Tương lai của đô thị

CHIÊU VĂN 26/07/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Trong đại dịch và giãn cách xã hội, những cảnh tượng như một người tần ngần trước khi bước vào thang máy đã đông, hay ngại ngùng trước một cửa hàng bách hóa đã quá nhiều khách trở nên quen thuộc. Khi tụ tập hết vào một nơi - những siêu đô thị với hàng chục, thậm chí là hàng mấy chục triệu dân, con người tạo ra những rủi ro ngày càng khó kiểm soát, mà đại dịch COVID-19 đã phơi trần tất cả.

Khi nghĩ tới những đô thị lớn trên thế giới, chúng ta có xu hướng coi chúng là những thứ cố định, vĩnh viễn, như núi đồi hay sông suối. Dù các thành phố liên tục thay đổi, có sinh ra, có cả chết đi, những Seoul, Tokyo, Bắc Kinh, Paris, London, New York, với con người của thời hiện đại, tưởng như là điều vĩnh hằng.

 
 Ảnh: Teknion.com

 Dịch bệnh và đô thị

Con người trong quá khứ hẳn cũng nghĩ về các đô thị như Uruk hay Angkor như vậy. 5.000 năm trước, Uruk, thủ đô của các đế quốc Sumer và Babylon, là thành phố vĩ đại nhất thế giới, với dân số ước tính 50.000 - 80.000 người. 

Ngày nay, nó chỉ còn là những hố khai quật khảo cổ trơ trọi giữa sa mạc trên đường từ Baghdad đi Basra, Iraq. Hơn 1.000 năm trước, Angkor cũng là thành phố vĩ đại nhất thế giới. 

Thủ đô của đế quốc Khmer có hơn 1 triệu dân và hệ thống công trình kiến trúc gây choáng ngợp ngay cả với người hiện đại. Ngày nay, nó là một khu du lịch và bảo tồn trong rừng già.

Chúng là lời nhắc nhở đúng lúc rằng đô thị hóa không hề là chuyện nghiễm nhiên. Ở thời điểm hiện tại, có thể nói mà không sợ lỡ lời là hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đều đã hoặc đang trải qua một cuộc tự vấn lương tâm. 

Bấy lâu nay, những New York, London, Seoul, hay Jakarta, New Delhi, Sài Gòn tự hào là nơi quy tụ những người tài giỏi nhất, tạo ra nhiều cơ hội nhất, nuôi sống nhiều người nhất. Nhưng giờ đây, hầu hết đã hiểu thảm cảnh “vuốt mặt không kịp” khi lần lượt rơi vào vòng xoáy của một dịch bệnh đặc biệt hoành hành ở các đô thị lớn, nơi mật độ tập trung vật chủ của con virus tai ác là đông đúc nhất.

Dịch bệnh thật ra đã tàn phá các thành phố suốt lịch sử. Athens cổ đại mất đi vai trò thống trị của nó trong thế giới Hy Lạp cổ đại vì một dịch bệnh. 

Ở Chicago năm 1854, 6% dân số bỏ mạng vì dịch tả. Sự tăng dân số quá nhanh ở thành phố đó là một nguyên nhân quan trọng. 

Đầu những năm 1850, đô thị hiện đông dân thứ 3 ở Mỹ mới có 30.000 dân. Tới cuối thập niên đó, quy mô dân số của nó đã tăng gần gấp 4 lần, lên 112.000 người. Còn hiện giờ, mỗi ngày, dân số đô thị thế giới tăng thêm gần 200.000 người.

Nhưng khoa dịch tễ học và y tế cộng đồng cũng đã ra đời ở các đô thị. Nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh có tính cách khoa học hiện đại đầu tiên được ghi nhận có lẽ là khi bác sĩ John Snow ở London dõi theo sự lây nhiễm bệnh tả trong hệ thống cấp nước của thành phố này vào năm 1854.

Năm đó, dịch tả tái đi tái lại ở thủ đô nước Anh, và Snow ủng hộ giả thuyết lúc đấy ít người tin là bệnh lây qua đường nước, chứ không phải do “không khí hư” theo giải thích chủ lưu. 

Để thử nghiệm giả thuyết của mình, Snow đã xem xét dữ liệu số ca tử vong do bệnh dịch theo phân bổ địa lý và thấy rằng hầu hết những người thiệt mạng sử dụng nước từ cùng một nguồn cung cấp. 

Việc thay thế nguồn cấp nước này, theo kiến nghị của Snow, đã khiến số ca tử vong giảm hẳn. Dù vậy, nguyên nhân bệnh tả vẫn là chủ đề tranh luận trong giới y khoa mãi tới khi vi khuẩn tả được cô lập vào năm 1883.

Giống như nỗ lực y tế công cộng đầu tiên của Snow đó, hầu hết hạ tầng mà ngày nay dân thành phố coi là chuyện nghiễm nhiên - công viên, xe tải thu gom rác, hệ thống cấp và thoát nước, cống ngầm... đều đã ra đời, ngoài việc phục vụ đời sống thị dân, vì lý do đối phó dịch bệnh.

Tương lai vẫn thuộc về các thành phố

Với tất cả những điều xấu xa ở đô thị, bao gồm cả đại dịch lần này - 80% thị dân Mỹ được hỏi nói nếu có lựa chọn, họ muốn sống ở một nơi khác (tương tự là trào lưu bỏ phố về quê hay giấc mơ điền viên gần như có ở mọi người Việt), trên thực tế, thành phố vẫn là những nơi tốt nhất để sống. 

Lấy ví dụ, dân Thượng Hải có tuổi thọ bình quân 83, tức hơn hẳn 10 năm so với đồng hương của họ ở vùng nông thôn.

Ngay cả khi đã điêu đứng vì đại dịch, các thành phố lớn vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính, là sân khấu chủ chốt cho sáng tạo công nghệ và văn hóa, cũng như nơi phát xuất của các sáng kiến môi trường bền vững, ở hầu hết các quốc gia. 

Chỉ có điều sau COVID-19, những siêu đô thị có lẽ phải thay đổi rất nhiều so với trước kia.

Thị trưởng Paris Anne Hidalgo đang nhắm tới quy hoạch một thành phố “15 phút”, ở đó hầu hết mọi nhu cầu thường nhật của người dân có thể được đáp ứng trong khoảng cách 15 phút đi bộ, đạp xe hay sử dụng phương tiện công cộng. 

Trong bối cảnh đi lại bằng phương tiện công cộng cũng giảm vì dịch bệnh (ở New Delhi chẳng hạn, mức giảm là 43%, theo dữ liệu của Google Mobility Report), nhà chức trách Jakarta (Indonesia) và Bogota (Colombia) đã tăng thêm các tuyến đường dành riêng cho xe đạp, đi bộ, đóng bớt đường cho xe hơi, và chuyển đổi các không gian vốn là bãi đậu xe.

Ở Hàn Quốc, chính quyền đã có kế hoạch mua lại các khách sạn và tòa nhà văn phòng đóng cửa suốt một thời gian dài vì đại dịch để chuyển thành nhà ở xã hội. 

Singapore cũng khuyến khích quy hoạch lại các văn phòng và bãi đậu xe cũ - nay gần như bỏ hoang vì dịch bệnh, để làm nhà cho dân và công trình công cộng. Anh thì đang thông qua việc giảm bớt quy định để chuyển đổi công năng từ khu mua sắm thành đất ở. 

Nhiều đô thị khác, bao gồm Sydney và San Francisco, bắt đầu chứng kiến sự nổi lên của “đô thị bánh vòng”, khi khu vực trung tâm trở nên vắng người, và các khu ngoại ô lại tấp nập. Nếu dịch bệnh còn kéo dài, có thể tin rằng những xu hướng đó sẽ còn tiếp tục.

Virus corona có thể được coi như màn dạo đầu, hay lời cảnh báo, về những thảm họa tự nhiên sẽ còn rình rập các đô thị nếu chúng ta vẫn cứ khăng khăng với lối “phát triển” cũ. 

Đây phải được nhìn nhận là cơ hội để chuẩn bị cho không gian đô thị sẵn sàng hơn với những thảm họa tương lai. 

Lấy ví dụ, giảm bớt xe hơi trong thành phố không chỉ làm giảm khí thải gây biến đổi khí hậu, mà còn giúp không khí đỡ ô nhiễm hơn, đồng nghĩa với việc giảm bớt các bệnh đường hô hấp, bao gồm nguy cơ mắc hoặc biến chứng nặng hơn vì COVID-19.

Điều quan trọng ở đây không phải là những ý tưởng cụ thể, mà là nỗ lực chung để thay đổi các đô thị mà chúng ta đang sống, để tư duy lại xem chúng là gì, chúng vận hành như thế nào, và chúng để dành cho ai.

Trang LinkedIn liệt kê 11 sự thay đổi với các thành phố tương lai vì đại dịch, bao gồm việc đi bộ trong thành phố dễ dàng hơn, đường sá dành cho con người (chứ không phải là bãi đậu xe), sự gia tăng các không gian với công năng hỗn hợp, nhiều không gian cho xe đạp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn với thiên nhiên, ít những địa điểm hoành tráng hơn - nhiều không gian địa phương hơn, có không gian riêng tư để giãn cách, Internet trở thành hàng hóa công như điện nước, làm việc ở bất cứ đâu... 

Tất cả đều là những gợi ý đắt giá cho các nhà quy hoạch đô thị hiện giờ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận