TTCT - Được xưng tụng là “thủy tổ - nhà lãnh đạo tối cao của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản”, “một trong 12 người lập ra nước Nhật”, “nhà lãnh đạo cao quý và vị tha”, Shibusawa Eiichi chính là nhân vật đã đặt nền móng cho sự khuếch trương kinh tế thời Minh Trị, kết hợp một cách nhuần nhuyễn luân lý đạo đức vào hoạt động kinh doanh ở Nhật Bản, và là nguồn cảm hứng cho những thế hệ doanh nhân Nhật Bản ngày nay. Hình ảnh ông Shibusawa Eiichi sẽ được đưa vào tờ tiền 10.000 yên của Nhật. Ông sinh ra vào thời tao loạn, là con trai trưởng trong một gia đình sản xuất tơ tằm và thuốc nhuộm từ cây chàm, sau này trở thành gia thần của gia tộc Hitotsubashi. Có được cơ hội tham dự hội chợ quốc tế Paris năm 1867, lại được phục vụ cho phiên bang Shizuokia và chính quyền mới, dần dần Shibusawa Eiichi đã tạo dựng được một chỗ đứng cho mình, trở thành lãnh đạo của giới doanh nghiệp thời kỳ Minh Trị, chủ động phát triển các cơ chế của một nền kinh tế mở. Nhưng theo Tsuchiya Takao - một nhà kinh tế học chuyên nghiên cứu về Shibusawa Eiichi, nếu so sánh với những người sáng lập những công ty hàng đầu Nhật Bản như Iwasaki Yatarō của Mitsubishi, Matsushita Kōnosuke của Panasonic, Morita Akio của Sony, Honda Sōichirō của Honda Motor, Shibusawa lại ít được biết tới. Đâu là lý do khiến Shibusawa Eiichi ít được biết tới ở nước ngoài, dù ở Nhật Bản có hàng loạt tượng đồng của ông được dựng lên để vinh danh? Vai trò và thành tựu mà Shibusawa để lại cho Nhật Bản thời Minh Trị cũng như giới doanh nhân Nhật Bản ngày nay là gì? Ảnh: T.P. Lật đổ lối suy nghĩ “coi trọng quyền lực và đánh giá thấp dân chúng” Xuất thân từ một đứa trẻ con nhà nông, lên đến tầng lớp samurai, sau trở thành một quan chức kinh tế trong chính phủ Minh Trị, thay vì cố gắng bám trụ trong chính giới, nơi cơ hội thăng tiến của ông vô cùng xán lạn, ông đã lựa chọn dấn thân vào con đường thực nghiệp, con đường vẫn bị đánh giá là thấp hèn trong xã hội Nhật Bản. Ông bỏ ngoài tai mọi lời ngăn cản của bạn bè, đồng nghiệp, gia đình, đưa ra một quyết định điên rồ: từ bỏ quan trường. Trong cuốn sách Luận ngữ và bàn tính, ông giải thích lý do ông từ chức ở chính quyền là vì bất đồng quan điểm trong chính giới, do ông nhận thấy thực nghiệp mới là thứ cần thiết nhất cho Nhật Bản thời kỳ đó. Và với tinh thần cầu thị, đam mê tiếp thu kiến thức hiện đại, ông muốn thử sức thi thố tài năng trong môi trường kinh doanh, chủ động khai phá một con đường mới. Có thể nói ông là một số ít người thời đó dám từ bỏ ngôi cao chức trọng để lao vào con đường thực nghiệp vốn bị coi rẻ trong xã hội. Sau một thời gian rời bỏ chính giới, Shibusawa thành lập đủ loại hình công ty tư nhân, cho họ vay tiền, hướng dẫn họ khởi nghiệp. Nhiều công ty Shibusawa thành lập hồi đầu, sau này trở thành những công ty có vai trò quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa của Nhật Bản. Shibusawa được xem như người điều phối cho giới tài chính của khu vực tư nhân thời kỳ đó. Số lượng các công ty mà Shibusawa có liên quan lên đến vài trăm công ty khác nhau, trong đó có 178 công ty là những nơi ông có liên quan trực tiếp, nắm những chức vụ khác nhau. Có tới 22 công ty ông giữ chức vụ như tổng giám đốc, chủ tịch, chủ tịch ngân hàng; 12 công ty ông giữ chức vụ giám đốc. Với các công ty khác, ông tham gia qua nhiều vai trò khác nhau: cố vấn, kiểm soát, tư vấn, nhà đầu tư... Những công ty ông từng tham gia hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công ty vận tải đường bộ, công ty đối ngoại, ngân hàng, thương mại và công nghiệp, đến khai khoáng, gốm sứ, hóa chất, điện lực, bảo hiểm, vận tải đường biển. Đó là bởi ông luôn sử dụng số tiền lời từ cổ phiếu của các công ty mà ông tham gia gầy dựng để tiếp tục thành lập những công ty khác, trong những lĩnh vực mới mẻ. Ông còn nghiên cứu cách thức kết hợp nhiều kỹ thuật đầu tư khác nhau. Để đạt đến thành tựu ấy, Shibusawa tự xây dựng một cơ chế làm việc linh hoạt. Ông có một văn phòng đa năng, là nơi giám đốc quản lý điều hành cấp cao của các công ty khác nhau có thể đến báo cáo, nơi ấy cũng có thể tổ chức các buổi gặp mặt, họp hành. Lịch làm việc của ông được tính bằng từng phút và khớp lịch chuẩn xác đến từng phút do phải gặp gỡ nhiều người, giải quyết muôn vàn vấn đề. Ông chủ động hợp tác với nhiều người đủ mọi thành phần, những người dám chấp nhận rủi ro và hăng hái đầu tư vào những lĩnh vực mới, những người có chuyên môn về quản trị hoặc những người thân thiết, dần dần cất nhắc họ, đề bạt họ thành người quản lý, thậm chí giám đốc công ty. Shibusawa quan tâm và chú trọng đến các thành phần tạo nên quốc gia Nhật Bản nhằm khuyến khích những người có kỹ năng giỏi tham gia nền công nghiệp, bằng cách hỗ trợ nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo. Ông cực kỳ chú tâm đến giáo dục thực hành, do đó ông tập trung đầu tư vào nhiều trường đại học thương mại, và luôn đặt kỳ vọng ở một tầng lớp doanh nhân ưu tú. “Tất cả các bạn đây, sau khi đã miệt mài học tập bằng tất cả năng lực của mình, cần phải chứng minh sự cần thiết của việc học hỏi và phải cho mọi người thấy rằng người ta không thể làm ra lợi lộc trừ phi người ta là một người có học” - ông phát biểu trong một buổi lễ tốt nghiệp của sinh viên. Là một người luôn đề cao tính thực hành, ông luôn ủng hộ các trường thương mại tư nhân, vì vậy ông tham gia hoạt động của rất nhiều trường khác nhau, với đủ vai trò, từ thành viên sáng lập, cố vấn danh dự, tới giảng dạy các buổi chuyên đề, thuyết trình... Tranh vẽ trong Bộ lịch sử thực nghiệp. Ảnh: tư liệu Tầm nhìn của Shibusawa về một xã hội Nhật Bản Vào thời điểm Nhật Bản phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và xáo trộn xã hội trong công cuộc cải tổ, ông đã chủ động, can đảm dấn thân. Cả cuộc đời mình, Shibusawa luôn cố gắng giải thích cho công chúng về những chất vấn đạo đức như đúng - sai, thế nào là công bằng, niềm tin, là danh dự, đôi khi với giọng hài hước, đôi khi trong sự nổi giận với xã hội. Ông luôn coi trọng đến các khóa học liên quan đến nhân cách và giáo dục tinh thần cho tầng lớp công nhân. Ông cũng quan tâm đến các vấn đề của người tàn tật, khi xã hội xem họ như một gánh nặng, ông lại giương cao quan điểm cần quan tâm hơn đến họ, đảm bảo sự bình đẳng của họ với mọi người. Tất cả cho thấy quan điểm xuyên suốt của Shibusawa Eiichi về mong ước có được sự kết hợp, hòa hợp hoàn hảo giữa các giá trị vật chất và đạo đức tinh thần. Bức tranh trong bộ tranh tường giải những công việc thường ngày của người dân do Utagawa Kuniteru vẽ (1808 - 1876), nằm trong kho dữ liệu tranh về lịch sử thực nghiệp của Nhật Bản. Cả cuộc đời ông là hành trình đi xây dựng một xã hội mà ở đó Luận ngữ và bàn tính (Luận ngữ là cuốn sách nền tảng về đạo đức luân lý của phương Đông mà người người đều phải noi theo và bàn tính tượng trưng cho công việc làm giàu, buôn bán, thương nghiệp) có sự kết hợp hài hòa, tuy hai mà là một. Hai bức tranh trong bộ Đại Nhật Bản sản vật đồ hội của Utagawa Hiroshige. Ảnh tư liệu Cũng có ý kiến cho rằng Luận ngữ mà Shibusawa theo đuổi đi sâu vào chủ nghĩa bình đẳng theo chiều dọc, tức là người nào người nấy giữ nguyên chức phận được trao, ai cũng nên cảm thấy thỏa mãn và hài lòng với những gì đang có, không nên đứng núi này trông núi nọ. Ngày nay ở nhiều công sở hay công ty tư nhân vẫn có hiện tượng đó: cơ chế thứ tự thâm niên chính là nhằm mục đích duy trì sự “bình đẳng chiều dọc”. Những người cùng thế hệ gia nhập công ty thì đều được đồng loạt thăng lên làm trưởng phòng, chẳng hạn. Ðây chính là hai mặt của chủ nghĩa hòa hợp kiểu Shibusawa. Điều đó làm nảy sinh chủ nghĩa cào bằng, theo đó cơ chế đố kỵ sẽ hình thành. Mặc dù xã hội mà Shibusawa cố công tạo dựng đã không hoàn toàn trở thành hiện thực, nhưng điều đáng trân trọng là ông đã miệt mài đi tìm chân trời mới, kiên trì suy nghĩ và hành động dù phải trải qua nhiều thất vọng, đôi khi phải đối mặt sự chống đối gay gắt. Nhưng sẽ chẳng thể có một cuộc duy tân thành công thời Minh Trị, một cường quốc Nhật Bản như ngày nay nếu xưa kia thiếu vắng đi những con người dám đương đầu và chủ động dấn thân như Shibusawa Eiichi, dù cho xét trên quan điểm ngày nay, những người như ông hẳn có những điều hạn chế. ■ Peter Drucker - một nhà tư vấn về quản trị kinh tế tư nhân, tác giả của nhiều đầu sách bán chạy về kinh doanh - nói về Shibusawa: “Bản thân Shibusawa, trong suốt gần 50 năm, đã hoạt động như một “trung tâm phát triển quản trị” một cách không chính thức và không được trả công. Ông đã tư vấn và hướng dẫn hàng trăm công chức, doanh nhân và nhà quản trị trẻ. Ông đã tổ chức một cách không mệt mỏi những chương trình đào tạo và câu lạc bộ quản trị, chủ xướng các khóa huấn luyện, hội thảo và nhóm thảo luận đủ các loại hình”. Tags: Thực nghiệpMinh TrịShibusawa EiichiChủ nghĩa tư bản NhậtDoanh nhân Nhật
Cảnh sát giao thông có quyền trấn áp người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh HỒNG QUANG 23/11/2024 Theo thông tư mới của Bộ Công an, khi lái xe không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, bỏ chạy, xúi giục lôi kéo người khác cản trở người thi hành công vụ, cảnh sát giao thông có quyền giải thích, trấn áp người vi phạm đó.
2 cô gái trang điểm bị gia đình chú rể lục vali, yêu cầu cởi đồ vì nghi lấy 20 triệu HOÀI THƯƠNG 23/11/2024 Hai cô gái chuyên trang điểm cho cô dâu bị một gia đình chú rể ở Tiền Giang giữ lại để lục vali, đồ đạc và yêu cầu cởi đồ để lục soát chỉ vì bị mất 20 triệu đồng, khiến nhiều người bức xúc.
Virus H5N1 liên tục đột biến, nguy cơ lây lan nhanh ở người UYÊN PHƯƠNG 23/11/2024 Sau khi phát hiện một ca nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 đột biến ở thành phố Vancouver, Canada, các nhà khoa học lo ngại virus cúm này có thể lây lan nhanh hơn ở người.
Mỹ nghi Triều Tiên sắp thử hạt nhân, ông Trump nhắc tên ông Kim Jong Un THANH BÌNH 23/11/2024 Ông Trump nhắc tên lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khi thông báo đề cử nhân sự mới, giữa lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.