Từ một vụ cúp điện ở Philippines

YÊN LAM 04/06/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Các nước Đông Nam Á có thể rút ra nhiều bài học tham khảo từ sự chuẩn bị và tiến độ thực hiện tiêm ngừa COVID-19 trên toàn quốc của Philippines.

 
 Vaccine Sinovac của Trung Quốc nhập về Philippines. Ảnh: Reuters

Carlito Galvez Jr., người đứng đầu chương trình tiêm ngừa COVID-19 của Philippines, tự tin rằng quốc gia này đã có sẵn cơ sở vật chất trữ lạnh vaccine “đẳng cấp thế giới”, sẵn sàng xử lý các lô vaccine thuộc nhiều hãng khác nhau sau nhập khẩu.

Phát biểu được đưa ra khi Galvez cùng các quan chức chính phủ đón lô hàng gồm 15.000 liều vaccine Sputnik V vừa từ Nga hạ cánh xuống sân bay quốc tế Ninoy Aquino (cách thủ đô Manila 10km) hôm 1-5.

Chính phủ Philippines tận dụng các kho trữ lạnh và hệ thống giao nhận của Công ty logistics độc lập PharmaServ Express cho chiến dịch triển khai vaccine COVID-19. PharmaServ Express sẽ chuyển số vaccine này từ sân bay về kho trữ lạnh của mình, từ đó tiếp tục chuyển đến các trung tâm tiêm chủng khác nhau ở Philippines.

Theo tạp chí Nikkei Asia, tính đến ngày 20-5, Philippines đã nắm trong tay tổng cộng 8,2 triệu liều vaccine, trong đó nhiều nhất là Sinovac của Trung Quốc (5,5 triệu liều). Ngoài ra còn có hơn 2 triệu liều AstraZeneca và 193.000 liều từ Pfizer (nhập thông qua sáng kiến COVAX), cùng với 30.000 liều Sputnik V. PharmaServ Express có đủ năng lực để đáp ứng yêu cầu về nhiệt độ lưu trữ rất khác nhau của cả 3 loại vaccine nói trên.

Trong giai đoạn hiện tại, Philippines (dân số 109 triệu người) ưu tiên tiêm cho nhân viên y tế, người trên 59 tuổi và người có nhiều bệnh nền. Philippines vừa có ngày tiêm chủng kỷ lục hôm 20-5, với 229.769 mũi vaccine được chích, nâng con số tổng cộng toàn quốc lên hơn 3,71 triệu liều kể từ khi triển khai vào tháng 3.

Số lượng được tiêm vẫn còn thấp, và dù chính phủ cho thấy đã chuẩn bị kỹ cho chiến dịch tiêm chủng quốc gia, thực tế luôn mang đến các bài học đắt giá từ những sự cố bất ngờ. Chẳng hạn vụ cúp điện khiến 348 liều vaccine Sinovac phải bỏ đi vì nằm trong tủ đông không có điện suốt 2 ngày liền ở thành phố Makilala (tỉnh Cotabato).

Theo Inquirer.net, số vaccine trên được trữ trong tủ đông của cơ quan y tế thành phố, dành để tiêm cho người lớn tuổi. Khi cúp điện vào trưa thứ sáu 7-5, các nhân viên đã chuyển chúng sang tủ đông ở sở cảnh sát, nơi có máy phát điện.

Đến cuối ngày, có điện trở lại, sở cảnh sát tắt máy phát điện nhưng quên chuyển tủ đông vào lại thành nguồn điện thông thường. Suốt hai ngày cuối tuần sau đó, chỗ vaccine quý giá nằm yên trong tủ đông không điện mà không ai hay biết. Các nhân viên y tế chỉ “nhớ ra” vào sáng đầu tuần 10-5.

Vụ việc buộc giới chức y tế Philippines phải lên tiếng, yêu cầu thắt chặt khâu giám sát việc lưu trữ và sử dụng vaccine để tránh lãng phí. Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire yêu cầu giám sát nhiệt độ trữ vaccine không chỉ một lần/ngày mà phải “cứ sau mỗi 4 giờ”, và phải làm 24/24.

Bộ Y tế Philippines từ tháng 1-2021 đã ban hành hướng dẫn chi tiết về việc triển khai vaccine COVID-19 trong nước. Theo đó, sau khi nhập về, vaccine sẽ được trữ trong kho của Bộ Y tế hoặc kho của các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần bên thứ 3, tùy thuộc yêu cầu về nhiệt độ bảo quản. Từ các kho này, vaccine sẽ được triển khai đến các cơ quan y tế thành phố và tỉnh, các đơn vị y tế khu vực, các bệnh viện và điểm tiêm chủng được chỉ định.

Theo trang Rappler, tính đến ngày 1-4, Philippines đã có ít nhất 3.850 điểm tiêm chủng cố định trên toàn quốc, bao gồm trung tâm y tế công/tư, bệnh viện, trạm xá, phòng khám và các cơ sở chính phủ khác. Khi cần, những địa điểm khác như sân trường, nhà thi đấu thể thao và trung tâm cộng đồng có thể được trưng dụng.

Hướng dẫn của Bộ Y tế nước này cũng quy định rõ mỗi điểm tiêm chủng phải có tối thiểu 3 nhóm phụ trách tiêm, mỗi nhóm gồm 6 thành viên gồm bác sĩ/y tá/nữ hộ sinh, tình nguyện viên là giáo viên/nhân viên công tác xã hội/sinh viên y khoa, và nhân viên y tế, đảm trách các khâu khám, phổ biến thông tin, tiêm, theo dõi sau tiêm. Riêng phần tiêm phải do bác sĩ/y tá/nữ hộ sinh thuộc cơ sở do Bộ Y tế quản lý thực hiện. Ngoài ra, cứ 3 nhóm tiêm thì phải có 1 nhóm giám sát độc lập. Mỗi điểm đặt mục tiêu tiêm được cho ít nhất 100 người mỗi ngày.

Với tổng lượng vaccine cần có là hơn 200 triệu liều vaccine COVID-19 cho toàn dân, Philippines cần đến 50.000 nhân viên y tế đủ thẩm quyền để thực hiện mũi tiêm tại các thành phố trọng yếu.

Ông Galvez từng thừa nhận trong một cuộc họp với Tổng thống Rodrigo Duterte rằng đây là một thách thức lớn, nhất là khi các bác sĩ và y tá vẫn phải điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đã nhập viện. ■

Ngày 20-5, Bộ Nội vụ Philippines yêu cầu tất cả các cơ quan chính phủ không được thông báo tên của loại vaccine ngừa COVID-19 tại các điểm tiêm, sau khi có hiện tượng “bên trọng bên khinh” giữa 3 loại vaccine đang được Philippines triển khai tiêm.

Giữa tháng 5, hàng trăm người đã kéo đến các điểm tiêm chủng ở khu Metro Manila khi biết tin vaccine Pfizer sẽ được chích tại đây. Dù không đăng ký tiêm trước, các đám đông vẫn xếp thành hàng dài và không tuân thủ các biện pháp giãn cách, theo truyền thông trong nước. “Khi nghe có vaccine Pfizer, ai cũng muốn được tiêm Pfizer” - Thứ trưởng Y tế Myrna Cabotaje thừa nhận.

Bộ Y tế Philippines cũng nhân dịp này nhắc lại thông điệp kêu gọi công chúng tiêm bất cứ loại vaccine nào đang được triển khai, do lẽ “vaccine có để tiêm chính là loại vaccine tốt nhất”. Giới chức y tế lo ngại tâm lý phân biệt nhãn hiệu sẽ làm trầm trọng thêm xu hướng do dự tiêm vaccine, vốn có thể khiến Philippines không đạt mục tiêu tiêm cho một nửa dân số trong năm nay để khôi phục kinh tế, theo Nikkei Asia.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận