sẽ có những nơi đẻ ra AI không có watermark. Đó là lý do cho đến nay OpenAI chưa giới thiệu chức năng tạo watermark vì không muốn mất khách.Chấp nhận một mức độ sử dụng AI nào đó, các trường bắt đầu nói nhiều đến việc thay đổi cách dạy, cách học để ứng phó với thời đại AI thâm nhập sâu vào trường học. Nói cách khác, theo họ, chừng nào còn văn mẫu, chừng đó còn vai trò cho AI. Muốn sinh viên ngưng sử dụng AI để gian lận trong làm bài thì đề bài cần đi theo hướng đòi hỏi sự sáng tạo của sinh viên, từ cảm nhận cá nhân đến trải nghiệm riêng của từng em. Giảng viên phải thiết kế lại khóa học, đưa ra nhiều thay đổi như tăng thi vấn đáp, làm việc theo nhóm hay bài tập viết tay, giảm loại bài tập giao về nhà làm, các kỳ thi cho mở sách.Nhiều trường nhấn mạnh đến lòng tự trọng của sinh viên để kêu gọi họ minh bạch trong mọi khâu. Có lẽ rồi đây dưới bài làm của sinh viên sẽ có dòng "tiết lộ", nói rõ người viết có sử dụng AI trong một khâu nào đó, như gợi ý, tìm từ hay cho ví dụ. Trong một bài viết về cách các trường đại học Mỹ đối phó với AI trên tờ The Atlantic, tác giả kể một sinh viên ngành kinh tế chính trị được giao viết bài nghiên cứu về chủ nghĩa thực dân ở Trung Đông. Anh ta nghĩ ra dàn ý và hỏi ChatGPT có ý kiến gì không. ChatGPT nói dàn ý không đạt rồi đưa ra các ý tưởng đối chọi với lập luận của sinh viên. Sau đó người sinh viên này đã triển khai những ý tưởng của ChatGPT vào bài viết của mình. Tác giả cho rằng cách sinh viên này sử dụng ChatGPT là thông minh và chính đáng nhưng giả dụ đưa bài viết vào phần mềm phát hiện Turnitin, rất có thể nó sẽ phán bao nhiêu phần trăm đó là do AI viết, rất có thể giảng viên sẽ đánh rớt bài viết.Cuối cùng, một mối nguy của AI trong học tập là nó bào mòn tính đương đầu với thử thách của sinh viên, họ không còn xem bài tập được giao như một thử thách phải vượt qua mà là một gánh nặng có thể chia sẻ bớt cho ChatGPT. Trong quá trình đó, kết quả được chấp nhận thường ở mức độ vừa phải, bình bình - y hệt như những gì AI tạo sinh đang đẻ ra hằng ngày hằng giờ trên không gian mạng. Gia sư toánHiện nay đã có những ứng dụng hỗ trợ việc học toán rất hiệu quả nhưng nhìn cách nào đó, nó cũng là công cụ giúp học sinh gian lận trong làm bài. Một trong những ứng dụng đó là Gauth của ByteDance, công ty mẹ của mạng TikTok!Ứng dụng Gauth ra đời vào năm 2020, lúc đầu chú trọng vào môn toán nhưng sau này mở ra cả môn lý và hóa. Gauth nằm trong danh sách ba ứng dụng giáo dục được tải về nhiều nhất ở Mỹ, được chấm 4,8 điểm trên App Store của Apple và Play Store của Google.Học sinh chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại di động, mở ra và chụp hình bài toán, dù viết tay hay in trong sách. Sau đó Gauth sẽ hướng dẫn từng bước giải bài toán để học sinh có thể theo dõi. Theo đánh giá của tạp chí Wired, mặc dù Gauth không đưa ra lời giải xuất sắc, được điểm A+ nhất là với các câu hỏi có đồ thị nhưng nó làm tốt ở mức độ điểm B- hay C+. Chừng đó cũng đã rất hữu ích với học sinh trung bình hay kém toán, có một trợ giảng kiên nhẫn bên cạnh.Trên trang web của mình, Gauth đưa ra yêu cầu danh dự với học sinh, "[Các bạn] phải chống lại cám dỗ dùng Gauth theo cách đi ngược với giá trị của bạn hay kỳ vọng của nhà trường". Tức Gauth mặc nhiên thừa nhận học sinh có thể lạm dụng Gauth để giải bài tập về nhà mà không mất chút công sức nào.Như vậy, xem Gauth là công cụ hỗ trợ hay công cụ gian lận là tùy góc nhìn của từng người, nhất là tùy vào cách sử dụng của học sinh. Có người nói chúng ta tiến hóa từ bàn tính sang máy tính bỏ túi đến máy tính vẽ đồ thị thì tại sao không chấp nhận một bước tiến nữa như Gauth và các ứng dụng hay hơn trong tương lai gần. Nhưng cũng có người lo ngại ứng dụng như Gauth sẽ dần triệt tiêu kỹ năng suy luận logic của học sinh, một mục tiêu mà môn toán hướng đến. Riết rồi học sinh sẽ giải toán như cái máy và Gauth chính là chiếc máy như thế. Bộ Giáo dục Mỹ đã biên soạn một tài liệu hướng dẫn cho các trường ứng xử với AI. Tài liệu mang tên "Trí tuệ nhân tạo và tương lai của dạy và học - Phát hiện và khuyến nghị" dài 71 trang, đưa ra những lời khuyên rất cụ thể cho giáo viên (tham khảo: https://tech.ed.gov/files/2023/05/ai-future-of-teaching-and-learning-report.pdf).Từng tiểu bang cũng có những tài liệu tương tự. Bang North Carolina phát hành cuốn Triển khai AI tạo sinh - Khuyến nghị và cân nhắc, trong đó có những mục rất cụ thể như "Tư duy lại chuyện đạo văn và gian lận trong thời đại AI"; "Các trường hợp giáo viên sử dụng AI tạo sinh"; "Thận trọng khi dùng công cụ phát hiện AI"… Tags: Trí tuệ nhân tạoNgành giáo dụcĐại học MỹGiáo dục mỹAI
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ “lăn bánh” chạy thương mại.
Ai đứng sau Công ty nghệ sĩ Quyền Linh? BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Công ty TNHH nghệ sĩ Quyền Linh do bà Nguyễn Thị Vân Anh sinh năm 1986, thường trú tại quận 7, TP.HCM làm chủ sở hữu.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".