Tư nhân hóa và “xã hội hóa” bạo lực

DUY VĂN 21/08/2016 16:08 GMT+7

TTCT- Đọc báo cáo với cái tên rút gọn rất Mỹ “JOE 2035”, người ta không khỏi liên tưởng tới bộ phim Biệt đội cảm tử vừa được Hollywood đồng loạt cho ra rạp cuối tuần trước. Một thế giới được cứu rỗi bởi những cá nhân quái đản và bạo lực. “JOE 2035” nói gì về thế giới sau hai thập niên nữa?

Những mối đe dọa của tương lai không chỉ là súng đạn và tên lửa -emaze.com
Những mối đe dọa của tương lai không chỉ là súng đạn và tên lửa -emaze.com


Báo cáo JOE 2035 (Joint Operations Environment - The Joint Force in a contested and disordered world, tạm dịch là “Môi trường hành động chung - Liên quân trong một thế giới tranh chấp và rối loạn”) do Bộ chỉ huy tham mưu liên quân Hoa Kỳ tổ chức soạn thảo và công bố ngày 14-7-2016.

Mục tiêu của báo cáo, như được ghi rõ, để đánh giá và chuẩn bị bảo vệ Hoa Kỳ cùng các đồng minh và lợi ích của mình trên thế giới đến năm 2035.

Những đối thủ mới?

Thế giới đến năm 2035 trong JOE sẽ bị đe dọa bởi hai nhóm thách thức khác nhau nhưng lại có quan hệ mật thiết với nhau.

Nhóm thách thức đầu tiên là contested norms - những quy chuẩn tranh chấp, khi những quốc gia chống Mỹ hoặc các nhân tố phi quốc gia gia tăng tiềm lực quân sự, sử dụng bạo lực để thiết lập trật tự thế giới không thích hợp với Hoa Kỳ và lợi ích của nước này.

Nhóm thách thức thứ hai là persistent disorder - bất ổn liên tục, khi một số quốc gia kém phát triển không có khả năng duy trì trật tự ổn định trong nước và quản trị tốt. Hai nhóm thách thức này sẽ gây tác hại lên tình hình an ninh thế giới, điều “nhìn chung tuy có lợi cho Hoa Kỳ nhưng ở một mức độ nào đó không đáp ứng lợi ích của Hoa Kỳ (!)”.

Sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong việc thiết lập các quy tắc quốc tế cùng tồn tại, và tình trạng hỗn loạn ở quy mô khu vực ngày càng tăng - thường đan xen và trở thành nguyên nhân của xung đột quân sự.

Từ nay đến năm 2035, theo JOE 2035, những tiêu chuẩn và quy tắc trong hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại sẽ luôn chịu sức ép. Trong một thế giới “không có một chính quyền duy nhất, luật lệ chỉ có hiệu lực khi một số quốc gia tuân thủ và tạo điều kiện củng cố chúng”.

Tuy nhiên, trong tương lai, “các quốc gia sở hữu sức mạnh ngày càng tăng sẽ không thỏa mãn với trật tự hiện hành của các định chế thế giới. Hơn thế nữa, họ sẽ gia tăng ảnh hưởng chính trị và tiềm lực kinh tế, phương hại đến lợi ích Hoa Kỳ cùng những đồng minh và đối tác.

Một số cường quốc sẽ muốn tách khỏi những quy chuẩn quốc tế hiện hành và hình thành một không gian chính trị cần thiết để tạo ra đe dọa các láng giềng, buộc họ phải hành động theo lợi ích của những cường quốc này”. (Báo cáo nêu các quốc gia này là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil, Iran).

Ngoài ra, JOE 2035 còn lưu ý về việc xuất hiện những định chế đối trọng làm thay đổi trật tự quốc tế hiện hữu, chẳng hạn Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), với một nửa dân số thế giới, 35% GDP toàn cầu và sản xuất 20% trữ lượng dầu thế giới.

Trong số những thách thức kiểu này mà Hoa Kỳ phải đối mặt còn có tranh chấp ở một số vấn đề về luật quốc tế như bản chất của EEZ (vùng đặc quyền kinh tế) hay ADIZ (vùng nhận dạng phòng không), hay việc sử dụng vũ trụ hoặc không gian mạng cho các mục tiêu kinh tế hay quân sự...

Đô thị hóa mạnh mẽ trong hai thập niên tới sẽ khiến 60% dân số đến năm 2035 sống ở các thành phố lớn, ngày càng gần biển. Những vấn đề do đô thị hóa tạo ra sẽ dẫn tới việc gia tăng xung đột tư tưởng, xuất phát từ những xu hướng được nêu như sau trong JOE 2035:

1/ Suy giảm vai trò pháp lý của thẩm quyền quốc gia (nạn tham nhũng và áp lực quốc tế khiến các nhà nước không còn được nhiều công dân nước mình ủng hộ, sự thiếu công bằng giữa những chính quyền thịnh vượng với những công dân bị toàn cầu hóa làm mất nơi ăn chốn ở và việc làm sẽ dẫn tới xung đột);

2/ Gia tăng hình thành các nhóm có chung quan tâm và lợi ích, công nghệ phát triển càng giúp các nhóm này dễ tập hợp và cơ động hơn; 3/ Gia tăng phân cực về tư tưởng.

Bạo lực không còn là độc quyền nhà nước

Từ những xu hướng này mà hai thập niên tới, theo Lầu Năm Góc, thế giới sẽ hình thành những “trung tâm đối trọng với giới cầm quyền” (alternative hubs of authority).

Theo đó, thẩm quyền sẽ tiếp tục được chuyển khỏi thế giới tập trung vào nhà nước sang một thế giới nhiều cấp độ, nhiều nút thắt, được xác định bằng việc cạnh tranh và gây ảnh hưởng giữa các định chế khác nhau, các nhóm cũng như các cá nhân.

Và cho đến năm 2035, các kiểu và cấp độ của quyền lực kinh tế, thông tin, tư tưởng sẽ được thực thi bởi các nhân tố phi quốc gia, chẳng hạn như các tổ chức phi chính phủ, các công ty tư nhân, các nhóm cực đoan, hay thậm chí các cá nhân quyền lực bao gồm những ngôi sao của công chúng hay những tỉ phú.

Những cơ chế quản trị chính thức, nhà nước sẽ dần bớt hiệu quả trong lúc những mạng lưới không chính thức sẽ ngày càng tăng sức mạnh.

Bởi đó mà nhà nước, theo JOE 2035, sẽ khó mà tiếp tục “độc quyền sử dụng vũ lực”. Các nhóm tư nhân, phi nhà nước, trong điều kiện thiếu một nhà nước thẩm quyền mạnh mẽ, sẽ sử dụng bạo lực khi cần tăng cường vị thế chính trị, xã hội, tư tưởng, hay chỉ vì lợi ích kinh tế.

Các nhóm nhỏ, thậm chí một cá nhân, cũng có thể có gây ảnh hưởng khổng lồ bằng cách giật dây một hệ thống mạng lưới mà họ đã hình thành và từ lâu thao túng.

Bạo lực sẽ được tư nhân hóa xuất phát từ những xu hướng sau: 1/ Những đối thủ linh hoạt, dễ thích ứng, có thể là các tổ chức khủng bố, sử dụng những công nghệ rẻ tiền dễ tiếp cận như mạng xã hội, điện thoại thông minh, máy in 3D, các hệ thống robot và nặc danh, để làm suy giảm và thậm chí đánh bại các hệ thống của Hoa Kỳ.

2/ Công nghệ và năng lực chế tạo gia tăng ở các khu vực đô thị sẽ khiến tăng năng lực tình báo, do thám, thậm chí khả năng tấn công của những thiết bị như thiết bị bay có điều khiển từ máy in 3D đơn giản đến những IED (hệ thống điều khiển tích hợp) phức tạp hơn.

3/ Vũ khí hóa của công nghệ thương mại: JOE 2035 dự báo sau hai thập niên nữa, một số lớn người sẽ kết nối lại với nhau và bắt đầu hưởng lợi từ những công nghệ di động. Nhờ công nghệ tiên tiến từ điện toán hóa, việc thu nhỏ kích thước và số hóa, các đối thủ tiềm năng của Hoa Kỳ sẽ tiếp cận dễ dàng hơn với những vũ khí phức tạp mà không cần những người dùng giỏi giang biết khai thác hiệu quả những công nghệ này.

Báo cáo nêu ra vài thí dụ để người đọc dễ hình dung: một nhóm các tổ chức khủng bố hay các cá nhân có thể sử dụng đòn bẩy là điện thoại thông minh và mạng lưới hệ thống để phát đi những tuyên truyền đời thật trên mạng xã hội, tô vẽ liên quân như một đội quân xấu xí và nhấn mạnh những chi tiết bất công, định kiến, hay thậm chí các nhóm này có thể sử dụng thiết bị không người lái tấn công, gây tổn thất lớn cho liên quân.

“Biệt đội” 2035

Những mối đe dọa JOE 2035 vẽ ra khá mới so với các nguy cơ truyền thống của thế kỷ 20. Vì thế mà bộ phim Biệt đội tử thần của David Ayer, với một nhóm các cá nhân được kết nối có thể làm mưa làm gió nhờ công nghệ mới và siêu năng lực, lại phần nào phản ánh đúng mối lo của Lầu Năm Góc trong một thế giới “đang ngày càng trở nên tranh chấp và hỗn loạn”.

Lẽ dĩ nhiên, thế giới thực không có những nàng điên như Harley Quinn hay xạ thủ kỳ tài Deadshot, không có Joker lẫn Diablo; nhưng việc hình thành những “biệt đội” cơ động, không theo một quy ước nào, là điều đã được JOE 2035 dự báo nghiêm túc!

Cụ thể, báo cáo đề nghị một trong những phương thức hợp tác để đối phó với những hiểm họa 2035 cho Hoa Kỳ và đồng minh là “thiết kế nguồn mở” (open source design). Báo cáo đề nghị phải củng cố những liên minh Hoa Kỳ đã có hiện nay, đồng thời thành lập những nhóm mới, liên minh mới với hình dung rõ rệt về mục tiêu, hoạt động và nhiệm vụ của đối phương.

Nhiều biện pháp công nghệ, kỹ thuật đã được chia sẻ tỉ mỉ trong báo cáo, với sáu điều kiện dẫn tới xung đột tương lai mà liên quân Hoa Kỳ phải đối phó:

1/ Tranh chấp tư tưởng bằng vũ lực: những hệ thống với bản sắc khác nhau tuyên truyền và thúc đẩy những tư tưởng không thể chấp nhận được bằng bạo lực. Các ví dụ là IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng) hay Al Qaeda.

2/ Chủ quyền và lãnh thổ Hoa Kỳ bị đe dọa: những “đối thủ tiềm năng” là Nga (với tên lửa liên lục địa), Trung Quốc (với sự lớn mạnh về kinh tế và vị thế cường quốc khu vực và quốc tế, sẽ khiến nước này có thể đưa ra học thuyết hạt nhân mới), CHDCND Triều Tiên (đe dọa các trọng điểm then chốt của Hoa Kỳ), một số các nhóm phi quốc gia hoặc xuyên quốc gia khác...

3/ Cân bằng địa chính trị đối kháng: JOE 2035 cho rằng trong hai thập niên tới, Hoa Kỳ tiếp tục là cường quốc hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh này, chiến tranh hoàn toàn có thể nổ ra “khi các đối thủ với tham vọng và quyền lực ngày càng gia tăng hành động để tối đa hóa ảnh hưởng trong khi loại trừ hay làm suy giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ”. Các đối thủ được nêu tên lại là Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.

4/ Tài sản chung toàn cầu bị đe dọa: JOE 2035 nêu rõ: “Sự phồn thịnh của Hoa Kỳ phụ thuộc phần lớn vào khả năng tiếp cận và sử dụng không bị tranh chấp những tài sản chung toàn cầu, trong đó có những vùng “không thuộc về nước nào và do đó cho phép toàn cầu tiếp cận”, trong số này có những vùng biển không thuộc lãnh hải của một quốc gia (thường được xác định là 12 dặm từ đường cơ sở ven biển) và không gian (thường là trong quỹ đạo từ 60 đến 22.300 dặm trên bề mặt Trái đất).

Đặc biệt là quang phổ điện từ - nhất là sự tiếp cận các tín hiệu truyền thông, vị trí, phương hướng, thời gian - phải được coi là một phần của các tài sản chung”.

Báo cáo cho rằng trong hai thập niên tới, Hoa Kỳ sẽ gặp thách thức trong việc sử dụng các tài sản chung này khi “các quốc gia hay một vài tay chơi phi quốc gia thiết lập những luật lệ và quy chuẩn giữa họ với nhau”. Báo cáo cho hay thời gian tới, hải quân Hoa Kỳ sẽ gia tăng tuần tra ở những vùng biển, trong đó có Biển Đông.

5/ Cạnh tranh trên không gian mạng: theo JOE 2035, “không gian mạng bổ sung thêm một chiều kích mới trong môi trường an ninh tương lai...

Nếu lục quân và hải quân bảo vệ hai chiều kích, không quân bảo vệ chiều kích thứ ba, thì không gian điều khiển phân cắt với hàng nghìn tên miền và hàng triệu phương cách, tạo ra những điểm dễ bị tổn thương mà qua đó các hệ thống vũ khí, mạch điện và phần mềm chúng dựa vào, sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp”. Báo cáo đề xuất thành lập “đội tuần tra biên giới không gian mạng” và hỗ trợ các nước an ninh không gian mạng còn yếu.

6/ Những khu vực bị sắp xếp lại: những đất nước, khu vực quản trị yếu kém sẽ là mầm mống của bạo loạn và bất ổn, gây ảnh hưởng tới lợi ích Hoa Kỳ. Trong số những khu vực này JOE 2035 nêu ra Somalia, vùng Sừng châu Phi, và “một số nước nhỏ nằm quanh nước Nga mà Nga có thể sử dụng để mở rộng ảnh hưởng và định hướng lại lợi ích kinh tế và chính trị”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận