TTCT - Năm ấy tôi thất tình, đau đớn lắm. Quả thực không gì đau đớn bằng cảm giác thất tình, một nỗi đau rõ rệt chả kém gì đau răng hay là đau như bị một cái nhiệt ở đầu lưỡi, đau muốn rồ... Sáng dắt xe đến cơ quan mà chỉ muốn quay xe đi quách, ra chỗ nào có sông sâu núi cao mà phi vèo xuống hay phóng vù lên cho ngút ngát hết đau thương điên loạn nơi trái tim ngầu bọt máu! Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần Thế rồi tôi nghe loáng thoáng một giọng trách móc của anh người (tôi) yêu, anh ai oán nói về một nỗi hiểu lầm nào đó... Lập tức cái đầu tinh như ranh của trái tim thất tình ngầu bọt máu phăng phăng ngay ra sự, có thể dịch nó như sau: anh với em đã chia tay rồi, anh rất thẳng thắn nói với em vì sao rồi nhé. Anh không thể sống thiếu cô ấy được, đừng làm phiền anh với cái bộ dạng đau thương đó nữa, hu hu. Đừng để anh phải lấn bấn với em mà rồi cô ấy hiểu nhầm, thì cô ấy đã hiểu nhầm rồi đấy, nhẽ ra cô ấy có thể vào (SG) với anh nhưng mà rồi cô ấy không vào... anh phát điên lên được! Cô ấy đau khổ... mà cô ấy đau khổ là anh đau khổ, ôi cả ba chúng ta đều đau khổ, để làm chi? Chẳng thà... Cũng lập tức mũi xe của tôi liền định hướng ngay ra ga xe lửa - cả một đoạn dịch nghĩa dài dằng dặc trên đây rút lại chỉ một tiếng “A ha! Tìm ra rồi!”. Còn gì gói ghém trái tim tan nát vì thất tình khả dĩ hơn một chuyến đi xa, trên một con tàu khẩn trương hết cỡ mà vẫn chậm rì rì... là chuyến tàu Bắc - Nam năm một ngàn chín trăm tám mấy (nhân thể nhận xét rằng một con tàu dù đứng ỳ ra cũng luôn luôn mang vẻ khẩn trương, có lẽ bởi nó luôn (bị) định hướng rõ ràng, không khi nào vu vơ được). Hiếm có truyện làm người đọc vừa suýt rơi lệ đã muốn khúc khích cười, nhất là khi ngó tên tác giả lại là “người lạ chưa quen”. Và ngạc nhiên khi người viết giữ được lối viết ngồ ngộ này đến truyện thứ ba trên Tuổi Trẻ (sau hai truyện đầu tay rất ngắn là Xoa và Thái trên mục truyện ngắn 1.200 chữ Tuổi Trẻ ngày 27-12-2009). Chao ơi là oái ăm sự đời. Cứ hồn nhiên cồng cộc, xình xịch hỉ nộ ái ố, như con tàu chợ mải miết trên đường ray của trò chơi con tạo. Không dụng ý làm văn, tác giả chỉ cầm chắc góc nhìn chẳng giống ai, mặc lòng tuôn chảy một suối nguồn chữ nghĩa riêng, vừa hồn hậu dân dã (làm như ai muốn cũng viết được) vừa lịch lãm, trào phúng có thừa. Tác giả chứng tỏ là người ham đọc, biết “cắn vỡ chữ”, lại có máu phiêu lưu, cứ như “Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng”... Trong vài cách trang trải nợ đời, Tăng Song Nam chọn cách viết ngắn. Giọng hài nhẹ thênh. Như thể cười giễu khơi khơi với nữ kiến trúc sư tuổi ngũ thập này là cách tốt nhất để vui vẻ giã từ quá khứ. Tàu chợ dù man rợ, lâu lắc cũng cứ là chuyển động. Còn hơn trạng thái thất tình “đóng băng”. Vậy người đọc còn chần chờ gì nữa mà không mau lên chuyến tàu “rã đông” đặc hiệu này để hưởng thú phiêu lưu! Tôi không khó khăn gì lắm trong việc mua vé tàu, gửi xe, nhắn nhe cho nhà và cơ quan về chuyến công tác đột xuất, cũng là chuyến giải quyết chuyện gia đình cũng đột xuất này! Còn nhớ Lâm Ngữ Đường đã có một thán văn tụng về cái sự di chuyển dễ dãi trong phim, nhân vật chính chả bao giờ phải chạy đôn đáo lấy visa, chả bao giờ phải xếp hàng mua vé hay chen lấn tìm chỗ ngồi, tàu hỏa hoặc máy bay không bao giờ bị hoãn... Tóm lại là việc đi lại tàu xe trên phim bao giờ cũng dễ như bỡn, xách vali và hôn đắm đuối người yêu, hoặc dõi mắt rưng rưng nhìn chàng (hay nàng) mờ dần trên sân ga... là đã xong việc ra Hà Nội hoặc đến London, Paris rồi... Khi đã yên vị trong một xó tàu, việc đầu tiên là tôi nghiền ngẫm thông điệp nhận được từ câu oán thán nọ. Tôi vạch ra tuần tự công việc phải làm: tôi sẽ đi công tác, vì anh nhờ nên tôi ghé nhà cô ấy chuyển một món quà, vui vẻ kể về quan hệ công tác vô cùng vô tư lự, tình cờ nói với cô ấy về ông xã mình..., một kế hoạch rồ dại nhưng vô cùng nhỏ mọn của cái gọi là nhi nữ thường tình! Tạm thời dàn ý là như vậy và tôi trông mong vào 36 giờ tàu chạy để bổ sung các chi tiết thực hiện, nỗi đau đớn chắc sẽ cô đọng lại, không vùng vằng dữ dội đến méo xệch con người tôi vốn khoan thai điềm đạm bấy nay. Trong tiếng cồng cộc, cồng cộc đều đều của tàu hỏa, tôi buông mình vào nỗi đớn đau, có phần hơi thoải mái! Toa tàu chợ nhôm nhoem ồn ã, những vai áo bạc phếch, những ngón chân trần xì ngọ nguậy, những khuôn mặt dửng dưng với người, chỉ âu yếm với hàng... đỡ cho tôi không cần che giấu cái hiện trạng xộc xệch của vẻ ngoài khối thất tình. Tôi ôm cái túi dết lép kẹp, ngồi bệt xuống sàn toa tàu chợ ghế ngồi bố trí như ghế đá dọc bờ sông, tức là dọc theo chiều đi của toa, trên ghế là các bao tải, no tròn oằn oại chồng lên nhau đến tận trần. Khoảng trống ở giữa toa được sử dụng tận tình đến từng milimet, người và gà vịt, rau củ, thuốc lá thuốc lào xếp khít khịt. Tôi lọt được vào góc toa, tựa vách cabin vệ sinh, cạnh một người ngồi co hai chân lên một cái võng mắc rất tài tình, nó là là sát sàn nhưng không tốn chỗ nào trên sàn và chỉ đủ cho người trên võng giống như ngồi bó gối lơ lửng khỏi sàn tàu. Tàu chạy dần vào chiều, hàng cột đèn ngả rạp đã “rơm rớm điện”, tôi ngồi ngó mông ra cửa sổ, trong toa tối rất nhanh dù có một ngọn đèn đỏ quạch. Yên tâm chả ai ngó ngàng đến, tôi bình tĩnh khóc nốt dòng dư lệ, thầm vĩnh biệt người yêu lần thứ mấy trăm, trả nốt món nợ này tôi hi vọng sẽ lưu được một tình cảm đẹp cho anh, như các chị Thanh Tâm báo phụ nữ vẫn dạy thế... Khi nước mắt đã lạnh khô trên má, tôi bắt đầu nghe thấy tiếng người xung quanh, một đám đánh bài ở giữa toa quật đen đét, tiếng chửi tục liên tùng tục, tiếng cười the thé của đám chầu rìa... chen lấn với tiếng trao qua đổi lại như hét của quân buôn chuyến, mà thực ra toa này toàn quân buôn chuyến, họ nằm ngồi ngả ngớn vào nhau như người nhà, rải rác dọc toa song rõ ràng họ gắn kết với nhau liền một khối. Ngay cả cái người bó gối lửng lơ trên võng nãy giờ dường như ngủ, nón vải chụp kín mặt cũng liền lạc với toàn toa thành một khối, để tôi trật khấc như con chẫu chuộc nép dưới chân đống rơm xùm xòa. Đáng lẽ tôi phải thấy sợ, nỗi sợ hết sức có lý xét trên tình hình thân gái dặm trường trong thời buổi nhiễu nhương này. Nhưng rõ ràng cơn đau tình ái có tác dụng như một thứ thuốc tê tạm thời ngăn các cảm giác sợ, ngại... khiến tôi ngồi thu lu trong một toa tàu chợ, dửng dưng với sự hỗn độn xung quanh tận đến lúc mơ hồ cảm nhận được tính toàn khối của sự hỗn độn nọ mang đầy vẻ đàn áp. Lúc ấy, chua xót với những tưởng tượng về cô ấy của anh, tôi bắt đầu thấy dạ dày cồn cào, trong túi tôi có một quả bưởi, một quả bưởi bé tí teo. Tôi bóc tách những múi bưởi mọng, đùm vào khăn mùi soa (chiếc khăn của anh ngày nào ôn tồn nhét vào túi áo tôi. Anh vẫn thường nghiêng ngó xem khăn mùi soa, bút bi, kẹp ống quần - xe đạp tôi đi thường xuyên nghiến ống quần... có còn loanh quanh trong túi xách, túi áo, túi quần tôi không, nếu không thì anh bổ sung kèm theo một cái lắc đầu ngao ngán!) và vừa đăm đăm ngắm cái khăn mùi soa vừa cố kìm tiếng nức nở trong cổ, tôi ngon lành nuốt miếng bưởi chua chua ngọt ngọt thanh mát như nước cam lồ. Bất thần một bàn tay túm lấy cả khăn cả bưởi nhấc lên, tôi há hốc mồm nhìn theo bữa ăn tối của mình. Kẻ cướp là một thằng choai choai đang bước lom khom qua mấy cái võng, nó nhìn giả tôi, trừng trừng nhưng không có vẻ gì dữ tợn. Nó quăng mấy múi bưởi vào lòng một bà già già, bà này cười hềnh hệch bảo thằng nọ: trả người ta cái khăn mày! Và cái khăn bay chấp chới qua cánh võng, rơi xuống anh chàng đang bó gối lơ lửng ngồi. Chính thời điểm này, thời điểm anh ngồi võng từ tốn lật cái nón ra và nhón lấy cái khăn của tôi giơ lên... Tôi điếng người nhận thấy mình là con chẫu chuộc dưới chân đống rơm xùm xòe. Chết nỗi cái đống rơm ấy lại đang nằm trên con tàu hùng hục lao về phía trước, thành ra chẫu chuộc có chạy đằng giời trừ phi tung mình qua cửa sổ. Chắc cái mặt tôi nó méo ghê lắm nên anh nọ thả cái khăn xuống, cái khăn đáp nhẹ nhàng lên tay tôi. Vẫn nguyên tư thế bó gối, anh ta níu võng ghé sát thiếu điều đụng mũi vào mặt tôi, nói thì thào: về quê à, em gái... Tôi nín thở, không dám tránh mặt đi, mắt anh ta gần như toàn lòng trắng, sáng lóng lánh trên khuôn mặt mỏng ráng, xanh lướt không có tí máu nào... Hỏi xong anh ta cũng không buồn nghe tôi có trả lời hay không, trừng trừng nhìn cái túi dết lép kẹp của tôi và ngáp đến sái quai hàm... Đột nhiên gần như toàn toa rùng rùng đứng dậy, họ nhoài hết ra cửa sổ hò hét gì đó rồi bắt đầu lẳng những bao tải no tròn trên băng ghế xuống. Người trong loa chuyền nhau cả số bao tải chất giữa toa, ném bình bịch xuống đất trong khi tàu vẫn không hề đổi tốc độ. Tôi loáng thoáng thấy một vài mái gianh lướt như tên bắn ngoài cửa sổ, có lẽ là một ga xép nào đó... Anh thanh niên ngồi võng thậm chí không thèm đổi tư thế, vẫn bó gối thu lu trên võng, dõi mắt theo mấy bao tải. Thình lình anh ta hét: thế thôi! Hai người đang bốc hàng lập tức dừng lại, quay sang đống bao khác. Gần như toàn bộ những bao tải có hình thù no tròn như nhau - chắc là chứa cùng một thứ - đã bay xuống, mọi người xí xào râm ran một hồi rồi ai lại vào chỗ nấy, tàu lao sâu vào đêm tối và vào nỗi hoang mang ngơ ngẩn của tôi. Người trên võng lim dim mắt quay sang tôi, trong đêm khuôn mặt trắng xanh của anh ta mỏng như mảnh trăng hạ huyền. Anh ta lại hỏi: em gái về quê à? Tôi ngắc ngứ: à tôi, à em (!) đi công tác ạ. Anh ta cười cười: sao lại phải đi tàu chợ? Thì chỉ có tiêu chuẩn đi tàu chợ! Em (anh ta cứ em thản nhiên) trông không giống đi công tác nhỉ, sao lại khóc, thất tình à? Khóc bao giờ? Lúc nãy, chúng anh là dân trinh sát mà, chả nhìn cũng biết... Ôi, anh là bộ đội xuất ngũ à? Xuất ngũ! Từ trại ra thẳng lên tàu chợ, buôn chuyến thôi, chứ còn biết làm gì... Anh ta chắp tay sau gáy, cái võng xoay qua xoay lại theo chiều đứng trông rất kỳ quặc. Sao anh không giăng võng như người ta mà nằm cho thẳng lưng? Thì anh dành chỗ cho em duỗi chân chứ, anh ta cười một góc miệng. Quê em ở đâu? Giọng thì nghe ra người Bắc nhỉ... Tôi nhận thấy khi anh ta bắt chuyện với tôi thì có vẻ như con chẫu chuộc đã yên tâm dựa lưng vào đống rơm, dù vẫn là con chẫu chuộc. Tôi cuộn cái khăn mùi soa nhét vào túi dết, đói thắt bụng, chả còn muốn suy tính gì cho vở diễn ngày mai nữa. Thôi kệ, ra đến HN hẵng hay... Thằng bé lúc nãy lại luồn lách qua đám cẳng chân, cánh tay thõng thượt, nó đến bên anh bảo: ngủ chưa đại ca? Ngủ thôi. Thằng bé liền choàng tay ôm cả anh ta và hai đầu gối thu lu sát cằm nhấc lên, nguyên tư thế như vậy đặt anh ta nằm nghiêng trên ghế. Nó đẩy hai cái bao tải chặn đầu chặn đuôi rồi cười hì hì: đại ca ngủ đi. Anh ta xoay xoay thu xếp cho hai chân tựa vào vách tàu, nháy mắt với tôi, nói mấp máy: ngủ tí đi, em! Thằng bé leo lên võng nằm duỗi chân khoan khoái, bất chấp mấy cái võng khác càu nhàu cáu kỉnh, bất chấp tôi ớ người, nó thõng cổ xuống bảo tôi: bưởi ngon nhể! Ra cái chữ “trại” lúc nãy anh ta nói là trại thương binh, tôi biết thế. Còn gì khinh bỉ một trái tim tan nát vì thất tình khả dĩ hơn một toa tàu chợ! Tags: Tàu chợNguyễn Thị Minh Thái
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Thủ tướng: Phải nhân lên những concert như Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai THIÊN ĐIỂU 18/12/2024 Khi chỉ đạo ngành văn hóa cần xây dựng cách làm hay, mô hình tốt, tạo phong trào, xu thế phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính lấy ví dụ hai concert Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai hay đội bóng chuyền nữ quốc gia để nhân rộng thêm.
Xây dựng Đảng vững mạnh, lựa chọn cán bộ đủ tầm để phát triển TP.HCM trong kỷ nguyên mới CẨM NƯƠNG 18/12/2024 Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải đề nghị tiếp tục đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng Đảng vững mạnh.
Đại cử tri đoàn chính thức bầu ông Trump làm tổng thống Mỹ: Không có sự 'phản bội' nào TRẦN PHƯƠNG 18/12/2024 Cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn Mỹ khớp với kết quả truyền thông đưa tin sau cuộc bầu cử tháng 11, qua đó chính thức bầu ông Trump là tổng thống tiếp theo.
Đàm Vĩnh Hưng đổi luật sư, vụ kiện chồng của ca sĩ Bích Tuyền được phục hồi? HOÀI PHƯƠNG 18/12/2024 Bầu sô Dũng Taylor - chồng ca sĩ Thu Phương - vừa thông tin diễn biến mới nhất vụ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng kiện ông Gerard Williams, chồng ca sĩ Bích Tuyền.