Truyện ngắn: Charles (Shirley Jackson)

SHIRLEY JACKSON 17/08/2024 06:50 GMT+7

TTCT - Charles là một trong những truyện ngắn kinh điển nổi tiếng nhất của Shirley Jackson, lần đầu tiên được đăng trên tạp chí Mademoiselle năm 1948 và thường được đưa vào chương trình giảng dạy bậc phổ thông trung học ở Mỹ.

Shirley Jackson (1916-1965) là nữ văn sĩ người Mỹ nổi tiếng với những tác phẩm kinh dị và bí ẩn. Bà là tác giả của sáu cuốn tiểu thuyết, hai cuốn hồi ký và hơn 200 truyện ngắn, một số đã được chuyển thể thành phim. 

Truyện ngắn Charles dưới đây là một trong những truyện ngắn kinh điển nổi tiếng nhất của Shirley Jackson, lần đầu tiên được đăng trên tạp chí Mademoiselle năm 1948 và thường được đưa vào chương trình giảng dạy bậc phổ thông trung học ở Mỹ.

Truyện ngắn: Charles (Shirley Jackson)- Ảnh 1.

Ngày thằng Laurie nhà tôi bắt đầu đi mẫu giáo, nó bỏ luôn cái quần yếm bằng vải nhung kẻ và bắt đầu mặc quần jean màu xanh rồi đeo thắt lưng; tôi nhìn nó rời khỏi nhà trong buổi sáng đầu tiên đến trường cùng với con bé lớn tuổi hơn bên nhà hàng xóm, thấy rõ rằng một giai đoạn của cuộc đời tôi đã kết thúc, thằng nhóc giọng nói ngọt ngào ở độ tuổi đi trẻ của tôi đã được thay bằng một nhân vật vênh váo mặc quần dài quên không thèm dừng lại ở góc phố vẫy tay chào từ biệt tôi nữa.

Nó về nhà cũng theo kiểu hệt như vậy, cửa trước mở đến sầm một cái, mũ lưỡi trai vứt luôn trên sàn, và giọng nói đột nhiên biến thành tiếng thét khàn khàn, "Có ai ở nhà không?".

Đến bữa trưa, nó ăn nói xấc láo với bố nó, làm đổ cả sữa của con em gái, và bảo cô giáo của nó nói rằng chúng ta không được dùng danh Chúa một cách bất kính.

"Hôm nay ở trường thế nào?", tôi hỏi, cố làm ra vẻ thản nhiên.

"Cũng được", nó trả lời.

"Con có học được gì không?", bố nó hỏi.

Thằng Laurie lạnh lùng nhìn bố nó. "Con chả học được gì cả", nó nói.

"Không gì cả á", tôi nói. "Không học được gì cả á".

"À mà cô giáo tét đít một bạn", thằng Laurie vừa nói vừa nhìn miếng bánh mì phết bơ của nó. "Vì tội hư", nó nói thêm, mồm ngậm đầy thức ăn.

"Bạn ấy đã làm gì vậy?", tôi hỏi. "Bạn ấy là bạn nào thế?",

thằng Laurie nghĩ ngợi. "Bạn Charles ấy", nó nói. "Bạn ấy hư. Cô giáo tét đít bạn ấy và bắt bạn ấy đứng ở góc lớp. Bạn ấy hư kinh khủng".

"Bạn ấy đã làm gì vậy?", tôi hỏi lại, nhưng thằng Laurie đã tuột ra khỏi ghế, nhón một cái bánh quy rồi bỏ đi, trong khi bố nó vẫn còn nói, "Nhìn đây này, anh bạn trẻ".

Ngày hôm sau, đến bữa trưa thằng Laurie lại bảo, ngay sau khi ngồi xuống ghế, "Chà, hôm nay Charles lại hư tiếp". Nó cười toe toét và nói, "Hôm nay Charles đánh cô giáo đấy".

"Chúa ơi", tôi vừa nói vừa để ý đến danh Chúa. "Chắc bạn ấy lại bị tét đít nữa đúng không?".

"Chắc chắn là bị rồi", thằng Laurie nói. "Nhìn lên đi", nó nói với bố nó.

"Cái gì cơ?", bố nó vừa hỏi vừa nhìn lên trên.

"Nhìn xuống dưới đi", thằng Laurie nói. "Nhìn ngón tay cái của tôi đây này. Đấy, ông đúng là thằng đần". Nó bắt đầu cười điên dại.

"Sao Charles lại đánh cô giáo?", tôi hỏi luôn.

"Vì cô giáo bắt bạn ấy tô màu bằng bút sáp đỏ", thằng Laurie nói. "Charles lại muốn tô màu bằng bút sáp xanh nên bạn ấy đánh cô giáo, còn cô giáo thì tét đít bạn ấy và bảo không ai được chơi với Charles nhưng tất cả các bạn vẫn chơi với bạn ấy".

Ngày thứ ba - tức là thứ tư của tuần đi mẫu giáo đầu tiên - thằng Charles nhảy lên một cái bập bênh va vào đầu một bé gái làm cho đầu nó chảy máu, và cô giáo bắt nó phải ngồi trong lớp suốt cả giờ ra chơi. Thứ năm thì thằng Charles phải đứng ở góc lớp trong giờ kể chuyện vì nó cứ liên tục giậm chân xuống sàn. Thứ sáu thì thằng Charles không được gọi lên bảng nữa vì nó ném phấn.

Hôm thứ bảy, tôi nói với chồng, "Anh có nghĩ trường mẫu giáo rất đáng ngại đối với thằng Laurie không? Tất cả những trò bạo lực rồi thì ăn nói hỗn xược này, và cái thằng nhóc Charles này có vẻ như gây ra ảnh hưởng xấu đấy".

"Rồi sẽ ổn thôi - chồng tôi trấn an - Trên đời kiểu gì chả có đứa như cái thằng Charles. Sớm hay muộn thì cũng gặp phải những đứa như thế thôi".

Hôm thứ hai, thằng Laurie về nhà trễ, mang theo một đống tin tức. "Charles", nó hét lên lúc đi lên dốc; tôi thì đang lo lắng đứng đợi trước bậc thềm nhà. "Charles", thằng Laurie hét lên suốt chặng đường lên dốc, "Charles lại hư rồi".

"Vào nhà ngay đi nào", tôi nói ngay khi nó về đến gần nhà. "Vào rồi còn ăn trưa nữa".

"Mẹ biết Charles đã làm gì không?", nó vừa hỏi vừa đi theo tôi qua cửa. "Charles hét rất to nên ở trường người ta sai một học sinh ở lớp một đến bảo cô giáo là cô phải bắt Charles giữ im lặng, và vì vậy Charles phải ở lại sau giờ học. Thế là tất cả các bạn ở lại để theo dõi bạn ấy".

"Bạn ấy đã làm gì vậy?", tôi hỏi.

"Bạn ấy ngồi đó thôi", thằng Laurie vừa nói vừa trèo lên ghế bên bàn ăn. "Xin chào ông bô, ông bồ lau bụi".

"Hôm nay thằng bé Charles phải ở lại trường sau giờ học - tôi nói với chồng - Tất cả bọn trẻ ở lại cùng với nó".

"Bạn Charles trông như thế nào? - chồng tôi hỏi thằng Laurie - Tên thân mật của bạn ấy là gì?".

"Bạn ấy to hơn con - thằng Laurie nói - Và bạn ấy không đi giày cao su mà cũng chẳng mặc áo khoác nữa".

Tối thứ hai là buổi họp phụ huynh đầu tiên, và chỉ vì con bé con bị cảm nên tôi không đi họp được; tôi tha thiết muốn được gặp mẹ của thằng Charles. Vào thứ ba, thằng Laurie đột nhiên nói, "Hôm nay cô giáo có bạn tới thăm ở trường".

"Mẹ của bạn Charles à?", chồng tôi và tôi đồng thanh hỏi.

"Khồng", thằng Laurie khinh bỉ nói. "Có một ông đến và bắt bọn con tập thể dục, chúng con phải dùng tay chạm vào ngón chân. Nhìn đây này". Nó tụt xuống ghế rồi ngồi xổm và chạm tay vào ngón chân. "Như thế này này", nó nói. Nó trịnh trọng trèo lại lên ghế và vừa cầm lấy cái nĩa vừa nói, "Charles thậm chí còn không tập thể dục".

"Không sao đâu - tôi vui vẻ nói - Charles không muốn tập thể dục à?".

"Khồng - thằng Laurie nói - Charles rất là hư với bạn của cô giáo nên bạn ấy không được tập thể dục".

"Lại hư nữa à?", tôi hỏi.

"Bạn ấy đá bạn của cô giáo - thằng Laurie nói - Bạn của cô giáo bảo Charles chạm tay vào ngón chân giống như con vừa làm ấy và Charles đá chú ấy".

"Con nghĩ người ta sẽ làm gì với bạn Charles?", bố thằng Laurie hỏi nó.

Thằng Laurie nhún vai theo kiểu rất cường điệu. "Con đoán là bạn ấy sẽ bị đuổi ra khỏi trường thôi", nó nói.

Hôm thứ tư và thứ sáu mọi chuyện lại diễn ra như thường lệ; thằng Charles hét lên trong giờ kể chuyện và đánh vào bụng một thằng bé khiến nó khóc toáng lên. Hôm thứ sáu, Charles lại phải ở lại trường sau giờ học và tất cả những đứa khác cũng ở lại theo.

Đến tuần thứ ba con tôi đi mẫu giáo, thằng Charles đã trở thành hình tượng quen thuộc trong gia đình tôi; con bé con trở thành thằng Charles khi nó khóc i ỉ suốt cả chiều; thằng Laurie chơi trò của thằng Charles khi nó trét đầy bùn lên cái xe đồ chơi của nó và kéo đi khắp bếp; thậm chí cả chồng tôi, khi để khuỷu tay vướng vào dây điện thoại và kéo cả cái điện thoại, gạt tàn và một cái bình hoa rơi ra khỏi bàn, ảnh bèn nói, ngay sau phút đầu tiên, "Y như thằng Charles luôn".

Trong tuần thứ ba và thứ tư, dường như thằng Charles có chút cải thiện, thằng Laurie nói bằng giọng chắc nịch trong bữa trưa ngày thứ năm của tuần thứ ba, "Hôm nay Charles ngoan đến nỗi cô giáo cho bạn ấy một quả táo".

"Gì cơ?", tôi nói, còn chồng tôi thì thận trọng đế thêm, "Ý con là bạn Charles ấy à?".

"Đúng bạn Charles đấy - thằng Laurie nói - Bạn ấy phát bút sáp màu cho mọi người rồi sau đó bạn ấy nhặt sách lên, còn cô giáo thì nói rằng bạn ấy là người giúp đỡ cô".

"Chuyện gì đã xảy ra vậy?", tôi ngờ vực hỏi.

"Bạn ấy là người giúp đỡ cô, thế thôi", thằng Laurie nói và nhún vai.

"Chuyện này liệu có đúng thật không, chuyện về thằng Charles ấy? - tôi hỏi chồng tối hôm đó - Liệu một chuyện như thế có thể xảy ra được không nhỉ?".

"Cứ đợi xem sao - chồng tôi nói vẻ giễu cợt - Chừng nào mà người ta còn phải đối phó với thằng Charles thì có nghĩa là nó chỉ đang âm mưu bày ra trò gì đó thôi".

Dường như ảnh đã sai. Trong hơn một tuần, thằng Charles trở thành người giúp đỡ cô giáo; mỗi ngày nó lại phát đồ cho bọn trẻ con và nhặt đồ lên cho chúng nó; không ai phải ở lại trường sau giờ học hết.

"Tuần tới lại có buổi họp phụ huynh rồi - tôi nói với chồng vào một buổi tối - Em sẽ tìm gặp mẹ thằng Charles ở đó xem sao".

"Hỏi cô ấy xem thằng Charles bị làm sao vậy - chồng tôi nói - Anh rất muốn biết".

"Thì chính em cũng rất muốn biết mà", tôi nói.

Hôm thứ sáu của tuần đó, mọi việc lại trở lại như cũ. "Bố mẹ có biết hôm nay bạn Charles làm gì không?", thằng Laurie hỏi lúc ở bên bàn ăn, bằng một giọng hơi có phần kinh hãi. "Bạn ấy bảo một bạn gái nói một từ và bạn kia nói xong, thế là cô giáo phải dùng xà phòng rửa mồm cho bạn kia, còn bạn Charles thì cười".

"Từ gì thế?", bố nó hỏi rất chi là thiếu khôn ngoan, còn thằng Laurie thì nói, "Để con nói thầm vào tai bố, từ ấy ghê lắm". Nó tụt xuống ghế và vòng qua chỗ bố nó. Bố nó cúi đầu xuống, còn thằng Laurie thì nói thầm một cách thích thú. Mắt bố nó mở to ra.

"Có thật bạn Charles bảo bạn gái kia nói từ đó không?", ảnh hỏi vẻ rất kính nể.

"Bạn gái kia nói hai lần liền - thằng Laurie nói - Bạn Charles bảo bạn kia nói hai lần liền".

"Thế rồi Charles bị làm sao?", chồng tôi hỏi.

"Chả sao cả - thằng Laurie nói - Bạn ấy lại đi phát bút sáp màu thôi".

Sáng thứ hai, thằng Charles bỏ con bé kia và tự mình nói cái từ kinh khủng ấy ba bốn lần, và lần nào cũng bị rửa mồm bằng xà phòng. Nó còn ném phấn nữa.

Chồng tôi tiễn ra đến tận cửa lúc tôi đi họp phụ huynh. "Sau buổi họp thì mời cô ấy đến nhà mình uống trà xem sao - ảnh nói - Anh muốn xem cô ấy thế nào".

"Hy vọng cô ấy sẽ đến", tôi nói giọng cầu khấn.

"Cô ấy sẽ đến thôi - chồng tôi nói - Anh không nghĩ người ta có thể họp phụ huynh mà không có mẹ của thằng Charles được".

Tại buổi họp phụ huynh, tôi cứ ngồi bồn chồn, nhìn hết khuôn mặt thoải mái của người đàn bà này đến người đàn bà khác, cố xác định xem khuôn mặt nào che giấu cái bí mật của thằng Charles. Tôi chẳng thấy khuôn mặt nào trong số họ là bơ phờ cả. Chẳng có ai đứng lên giữa cuộc họp và xin lỗi về những hành vi của con trai mình cả. Chả ai nhắc đến Charles cả.

Sau cuộc họp phụ huynh, tôi tìm gặp cô giáo của thằng Laurie. Cô cầm một cái đĩa, trên đó có một tách trà và một miếng bánh sô cô la; tôi thì cầm một cái đĩa có tách trà và một miếng bánh kẹo dẻo. Chúng tôi cẩn trọng tiến lại gần nhau và mỉm cười.

"Chị rất nóng lòng muốn gặp em - tôi nói - Chị là mẹ của Laurie".

"Tất cả bọn em đều rất quan tâm đến Laurie đấy", cô nói.

"À, hiển nhiên nó rất thích trường mẫu giáo - tôi nói - Nó nói về trường suốt".

"Bọn em cũng gặp một chút khó khăn trong việc thích nghi, trong khoảng một tuần đầu - cô nói với vẻ rất nghiêm túc - Nhưng giờ thì con là một cậu bé biết giúp đỡ rất tuyệt vời. Tất nhiên, thỉnh thoảng vẫn có sai sót".

"Laurie thường thích nghi rất nhanh - tôi nói - Chị nghĩ lần này là do ảnh hưởng của bạn Charles đấy".

"Charles ư?".

"Ừ - tôi vừa cười vừa nói - Bọn em ở trường mẫu giáo này chắc hẳn phải bận rộn lắm với bạn Charles nhỉ".

"Charles ư? - cô nói - Ở trường mẫu giáo này không có bạn nào tên là Charles cả".

Nguyễn Nguyên Phước

(dịch từ nguyên tác tiếng Anh)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận