Tuần tới sẽ bớt tình trạng cắm trại

LAN ANH - LAM THANH THỰC HIỆN 20/05/2012 17:05 GMT+7

TTCT - Gần một tuần sau phóng sự ảnh được thực hiện, trong khuôn viên Viện Tim mạch vẫn còn vài cái lều, chục cái giường xếp và những gương mặt mỏi mệt.

LTS: Phóng sự ảnh “Cắm trại” trong bệnh viện trên TTCT số ra ngày 13-5 đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc. Chúng tôi đã trở lại Viện Tim mạch quốc gia sáng 15-5.

GS-TS Nguyễn Lân Việt, viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, than vãn: bệnh viện biết, lãnh đạo Bộ Y tế biết tình hình như thế từ lâu rồi, nhưng chẳng làm thế nào được.

Phóng to
GS-TS Nguyễn Lân Việt - Ảnh: Lam Thanh

Trong cuộc trao đổi với TTCT, ông Việt nói: “Những bức ảnh báo đăng, tôi và giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Viện Tim mạch quốc gia trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai - PV) đều thấy, những lúc trời mưa, chúng tôi rất đau khổ, nhưng chúng tôi đang sửa chữa. Đúng ngày 15-5 chúng tôi bắt đầu chuyển lên nhà mới theo kế hoạch từ trước. Ngày 18-5, chúng tôi cũng khánh thành một khoa điều trị theo yêu cầu với 54 giường...”.

* Viện Tim mạch quốc gia đã quá tải từ nhiều năm nay, vì sao tình trạng bệnh nhân nằm ghép, người nhà cắm trại ngoài sân kéo dài như vậy?

- Đây là Viện Tim mạch quốc gia, tiếp nhận những bệnh nhân nặng nhất từ các tuyến. Từ bệnh viện huyện có thể chuyển lên tỉnh, tỉnh chuyển lên trung ương, chứ chúng tôi chuyển đi đâu? Bệnh nhân biết điều trị ở trung ương chi phí cao hơn, đường sá xa xôi nhưng ở đây có thầy thuốc giỏi. Đây là hiệu quả của thương hiệu Viện Tim mạch quốc gia, nhưng hệ lụy là bệnh nhân phải nằm 2-3 người/giường, chứ không đến 5-6 người/giường, nói 5-6 người là hơi thái quá.

Bệnh viện Bạch Mai có khu nhà cho người nhà bệnh nhân gần 300 chỗ, nhưng người nhà không chịu ở. Để người ta nằm ngoài sân thì phản cảm, nhưng không cho nằm thì không nhân văn. Nay lại có cái lều thì bất đắc dĩ người ta mới phải ở đấy, không biết đi đâu cả, tiền cũng hết rồi thì chúng tôi biết làm thế nào? Chúng tôi không dám sử dụng biện pháp mạnh, người ta đi chăm nom người nhà, mà cũng là tạm thời thôi.

* Như ông nói viện vừa hoàn thành khu nhà mới, lại sắp có thêm 54 giường theo yêu cầu. Như vậy sẽ giảm được bao nhiêu phần trăm quá tải, bao giờ hết việc ghép 2-3 bệnh nhân/giường?

- 54 giường với các biện pháp như luân chuyển bệnh nhân nhanh hơn, không được như yêu cầu là khỏi mới cho xuất viện, mà đỡ bệnh, phác đồ có hiệu quả thì chuyển về địa phương, ngoài ra bổ sung chuyên môn cho tuyến dưới cũng là điều chỉnh quá tải. Cái khó là bệnh nhân không muốn về nhà. Có người nói “bác cho em trải nilông em nằm ở đây”. Họ tin tưởng chuyên môn ở đây, đó là thực tế.

Giải pháp là tăng giường thì đã tăng, chúng tôi đang trong quá trình cải tạo nên phải dần dần. Về chỉ đạo tuyến, đi về địa phương cầm tay chỉ việc cho cán bộ y tế địa phương thì chúng tôi thường xuyên làm. Bây giờ còn có hệ thống telemedicine, các bệnh viện vệ tinh của Bạch Mai có ca khó chưa biết chữa trị thế nào thì họ chuyển xét nghiệm, chụp chiếu lên, chúng tôi hỗ trợ chẩn đoán.

Đào tạo bác sĩ là một quá trình dài, không sốt ruột được. Cũng đừng hi vọng cải tạo xong bệnh viện thì hết quá tải, mà phải chờ thêm một thời gian nữa. Chúng tôi chỉ dám nói là cố gắng để giảm quá tải xuống vì chuyển lên đây hầu hết là ca nặng, như suy tim độ 4 thì điều trị nhanh làm sao được.

* Như ông nói đang rất thiếu bác sĩ tim mạch, vậy chiến lược đào tạo cán bộ của viện thế nào?

- Chiến lược có hết, chúng tôi ở đây mỗi năm đào tạo 10 bác sĩ nội trú, 20 thạc sĩ, 3-4 nghiên cứu sinh, ngoài ra còn có các lớp chuyên khoa định hướng tim mạch, đào tạo siêu âm, chụp tim mạch... Đào tạo cho viện và cho cả các địa phương. Nhưng đào tạo bác sĩ tim mạch cần nhiều thời gian, bệnh tim mạch phong phú, nhiều thăm dò, đòi hỏi thời gian đào tạo dài, học ít mà muốn giỏi là không tưởng. Hiện nhu cầu bác sĩ tim mạch rất lớn do số lượng bệnh nhân tăng nhiều.

* Theo giải thích của ông, dường như không có một lộ trình đảm bảo chỗ nằm viện, chỗ lưu trú cho người nhà bệnh nhân?

- Khi sửa chữa bệnh viện, còn ở khu nhà tạm thì chúng tôi tạm chấp nhận như vừa qua. Còn khi lên nhà mới, người nhà bệnh nhân sẽ phải chuyển xuống khu nhà lưu trú (gần 300 chỗ, trong khi Bệnh viện Bạch Mai có 2.000 giường - PV). Bệnh viện cũng quy định giờ vào thăm bệnh nhân, tăng cường lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp để giữ trật tự, tiến tới sửa khu vườn hoa để tăng cường cảnh quan. Tôi hi vọng trong tuần tới sẽ hạn chế tình trạng cắm trại, nằm ghế xếp, nằm ghép vừa qua.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận