Từ đồng hồ Thụy Sĩ đến Lời người man di hiện đại

VŨ THÁI HÀ 15/01/2014 23:01 GMT+7

TTCT - Với người Việt Nam thì Thụy Sĩ gắn liền với đồng hồ: “Chính xác như đồng hồ Thụy Sĩ!”. Gần đây ta biết đến Thụy Sĩ như là quốc gia của ngành ngân hàng và tài chính.

Khắp nơi, người ta nhắc đến “swissmade” như một biểu tượng của chất lượng và sự tinh tế, không chỉ cho đồng hồ hay ngân hàng, mà dường như cho tất cả mọi thứ. Thương hiệu Thụy Sĩ có một định vị rất vững vàng.

1. Quyển Swissmade (tạm dịch: Được làm ở Thụy Sĩ) (1) - Chuyện chưa từng được kể về những thành công phi thường của đất nước Thụy Sĩ (R. James Breiding) cho chúng ta biết nhờ đâu Thụy Sĩ có được ngày hôm nay.

“Đã từng là một đất nước nghèo đói và nhỏ bé”, hẻo lánh, không có tài nguyên khoáng sản, phần lớn đất đai kém màu mỡ, suốt thời Trung cổ Thụy Sĩ chỉ xuất khẩu được lính đánh thuê sang các quốc gia khác ở châu Âu, các gia đình nghèo khó vào thời đó chỉ có thể gửi con cái đến làm nô bộc cho các gia tộc giàu có ở Đức và nhiều nơi khác.

Với khởi đầu như vậy, bằng cách nào Thụy Sĩ đã trở thành một quốc gia thịnh vượng và là biểu tượng đối với cả thế giới?

Sở hữu một vị trí địa lý chiến lược, nằm trên cung đường thông thương giữa Bắc Âu và Nam Âu, Thụy Sĩ trở thành mục tiêu thôn tính của các cường quốc xung quanh và cũng làm cho quốc gia này trở thành một quốc gia với “ngôn ngữ, văn hóa, thể chế chính trị và tín ngưỡng hỗn tạp”.

Trong bối cảnh đó, “Thụy Sĩ đã tìm ra cách chung sống trong hòa bình trước sự đố kỵ của nhiều nước, họ phải nỗ lực suốt hai thế kỷ mới có thể tự cách ly khỏi những mối xung đột của thế giới nhằm bảo toàn độc lập, tự do và vun đắp nên nền móng cho một tương lai công nghiệp rực rỡ”.

Swissmade cho chúng ta biết ba nhân tố làm nên thành công của họ: cá nhân, việc tổ chức kinh doanh ở các công ty, và chính quyền.

Thụy Sĩ là miền đất hứa cho dân nhập cư. Cho đến nay, gần một phần ba dân số Thụy Sĩ là từ xứ khác tới. Tầng lớp doanh nhân ở Thụy Sĩ cũng vậy, họ đến từ khắp nơi trên thế giới. Gốc gác khác nhau, “đường lối vô cùng đa dạng”, nhưng “họ đều chia sẻ những giá trị chung” và “tăng trưởng của họ là thành quả từ nỗ lực cải thiện chất lượng cuộc sống”.

Phải chăng chính sự đa dạng về văn hóa và chủng tộc của đội ngũ doanh nhân đã tạo cho Thụy Sĩ một dòng chảy chất xám khỏe mạnh, mang theo nó năng lực kinh doanh làm nên tiềm lực công nghiệp phi thường? Chất lượng chuyên môn vượt trội của nhân công Thụy Sĩ là kết quả của hệ thống giáo dục đặt trọng tâm vào đào tạo hướng nghiệp song song với giáo dục đại học. “Những công dân có nền tảng hướng nghiệp tốt […] ý thức được phẩm giá từ chính bản thân và hành động của họ”.

Không chỉ được đánh giá rất cao về phẩm chất đạo đức kinh doanh, các doanh nhân và tập đoàn của Thụy Sĩ luôn nhận được sự ưu ái khi họ tiến hành các thương vụ mua lại, bởi họ luôn tôn trọng quyền độc lập và tự chủ của các công ty được họ mua, nhờ thế một loạt tập đoàn và thương hiệu lớn đã lần lượt đổi sang quốc tịch Thụy Sĩ: ABB (điện, tự động hóa), Novartis (hóa dược) và một loạt thương hiệu tỉ đô khác của Nestlé, là vài ví dụ điển hình.

Cơ cấu chính quyền ở Thụy Sĩ tuân theo ba nguyên tắc chủ chốt: (1) hoài nghi các tập đoàn lớn, ưu ái các công ty nhỏ; (2) giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí quản lý và giữ thuế suất ở mức thấp nhất; và (3) tôn trọng quyền tự do của công dân. “Chính phủ sẽ đảm bảo an ninh, trật tự và công lý trên toàn lãnh thổ, nhằm đổi lấy sự ủng hộ của quần chúng”.

“Chính sách trung lập của Thụy Sĩ đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước”, nhờ đó Thụy Sĩ thu hút chất xám và nguồn lực tài chính từ các quốc gia khác khi có chiến tranh và xung đột ở châu Âu, nhất là từ các làn sóng nhập cư của các tín đồ Tin Lành và Do Thái; hơn nữa, cũng nhờ trung lập, đất nước lại không bị tàn phá.

Một chi tiết rất thú vị được tác giả của Swissmade nhắc đến: khả năng bảo mật làm nên uy tín của các ngân hàng Thụy Sĩ bắt nguồn từ các quy chế nhằm bảo vệ những người Tin Lành và Do Thái tị nạn tại đây.

Swissmade bắt đầu với bài học thành công của các công ty và ngành công nghiệp của Thụy Sĩ, từ câu chuyện về sữa và các chế phẩm từ sữa với thành công của “Emmental” - thương hiệu phomát Thụy Sĩ trở thành thương hiệu toàn cầu đầu tiên từ đầu thế kỷ 19 - đến những biến cố đình đám của ngành công nghiệp đồng hồ - biểu tượng ổn định cho sự chính xác và tinh tế.

Đơn cử như sự ra đời của các bộ dao động thạch anh vào đầu những năm 1970 đã đánh một đòn trí mạng vào ngành công nghiệp này: để chế tạo ra một chiếc đồng hồ chạy chính xác, người ta không cần đến các kỹ thuật chế tác tinh xảo như người Thụy Sĩ đã từng làm!

Phải mất hơn mười năm người Thụy Sĩ mới khôi phục được vị thế vốn có cho ngành sản xuất đồng hồ bằng một loạt cách tân trong thiết kế, sản xuất và marketing. Trải suốt hơn mười ngành công nghiệp, cũng là chừng đó câu chuyện, Swissmade đưa ta qua hết những gập ghềnh mà người Thụy Sĩ đã phải vượt qua để giữ vững vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

2. Câu chuyện từ Swissmade có ích gì cho chúng ta hôm nay? Để tìm ra sự tương đồng giữa Thụy Sĩ và Việt Nam là một việc khó khăn, bởi sự khác biệt tự nhiên giữa hai quốc gia. Dù vậy, việc so sánh với cái “khác” luôn hun đúc sự phản tỉnh.

Vừa kịp lúc, vô tình hay hữu ý, ta có Thần, người và đất Việt (2) của nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường được tái bản ở Việt Nam gần như đồng thời với tập đầu tiên trong bộ sách Lời người Man di hiện đại với chủ đề “Phong tục và thiết chế của người An-nam” (3) - bộ sách dự kiến giới thiệu toàn bộ trước tác trong sự nghiệp đồ sộ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

Tạ Chí Đại Trường dẫn dắt người đọc trên một hành trình dài theo lịch sử Việt Nam để cùng “tìm lại những khuôn mặt của thần linh được hình thành trong từng giai đoạn khác nhau của lịch sử”. Bằng những khám phá tinh tế và công phu, tác phẩm “nghiên cứu khoa học nghiêm túc” này - theo lời nhà sử học Dương Trung Quốc - cho chúng ta một cái nhìn bao quát về văn hóa Việt Nam từ góc nhìn của tín ngưỡng dân gian.

Xa hơn nữa là giềng mối của các thiết chế xã hội Việt Nam cổ truyền gắn bó chặt chẽ với tín ngưỡng dân gian, nơi mà các diễn tiến trong tiến trình lịch sử của đất nước chịu chi phối của các giềng mối đó một cách tự nhiên. Chẳng hạn, Tạ Chí Đại Trường cho rằng ngôi đình vốn lập ra để thờ Phật và làm phúc, cho những kẻ lỡ độ đường trú ngụ, sau đó thì các “hậu thần” đã chiếm đình của Phật, và “việc lập đình không phải là việc làm phúc nữa mà trở thành một cách làm ăn có lời”.

Vua Lê Thánh Tông vào năm 1496 đã có lệnh giao cho làng quản lý đình, để từ đó “đưa đến sự phát triển của một cơ cấu thần linh làng xã, tạo ra một tâm lý ý thức riêng biệt của xã hội Việt Nam”.

3. Trong “Phong tục và thiết chế của người An-nam”, Nguyễn Văn Vĩnh đi từ việc giải thích thế nào là thôn, làng, giáp, ngõ cho đến phân tích và phê bình các tín ngưỡng trong gia đình và ngoài cộng đồng thôn, làng, giáp, ngõ - cùng với các tập quán cố cựu bên trong nó - chính là các thiết chế cơ sở của xã hội nông thôn Việt Nam.

“Tham vọng lớn nhất của dân làng là có được vai vế để có được một chỗ ngồi tại các dịp lễ hội, và để được ăn, uống”. Đình làng chính là chỗ để cho người ta phô bày “tham vọng” và quan điểm sống. “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Mọi chuyện xoay quanh cái đình làng nửa tín ngưỡng, nửa thế tục, nửa cho cộng đồng, nửa để cai trị. Xuyên suốt lịch sử, thần với người đã là một thể cộng sinh trên đất này.

Gustave Le Bon trong quyển Tâm lý học dân tộc (Psychology of Peoples) cho rằng: “Loài người luôn luôn bám chặt một cách liều mạng vào những ý tưởng đã chết và vào những thần linh đã chết”. Câu hỏi mở ra cùng với trang sách vừa khép lại: những ý tưởng và thần linh nào cần phải được rời bỏ vĩnh viễn để chúng ta có quyền hi vọng vào một Vietnam-made ngày mai?

(1): Lê Trung Hoàng Tuyến dịch (NXB Lao Động - Xã Hội và Alphabooks).

(2): NXB Tri Thức và Công ty Nhã Nam.

(3): Nguyễn Lân Bình & Nguyễn Lân Thắng chủ biên, Phạm Toàn, Hoàng Hưng dịch (NXB Tri Thức).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận