TTCT - Năm 2015 bắt đầu với nghiên cứu cho rằng ung thư là chuyện hên xui, xảy ra do đột biến ADN ngẫu nhiên khi tế bào phân chia. Năm 2015 khép lại với một nghiên cứu khác, cho rằng lối sống quyết định khả năng mắc ung thư. Bản năng là số 1 Năm 1925, bác sĩ phẫu thuật người Anh Frederick Pybus đem so sánh phổi của những người sống ở khu vực ô nhiễm Newcastle đầy các cột khói đen kịt với người sống ở vùng quê trong lành Northumbrian. Một bên phổi trong và hồng, bên kia phổi nám đen và đầy khối u. Khỏi cần nói cũng biết ai phổi hồng, ai phổi đen. Pybus miệt mài nghiên cứu suốt đời, tìm ra mối liên hệ giữa ô nhiễm môi trường và ung thư. Nhưng mãi tới năm 2013, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới công nhận chính xác điều bác sĩ này phát hiện: một số chất trong bồ hóng và khói đốt từ dầu diesel có thể gây ung thư. Tại sao thế giới phải mất đến gần 90 năm để thừa nhận một chuyện cũ rích? Một số người cho rằng do thiếu bằng chứng khoa học rõ ràng. Số khác chỉ vào áp lực từ các ông chủ rủng rỉnh tiền trong các ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, dược và nguyên tử - những nhà tài trợ chính cho các công trình nghiên cứu nguyên nhân gây ung thư, cho rằng chính họ đã bưng bít thông tin bất lợi cho họ. Cũng có những người bình luận rằng y khoa bao giờ chả chậm chạp hơn điều mà bản năng ai cũng biết: lối sống chúng ta chọn và môi trường chúng ta sống quyết định sức khỏe của chúng ta. Thực phẩm gây ung thư Giới khoa học “choảng” nhau Một trong những công trình nghiên cứu y khoa được công bố cuối năm 2015 vừa chứng minh hầu hết ca ung thư do lối sống và môi trường gây ra: thực phẩm chúng ta ăn, không khí chúng ta thở, hóa chất chúng ta tiếp xúc, tần suất chúng ta vận động, chỉ số vòng eo của chúng ta... Lại một kết luận “xưa như Trái đất” đến bác nông dân cũng biết, chỉ cần dựa vào bản năng? Thế nên kết luận đó, được đăng tải trên tạp chí Nature sau cuộc nghiên cứu của Đại học Stony Brook (Mỹ), nghe chẳng “kêu” tí nào. Thứ thu hút sự quan tâm hơn nhiều là một công trình của Đại học Johns Hopkins, được công bố từ tháng 1-2015 trên tạp chí Science (Mỹ): đến 2/3 ca ung thư do yếu tố hên xui khi xảy ra đột biến ADN ngẫu nhiên giữa lúc tế bào gốc phân chia. Các nhà nghiên cứu xác định rất rõ: đột biến xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên từ bên trong tế bào, con người chẳng thể can thiệp gì được, kể cả điều chỉnh lối sống. Chỉ 1/3 ca ung thư còn lại do yếu tố bên ngoài (lối sống và môi trường sống) cộng với gen di truyền quyết định, theo Đại học Johns Hopkins. Nhờ công trình hồi đầu năm 2015 của John Hopkins mà kết luận nhàm tai của Đại học Stony Brook lần này đã tạo “sóng”. Giới khoa học đang “choảng” nhau! Ai nắm quyền quyết định? Với những hiểu biết ngày càng sâu rộng hơn và những phương tiện chưa từng có, giới khoa học ngày nay có thể biến những tranh cãi bấy lâu nay rất trừu tượng thành những thứ rất rõ ràng, rất cụ thể. Ngày nay, họ có thể đo lường tỉ mỉ và dựng thành mô hình trên máy tính những đột biến xảy ra khi phân chia tế bào, quan sát kỹ lưỡng sự “bắt rễ” của nhiều loại ung thư khác nhau. Sau đó, từ các dữ liệu bệnh học về tỉ lệ ung thư trên dân chúng, họ có thể tính toán tần suất mắc bệnh. Trong cả cuộc nghiên cứu đầu năm và cuối năm nay, về mặt cơ bản, các nhà khoa học đều sử dụng biện pháp như kể trên. Và tác giả của cuộc nghiên cứu - Đại học Stony Brook - cũng đồng ý mỗi lần trong hàng triệu triệu lần tế bào phân chia trong cơ thể chúng ta đều có thể xảy ra đột biến. Tuy nhiên bằng bốn cách tiếp cận khác nhau, các nhà nghiên cứu Stony Brook phát hiện chính các tác nhân bên ngoài mới tác động mạnh mẽ nhất tới khả năng đột biến, chứ không phải do yếu tố hên xui bên trong tế bào. Sự quyết định của yếu tố bên ngoài lên đến 70-90%. Cá biệt, với một số loại ung thư như tủy xương, phổi và tuyến giáp, sự tác động chủ quan của con người gần như 100%. Thế giới đã mất gần 90 năm để công nhận kết luận của vị bác sĩ phẫu thuật Pybus. Có thể người ta cũng cần ngần ấy thời gian, thậm chí lâu hơn, để xác định ung thư do “bên trong” hay “bên ngoài” gây ra. Trong khi mấy ông khoa học gia còn đang “choảng” nhau, quyền quyết định là của chính bạn. Và dùng bản năng để quyết định xem ra chẳng phải giải pháp tồi!■ Những lời khuyên phổ biến nhất của giới chuyên môn nhằm giảm thiểu nguy cơ ung thư bao gồm: ăn uống cân bằng, tăng rau xanh, giảm thịt đỏ và thực phẩm chế biến sẵn; duy trì cân nặng hợp lý; tích cực vận động; giảm thiểu bia rượu; bỏ thuốc lá; tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, nhất là từ 11g sáng tới 3g chiều; quan sát cơ thể để can thiệp kịp thời... Tags: Ung thư tại aiUng thư tại trờiĂn gì bị ung thư
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Paris, bắt đầu chuyến thăm Pháp DUY LINH 04/10/2024 Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu đã đến Pháp, bắt đầu các hoạt động từ ngày 4-10 với nhiều nội dung quan trọng.
Tin tức thế giới 4-10: Tổng thư ký LHQ được ủng hộ; Triều Tiên tuyên bố dùng vũ khí hạt nhân khi cần BÌNH AN 04/10/2024 Hội đồng Bảo an LHQ ra tuyên bố ủng hộ ông Guterres do Israel cấm nhập cảnh; Bà Melania Trump ủng hộ quyền phá thai, trái ngược với chồng.
Tin tức sáng 4-10: Giá USD ngân hàng bất ngờ bật tăng; 'Ém' loạt giao dịch, một công ty bị phạt nặng TUỔI TRẺ ONLINE 04/10/2024 Một số tin tức đáng chú ý: Lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm ở nhiều kỳ hạn; Xu hướng doanh nghiệp dùng AI tìm nhân sự, sàng lọc hồ sơ xin việc; Chủ tịch một doanh nghiệp nhà nước xin nghỉ sau chưa đầy nửa năm...
Rapper Negav và nhóm chat 3.000 thành viên: Khi nhóm kín không còn kín Đ.Dung 04/10/2024 Vì những phát ngôn tục tĩu, phản cảm, miệt thị, xúc phạm người khác trong nhóm kín, có không ít người phải 'ăn' trái đắng.