Truyền hình có cứu nổi bóng đá?

HUY ĐĂNG 05/07/2020 16:07 GMT+7

TTCT - Ba tháng trời “đói” bóng đá cộng thêm việc không thể ra sân cổ vũ và phải ở nhà cách ly xã hội càng khiến người hâm mộ gắn chặt với chiếc tivi khi các giải đấu hàng đầu thế giới chính thức trở lại.

 

Không có gì khó hiểu khi trận derby vùng Merseyside giữa Everton và Liverpool cách đây hai tuần mở ra kỷ lục mới về lượng khán giả truyền hình ở Premier League: 5,5 triệu.

Lượng người xem kỷ lục

Dù giàu truyền thống, nhưng khó có thể xem trận Everton - Liverpool là một cuộc đại chiến hấp dẫn đúng nghĩa khi xét sự chênh lệch thực lực giữa hai đội. Còn có những lý do khác để trận đấu này thu hút lượng khán giả đông kỷ lục đến vậy.

Đó là trận đấu đầu tiên của Liverpool kể từ khi các giải bóng đá lớn ở châu Âu phải tạm hoãn vì dịch bệnh COVID-19, và chức vô địch của “Lữ đoàn đỏ” là một trong những điều được chờ đợi nhất trong chiến dịch tái khởi động của các đội bóng.

Quan trọng hơn nữa, Liverpool luôn nằm trong tốp những đội bóng có lượng khán giả đến sân đông nhất châu Âu. Khi họ không thể ra sân cổ vũ cho đội nhà, việc số người xem tivi tăng lên là dễ hiểu.

Trước trận derby vùng Merseyside, đã có 3,4 triệu người bật tivi xem đại chiến giữa Manchester City và Arsenal, tăng 94% so với lượng khán giả truyền hình trung bình mỗi trận của Premier League mùa giải trước. Kỷ lục về số lượng khán giả truyền hình theo dõi một trận Ngoại hạng Anh trước đó là đại chiến Manchester City - Manchester United mùa 2011-2012: 4,4 triệu người xem.

Không chỉ Premier League, tất cả các giải hàng đầu châu Âu đều tăng phi mã về lượng khán giả truyền hình từ khi trở lại sau đại dịch. Với La Liga Tây Ban Nha, lượng người xem qua tivi đã tăng 48%. Khu vực tăng mạnh nhất lượng khán giả truyền hình của La Liga là châu Phi, với tỉ lệ tăng 73%.

Kế đến là châu Á 72%, toàn châu Âu tăng 56% (mức tăng lớn nhất nằm ở Bỉ 130%, có thể vì giải vô địch quốc gia nước này đã kết thúc).

Trong khi đó, lượng khán giả truyền hình của La Liga lại tăng khá ít ở chính Tây Ban Nha - chỉ 12%. Điều này cho thấy khả năng khai thác truyền hình nội địa của giải đấu này đã đạt mức bão hòa. Người hâm mộ Tây Ban Nha cũng không quá “bức bối” vì không thể đến sân cổ vũ như Anh và Đức.

Tại Bundesliga, mức tăng là một con số không tưởng: 800% với các trận đấu của những đội mạnh nhất giải Bayern Munich, Dortmund và Schalke 04, trong khi các đội còn lại cũng có mức tăng trung bình hơn 400%. Một phần cũng vì Bundesliga phát miễn phí hai vòng đấu đầu tiên sau khi trở lại để ngăn tình trạng CĐV tụ tập ở những khu vực mua bản quyền truyền hình. Và Bundesliga cũng là giải đấu lớn đầu tiên trở lại, kết quả là bóng đá Đức “hốt đậm”.

Bứt phá về truyền hình là vậy, nhưng liệu bóng đá châu Âu có thể sống khỏe như trước không, khi người hâm mộ tiếp tục chưa được đến sân trong thời gian bao lâu còn chưa biết?

Không có khán giả, -lượng người xem truyền hình Premier League tăng đột biến. Ảnh: AFP
Không có khán giả, lượng người xem truyền hình Premier League tăng đột biến. Ảnh: AFP

Đáy kim tự tháp lung lay

Điều đó là khả dĩ, nhưng có lẽ chỉ giới hạn ở các giải đấu hạng cao, và với một số đội bóng nhất định. Có thể lấy ví dụ là bóng đá Anh. Burnley - một đội bóng trung bình của Premier League - có tổng doanh thu là 140 triệu bảng mùa giải 2018-2019.

Trong số này, đến 122 triệu bảng là nhờ bản quyền truyền hình, tức chiếm gần 88% tổng doanh thu. Trong 18 triệu bảng còn lại, chỉ 6 triệu bảng (4% doanh thu) là tiền bán vé cùng các dịch vụ khác trong ngày đội bóng thi đấu, và 12 triệu là từ hoạt động thương mại, như bán áo đấu, vé tham quan sân, bảng quảng cáo...

Một gian hàng bán đồ lưu niệm trước trận đấu FA Premier League giữa Liverpool và Burnley tại Anfield.

Như vậy, dù khán giả có đến sân hay không, doanh thu của Burnley cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều. Sự công bằng trong việc phân chia tiền bản quyền truyền hình của bóng đá Anh giúp những đội bóng nhỏ như họ có lợi.

Nhưng cũng phải nói rõ rằng Turf Moor của Burnley là một trong những sân bóng khiêm tốn nhất của Premier League, với sức chứa chỉ hơn 20.000 chỗ, tức Burnley từ đầu đã là một đội không đặt nặng chiến lược kinh doanh dựa vào sân vận động.

West Ham - cũng là một đội trung bình - nhưng sử dụng sân London với sức chứa 60.000, là chuyện khác. Họ thu về 25 triệu bảng tiền bán vé và dịch vụ trên sân, chiếm hơn 14% doanh thu.

Arsenal còn thiệt hại lớn hơn khi CĐV không thể đến sân: họ kiếm được 100 triệu bảng tiền bán vé và dịch vụ ngày thi đấu, 180 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình, 133 triệu bảng từ thương mại và bán lẻ, cấu thành 413 triệu bảng doanh thu, đồng nghĩa tiền bản quyền truyền hình chỉ chiếm 43% doanh thu, còn bán vé chiếm 24%. Không có CĐV, Arsenal xem như mất 1/4 doanh thu, chưa kể các dịch vụ bán lẻ và thương mại khác của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.

Nhưng Arsenal vẫn là một đội lớn “ăn trên ngồi trốc”, vẫn sống khỏe hơn nhiều những thân phận hẩm hiu khác ở các hạng thấp hơn. Cơn khát bóng đá khiến người hâm mộ sẵn sàng ngồi nhà bật tivi xem nhiều trận đấu hơn, nhưng chỉ là những trận đỉnh cao của Premier League. Chẳng mấy người lại ghiền bóng đá tới mức xem cả các giải hạng nhất hay hạng nhì.

Bản quyền truyền hình chỉ tăng với các giải đấu trên phần đỉnh “kim tự tháp” bóng đá. Kim tự tháp này là cách tổ chức điển hình của những nền bóng đá lớn ở châu Âu: các giải đấu chuyên nghiệp hạng càng thấp thì số lượng đội tranh tài càng nhiều (ở Việt Nam là kim tự tháp ngược: V-League có 14 đội, nhưng Giải hạng nhất chỉ có 12).

Vì vậy, mô hình doanh thu của các đội tạo nên phần đáy kim tự tháp dựa rất nhiều vào tiền bán vé và hoạt động trên sân. Trung bình một CLB Premier League có doanh thu bán vé chiếm chỉ 14% tổng doanh thu. Với các đội hạng nhất, con số tương ứng là 20%, xuống hạng nhì thì lên tới 50%. Chẳng mấy ai bật tivi để xem một đội giải hạng thấp thi đấu, mua đồ lưu niệm, hay đặt bảng quảng cáo cũng khó... Khán giả đến sân thật sự là tất cả với những CLB này.

Một lần nữa, con virus corona lại làm lộ rõ những bất công giàu - nghèo, cả trong bóng đá!■

Các đội bóng trung bình khá của Premier League sống khỏe chủ yếu nhờ vào sự phân chia khá công bằng tiền bản quyền truyền hình.

Ở mùa 2018-2019, đội rớt hạng Huddersfield vẫn nhận được 96 triệu bảng Anh trong tổng số 2,4 tỉ bảng tiền bản quyền truyền hình cho cả giải, tức chiếm 4%.

Đội nhận nhiều nhất là Manchester City chỉ là 150 triệu bảng (6,25%). Trong khi đó ở La Liga, đội xếp bét chỉ nhận được 44 triệu euro trong tổng số 1,4 tỉ euro cho cả giải, chiếm 3%. Còn đội nhận được nhiều nhất là Barcelona với 166 triệu euro (11,7%).

Và đó thực ra đã là kết quả của nhiều năm đấu tranh không ngừng của các đội thấp cổ bé miệng. 5 năm trước thôi, hai “đại bàng” của Liga là Barca và Real chia nhau tới gần 50% tiền bản quyền truyền hình cho cả giải!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận