TS Jenna R. Jambeck: Hành động nhỏ, thay đổi lớn

QUỲNH TRUNG 22/09/2017 01:09 GMT+7

TTCT - "Giới trẻ cần hiểu rõ giá trị của thiên nhiên và môi trường sống xung quanh mình bởi vì khi môi trường lành mạnh thì mỗi cá nhân, gia đình sẽ mạnh khỏe."

TS Jenna Jambeck
TS Jenna Jambeck

Do đặc điểm bền, đẹp, nhẹ và rẻ, nhựa đã trở thành nhiên liệu chế biến đồ dùng phổ biến nhất thế giới.

Một nhóm các nhà khoa học Mỹ đã xuất bản một công trình nghiên cứu về nhựa, trong đó đưa ra các con số giật mình như: kể từ năm 1950 cho đến nay loài người đã tạo ra 8,3 tỉ tấn nhựa, trong đó 6,3 tỉ tấn đã trở thành rác thải. Ngoài ra, 8 triệu tấn chất thải nhựa đã được vứt xuống biển.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rác thải nhựa gây ra các tai hại khôn lường như gây ô nhiễm nguồn sinh vật biển, len lỏi vào chuỗi thức ăn trong tự nhiên.

TTCT đã có cuộc trò chuyện riêng với TS Jenna Jambeck, thành viên nhóm nghiên cứu và chuyên gia về các vấn đề quản lý rác thải toàn cầu và ô nhiễm từ nhựa.

Có thể nói nhựa đã “du hành” khắp hành tinh, chúng ta phải thích nghi với “hành tinh nhựa” như thế nào?

- Số lượng nhựa sản xuất không có dấu hiệu giảm. Trong số 8,3 tỉ tấn nhựa trên, một nửa được sản xuất trong vòng 13 năm qua.

Hầu hết các loại nhựa không phân hủy sinh học, do đó chất thải nhựa mà con người đã tạo ra sẽ ở với chúng ta trong hàng trăm năm hoặc thậm chí hàng ngàn năm.

Có những người còn sống hiện nay còn nhớ một thành phố không có đồ dùng nhựa nhưng bây giờ nhựa đã có mặt khắp nơi đến nỗi mà giờ đi đâu cũng thấy rác nhựa, trong đó có trên biển.

Ở VN, tôi được biết kinh tế tăng trưởng mỗi năm hơn 6% và dân số cũng đang tăng lên, kéo theo số lượng chất thải tăng nhanh.

Do vậy, nếu nhận thức được vấn đề này sẽ mang lại nhiều lợi ích. Tôi nghĩ giải pháp chủ yếu vẫn là tăng cường nhận thức của người dân.

Ví dụ, ở Philippines, họ có nhiều chương trình nâng cao nhận thức của người dân trên truyền hình chẳng hạn như chương trình truyền hình buổi sáng.

Tôi không biết ở VN như thế nào nhưng tôi tin rằng truyền thông sẽ giúp người dân có nhận thức tốt hơn. Còn về chất thải nhựa trên đại dương, ở Mỹ chúng tôi có nhiều chương trình đối thoại với người dân sống ven biển để góp phần nâng cao nhận thức của họ.

Các trường đại học và các tổ chức phi chính phủ nói chuyện trực tiếp với ngư dân, hướng dẫn cho họ về cách bảo vệ môi trường và khai thác hải sản bền vững.

Ở các khu du lịch ven biển hay những hòn đảo du lịch, chúng ta cần phải bảo đảm có thùng rác và các trang thiết bị xử lý rác.

 

 Còn vai trò, trách nhiệm của các nhà sản xuất các đồ dùng sử dụng nguyên liệu từ nhựa, thưa bà?

- Tôi nghĩ để giải quyết vấn đề rác thải nhựa phải có sự tham gia của ba bên, bao gồm: chính quyền, các nhà sản xuất và người dân (dân địa phương, ngư dân và khách du lịch).

Các nhà sản xuất phải có trách nhiệm trong việc xử lý rác. Như Coca-Cola đặt máy bán nước tự động có gắn thêm khe tái chế chai nhựa ở các nước như Singapore và Nhật Bản, nhằm khuyến khích người dân bảo vệ môi trường.

Ở một số quốc gia, họ có chính sách yêu cầu doanh nghiệp phải có nghĩa vụ cung cấp nguồn lực để bảo vệ môi trường bởi vì trong nhiều trường hợp, chúng tôi thấy chính quyền muốn cung cấp các nguồn lực xử lý rác thải nhựa, trong đó có chất thải nhựa, nhưng chính quyền không đủ tiền.

Người dân phải được nâng cao nhận thức hơn, chính quyền sẽ phải triển khai nhiều dự án hạ tầng hơn, những nền công nghiệp sản xuất ra hàng tiêu dùng sao cho phù hợp với môi trường.

Ở một khía cạnh nào đó, nhiều người cho rằng nếu lo ngại về môi trường thì chúng ta không có sự tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, tôi nghĩ nếu đầu tư vào những điều có lợi cho môi trường chẳng hạn như các mô hình kinh doanh sáng tạo, đó sẽ là sự đầu tư tốt.

Chẳng hạn, Công ty máy tính Dell của Mỹ thu rác thải nhựa từ các bãi biển, kênh rạch và những khu vực duyên hải, và tái chế các loại nhựa này. Sau đó, Dell dùng nhựa tái chế như một nguyên liệu để sản xuất laptop xuất đi toàn cầu.

Bà có những công trình nghiên cứu về xử lý chất thải được ghi nhận, nhưng ở nhà, đâu là những bài học mà bà dạy cho con mình về bảo vệ môi trường?

- Tôi áp dụng nhiều cách dạy hai con trai, trong đó dạy chúng phải hiểu rõ giá trị của môi trường sống xung quanh, tài nguyên biển cả, những bãi biển sạch đẹp.

Và cách thứ hai là làm tấm gương tốt cho chúng. Bạn biết đấy trẻ con thấy người lớn làm gì sẽ bắt chước làm theo.

Chúng ta phải dạy chúng thói quen phân loại rác, yêu quý môi trường xung quanh ngay từ bé. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi con trai tôi mới 2 tuổi nhưng đã có ý thức nhặt rác và bỏ vào thùng rác.

Ngoài ra, ở Mỹ, nhiều trường đưa vào chương trình học các tiết dạy như tái chế và xử lý rác thải. Học sinh sẽ được giáo viên giảng kỹ về vấn đề này, các em sẽ mang những bài học này và dạy lại cha mẹ chúng.

Bà nhấn mạnh thông điệp “hành động cá nhân có thể tạo sự thay đổi” với các bạn trẻ trong buổi thuyết trình mới đây ở Đại sứ quán Mỹ. Những hành động cá nhân ở đây là gì?

- Tôi nghĩ vấn đề là sử dụng nhựa một cách thông minh, ví dụ như sử dụng những “vật dụng không sử dụng một lần” như túi giấy, bình nước, ống hút bằng inox, muỗng đĩa.

TS Jenna Jambeck luôn mang theo mình ống hút và bình nước uống bằng thép không gỉ để tạo thói quen không sử dụng các vật liệu bằng nhựa. -Ảnh: NVCC
TS Jenna Jambeck luôn mang theo mình ống hút và bình nước uống bằng thép không gỉ để tạo thói quen không sử dụng các vật liệu bằng nhựa. -Ảnh: NVCC

 Cá nhân tôi luôn mang bên mình ống hút và bình nước uống làm bằng thép không gỉ mọi lúc mọi nơi. Các loại vật dụng này ngày càng phổ biến ở Mỹ.

Chúng tôi có những chiến dịch ủng hộ sử dụng các vật dụng này thay vì các đồ nhựa trên mạng xã hội. Các tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Mỹ cũng phát động các chiến dịch nâng cao nhận thức trong người dân về việc sử dụng các vật dụng làm bằng nhựa.

Các ngôi sao điện ảnh cũng góp phần tăng cường nhận thức cho người dân bằng cách sử dụng các túi giấy, ống hút, ly cà phê, bình nước... không làm từ vật liệu nhựa.

Hãy bắt đầu bằng những điều nhỏ, sự thay đổi thói quen sẽ đến một cách dễ dàng và sẽ tạo ra sự thay đổi lớn.

Được biết năm 2014, bà vượt Đại Tây Dương cùng 13 phụ nữ khác trong chương trình eXXpedition để lấy mẫu nhựa đại dương và đất cho công trình nghiên cứu về chất thải nhựa và chất độc do nhựa gây ra. Bà muốn chia sẻ với giới trẻ VN như thế nào về tầm quan trọng của đại dương?

- Biển cả đóng vai trò tối quan trọng với chúng ta ngay cả khi chúng ta không sống gần biển. Tôi sống ở trong đất liền và xa biển, nhưng tôi biết biển giúp điều hòa khí hậu, tạo oxy cho chúng ta thở.

Tôi nghĩ, giới trẻ cần hiểu rõ giá trị của thiên nhiên và môi trường sống xung quanh mình bởi vì khi môi trường lành mạnh thì mỗi cá nhân, gia đình sẽ mạnh khỏe.

Trong chuyến thăm VN lần này, tôi có thăm các trường đại học của các bạn. Tôi hi vọng các bên sẽ có những dự án nghiên cứu cùng nhau. Ngoài ra, Mỹ cũng tạo nhiều cơ hội cho sinh viên VN sang Mỹ du học thông qua các học bổng như Fulbirght.

Xin cảm ơn bà!

Ứng dụng theo dõi rác thải biển

TS Jenna Jambeck là phó giáo sư Trường đại học Cơ khí, thuộc Đại học Georgia (University of Georgia - UGA). Bà đã thực hiện các công trình nghiên cứu về các vấn đề của chất thải rắn trong suốt 20 năm qua cùng các dự án về rác thải biển liên quan kể từ năm 2001.

Công trình của bà về xả thải chất thải nhựa xuống đại dương đã được cộng đồng thế giới công nhận rộng rãi và trở thành vấn đề thảo luận chính sách tại Ủy ban Đại dương toàn cầu, làm chứng cứ tại Quốc hội Mỹ, hội nghị G7, G20 và chương trình môi trường của Liên Hiệp Quốc.

Bà còn là nhà đồng phát triển ứng dụng Theo dõi rác thải biển (Marine Debris Tracker). Ứng dụng này cung cấp vị trí của hơn 1 triệu loại rác thải biển và rơm rạ được vứt ra môi trường trên toàn thế giới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận