Tuyên chiến với Big Tech: Sự chủ động cần thiết

TRƯƠNG TRỌNG HIỂU 23/07/2020 19:07 GMT+7

TTCT - Năm ngoái, khi Hoa Kỳ đưa ra cáo buộc và áp dụng mức phạt lên đến 5 tỉ đôla với những vi phạm về chính sách bảo mật của Facebook, tôi đã tự hỏi rằng: liệu cơ quan cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam có đủ tự tin để đưa ra một quyết định tương tự.

Ảnh: Intheblack.com
Ảnh: Intheblack.com

Bạn có thể nhận thấy rằng trong nhiều năm qua chỉ có Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và một vài nước thành viên EU khác tuyên chiến với các ông lớn công nghệ, đặc biệt là với Facebook và Google. Sự im lặng của Nhật Bản, Hàn Quốc và một vài nền kinh tế lớn khác ở châu Á có thể dễ để chúng ta chấp nhận lập luận rằng Việt Nam vì thế… không - hoặc chưa - đủ sức để ra tay.

Bảo vệ người dùng

Nhưng thực ra, nếu đối chiếu số lượng người dùng và văn hóa dùng Facebook của người Việt, chúng ta sẽ thấy Việt Nam có nhu cầu can thiệp lớn hơn so với nhiều nền kinh tế còn lại của châu Á. Số liệu thống kê của Hootsuite và We Are Social cho thấy ngay tại thời điểm Facebook bị điều tra về chính sách bảo mật “can thiệp”, số lượng người dùng mạng xã hội này ở Việt Nam chiếm vị trí thứ 7 trên thế giới.

Chính sách của Facebook đương nhiên không loại trừ lượng người dùng Việt Nam chiếm đến hơn nửa số dân cả nước. Theo đánh giá của Ủy ban Bảo vệ dữ liệu cá nhân Singapore (PDPC) vào thời điểm đó, số lượng người dùng Facebook ở Việt Nam trực tiếp chịu sự ảnh hưởng của vụ bê bối nhiều thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, sau Philippines và Indonesia.

Điều đáng nói là dù không áp dụng mức phạt chính thức, các quốc gia Đông Nam Á, kể cả Singapore - nước có số lượng người bị ảnh hưởng trực tiếp không nhiều - đều đã tiến hành điều tra, rà soát và yêu cầu Facebook giải trình, cung cấp thông tin.

Đặc biệt, sau đạo luật bảo vệ dữ liệu cá nhân năm 2012, Luật chống tin giả trực tuyến của Singapore cũng không ngại ngần nhắm tới các đại gia công nghệ toàn cầu có sức ảnh hưởng lớn ở quốc gia này.

Ngoài những mức phạt có thể áp dụng với các cá nhân là chủ các tài khoản tung tin giả, chính các hãng Facebook, Google… cũng có thể đối diện với mức phạt 500.000 đôla Singapore cho việc lưu giữ thông tin không đúng sự thật. Khi yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai lệch không được tuân thủ, các nhà mạng có thể đối diện mức phạt lên đến 1 triệu đôla Singapore.

Luật an ninh mạng của Việt Nam cũng có một số quy định về hành vi tương tự, nhưng rõ ràng mức độ tuyên chiến pháp lý trực diện và mạnh mẽ với các đại gia công nghệ còn đang thiếu vắng, chỉ là so với các nước trong khu vực thôi, chứ đừng nói so với Âu - Mỹ.

Một khía cạnh khác là chủ quyền tài chính của quốc gia, thông qua việc thu thuế của nhà nước. Việc buộc các tập đoàn công nghệ có làm ăn trên thực tế, thu lợi, và cung cấp dịch vụ, phải thực hiện nghĩa vụ thuế đã và đang đối diện không ít khó khăn về mặt kỹ thuật và thủ tục, nhưng cũng không thể phủ nhận là cơ quan thuế Việt Nam vẫn còn chút ít dùng dằng.

Việc thu thuế với các hãng cung ứng dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam có vẻ như đã và đang diễn ra trong trạng thái “được là thành công, còn không là do… hoàn cảnh”. Việc thu hồi nợ thuế Uber trầy trật là một ví dụ điển hình.

Ngay cả khi Luật quản lý thuế 2019 được thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 7 vừa rồi thì cánh cửa này vẫn chưa thể mở ra. Cho tới nay vẫn khó tìm được các quy định chuyên biệt nhận diện và tạo nguồn thu vững chắc từ các hoạt động cung ứng dịch vụ rầm rộ của YouTube, Google, Facebook hay ngay cả Airbnb ở Việt Nam. Cách tiếp cận “nội địa” vẫn được duy trì và thể hiện rõ nét ở các văn bản dạng này, dù kinh doanh trực tuyến từng được bàn thảo rất nhiều.

Cách thu thuế chính hiện giờ vẫn là thu thuế nhà thầu. Xét về bản chất, đây là thuế thu nhập doanh nghiệp, và người mua hàng hóa, dịch vụ đang ở trong nước phải đứng ra nộp thay cho bên bán, cung ứng ở nước ngoài khi tiến hành thanh toán.

Bằng cách này, có thể thấy Việt Nam đã ít nhiều nỗ lực trong quản lý dòng tiền, như đặt ra yêu cầu thông qua trung tâm thanh toán quốc gia để tiến hành các hoạt động thanh toán quốc tế.

Nhưng đâu phải mọi khoản tiền chuyển đi từ Việt Nam là khoản thanh toán tiền hàng. Đó là chưa nói thực tế các khoản thanh toán này có thể biến hình đổi dạng thành các loại tiền ảo theo quy ước của các bên giao dịch.

Nhìn ra khu vực

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm ngoái về “Kinh tế số ở Đông Nam Á: Tăng cường nền tảng phát triển tương lai” cũng chỉ ra rằng rút ngắn khoảng cách trong mô thức thu thuế truyền thống với các cơ sở thuế từ hoạt động kinh doanh trực tuyến là một trong những thách thức lớn với các quốc gia Đông Nam Á. Nhưng cũng theo báo cáo, Indonesia đang là quốc gia trong khu vực cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ nhất để tạo dựng và bảo tồn cơ sở thuế mới.

Thông tin mới đây về việc Indonesia tiếp tục quyết định áp thuế VAT với các ông lớn công nghệ Amazon, Google, Netflix, Spotify… là một minh chứng điều nữa. Với sắc thuế riêng chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 8 tới, mức thuế các hãng công nghệ đa quốc gia phải nộp ở Indonesia là 10% khi họ đạt tới một mức doanh thu và lượng người dùng/khách hàng nhất định. Có nghĩa tuy là thuế VAT, nhưng Indonesia vẫn thu dựa vào thu nhập hằng năm của các hãng.

Thực ra, Indonesia đã bắt đầu những nỗ lực thúc đẩy chính sách thuế chặt với hoạt động cung ứng dịch vụ xuyên biên giới của các “ông lớn” từ khoảng hơn 5 năm trước. Từ những cái tên ban đầu là Facebook, Google, cơ quan thuế nước này đã mở rộng ra Twitter, Amazon, Uber, Lazada và Grab vào khoảng 2 năm trước.

Việc chính sách thuế nhắm vào cơ sở mới là các hãng công nghệ cung ứng dịch vụ - sản phẩm xuyên biên giới sẽ trở nên phổ quát và đại trà ở Indonesia, như mọi sắc thuế bình thường khác, do đó đã tạo được nền tảng rõ ràng.

Không phủ nhận Indonesia có chút lợi thế khi có vài hãng công nghệ lớn đặt văn phòng ở quốc gia này, tương tự như Singapore. Tuy nhiên, chính sách thuế chủ yếu vẫn là nhắm đến các công ty đang tồn tại ngoài lãnh thổ, có hoạt động kinh doanh số, dù không mở văn phòng ở nền kinh tế có lượng người dùng thuộc top khu vực Đông Nam Á.

Thương mại số của Indonesia dự báo sẽ cán mốc 133 tỉ đôla vào năm 2025 so với 40 tỉ đôla năm 2019, theo ước tính của Google, Tamasek Holdings và Bain & Compay. Mức tăng trưởng đó cũng báo trước một nguồn thu thuế khổng lồ trong tương lai.

Đáng nói hơn, theo Nikkei Asian Review và nhiều diễn đàn khác, những khoản thu đầu tiên từ các tập đoàn công nghệ đã góp phần giúp Chính phủ Indonesia “vượt cạn” trong mùa khủng hoảng COVID-19.

Ngay cả khi không có được tầm ảnh hưởng hay sức mạnh trừng phạt như các nền kinh tế Mỹ hay EU, Indonesia đã cho thấy họ vẫn có cách không để mất đi một nguồn thu mà xét về bản chất họ có quyền được hưởng.

Đó cũng là cách mà Singapore và Malaysia đang làm: trực tiếp áp thuế tiêu dùng với dịch vụ thương mại điện tử ngay từ đầu năm 2020, với mức thuế suất lần lượt của hai quốc gia là 7% và 6% cho giai đoạn đầu. Philippines và Thái Lan cũng đang có những động thái tương tự, với các dự luật thu thuế thương mại trực tuyến đã được trình cho cơ quan dân biểu để lấy ý kiến.

Ở cả hai nước, mức thuế đề nghị đều là 6%. Mức này được cho là vừa phải để không gây cản trở sự phát triển của ngành thương mại điện tử, đồng thời không gây thất thu ngân sách và góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng.

Với những gì đang diễn ra, có thể thấy thay vì chỉ chọn cách đứng bên lề và chờ đợi trong cả sự phát triển lẫn quản lý nhà nước với nền kinh tế số, nhiều quốc gia có hoàn cảnh khá tương đồng với Việt Nam lúc cần thiết đã biết quyết đoán khi đối diện với những tập đoàn toàn cầu.

Sâu xa hơn, đó là cách mà một nền kinh tế dù nhỏ vẫn không ngừng nỗ lực để có được thế chủ động, để tìm kiếm một vị thế thực sự bình đẳng, ngang hàng, ngay cả trong một cuộc chơi lớn hơn tầm vóc của mình.■

Ngày 14-7, tổng giám đốc Google Sundar Pichai cho biết ông ủng hộ một giải pháp đa phương với vấn đề đánh thuế các dịch vụ kỹ thuật số đang được Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thảo luận.

Theo Reuters, các cuộc thảo luận do OECD khởi xướng có sự tham gia của hơn 100 nước nhằm viết lại quy định thuế toàn cầu để thích nghi với thời đại kinh tế số, nhưng tới nay chưa đạt kết quả thực tế nào và thương lượng bị gián đoạn vì dịch bệnh COVID-19.

Mỹ trong khi đó đã mở điều tra các khoản thuế đánh vào dịch vụ số đang được các nước Pháp, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc với lập luận là các chính sách này phân biệt đối xử với doanh nghiệp Mỹ.

Ông Pichai nói việc xây dựng bộ khung của OECD là quan trọng: “Đây không phải là vấn đề mà một công ty đơn lẻ có thể giải quyết. Chúng tôi muốn ủng hộ cam kết của OECD”. Các nước muốn áp thuế coi đó là cách làm hợp lý bởi các hãng công nghệ thu lợi rất lớn từ thị trường của họ nhưng lại đóng góp rất ít cho ngân sách.

Google và các công ty khác gần đây đã bày tỏ quan ngại việc Ấn Độ áp khoản thuế kỹ thuật số 2%, bao gồm với cả doanh thu quảng cáo kiếm được ở nước ngoài nếu các quảng cáo đó nhắm vào người tiêu dùng ở Ấn Độ, theo Reuters. Như một động thái xoa dịu, ngày 13-7, Google công bố một khoản đầu tư 10 tỉ đôla vào các công ty Ấn Độ trong một giai đoạn 5-7 năm tới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận